Gánh càn khôn

“Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi rằng chi đó?
Gửi rằng than…”
(Trần Khánh Dư)



Đêm tháng giêng trăng mờ, bầu trời u ám. Nhân Huệ Vương Khánh Dư cùng người hầu thơ thẩn bên bờ sông phía ngoài doanh trại.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, người ta có thể nghĩ ông đang tìm cảm hứng để làm một tứ thơ vịnh tháng giêng, nhưng không, lòng ông cồn lên những cảm xúc lo âu, trăn trở sau trận thua đoàn thuyền chiến của giặc Nguyên xâm phạm cửa Vân Đồn. Phải chăng ông đã phụ lòng tin cậy của Tiết chế Hưng Đạo Vương đã giao ông toàn quyền công việc biên phòng nơi cửa ngõ đông bắc, phụ lòng thương cứu vớt của quan quân (một cách gọi nhà vua)? Nhân Huệ vương bỏ mũ, mặt hướng ra ngoài sông hứng chịu luồng gió giá buốt phả vào. Cái buốt lạnh về thể xác đâu bằng sự tê tái ở trong lòng.

Lời hứa sáng nay của ông với quan Trung sứ còn văng vẳng bên tai, âm u trong đầu ông, từng từ một: “Theo quân luật thì tôi cam chịu, nhưng tôi xin hoãn hai ba ngày để lập công, lần sau sẽ trở về chịu rìu búa cũng chưa muộn”. Đáng lý ra, sau thất bại này, ông phải chịu còng tay về chịu tội chết trước mặt quan quân, song may mà, Trung sứ là người nhân từ, hiểu biết nên đã nhân nhượng hoãn lại cho ông. Làm như thế cũng có nghĩa là quan Trung sứ đặt cược sinh mệnh của chính mình vào ông. Nếu như thuyền lương của Trương Văn Hổ không qua đây, và nếu như có qua mà ông lại thua thì điều đó có nghĩa là ông sẽ chết và Trung sứ cũng phải tội lây. Nhân Huệ vương ngúc ngắc cái đầu tưởng tượng lúc phải vươn lên chịu chém. Thấy ớn nơi sống lưng và da gà nổi khắp người, ông cố trấn tĩnh hít đầy lồng ngực gió lạnh và từ từ thở ra. Nam nhi không sợ chết, nhưng nếu chết giữa trận tiền cho bõ.

Đằng này… Chao ơi, lại còn tiếng xấu lưu vào sử sách nữa chứ. Nếu trời đất không thương ta thì hận này nghìn thu không tan! Còn nàng nữa. Lúc này, ông nghĩ đến nàng, đến tình yêu của ông với nàng và hết thảy những gì mà nàng đã dành cho ông… Người hầu khẽ thưa làm ông bừng tĩnh: “Thưa quan Phó tướng, mong người lưu tâm giữ tấm thân quý báu của mình trở vào doanh trại ngay kẻo không cảm lạnh!”. Nhân Huệ Vương khẽ ờ và mỉm cười giễu cợt trong bóng tối. Tấm thân quý báu ư, chẳng bao lâu nữa cái thân này sẽ thối rữa ra và tan vào bụi đất, còn lại có chăng là vết ố trên trang sử mà thôi?!
Rồi ông cũng nghe lời người hầu trở vào trướng. Sai người hầu mang rượu lại và cho anh ta lui, còn lại một mình, ông tự rót rượu và nhấp từng ngụm nhỏ. Rượu đắng nghét trong cổ như nuốt phải bọ nẹt…

Cái thời ông còn là Thiên tử nghĩa nam (tức con nuôi vua) của Thánh Tông, được ra vào cung cấm, ông đã gặp nàng. Thiên Thụy công chúa được vua cha nhất mực yêu quý và dẫu nàng không phải là một đấng sắc nước hương trời thì dung mạo nàng cũng thật tuyệt vời. Trong dáng vẻ nàng dịu dàng, hơi u buồn bên ngoài, Nhân Huệ vương thấy được những cơn sóng ngầm cuộn lên và sự bất chấp số phận để đi theo tiếng gọi của tình yêu ở nơi nàng. Chỉ sau một lần gặp mặt, chàng Phó đồ tướng quân rồi Phiêu kỵ đại tướng quân trẻ tuổi, tài cao, tiếng tăm nổi như cồn sau những chiến công trong lần đánh quân Nguyên lần thứ nhất và đánh dẹp sơn Man đã thấy rộn lên trong trái tim một niềm phấn khích. Chàng đêm ngày tơ tưởng đến nàng và Thiên Thụy công chúa cũng chỉ ước ao đến một ngày nào đó, được sánh duyên với chàng Thiên tử nghĩa nam xuất chúng.

Nhưng thật ác thay, để xoa dịu mối bất hòa giữa hai nhà và lấy lòng Hưng Đạo Vương, quan quân đã hứa gả cho con trai trưởng của Quốc Tuấn là Hưng Vũ vương Nghiễn. Biết chuyện vỡ lở sẽ nguy đến tính mạng, nhưng sóng tình nổi lên như bão gió cuốn phăng tất cả những vật cản trên đường đi, và thế là hai người bất chấp, lao vào cuộc tình mây mưa. Và không may, chuyện thông dâm giữa Thiên tử nghĩa nam và công chúa cưng của Thánh Tông, người mang tiếng đã là vợ của Hưng Vũ vương Nghiễn bị bắt quả tang. Thánh Tông nổi giận đùng đùng, phần sợ mang tiếng, phần lo Hưng Đạo Vương phật ý bèn sai người tâm phúc đưa Khánh Dư ra Tây Hồ, trước mặt bàn dân thiên hạ đánh cho chết, nhưng bên trong lại ngầm dặn nương nhẹ tay. Ai có thấu được nỗi đau đớn trong lòng Nhân Huệ vương khi ấy? Nếu chết được thì mới chỉ nhẹ được nỗi đau về thể xác, song Nhân Huệ vương không thể chết, phải sống để có ngày ngửa mặt lên với đời.

Bị cách hết quan tước, tha tấm thân rách nát, Khánh Dư lui về Chí Linh, trông coi sản nghiệp cũ của Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Chí Linh phong cảnh u tịch, lại cách Yên Tử không xa, nơi đây có thể xoa dịu được nỗi đau trần thế bằng cuộc sống an nhàn chốn cửa thiền, nhưng tự sâu thẳm cõi lòng, mối tình cay đắng với nàng chưa nguôi, vả lại lòng ham muốn chiến công và danh vọng cũng chưa dứt, Khánh Dư âm thầm nuôi chí đến một ngày nào đó… Hằng ngày, cũng nón lá, áo ngắn, quần cộc, Khánh Dư cùng đám thợ đốt than lên núi cưa cây, làm hầm đốt than, rồi lúc xuống núi lại quẩy trên vai gánh nặng. Những lúc đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mặt mũi đen nhẻm, bước thấp bước cao, cơm nắm muối vừng, nước suối, Khánh Dư mới thấm nỗi khổ của người dân cơ hàn.

Ngẫm nghĩ, thấy ở đời, hạt gạo, giọt nước và hòn than là quý nhất, bởi ba thứ ấy nuôi sống người ta. Khánh Dư đưa ra triết lý hòn than, nó được tinh luyện từ linh khí của trời đất thành cây và rồi lại luyện thêm trong lửa khói để thành than. Nó chính như con người được nhào nặn qua sung sướng và khổ ải, như chính bản thân mình vậy. Hễ ai hỏi gánh nặng trên vao Khánh Dư là gì thì ông trả lời là gánh càn khôn. Đúng là thế: “Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn…”. Đã làm người đứng trong cõi trời đất này thì nghiệp chướng, căn quả có nặng đến mấy cũng phải gánh, è cổ, sụn lưng, dập mặt xuống bùn cũng gánh.

Tự ngẫm, Khánh Dư thấy mình đâu có làm gì nên tội. Mình tư tình với Thiên Thụy công chúa cũng là lẽ thường tình của đấng mày râu, của một con người. Và nếu có chút tự mãn sau những chiến công thì đâu đến nỗi bị vùi dập như vậy! Ta không cam tâm trở thành nhà sư. Ta không muốn xa lánh cuộc đời. Vô lo vô nghĩ, nhàn tâm thì cứu khổ, cứu nạn được cho ai? Ta không muốn thế!

Gầm lên thành tiếng, Nhân Huệ vương mở choàng mắt, chống tay xuống mặt bàn, đứng phắt dậy và vô tình ông gạt đổ chén rượu. Người hầu, giật mình ngã bổ ngửa về phía sau, vì khi đó, thấy ông gục xuống bàn thiếp đi, bèn mang áo choàng lén khoác lên người ông chống lạnh. Nhân Huệ vương nhìn trừng trừng phía trước giây lát rồi ngồi xuống, nhẹ nhàng bảo người hầu: “Ta đã làm nhà ngươi phải sợ”. Người hầu lồm cồm bò dậy, vâng dạ luôn miệng. Ông gọi: “Ta vẫn thấy khát, mang bình rượu khác ra đây cho ta”.

Chén rượu đầy, sóng sánh trước mặt. Nhìn chăm chăm vào đấy, ông tưởng như sóng Vân Đồn đang cồn lên… Ừ phải rồi, cái ngày ta được ngẩng cao đầu, ngửa mặt lên với đời đã đến. Đó là vào cái ngày, vua Thánh Tông mở hội nghị trên bến Bình Than năm Thiệu Bảo thứ tư (1282), mùa đông. Người tâm phúc của Khánh Dư ở Thăng Long mật báo cho ông biết chuyện ấy và thế là cơ hội đã đến, ông phải chớp lấy. Giặc Nguyên hung dữ tràn vào bờ cõi, trong lúc nước sôi lửa bỏng này, nhà vua cần phải biết dùng ngưới tài, hoàng tộc cũng như thứ dân phải đoàn kết một lòng. Từ Lục đầu, ông xuất phát, cấp giong thuyền than cho kịp. Thật may sao, con thuyền của ông gặp lúc triều xuống, gió to, xuôi dòng ngang qua nơi quan quân mở hội nghị và Đức Thánh Tông đã tinh mắt thấy được. Biết có thuyền nhỏ của quan thần đuổi đằng sau để gọi lại, ông tảng lờ.

Đến cửa Đại Than thì kịp, quân hiệu gọi: “Ông lái kia nhà vua có lệnh gọi”. Ông vờ làm kiêu và hiểu rằng thế nào Thánh Tông cũng nhận ra mình, nên trả lời: “Lão già này là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến? Lời nói đó, kẻ phàm trần nào dám nói, chỉ có người quân tử, chí anh hùng mới có được khẩu ngôn như thế. Quả nhiên, Thánh Tông nhận đúng là Khánh Dư. Áo ngắn, nón lá, ông quỳ trước mặt vua. Đức Thánh Tông nhìn ông độ lượng và khuyến khích, mà buông lời than: “Nam nhi phiêu bạt đến thế!”. Đó là dấu hiệu của sự mềm lòng, của trắc ẩn… Và đúng lúc ấy, chí anh hùng trỗi dậy trong lòng ông sôi sục, cộng thêm chút kiêu bạc của kẻ biết mình có tài, ông nén chặt, gồng mình lên mà kìm giữ để tránh xảy ra cử chỉ nào thất thố, và nếu có hòn sỏi ở trong tay thì ông cũng bóp vụn, chứ đâu chỉ bóp nát quả cam như cậu bé miệng còn hơi sữa Hoài Văn Hầu Quốc Toản kia!

Trai thời loạn, chí anh hùng chưa kịp thỏa thì điều ong tiếng ve lại đến. Ra trấn thủ Vân Đồn, biên ải phía đông bắc giang san là ta chấp nhận đứng nới đầu sóng ngọn gió. Trong vùng dân cư thưa thớt, ít ruộng vườn, toàn gò đồi, sông lạch, phong tục, đời sống của cư dân toàn trông chờ vào việc làm ăn, buôn bán với người phương Bắc. Khi điểm quân, ta giật mình vì thấy đa phần quân sĩ đều đội loại nón của người phương Bắc. Thời bình dùng của người đã là không hay, lúc loạn ly, binh đao thế này lại càng không nên dùng. Ta ban lệnh quân sĩ chỉ được dùng nón Ma Lôi của Lộ Hồng là muốn tránh nhầm lẫn và cũng thể hiện lòng tự hào dân tộc, kích tướng sĩ một lòng vì nước.

Thật hại thay cho ta, khi người nhà được lệnh mua nón Ma Lôi về bán chỉ được phép lấy lãi chút đỉnh bù công sức của đám thừa hành, nhưng chúng lại nổi máu tham thu giá lên cao gấp đôi, kiếm lời chia nhau. Thế là ta mang tiếng, để bọn xấu miệng hiểm lòng làm thơ cạnh khóe rằng “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (nghĩa là: Gà chó ở Vân Đồn đều kinh sợ). Lúc ấy thì ta có trừng phạt đám người nhà đến mấy thì cũng không thể nào rửa sạch được tai tiếng!

Nhân Huệ vương nghe tiếng gà gáy, biết đêm đã sang canh ba. Đầu ông căng lên bởi những dòng suy nghĩ chen lẫn nhau. Tính mạng ông như ngàn cân treo sợi tóc, song điều đó cũng không thật quan trọng, bởi đã từng lên voi xuống chó, ông không sợ chết, cao hơn cả là sinh mạng dân tộc, là sự tồn vong của vương triều Trần mà ông đang phụng sự. Nếu như thuyền lương của giặc không qua đây và nếu như ông không chặn nổi chúng thì khi ấy không biết điều gì sẽ xảy ra? Tự ngẫm mình trung thực, một lòng vì quan quân, vì dân tộc, cái chết chẳng có gì đáng sợ. Nhưng phải chết lúc này thì oan uổng biết bao, đáng tiếc biết bao. Và trong sâu thẳm cõi lòng, ông khát khao chiến thắng, ông nguyện dâng chiến thắng đó cho nàng, người đàn bà ông yêu thương nhất cõi đời, người mà ông đã chịu đắng cay tủi hổ, chịu ô danh với sử sách, và ông phải có cái quyền được sống để mà chiến thắng, để mà lấy chiến thắng ấy xóa đi vết nhơ trong sử sách do chính ông với nàng gây nên.

Nhân Huệ vương Khánh Dư đắm chìm trong hồi ức và ý nghĩ, sự mềm yếu và chí anh hùng. Ngoài cửa Vân Đồn trời biển vân vũ, nhưng đã rạn ra, hắt lên cao những tia sáng rẻ quạt…
Nhân Huệ vương đang gục đầu trên án thư chợt nghe tiếng người đâu đó vẳng lại, ông định thần lắng nghe, đúng là tiếng ấy nói với ông: “Hãy nghe ta, thuyền chiến đi qua, ắt thuyền lương sẽ theo sau. Hãy thu thập tàn binh đợi chúng. Ngài sẽ đánh bại chúng, bắt được quân lương, khí giới vô kể. Hãy chuẩn bị ngựa trại báo tiệp cho Thượng hoàng mà xin tha tội trước!”. Ông nhìn quanh quất mà chẳng thấy bóng dáng ai, bèn chắp tay mà hỏi vào thinh không: “Thế Ngài là ai? Không nói quở tôi chứ?”.

Tiếng nói ấy lại vang lên, như rót thẳng vào tai ông, rành mạch từng câu, từng chữ: “Ngài chẳng nên biết ta là ai làm gì. Ngài sẽ phiêu du vào cõi Bồng Lai tiên cảnh vào mùa thu năm Khai Hựu thứ mười một. Quãng thời gian lưu lại với phàm trần, ngài không được hưởng vinh quang, và sẽ còn chịu thêm nhiều điều tiếng nữa. Song ngàn sau, người đời sẽ biết đến ngài qua những dòng mà các sử gia đặt bút viết thế này: “Việc đánh lui giặc Hồ (tức quân Nguyên) ở đời Trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo, mà không biết đến trận thắng ở Vân Đồn của Khánh Dư. Trận thắng đó rất kỳ diệu và là căn bản cho trận thắng sau đấy. Cho nên nói, trận thắng ở Vân Đồn là căn bản của việc đánh lui giặc Hồ đấy!”.

Nhân Huệ vương xiết bao mừng rỡ. Ông tỉnh hẳn. Thì ra vửa rồi là ông nói chuyện với người cõi mộng, vi thần tiên nào đấy. Ông chắp tay bái vọng lên trời, rồi xuống đất. Nhân Huệ vương Khánh Dư lặng lẽ rời bàn thư, bước ra bên ngoài, hướng mắt về phía cửa Vân Đồn.

Bình minh đang rạng!

Nhận xét