Thời gian không trở lại


Trong đoản văn của mình, NBT đã trích dẫn một câu hát từ bài hát nền bộ phim truyền hình nhiều tập Phía trước là bầu trời : “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…”.

Bộ phim ấy làm về đề tài sinh viên, được ra mắt công chúng cách đây khoảng chục năm. Tôi đã xem một cách chăm chú và thích thú với các nhân vật và nhiều tình tiết của bộ phim… Tôi yêu thích , không hẳn vì sự thành công của bộ phim đó, hay sự xuất sắc của một vài vai diễn, nhân vật … mà vì ở đó, tác giả đã gửi gắm khát khao được sống-làm việc- yêu đương, được khẳng định mình, được cống hiến tuổi trẻ, sức sáng tạo… và cả được hưởng thụ với ý nghĩa đích thực của cuộc đời. 

Tôi thích bài hát nền với ca từ và giai điệu giản dị, trong sáng, khát khao, da diết và có gì đó tiếc nuối …

Tôi thích nó, NBT ạ, còn đơn giản bởi, tôi đã thực sự cảm nhận được cái mất mát không tài nào lấy lại được của quãng thời gian đã qua trong cuộc đời mình và những người thân mà tôi yêu quý… 
Ước muốn cho thời gian trở lại … Không đâu, BNT ơi, thời gian không trở lại… 

Tôi nhớ đến sự mê dụ trong văn chương của Marcel Proust, thiên tùy bút "Xứ sở" - khúc ngẫu hứng của tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" (Retrouvé le temp), mà ở đó, tác giả bộc lộ khát vọng sống và sự tiếc nuối về thời gian gian đã mất …

Tôi lại nhớ đến một câu thơ của Ngô Tự Lập – “Gió đã mang đi ngày hôm qua" – bài thơ ấy lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng Yesterday…

Tôi chia sẻ và đồng cảm với Việt An khi anh ghi cảm nhận : “Với tôi, tôi vẫn muốn thời gian trở lại. Trở lại không phải cho tôi, mà cho cha mẹ tôi. Tôi ước gì cha mẹ tôi trở lại tuổi 60, để tôi có thể phá bỏ căn nhà cũ, xây căn nhà mới nhỏ xinh và đầy đủ tiện nghi dành cho cha mẹ”. 

Tôi với Việt An chơi với nhau từ tuổi học trò. Khi là sinh viên, tôi cùng với người bạn đã đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng lên tận Phủ Lỗ-Núi Đôi thăm Việt An vào một ngày chủ nhật. Việt An và bạn bè cùng lớp anh, khi đó, đã báo thêm mấy suất cơm nhà ăn, và còn dành tất cả những thứ gì ăn được để tiếp đãi chúng tôi một bữa cơm đạm bạc thời nghèo khó. Tôi còn nhớ như in bữa cơm quây quần ấy, trong căn phòng chật chội của ký túc xá tranh tre nứa lá trên vùng đất sỏi khô cằn miền trung du, đám sinh viên vừa ăn, vừa trò chuyện thân mật, trêu đùa nhau, bốc phét, kể chuyện yêu đương và đọc thơ (thơ người, thơ mình , nói tóm lại là tất cả những gì mình thuộc)… 

Rồi đó, là những năm lập thân, lập nghiệp khổ ải và khao khát. Mấy đứa chúng tôi, Trần Đăng Khoa vào bộ đồi, đi chiến trường Campuchia và Trường Sa, Việt An cũng vào bộ đội và anh công tác ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi cầm tấm bằng kỹ sư canh nông và có đến 7 năm trời lang bạt khắp nẻo đồng bằng Tây Nam Bộ; một người bạn nữa thì làm báo, cũng lang thang đây đó… Những lần từ miền Tây Nam Bộ đi phép ra Bắc, tôi hay ghé thăm Việt An. Lại báo cơm nhà bếp đơn vị, nhưng lúc ấy, dù nghèo nhưng Việt An đã có đồng ra đồng vào, đã có thể chạy ù ra quán, mua thêm chút thức ăn tươi và xị đế , nhâm nhi với nhau để có cớ mà ngẫu hứng đọc thơ… Càng nghèo khó, gian khổ truân chuyên thì càng yêu thơ… Cũng là bởi, chỉ có thơ, ngoài thơ ra, không có gì khác, và mình biết lấy gì ra, để xoa dịu, an ủi lòng mình đây, để bộc lộ khao khát, để đau đáu văn chương và để tiếc nuối cơ chứ ?!... Cũng vì thiếu thốn, nên ngày ấy, Việt An đâu có thực hiện được mong muốn xây nhà mới cho cha mẹ anh, phải vậy không Việt An ?

Tôi lại nhớ, những ngày sống lầm lụi giữa đồng bằng bạt ngàn và cô quạnh nơi vùng đất biên giới Bảy Núi, An Giang, đêm đêm nghe tiếng muỗi bay và đâu đó tiếng vọng cổ não nề của khách thương hồ chạy tàu đò trên dòng kinh Tám Ngàn về miệt Hà Tiên … Lại cũng làm thơ. Thơ cho mình và thơ cho người yêu trong tâm tưởng, vô vọng mãi xứ Bắc, Hà thành …

Tôi lại nhớ, những ngày chạy đôn đáo xin việc, chuyển công tác, đêm về ăn đậu ngủ nhờ nơi gia đình người bạn, trong căn phòng có 9 mét vuông, như chuồng chim trên nóc chung cư P16 Thuỵ Khuê …

Tôi nhớ lắm và thấm thía ánh mắt buồn phiền của mẹ tôi, khi tôi vẫn cứ lang bạt đây đó, mãi chưa ổn định công việc và lập gia đình để mẹ yên lòng với tuổi già !... 

Vâng. Và lẽ dĩ nhiên, tôi nhớ… những bóng hồng, những người phụ nữ đi ngang qua, lướt nhanh qua tuổi trẻ của mình…

Và nữa … Nữa …Tất cả còn trong tôi, chỉ có thời gian là mất đi vĩnh viễn mà thôi… 

Ơi Nguoibinhthuong và Việt An, “nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại, bên nhau cháy bỏng …”. Các bạn của tôi ơi , thời gian không bao giờ trở lại . 

Chỉ có ký ức là ở lại và mãi tươi nguyên. Vậy thì, sự tiếc nuối hẳn không vô ích, khi mà, "Gió đã mang đi ngày hôm qua "?!...

Nhận xét

  1. Cảm nhận từ: Việt An [Bạn đọc] Email 30.05.13@20:20
    @Nguyễn Chu Nhạc !

    “Các bạn của tôi ơi , thời gian không bao giờ trở lại . Chỉ có ký ức là ở lại và mãi tươi nguyên. Vậy thì, sự tiếc nuối hẳn không vô ích, khi mà, Gió đã mang đi ngày hôm qua ?!...”(Nguyễn Chu Nhạc)
    ---
    Vâng ! đúng vậy ! Thời gian không bao giờ trở lại, chỉ có ký ức là mãi tươi nguyên. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên vào thời gian khó. Bây giờ kể lại, lớp trẻ sẽ cảm thấy như nghe như chuyện cổ tích. Hình như một thời gian khó, làm người ta yêu quí nhau, và nhớ nhau nhiều hơn thì phải ?

    Văn chương là cơ duyên, giúp cho chúng tôi trở thành bạn học của nhau, dù mỗi người ở mỗi huyện, rải rác khắp tỉnh Hải Hưng cũ (Nay tách làm 2 tỉnh là Hải Dương và Hưng Yên). Vào đời, tôi chọn cho mình con đường đi không còn bóng dáng văn chương. Đã mấy chục năm, tôi gần như không còn đọc các tác phẩm văn học. Cuối năm 2008, tình cờ khi lướt web, tôi đặt chân đến làng Blogtiengviệt. Nơi tôi ghé thăm đầu tiên là blog của Phạm Tâm An. Văn chương với tôi bây giờ, thực sự chỉ là những thoáng dạo chơi. Tôi viết cm tếu táo, với vài bài mang tính giao lưu. Việc đó mang lại cho tôi những người bạn mới, và cả những niềm vui nho nhỏ.

    Tình cờ khi giao lưu blog, tôi gặp lại bạn tôi – nhà báo Nguyễn Chu Nhạc. Nhưng, người làm tôi hiện diện trước cộng đồng, lại là nhà báo Nguyễn Trọng Huân (người mà tôi cảm mến qua những bài viết của anh), khi anh đã hơn một lần công khai nhắn tìm tôi trên blog, như “tìm trẻ lạc”. Thế giới ảo xa mà gần. Đó là duyên cớ để tôi xuất hiện ở bài viết này của Nguyễn Chu Nhạc.

    Những năm tuổi trẻ, có lẽ tôi và Chu Nhạc là khá long đong. Một chút sai lầm, đã làm việc học hành của tôi bị chia làm 2 khúc, trước khi có được mảnh bằng đại học. Chu Nhạc có thuận hơn, nhưng ra trường lại đi xa biệt, mãi vùng biên giới của tỉnh An giang. Lúc đó tôi đang trong quân ngũ. Muốn vào khu vực đóng quân phải đi qua ít nhất 2 trạm gác được kiểm soát khắt khe. Thật sự chúng tôi ít có dịp gặp nhau...nhưng, kỷ niệm về những năm tháng đã qua, vẫn còn nguyên vẹn.

    Năm 2004, tôi ra Hà Nội, đến nhà Trịnh Bá Ninh (hiện là Phó tổng BT báo NNVN). Ninh nhấc máy điện thoại thông báo cho các bạn, rồi quay sang nói với tôi: “Bây giờ ko còn thiếu thốn gì, nhưng tóm được thằng bạn đến nhà nhậu cũng khó, vì ai cũng bận việc”. Ngoài trời rét đậm. Mưa nặng hạt. Nhìn các bạn khoác áo mưa, đi cả chục km đến, tôi xúc động chẳng biết nói gì.

    Hôm sau, chúng tôi tụ họp tại nhà hàng Rambo, đường Nguyễn Chí Thanh Hà Nội. Đang vui, bỗng nhà thơ Trần Đăng Khoa trầm ngâm: “Kinh thật ! Ba mươi năm rồi đấy”! Vâng, chính xác lúc đó là 29 năm, kể từ khi chúng tôi rời ghế nhà trường phổ thông. Bây giờ (năm 2010) là 35 năm rồi ! 35 năm, mà như mới hôm qua !

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét