Không hiểu tự bao giờ, hình ảnh cái cò đi đón cơn mưa in đậm trong tôi, gây lên một xúc cảm thật khó tả về thân phận của người phụ nữ Việt Nam. Có lẽ, từ khi còn là trẻ con biết cảm nhận hơi thở ca dao trong lời ru năm xưa của mẹ :
"Con cò bay lả bay la,
Bay từ ngọn gạo bay ra cánh đồng";
"Cái cò đi đón cơn mưa;
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về"
hay lời nỉ non:
"Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Chớ xáo nước đục đau lòng cò tôi".
Và cũng có lẽ là do mãi sau này được đọc những câu thơ của các thi sĩ trứ danh, như : "Lặn lội thân cò khi quãng vắng..."
hay là:
"Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng
Có một mình cò phải kiếm ăn
Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ..."
Tôi không tài nào nhớ hết nổi những lời ca dao, những câu thơ về con cò, mà lời nào cũng da diết, thương cảm, xót xa... Người ta nói đến con cò, thương cảm cò mà đâu phải cho cò, là dể cho con người, cụ thể hơn cho người phụ nữ thời xưa cũ đấy chứ. Nhưng con cò thật, con cò chân cao cổ dài, thì thọp bắt tép trên đồng cũng đáng thương cảm lắm chứ. Hình bóng chú cò lặn lội một mình giữa đồng trưa tĩnh lặng, hay đôi ba cánh cò trắng sải ngang trời lúc chiều hôm chạng vạng bay về nơi tổ ở một lùm tre nào đó, là hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam tự bao đời nay, và cũng là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình, yên ả nơi thôn dã.
Cái thời bom đạn ngút trời thì có gì yên ổn được đâu, đến con cò cũng giật mình, đường bay chới với và những chiếc tổ tan tác hơi bom, nhưng không vì thế mà bỏ đi nơi khác. Là bởi, còn có con người ở lại, bám lấy đất, cắm mặt vào đất mà sinh tồn. Lớp trai làng chớm lớn má còn măng tơ, chưa kịp buông sách bút đã lên đường ra trận, cò ở lại cùng người già, phụ nữ và bầy trẻ con, mũ rơm đến trường chăm chỉ học hành...
Trời đất yên hàn, tre ấm bụi, đồng xanh tươi, cò lại trắng trên đồng. Thế nhưng, nào đâu chỉ có đạn bom, cò giận người nên bỏ đi đâu mất. Ai làm cho cảnh thanh bình xáo trộn, cho môi trường thiên nhiên kiệt quệ, xác xơ đến mức cò không chịu nổi, nếu không phải là chính con người ?
Trên cánh đồng vẫn dáng mẹ, dáng chị và đám trẻ chăn trâu, cần mẫn đêm ngày, vẫn những cơn gió vô tư dông dài thoảng lời ru cánh cò trong ca dao, cổ tích nhưng cánh cò thật thì hiếm hoi làm sao !
Ca dao, cổ tích, dù có thấm đẫm lời ru hát gọi cánh cò và những câu thơ dù có nỉ non sướt mướt đến máy thì cũng chỉ thành hoài niệm, nếu như con người không thiện chí vì một môi trường xanh sạch quanh ta, nếu như bầy trẻ nhỏ hôm nay không biết yêu, biết quý từng cánh cò trên đồng!...
Cứ ngẫm kỹ mà xem, trời đất đã yên hàn rồi đấy, tre dan díu ấm bụi chân làng và đồng quê đã thắm xanh in bóng mẹ, bóng chị chịu thương, chịu khó và bày trẻ thơ chăn trâu thả diều, đánh trận giả, nô đùa ngụp lặn trên sông. Cò có về chớp trắng trời cánh chẳng phải phân vân...!
Nhận xét
Đăng nhận xét