Nhật Bản du ký I

Đền thờ Minh Trị thiên hoàng, điểm du lịch kỳ thú 


Nếu đứng trên sân thượng Tòa thị chính Tokyo cao 45 tầng phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng, đều bắt gặp muôn vàn những khối nhà cao thấp thuần như một gam màu lạnh, chen chúc lô xô ken đặc không gian, ta ngỡ Tokyo hiện đại nhưng khô cứng, chán ngắt.

Nghĩ vậy là ta đã nhầm. Đường phố Tokyo rợp bóng cây xanh, toàn là phong và liễu, thêm một vài loài cây thân gỗ lá nhỏ đặc trưng vùng ôn đới mà du khách phương xa không biết gọi tên gì…

Cứ theo bóng liễu, bóng phong mà đi, du khách len lỏi dưới những khối nhà của cái thành phố gần 13 triệu dân và trải dài hơn trăm cây số này, có thể tìm thấy một rừng cây tuyệt đẹp giữa hai quận Shinjuku và Shibuya ngay trung tâm thành phố. Đó là khu đền thờ Minh Trị thiên hoàng. Người Nhật Bản tôn kính và biết ơn vị vua này, ông lên ngôi năm 1868, người đã khởi xướng phong trào canh tân, với tinh thần tự cường song rất chú trọng việc học hỏi văn minh Âu Mỹ, biến Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh. Bởi vậy người dân mới dựng đền thờ xem như một vị thần linh có công với dân tộc. Song khoan nói chuyện đó, ta hãy xem khu đền thờ này như một công trình văn hóa du lịch đặc trưng của Tokyo có sức hấp dẫn du khách cỡ bậc nhất.

Nếu đem ví với Văn Miếu-Quốc Tử Giám của Việt Nam thì thật không đúng lắm ( bởi Văn Miếu- Quốc Tử Giám thờ Khổng Tử-ông tổ của Đạo Nho và là trường đại học cổ xưa nhất của VN ), còn đây lại thờ một vị vua khai sáng, song quả thật không có gì để so sánh tương đồng, nên ta cứ tạm coi từa tựa như vậy. Về diện tích thì khu đền này rộng hơn nhiều lần ,có rừng cây rậm rạp nhưng về lịch sử tồn tại chỉ bằng 1/10, nghĩa là gần trăm năm thôi.


Điểm chính của công trình văn hóa du lịch này là đền thờ Minh Trị thiên hoàng ở mặt chính và Minh Trị thần cung hội quán ở phía sau. Đền thờ chính được xây cất toàn bằng gỗ bốn mái theo kiến trúc truyền thống của Nhật Bản,và cũng gồm hai phần tiền điện, chính điện Dọc lối vào, du khách bắt gặp từng hàng đèn lồng được xếp cao như bức tường lớn. Đây là những đèn lồng được làm theo kiểu truyền thống do người dân tự nguyện mang đến hiến cầu may, nên trên mỗi chiếc đèn đều có chữ viết, dấu ấn của riêng người hiến. Phần tiền điện cũng thuần bằng gỗ, hai tầng, có cổng rộng đề vào sân chính điện. Qua khoảng sân rộng là bái đường thuộc chính điện với cánh hai cánh cử gỗ dày nặng. Trên những cánh cửa gỗ và cả đôi cột gỗ hàng hiên chi chít những vết hằn. Đây là dấu tích của những đồng tiền xu do người dân ném vào cầu may, mỗi đầu năm mới, khi cổng đền được mở cho người dân vào viếng. Bên trong bái đường, nơi thần dân và du khách bốn phương đến thăm viếng đứng bái vọng, là những chiếc bàn gỗ có hòm phía dưới đựng tiền của người lễ ( kiểu như hòm Công Đức trong các chùa chiền, đền miếu ở ta ). Đáng chú ý và khá lý thú là ở hai bên bái đường, phía trái là nơi để rượu hiến tế của người dân, với hàng ngàn chai rượu dân tộc đặc sản từ nhiều vùng của Nhật Bản được người dân mang đến lễ ; còn bên trái, là nơi treo các thẻ gỗ trên đó viết những điều ước vọng bằng các thứ ngôn ngữ Anh, Nhật Bản, Trung Quốc của các thí sinh cầu may trước mỗi kỳ thi cử ( cứ từa tựa như kiểu thì sinh đến Văn Miếu thắp hương lễ thánh cầu may trước mùa thi ở Việt Nam vậy ).


Hôm ngươi viết bài này đến thăm đền là chủ nhật. May mắn là đúng dịp đó có Triển lãm Cúc hoa . Những chậu hoa cúc tuyệt đep, được tuyển lựa từ những người chơi hoa cúc đem đến trưng bày, chẳng hiểu họ có chấm điểm trao giải hay không ? Bên cạnh nhiều loài cúc ta thường thấy ở Việt Nam thì còn có một số loài cúc đặc trưng Nhật Bản, thân bụi hoa nhỏ trông rất lạ mắt được trồng trong chậu cảnh công phu. Cũng hôm ấy, có một đám tế lễ tại đền. Người chủ tế cao niên phục trang theo lối truyền thống màu trắng toát, những người phụ tế cũng vậy, còn lại những người tham gia đoàn tế phần đông đều ăn vận theo lối truyền thống cả. Đoàn tế nghiêm chỉnh tiến vào với dàn nhạc dân tộc phụ họa, nghe na ná nhạc Lưu thủy, Hành vân của ta. Có cảm giác, văn hóa Nhật Bản được biểu hiện trong tôn giáo, tín ngưỡng và cả trong đời sống xã hội có sự hòa nhập của ba yếu tố Nho-Phật- Thần đạo, pha trộn thêm chút tinh thần của võ sĩ đạo ( Samurai ). Ấy cũng làm nên một sắc thái văn hóa đặc trưng, và vì thế càng thêm hấp dẫn về khía cạnh du lịch…
___________ 

Hình minh họa: Internet

Nhận xét