Nhật Bản du ký IV

Du lịch văn hóa


Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến đất nước Mặt trời mọc- nơi mỗi ngày bình minh đến sớm nhất trên bờ Thái Bình Dương, đất nước của hoa anh đào mùa xuân, và cả đất nước của động đất cùng núi lửa.

Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, đất nước này nằm trên lưng một con rồng, lâu lâu nó lại quẫy mình gây nên động đất. Trước hôm chúng tôi sang ,vùng Tokyo vừa bị một trận động đất trung bình, và ngay đợt chúng tôi ở đó cũng có một đợt nhẹ.Chính yếu tố địa chất ấy cũng góp phần tạo ra một phong cách kiến trúc- văn hóa Nhật Bản, với kiểu nhà gỗ truyền thống xưa cũ và kiến trúc nhà hộp màu lạnh hiện đại, bằng các vật liệu bền nhẹ. 


Ngay hôm mới sang, Chiến-sinh viên VN đang học tại Tokyo chỉ những lùm cây lá ngả vàng chanh bảo: "Đã là cuối thu, song Tokyo ở vĩ độ thấp nên vẫn không đủ lạnh để cây cối chuyển màu lá đỏ. Giờ muốn xem lá đỏ thì phải ngược lên phía Bắc những hơn trăm cây số nữa, ở đó có cả rừng cây lá đỏ, tuyệt đẹp". Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi không đủ thời gian để tìm đến chiêm ngưỡng rừng cây lá đỏ, song điều muốn nói chính là ở chỗ, đất đai, khí hậu đã góp phần hun đúc nên một tinh thần dân tộc, và được biểu hiện thành bản sắc văn hóa. Với du khách, đến với một đất nước, một quốc gia nào đó, là đến với một nền văn hóa. Cũng như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản từng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hoa Hạ suốt nhiều thế kỷ. Và cũng bằng những cách thức tương đồng, Nhật Bản cũng đã biết thoát ra khỏi cái bóng không lồ ấy để tạo ra một bản sắc văn hóa riêng mình, khá độc đáo. Trong văn hóa ,tín ngưỡng có sự nhào nặn của cả ba yếu tố Nho-Phật-Thần đạo. Văn hóa Nhật Bản đâu chỉ có bóng dáng của thiên nhiên như núi Phú Sĩ, hoa anh đào, mà sức lan tỏa làm nên sự hấp dẫn cho du khách lại mang dấu ấn của con người, đó là trang phục kimônô, là môn võ vật sumô, là nghệ thuật xếp giấy, là bon-sai, là rượu sa-kê và những món ăn cá sống, là trà đạo, là kịch Noh (Nô) , và thậm chí cả là geisha nữa v.v… 


Với trang phục kimônô, với bon-sai và trà đạo, người VN đã không còn xa lạ, bởi trong nhiều năm nay, qua giao lưu văn hóa, người ta đã được biết đến. Song ẩm thực Nhật Bản, thì vài năm gần đây, ở Hà Nội và Tp.HCM đã có một số quán rượu sa-kê và món ăn Nhật. Điều tôi muốn nói ở đây là các shop to nhỏ mà du khách có thể thấy ở bất cứ khu vực nào trên đường phố Tokyo đều có quầy bán rượu sa-kê,rượu sô-chyu.Có những cửa hàng chuyên bán rượu. Cũng như rượu vang và cô-nhắc Pháp, whisky Scotch, vodka Nga,hay như rượu" quốc lủi" đựng trong vò sành nút lá chuối khô ở ta, rượu sa-kê và sô-chyu cũng mang phong vị từng vùng khác nhau. Nhưng khoan nói đến mùi vị đặc trưng bên trong, chỉ nhìn kiểu dáng, màu sắc chai và nhãn mác bên ngoài đã thấy thích thú rồi. Mỗi nhãn mác đều được trình bày như một bức thư pháp Nhật tự ấn tượng. Du khách đến Nhật Bản, nhất là đấng mày râu, khó ai có thể bỏ qua không mua vài chai về làm lưu niệm, làm quà cho bạn bè. Nhân nói đến thư pháp trên nhãn mác rượu, không thể không nói đến nền thư pháp chính tông Nhật Bản. Ngôn ngữ Nhật Bản hiện nay, được biết, nó được xây dựng trên cơ sở hơn ba nghìn từ Hán cơ bản (chỉ phát âm khác, còn giữ nguyên mẫu tự và nghĩa ), cộng thêm mẫu tự Nhật mà thành. Chính vì thế, nền thư pháp Nhật Bản cũng không kém phần tinh tuý, có chăng chỉ sau thư pháp Trung Hoa mà thôi, song lại có phần độc đáo riêng, được người Nhật gọi là Thư đạo. Thêm nữa, thư đạo Nhật Bản ít nhiều mang mầu sắc của Thiền- Thư pháp Thiền ( tức Hítsuzendo ). Nhiều biển hiệu cửa hàng, tên công sở, trường học đều được trình bày theo lối thư đạo, ngay các phòng khách, phòng trưng bày của các công sở cũng đều có treo thư đạo, gây cảm giác có gì đó vừa cao thâm, lại không kém phần mỹ thuật ,trang nhã !… 


Có một bộ môn nghệ thuật đặc trưng Nhật Bản, một biểu hiện của văn hóa cổ truyền, đó là kịch Noh ( Nô ). Được biết, kịch Noh có nguồn gốc và lịch sử hình thành phát triển từ 800 năm nay, lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.Có gì đó từa tựa như Kinh kịch Trung Hoa, hay Tuồng cổ Việt Nam, song cảm giác là kịch Noh thần bí hơn. Vì thời gian và công việc không cho phép,nên chúng tôi thiệt thòi không đến được Nhà hát Quốc gia để xem biểu kịch Noh, hay xem kịch Noh ngoài trời. Bù lại, được xem biểu diễn qua truyền hình. Vở kịch kéo dài hơn 2 tiếng, và lại không biết tiếng Nhật, nên chỉ xem động tác, vũ đạo,khẩu hình, phông cảnh và nghe âm nhạc,giọng điệu mà suy đoán. Thế nên, cũng chưa thấy nhiều cái hay, cái đặc sắc của kịch Noh. Song dẫu sao vậy cũng là quý rồi…


Tokyo, thoảng qua và cảm nhận, thấy thích thú và đáng trân trọng những gì làm nên bản sắc văn hóa Nhật Bản, nhất là trong thời đại hội nhập thế giới, khi mà xu thế nhất thể hóa về văn hóa theo kiểu văn hóa-văn minh Âu Mỹ đang thịnh hành. Những gì ta đã thấy của văn hóa Trung Hoa, thấy ở văn hóa Nhật Bản hiện nay, và cả những gì ta đang nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền Việt Nam,gạt đi những vấn đề còn chưa chuẩn trong công cuộc chấn hưng văn hóa ở mỗi quốc gia, cao hơn ý nghĩa về khía cạnh du lịch, rộng lớn hơn cả là tinh thần dân tộc, tất cả đang góp phần gìn giữ sự đa dạng văn hóa cho thế giới. Và như vậy, có nghĩa là cho sự phát triển !… 
_________

Hình minh họa: Internet

Nhận xét