Giang Tuyết, tuyệt bút của Liễu Tông Nguyên,



Những ngày này, trước thềm Noel sang năm 2016, các quốc gia phương Bắc đang dày băng tuyết. Ngay Việt Nam, các điểm cao như Sìn Hổ, Ô Quy Hồ (Lai Châu), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Sapa (Lào Cai) cũng có hiện tượng băng giá. Chạnh lòng nhớ đến bài thơ Giang tuyết, một tuyệt bút của Liễu Tông Nguyên (đời Đường)...

Theo sử sách chép lại:

"Liễu Tông Nguyên, người Hà Đông, nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Ông đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ chín (793) đời Đường Đức Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Thời Đường Thuận Tông, tập đoàn Vương Thúc Văn chấp chính, mà Liễu Tông Nguyên là một trong những nhân vật chủ yếu, đã ra sức cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự; như bãi bỏ chế độ cung thị, bỏ chế độ tiến cống, thả cho nữ nhạc trong cung đình về nhà, trừng trị bọn tham quan ô lại và mưu lấy lại binh quyền từ tay các hoạn quan. Thế nhưng, tập đoàn này, chỉ chấp chính được một thời gian rất ngắn, thì bị các thế lực "sắp bị tước mất quyền lợi" chống lại mãnh liệt, nên công cuộc cải cách sớm thất bại thảm hại... Ngay sau đó, Liễu Tông Nguyên bị giáng chức làm Tư mã Vĩnh Châu (nay là Linh Lăng, Hồ Nam). Năm 815, thời Đường Hiến Tông thứ mười, Liễu Tông Nguyên được bổ nhiệm làm Thứ sử Liễu Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Tây) và bốn năm sau (819), ông mất tại đó. Khi ấy, ông chỉ mới 47 tuổi.


Tác phẩm của Liễu Tông Nguyên hiện còn Liễu Hà Đông tập (Tập thơ văn của họ Liễu ở Hà Đông), 45 quyển, trong đó có 2 quyển Cổ kim thi (Thơ cổ kim) gồm khoảng 140 bài. Liễu Tông Nguyên là một nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển văn xuôi của Trung Quốc, nhờ sáng tác của ông đa dạng, hiện thực và sâu rộng. Riêng mảng thơ, đa phần thơ ông thiên về thổ lộ tâm trạng cá nhân trong những ngày bị biếm trích. Tuy có những nét ủy mị, buồn thương nhưng tình cảm thì chân thành, nghệ thuật thì điêu luyện. Bên cạnh đó, vẫn có những bài phê phán hiện thực khá trực tiếp hoặc miêu tả đời sống nhân dân tương đối chân thực "...

Riêng bài thơ Giang tuyết, theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, ý tứ hàm súc, câu chữ chắt lọc. Đây có thể xem như một tuyệt bút của Liễu Tông Nguyên nói riêng và thi ca đời Đường nói chung. Đã có nhiều bản dịch hay, tuy nhiên, không vì thế mà ta ngại, không dám thử sức...




@ Bản chữ Hán:

江雪

千山鳥飛絕,
萬徑人蹤滅。
孤舟簑笠翁,
獨釣寒江雪。

@ Bản âm Hán Việt:

Giang tuyết

Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu thôi lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết,

@ Dịch nghĩa:

Sông tuyết

Giữa non ngàn, bặt bóng chim bay
Trên mọi ngả đường (cũng) bặt dấu người,
Trơ trọi một con thuyền, ông già nón lá áo tơi
Cô độc ngồi thả câu trong tuyết sông lạnh,

@ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

1.
Non ngàn bặt bóng chim bay
Đường xa cũng chẳng mảy may dấu người
Thuyền con - ngư phủ áo tơi
Thả câu sông lạnh giữa trời tuyết sương !

2.
Non ngàn chim trốn biệt
Trên đường không lữ khách
Thuyền nhỏ mình ngư ông
Thả câu giữa sông tuyết,
( Hoa Mai dịch )

Ngàn non bóng chim bặt
Đường xa lữ khách không
Buông câu giữa sông tuyết
Thuyền con độc ngư ông,
( Nguyễn Chu Nhạc dịch )

Chim không bay về núi
Lữ khách ngại đường xa
Thuyền câu một bóng già
Thả hồn vào sông lạnh.
( Sáu Miệt Vườn dịch )

Xa bặt ngàn non bóng nhạn chao
Ngàn dặm tuyệt không lữ khách nào
Sông tuyết chơ vơ thuyền độc mộc
Già câu thinh lặng nón tơi nhàu,
( Phan Lan Hoa dịch )

Non ngàn chim vắng bặt
Không bóng khách qua đường
Mình lão nón tơi tả
Câu gì trong tuyết sương.
( Nguyễn Xuân Thái dịch )

Non ngàn không một bóng chim
mọi nẻo bặt dấu chân người
độc mộc áo tơi đơn chiếc
sông băng lão ngư không lời…
(  Nguyễn Vĩnh Tuyền dịch )

Chim bặt, cảnh non trơ
Mọi nẻo chẳng bóng người
Thuyền lẻ, tơi một mảnh
Sông buốt lặng buông cần,
( Trần Khấu dịch )

Núi ngàn bặt chim bay
Vạn dặm chẳng dấu hài
Thuyền độc câu tuyết giá
Tơi, già... có ai hay?
( Miền Mây Trắng dịch )

Ngàn núi vắng bóng chim
Vạn ngả bặt dấu người
Trơ trọi một ngư lão
Lạnh sông tuyết thả câu,
( Ngô Minh Vương dịch )

Trập trùng núi chẳng chim bay
Phóng xa tầm mắt dấu hài cũng không
Thế mà sót lại mình ông
Áo tơi, cần trúc trên sông tuyết dầy.
( Thu Phong dịch )

Trên không chim không bóng
Mọi chốn không dấu người
Cô đơn chiếc thuyền nhỏ
Trong tuyết lập điếu đài,
( Nguyễn Thế Duyên dịch )

Giữa cả non ngàn, bặt bóng chim bay
Trên mọi ngả đường cũng bặt dấu người,
Trên giải tuyết sông, con thuyền trơ trọi
Ông già thả câu, nón lá áo tơi,

( Nguyễn Vạn An dịch ).

Nhận xét