Hầu hết người yêu thơ Việt Nam , khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn
Du đều biết câu thơ: "Hoa đào năm
ngoái còn cười gió đông". Cụ Nguyễn tả tâm trạng chàng Kim (Kim Trọng) trở lại vườn xưa, nào đâu
thấy bóng nàng Kiều, chỉ thấy hoa đào phơ phất trong gió đông. Thấy cảnh, nhớ
người, chẳng biết người xưa phiêu bạt nơi nao, là thế…
Khi viết câu thơ ấy, là Nguyễn Du đã
mượn ý thơ Đường.
Người yêu thơ Đường, hẳn cũng biết đến
câu thơ : "Nhân diện bất tri hà xứ
khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong". ( hiểu nghĩa là: Gương mặt người giờ chẳng biết ở phương nào/
Nơi đây chỉ thấy có hoa đào như cười trong gió đông )
Đây chỉ là hai câu kết trong bài tứ
tuyệt Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ, một nhà thơ đời Đường. Bài thơ còn
có tên Đề đô thành Nam
Trang.
Sách " Đường Thi " của học giả Trần Trọng Kim, chú thích như sau:
Truyện chép rằng: Thôi Hộ là một người đẹp trai, tính quả hợp, ít giao du. Một ngày thanh
minh, đi chơi một mình đến phía nam kinh thành, thấy một nhà có vườn đào nhiều
hoa, bèn gõ cửa, xin nước uống. Một người con gái đẹp và đoan trang ra hỏi họ
tên thi sĩ, rồi lấy nước mời khách uống. Sang tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ
lại đến nhà ấy, thấy cửa đóng kín bưng, tức cảnh đề bài thơ này lên cánh cửa
bên tả. Cách mấy hôm sau đến lại, chợt nghe trong nhà có tiếng khóc, rồi có ông
lão ra hỏi. " Anh có phải là Thôi Hộ không? Con gái tôi đọc bài thơ của
anh rồi nhịn ăn, vừa mới chết ". Nghe vậy, Thôi Hộ vào nhà, khấn nàng ,
thì người còn gái ấy sống lại, bèn lấy làm vợ. Sau, Thôi Hộ đỗ tiến sĩ vào niên
hiệu Trinh Nguyên (đời Đường ), làm quan đến chức Lĩnh Nam tiết độ sứ.
@ Bản chữ Hán:
題都城南莊
@ Bản âm Hán
Việt:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Dịch nghĩa là :
Hôm nay, trở lại nơi năm ngoái đã đến, thì thấy cửa đóng then cài
Người mà ta đã gặp ấy, gương mặt tươi hồng sánh ngang sắc hoa đào
Vậy mà, gương mặt ấy, giờ không biết ở nơi nao?
Chỉ thấy mỗi hoa đào là vẫn như năm ngoái đang cười với gió đông.
Hôm nay, trở lại nơi năm ngoái đã đến, thì thấy cửa đóng then cài
Người mà ta đã gặp ấy, gương mặt tươi hồng sánh ngang sắc hoa đào
Vậy mà, gương mặt ấy, giờ không biết ở nơi nao?
Chỉ thấy mỗi hoa đào là vẫn như năm ngoái đang cười với gió đông.
Học giả Trần Trọng Kim dịch thơ như sau:
Đề
chỗ đã trông thấy năm trước
Hôm nay, năm ngoái, cửa cài.
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt
người chẳng biết đâu rồi
Hoa
đào còn đó vẫn cười gió đông.
Kẻ vãn bối này, xin nôm na mà dịch như
sau :
Ngày này, năm ngoái, cửa kín bưng
Đào hoa, mặt ánh sắc tươi hồng
Nhủ
lòng người ấy giờ đâu nhỉ ?
Nôm na vậy, song chưa thỏa, bèn đưa bài
viết này được đưa lên blog cá nhân, và sau một thời gian, có mấy người bạn quen
gửi đến bản dịch thơ. Xin được trưng ra để mọi người cùng tham khảo :
Nhà cũ, cài then - nay vắng không
Nhớ ai gương mặt ánh đào hồng
Ngẩn ngơ tự hỏi người đâu nhỉ ?
Chỉ thấy Đào xưa cợt gió Đông
( Nguyễn Xuân
Sinh dịch )
Năm ngoái ngày này cửa đứng trông
Hoa đào- ánh mặt sắc tươi hồng
Nhủ lòng người ấy giờ đâu nhỉ ?
Chỉ thấy hoa đào giỡn gió đông.
( Đặng Đình
Nguyễn dịch )
Năm xưa nay đến cửa then cài
Sắc thắm hoa đào má đỏ hây
Vắng bặt biết tìm đâu má thắm
Đào cười như cũ gió đông hay.
( Nhược Mộng
dịch )
Nhận xét
Đăng nhận xét