Vị minh mạc thác hoa



Câu "Vị minh mạc thác hoa" là một câu trong bài "Vị minh tiểu kệ" của Chu Thần Cao Bá Quát. Trong sách Trà Kinh của tác giả Vũ Thế Ngọc (NXB Văn Nghệ ân hành năm 2006) có đăng bài này. Tôi xin được sao toàn văn ra đây để có cái mà luận bàn. 

Vị minh tiểu kệ 
Tuyển hữu mạc thủ khí 
Thủ khí mê kỳ nhân
Vị minh mạc thác hoa
Thác hoa ly kỳ chân
Hiểu tính cấp thanh tuyền
Tề thân lý tân hoả 
Vô yên giữ trần khí 
Hối thủ nhất tiếu khả 
Nhứ hướng quý thanh chân 
Bất dụng ngoại thước ngã
Vô dĩ nhất ác khan 
Phóng nhĩ tỵ quan gia 
Huyễn phục phi tráng nhan 
Phồn âm biên đại nhã 
Thí lưu nhất chuyển ngữ 
Tự tại chứng hiện quả. 

Bài kệ này được tác giả sách dịch như sau : 

Bài kệ uống trà 
Chọn bạn chọn bề ngoài
Không thấy điều hẳn hoi
Uống trà có ướp hoa
biến mất hương trà rồi
Sáng sớm múc nước giếng
lửa nhỏ nắm than rời
Không khói cũng không bụi 
rửa tay khề khà ngồi 
Nếm mùi cốt thực chất
không cần thêm vị ngoài 
chớ vì chút của hiếm
lừa dối mũi ta hoài
Người đẹp không ở áo
thơ hay thường ít lời
Kệ này hãy ghi nhớ 
chứng quả việc trên đời. 

Tác giả còn cho biết thêm là bài kệ này có phần chú rằng Cao Bá Quát viết tặng người bạn tâm giao của ông là Phan Nhạ (người vốn cùng là can phạm với ông trong vụ án trường thi khóa Tân Sửu 1841), vì ông này có thói quen thích uống trà ướp sen bằng cách bỏ trà mạn vào nụ sen để qua đêm rồi mới lấy ra pha. 

Theo quan niệm và ý thích của Cao Bá Quát thì uống trà là cứ phải trà mộc chứ không pha tạp, không ướp bất kỳ hương hoa gì. Cứ thuần khiết hương trà tự nhiên, ấy mới là cách uống trà của các bậc cao nhân quân tử. 

Theo ý hiểu của tôi, với quan niệm như vậy, Cao Chu Thần đã vượt qua cái ngưỡng của thú uống trà, của văn hóa ẩm thực, mà vươn tới tầm triết học rồi. 

Để luận bàn thêm, xin được diễn nôm cái cốt của bài kệ như sau: Rằng cái việc uống trà mà trà lại đem ướp hương hoa thì chẳng khác gì việc chọn bạn song chỉ chú ý bề ngoài thôi. Như thế hẳn chẳng được điều tử tế hay ho gì. Rằng những việc thế ấy là cốt ở thực chất chứ không thể tin vẻ ngoài được, kẻo không mãi quen thành ra tự lừa dối mình. Việc pha trà cũng phải đúng cốt cách và thưởng thức với một tâm thế thoải mái.Ví như người đẹp không ở áo và thơ hay chẳng nhiều lời vậy.Việc này có thể ghi nhớ, rồi đem chứng nghiệm để làm bài học ở đời. 

Có thể rút ra, một triết lý mà Cao Bá Quát gửi gắm trong bài kệ này là, muốn biết được thực chất của mỗi con người, bản chất của mỗi sự việc thì làm sao phải gạt bỏ đi hết thảy những gì là bề ngoài, là sự che đậy.

Tôi lại nhớ đến người đời đã từng triết lý về vị nhạt, cái nhạt. Rằng ở đời, sau khi đã nếm đủ các vị chua cay mặn chát đắng ngọt thì mới biết cách nếm vị nhạt, thấy được ý nghĩa sâu sắc của vị nhạt. Mà vị nhạt lại chính là hương vị vốn có của tự nhiên, của bản thể vậy! Cũng như con người ta, sau bao trạng thái ái ố hỉ nộ bi, trải nghiệm rồi mới thấm thía mà ngộ ra cái nhạt, ấy cũng là thiền vậy.

Biết vậy, song mà khó lắm thay !

Nhận xét