Nhật Bản du ký V

Những vấn đề của một xã hội công nghiệp phát triển 


Cùng với động đất, trước hôm tôi sang mấy ngày, có một sự kiện cũng không kém phần. Đó là việc đương kim thủ tướng Nhật bản, khi đó là ngài Koizumi, đến viếng đền Yasukuni, dù chỉ đứng xa chắp tay làm lễ chứ không cúi vái.

Ấy vậy, cũng tạo nên sự phản ứng khá gay gắt từ phía hai quốc gia láng giềng là Hàn Quốc và Trung Quốc, bởi đền này không chỉ thờ các liệt sĩ hy sinh cho nước Nhật trong các cuộc chiến tranh nói chung, mà còn có nhiều vị từng là tội phạm chiến tranh trong chiến tranh thế giới thứ 2. Rồi cũng trước đó ít lâu, ngài Koizumi cùng chính phủ của mình đã làm một việc động trời không kém, ấy là việc tư nhân hoá ngành bưu chính viễn thông, đẩy mấy chục ngàn nhân viên -lao động của ngành này từ nhà nước thành ra tư nhân. Lại nữa, cũng Chính phủ của thủ tướng Koizumi đã tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn, từ 21 bộ, sau khi sáp nhập, cơ cấu lại chỉ còn có 12 bộ. Con số 4.623 tỉ USD là GDP của Nhật Bản năm 2004 được Ngân hàng thế giới ( WB ) công bố (đứng thứ 2 thế giới , sau Mỹ là 11.668 tỉ USD ), càng cho thấy Nhật không chỉ mạnh về kinh tế, mà còn rất tinh giản và hiệu quả trong vận hành bộ máy hành chính. Song, nói như người phương Đông thì "chăn nào cũng có rận", điều đó có nghĩa là Nhật Bản cũng gặp khá nhiều vấn đề của xã hội phát triển. 


Không có gì ngạc nhiên, một khi kinh tế công nghiệp phát triển chóng mặt thì nó sẽ để lại những hệ lụy về mặt đời sống xã hội. Con người luôn bận rộn và bộc lộ rõ sự co mình, biệt lập với cộng đồng, thậm chí ngay cả người thân trong gia đình. Chỉ để ý trên metro hằng ngày cũng có thể thấy được điều này. Các toa xe đông người song yên tĩnh, bởi không ai nói với ai câu nào, người ta hoặc ngả mình nhắm mắt tranh thủ ngủ thiếp đi, hoặc mơ màng theo giai điệu âm nhạc từ các máy nghe cá nhân, hoặc chúi mũi vào điện thoại di động chơi trò chơi điện tử. Xã hội Nhật Bản đã tự cảnh báo về một hội chứng có tên gọi Hikikomori, hiểu là hội chứng từ chối xã hội. Nó đặc biệt khu trú trong giới trẻ và ngặm nhấm chí tiến thủ của họ. Nguy hiểm hơn, nó hoàn toàn có thể biến tướng thành những biểu hiện kỳ quặc của con người dẫn đến hành vi gây bất ổn cho cộng đồng. Vào những ngày nghỉ, ở một số quảng trường, công viên hoặc điểm vui chơi công cộng nổi tiếng, người ta có thể bắt gặp rất nhiều những đám thanh niên ăn vận, đầu tóc kỳ quái , và các cặp đồng tính cũng vậy, họ tụ bạ vui chơi, phô diễn thản nhiên trước bàn dân thiên hạ. Họ sẵn lòng chụp chung ảnh với du khách, hoặc trả lời phỏng vấn báo chí. Quảng trường trước khu đền Minh Trị thiên hoàng là một điểm như thế… 


Chuyện vui, người Nhật sử dụng điện thoại di động thông dụng cỡ nhất nhì thế giới song đố ai có thể mượn máy di động của họ. Vì không biết, nên tôi đã mượn một lần và dĩ nhiên là thất bại. Điều này được người bạn đồng nghiệp, anh Lưu Anh Tuấn- một nhà báo thường trú tại Tokyo lý giải, họ luôn cảnh giác đến thành nguyên tắc với việc dùng điện thoại di động của họ để hù dọa , tống tiền, gửi tin bậy bạ với đâu đó, nên không cho ai cầm vào máy của mình, dù là người thân quen. Một khi lòng tin vào con người đã bị lung lay thì chuyện thu mình trước cộng đồng là điều hiển nhiên. 

Các vấn đề thuộc về giới cũng đáng bàn. Nữ giới dần bình quyền, họ tìm cách thoát ly cuộc sống xã hội để tham gia hoạt động xã hội, song sự gấp gáp cuộc xã hội cũng lấy đi của họ thời gian và nữ tính, nên vì thế phụ nữ Nhật hiện đại thường muộn chồng, có xu hướng sống độc thân. Dường như để bù lại, họ sa vào thuốc lá và rượu. Thêm nữa, theo một điều tra xã hội học thì phụ nữ Nhật đang có xu hướng thích lấy chồng ngoại quốc giàu có. Và như thế, một khi các yếu tố xã hội đã tác động được vào phụ nữ và giới trẻ, thì chắc chắn nó sẽ làm xã hội thay đổi với hàng loạt hệ luỵ…
__________ 

Hình minh họa: Internet

Nhận xét