Kim Lũ y, tác phẩm của nữ sĩ duy nhất đời Đường,


Đến nay, đọc các sách viết về thơ Đường, tôi biết, hầu hết các tác giả-nhà thơ, từ người nổi tiếng đến không nổi tiếng, đều là nam giới, duy nhất có một nữ sĩ, ấy là Đỗ Thu Nương. Và sự nghiệp thi ca của nữ sĩ duy nhất này, cũng chỉ thấy mỗi một bài thơ Kim lũ y (Áo kim tuyến, áo thêu vàng)

Về thân thế Đỗ Thu Nương, có tài liệu chép như sau: "Không rõ năm sinh năm mất. Sinh ở Kim Lăng nay thuộc Trấn Giang tỉnh Giang Tô. Thuở nhỏ nhà nghèo, nhờ có nhan sắc và tài ca múa nên đươc tuyển vào đội ca múa và làm thiếp cho Lý Kỳ (李錡 :740 – 807) từ lúc mới 15 tuổi. Lý Kỳ là dòng dõi tôn thất nhà Đường, làm tiết độ sứ Trấn Hải. Sau Lý Kỳ làm phản và bị giết, Đỗ Thu Nương lại bị đưa vào cung làm nô dịch, nhưng cũng nhờ tài ca múa nên lại được chọn vào đội ca múa cung đình, có dịp biểu diễn cho vua Đường Hiến Tông (778-820) xem. Nhận thấy Đỗ Thu Nương có nhiều tài hoa ( ca múa giỏi, làm thơ hay ), nhà vua rất sủng ái. Không bao lâu, bà được vua cho cải danh là Thu Phi (秋妃). Sống ở trong cung , bà được các đại thần rất kính nể. Thời Đường Mục Tông ( Lý Hằng : 821 – 826 ), bà được làm Cung trung giáo tập và vừa làm bảo mẫu để dạy học cho hoàng tử Lý Thấu (con của Đường Mục Tông). Sau Lý Thấu bị hại, bà thôi ở cung trở về quê quán cho đến khi mất. Về thơ, bà nổi tiếng nhất là bài Kim lũ y "...


Chúng ta biết, chế độ phong kiến xưa ở Trung Hoa và một số quốc gia châu Á ( Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên v.v... ), vốn không coi trọng nữ giới. Họ chỉ lo phận sự đẻ đái và trông nom con cái, làm lụng đồng áng, giúp việc nhà, không được học hành, tham chính, và hoạt động xã hội nói chung. Vì lẽ đó, ngày xưa, có rất nhiều phụ nữ tài giỏi đã phải giả trai để được học hành, thi cử. Cũng vì vậy, Đỗ Thu Nương, nếu không được vua yêu, chúa quý, được sống ở trong triều đình, thì bà cũng chẳng thể để lại ít nhất là một bài thơ ( Kim lũ y )

Còn ngày nay, riêng trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, đã có biết bao nữ tác gia nổi tiếng ở trong ngoài nước... thậm chí, đoạt giải Nobel văn chương cũng không hiếm...

Hãy làm quen với Đỗ Thu Nương và bài thơ Kim lũ y của bà:

@ Bản chữ Hán:

金縷衣

勸君莫惜金縷衣,
勸君惜取少年時。
花開堪折直須折,
莫待無花空折枝。

@ Bản âm Hán Việt:

Kim lũ y

Khuyến quân mạc tích kim lũ y,
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì.
Hoa khai kham chiết trực tu chiết,
Mạc đãi vô hoa không chiết chi.

@ Dịch nghĩa:

Áo kim tuyến,

Khuyên chàng đừng tiếc áo thêu vàng,
( Mà ) chàng hãy biết tiếc thời trẻ trung,
Hoa nở đáng ngắt thì ngắt ngay đi,
Chớ đợi, ( kẻo ) hoa rụng lại bẻ cành không.

@ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

Đừng tiếc áo vàng người ơi !
Mà người hãy biết tiếc thời trẻ trung
Hoa nào đẹp - cứ bẻ dùng
Chớ chờ tới lúc cành không - lại buồn !
( Hoa Mai dịch )

Khuyên người đừng tiếc áo thêu vàng
Mà nên biết tiếc thuở trẻ trung
Hoa nở đến thì xin hãy hái
Chớ chờ hoa rụng bẻ cành không.
( Trần Mỹ Giống dịch )

Áo dù kim tuyến chớ cầu mong
Hãy tiếc tuổi xuân thuở thắm nồng
Hoa nở có thì, nên bẻ vội
Đừng chờ hoa rụng bẻ cành không.
( Nguyễn Hữu Thăng dịch )

Áo dẫu thêu vàng chẳng sánh bì
Chàng ơi quý nhất cái Xuân thì
Hoa thơm hãy ngắt khi đang độ
Chớ để lìa cành tiếc quá đi !
( Trần Khấu dịch )

Chường ( chàng ) ơi chớ mải gấm bào
Mà phung mà phí dồi dào sức tân
Rộ thì ngắn ngủi đào lan
Chần chừ qua độ nhụy tàn, cành không...
( Phan Lan Hoa dịch )

Người ơi chớ tiếc kim y
Mà xin nhớ lấy xuân thì chóng qua
Hoa thơm còn búp đó mà
Chớ khi úa rữa cành già còn đâu.


( Sáu Miệt Vườn dịch ).

Nhận xét