Chữ THAM


Nhân tôi và bác Lê Văn bàn luận về việc xin và cho chữ đầu năm, một phong tục đẹp của dân tộc. Thường thì những chữ PHÚC-ĐỨC-LỘC-THỌ là hay được xin nhiều nhất. Đơn giản, những chữ ấy vừa mang tính phổ quát mà lại thể hiện lòng mong đợi chính đáng của con người. Rồi ra, người ta xin chữ TÂM, chữ NHẪN, chữ TIẾN, chữ ĐẠT, chữ TÀI v.v...

Về quan niệm xin chữ, xưa nay, cũng lắm người bàn ra bàn vào. Người bảo, thường thì thiếu chữ gì người ta xin chữ đó. Lại có người bảo, đấy là do người ta trọng, thích ( hay hợp )chữ này hay chữ nọ, mà xin. Lại nữa, cũng có người đi xin chữ mà không biết phải xin chữ gì, phó mặc người cho chữ nghĩ hộ, tư vấn cho ...Theo tôi, đều đúng cả. Song cũng phải nói thêm, như đã nêu ở bài trước, tôi nghĩ, xin và cho chữ, trước hết là tạo nên một ý niệm nào đó để rồi hành xử theo hoặc nhằm tới ý niệm đó... 

Cá biệt, người ta xin chữ THÀNH, chữ TÌNH, chữ DUYÊN...

LUBIM đã có cảm nhận qua cuộc đối thoại khá lý thú, trong đó luận bàn chữ THAM.

Về chữ THAM ( âm Hán Việt), trong chữ Hán, có khá nhiều chữ THAM với mẫu tự và ngữ nghĩa khác nhau. Ở đây, chỉ xin nêu ra 2 chữ THAM được dùng nhiều nhất, đó là: 

+ Chữ THAM : có nghĩa là "chen dự vào", ví như: tham gia, tham dự, tham vấn ...

+ Chữ THAM ( đồng nghĩa với HAM, HAM THÍCH ): có nghĩa là ham thích gì đó ( ví như : tham lam, tham công tiếc việc, ham tiền bạc, của cải, ham quyền lực ...

Căn cứ vào cuộc hội thoại của LB, tôi hiểu, chữ ấy là chữ THAM (tức Ham thích )...

Vậy nên, bèn viết chữ THAM thứ hai.

Tuy nhiên, chữ THAM này có tính 2 mặt, ở đây, muốn nhắm tới tác dụng tích cực & tiêu cực, từ nó gây ra. Cho nên, khi viết, tôi biến thể một phần của chữ, viết giống hình con số 8 (số tám, là bởi, con số này, vốn được người Trung Quốc coi trọng, xem như biểu hiện của may mắn (tích cực), và còn bởi, nó mang hình chiếc còng số 8 (còng tay tội phạm), nhằm nhắc nhở người ta nói chung về mức độ của THAM, sao cho đừng THAM thái quá mà dẫn đến chuyện không hay...

Mạo muội mời LB và mọi người cùng xem và bình luận.

Nhận xét