Nhật Bản du ký III

Hệ thống Metro và du lịch thương mại 


Người nhận đón và hướng dẫn chúng tôi từ sân bay quốc tế Narita về trung tâm Tokyo là một sinh viên Việt Nam tên Chiến, sang Nhật đã 4 năm nay.

Chiến đưa chúng tôi xuống tầng hầm nhà ga sân bay vì ở đó thông luôn với ga xe lửa ngoại ô. Chiến cho biết là sẽ phải đi một chặng dài bằng xe lửa ngoại ô, rồi đổi thêm vài chặng metro nữa mới đến nơi đoàn chúng tôi ở thuộc quận trung tâm Shinjuku. Đây là phương tiện giao thông tiện lợi nhất, rẻ nhất và có thể nhanh nhất ở Tokyo. Thế rồi, cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ lên xuống lặn ngụp trong hệ thống metro , chúng tôi mới chồi lên mặt đất ở ga Wakamatsu (hiểu nghĩa là Ga cây Tùng non). 

Cách đây vừa tròn 9 năm, tôi và mấy đồng nghiệp ở Đài TNVN đã có dịp lặn lội gần 2 tháng trời ngày ngày trong hệ thống Metro ở Paris ( Pháp ) khi tham gia một khoá đào tạo báo chí, nên tôi không lạ gì cấu trúc và một số nguyên lý tìm tuyến, đi lại trong đó. Ấy vậy mà, khi đứng trong ga metro của Tokyo vẫn bị cái giác lạ lẫm của anh nông dân lần đầu tiếp xúc với công nghiệp hiện đại. Hình như là hệ thống này nằm sâu trong lòng đất hơn và cũng rối rắm hơn. Quả vậy, đi lại vài lần, mới thấy cảm giác lạ lẫm có cái lý của nó, trước hết bởi một số tuyến nằm dưới độ sâu 50m nên khi chuyển tuyến phải lên xuống cầu thang vòng vèo mấy lần, rồi thêm nữa là các chỉ dẫn bằng mẫu tự Nhật Bản ( tất nhiên có chua thêm bằng tiếng Anh nhỏ hơn ), khác hẳn với Paris chỉ thuần kiểu mẫu tự Latinh, điều đó khiến khách lạ dễ mất sự tự tin. Tuy nhiên, để ý kỹ, lại thấy cũng chẳng có gì là rắc rối cả, vì ở các gia đều có các tờ rơi sơ đồ hệ thống metro, cả bản tiếng Nhật và tiếng Anh. Thêm nữa, khi đã yên vị trên metro, khách cũng có thể theo dõi được tuyến mình đang đi qua bảng điện tử chạy chữ được lắp đặt ngay phía trên mỗi của lên xuống của toa tàu. 


Tokyo hiện có 13 tuyến metro, trong đó nhiều tuyến của tư nhân. Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích đầu tư bằng điều luật là bất cứ công trình nào do tư nhân đầu tư làm ở độ sâu 50m trở xuống trong lòng đất thì đều được miễn thuế tài nguyên.Các tuyến đều được ký hiệu bằng chữ cái đầu tên ( ví dụ như : tuyến Tozai line - ký hiệu T , tuyến Ginza line-ký hiệu G, tuyến Namboku line ký hiệu N ). Nói hệ thống metro có ý nghĩa lớn về mặt du lịch, trước hết bởi sự tiện lợi cho bất cứ ai, về tốc độ nhanh chóng, về giá rẻ ( rất phù hợp với xu hướng du lịch ba lô hiện nay và lại càng ý nghĩa hơn khi Tokyo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới ); đồng thời nó làm giảm tối đa lượng người đi lại trên mặt phố, vì thế vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa góp phần tạo cảnh quan đẹp đẽ cho phố phường ; và đặc biệt, hầu như những công trình văn hóa du lịch và các trung tâm thương mại lớn đều có tầng hầm thông với ga metro. 

Mua sắm là một nhu cầu không thể thiếu của du khách. Đây là tâm lý chung của hầu hết mọi người mỗi khi có dịp đi công cán hoặc du lịch xứ người. Nhiều khi mua sắm cho nhu cầu sử dụng thì ít mà mua làm quà cho người thân, bạn bè hoặc để làm kỷ niệm thì nhiều. Vì thế, việc các ga metro thông với các trung tâm thương mại lớn là bằng chứng biểu hiện của maketting giao thông-du lịch-thương mại tuyệt vời. Du khách đến Nhật Bản, nhất là Tokyo, có hai chủng loại hàng được nguời ta chú ý hơn cả là mỹ phẩm và đồ điện tử - đích thị Made in Japan ( chất lượng tuyệt hảo và giá cả phải chăng là ưu thế của hai chủng hàng này ). Chính vì thế, ngoại trừ những cửa hiệu lớn nổi tiếng ở trung tâm, thì bất cứ một của hàng, shop nhỏ nào trên đường phố mà ta bắt gặp cũng có thể mua được hàng mỹ phẩm chính hiệu. Về hàng điện tử, du khách không thể bỏ qua gian điện tử ở trung tâm thương mại Odakyu thuộc quận Shinjuku. Ở đây, có đủ các chủng loại máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm kỹ thuật số, máy vi tính xách tay của các hãng nổi tiếng như Canon, Nikon, Olimpus, Sony, Panasonic… Ngoài ra, du khách còn thích tầm chợ đồ cũ điện tử, bởi nếu biết hàng, khéo chọn và may mắn ra thì có thể mua được vài món chất lượng tốt mà giá lại rẻ bất ngờ… 


Không thể không nói đến các loại hàng mang tính souvernir . Ở Tokyo có một số cửa hàng " Một trăm yên ". Sở dĩ có tên như vậy, bởi hầu hết các mặt hàng bán ở đây đều có giá 100 yên. Du khách có thể tìm thấy ở đây từ mỹ phẩm đến các hàng vặt vãnh như bấm móng tay, cặp tóc nữ, dây đeo diện thoại di động, móc chìa khóa, rồi là bút bi,kính mát,cốc sứ, nậm rượu v.v… Mua hàng ở đây có vài điều cần chú ý, thứ nhất là , nếu giá bán cao hơn thì trên mỗi sản phẩm đều có ghi rõ giá, còn như không thấy ghi gì thì khách yên tâm mà nhặt hàng bởi khi tính tiền thì người tính chỉ cần đếm số lượng đầu loại rồi nhân với 100 yên là ra ; thứ nữa, nên xem kỹ bởi không thì khách sẽ mua nhầm hàng Made in China trong khi muốn mua hàng Made in Japan ( lẽ dĩ nhiên hàng Made in China vào được thị trường Nhật Bản khó tính thì phải đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tương đương ). Có lẽ nổi tiếng nhất Tokyo trong số các cửa hàng 100 yên phải kể đến cửa hàng nằm trên phố đi bộ ngay bên sườn khu đền thờ Minh Trị Thiên hoàng..Ngày chủ nhật, phố này và nhất là của hàng 100 yên đông đặc người, toàn thanh niên Nhật và khách nước ngoài chen chúc ken vai đến đây mua sắm. 
_________ 

Hình minh họa: Internet

Nhận xét