Tôi là một người nghiện trà. Và cứ phải là trà Thái (chè Thái Nguyên.). Cà phê thì bạn bè, nơi công sở có câu chuyện riêng tư, kéo nhau ra quán cũng gọi một ly cho phải phép, thế thôi, cả tháng không uống không sao.
Song trà thì sáng nào cũng vậy, vùng trở dậy, vội đến mấy cũng phải bật bếp đun ấm nước, rồi mới làm dăm động tác thể dục và vệ sinh cá nhân, chờ nước sôi. Pha ấm trà nhỏ, uống vài chén rồi mới tính chuyện ăn sáng. Ở cơ quan, những lúc nghỉ tay, cũng phải đôi ba tuần trà cùng đồng nghiệp. Tối thì thôi, quả là cũng muốn uống nhưng lại lo mất ngủ. Thế cũng kể là nghiện được rồi . Mà ở đời, nghiện cái gì cũng có cái thú, cái phiền riêng.
Thói quen uống trà sáng sớm là tôi nhiễm từ cha tôi. Ông vốn con nhà Nho, thuộc dòng thi thư, ngày nhỏ học chữ Nho với ông nội tôi, thế hệ khoa cử cuối cùng của triều Nguyễn. Sau ông mới ra Hà Nội, học quốc ngữ, tiếng Pháp và nghề hội họa thiết kế kiến trúc. Lúc làm ăn có tiền, ông cũng thuộc diện tiêu xài hoang phí, cao lâu, cô đầu, thuốc phiện đủ cả. Về sau thôi cả, rượu cũng chỉ đôi chén, riêng hút thuốc lào và uống trà là ông nghiện. Suốt những năm chiến tranh chống Mỹ, gia đình tôi rời Hà Nội về quê sinh sống. Thời buổi khó khăn, nghiện cái gì là khổ cái ấy. Tiếng là thuốc lào và trà là thứ sinh hoạt rẻ tiền, song kiếm cũng đâu có dễ. Thuốc lào Vĩnh Bảo và trà Thái thuộc loại thượng hảo hạng rồi. Ngày ấy, rẻ nhất là chè bồm, loại chè lá già sao giòn nhẹ bấc, pha uống chỉ thấy đăng đắng chan chát. Sang hơn tý chút là chè Thanh Hương, quen được gọi là chè ba hào hai, còn chè Hồng Đào cũng khó kiếm lắm. Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, anh cháu gọi cha tôi là cậu ruột, làm phó phòng thương nghiệp huyện, quý và biết tính ông cậu lắm nên giáp tết mới đến nhà chúc tết cậu sớm và biếu quà gồm một hộp mứt thập cẩm và một gói chè Hồng Đào. Nhiều năm như thế thành nếp, nên cứ gần tết, nhà chỉ lo gạo nếp, đỗ xanh, lá dong đủ gói nồi bánh chưng và chung được một góc con lợn, cùng vài ba con gà nhà nuôi được là ổn rồi. Thêm món quà biếu tết quý hiếm ấy là đủ cả.
Thường ngày, cha tôi có thói quen uống chè sớm tinh sương. Người già khó ngủ. Cứ tầm bốn rưỡi, năm giờ sáng là cha tôi tỉnh rồi. Ông cố nằm thêm chút nữa vì sợ mình lục sục sớm quá ảnh hưởng giấc ngủ của vợ con. Ông trở dậy, nhóm bếp đun ấm nước lên rót đầy phích và xúc ấm pha trà. Dù thường ngày là chè bồm, chè ba hào hai, biết không mấy ngon nhưng nghiện thì vậy cũng là quý. Thỉnh thoảng, có tâm sự hoặc cần bàn bạc gì riêng với mẹ tôi thì cha tôi mới nài mẹ tôi dậy sớm đối ẩm. Có lần, tôi chợt tỉnh ngủ, nhìn qua màn, thấy cha tôi ngồi độc ẩm im phăng phắc. Bóng ông trong quầng sáng của ngọn đèn chai dầu hỏa đỏ quạch in hình trên bức tường nhà đắp đất chập chờn theo ngọn đèn hãm nhỏ bởi gió lùa qua khe đất nứt nẻ. Ngày ấy, tôi còn nhỏ, quá vô tư nên chẳng mấy hiểu, chứ sau này, tôi mới ngẫm nghĩ và ngộ ra rằng, hồi ấy, sáng sáng độc ẩm trà trong im lặng như thế là cha tôi đang dồn nén những nỗi trăn trở khổ ải về cả tâm thần và thể xác, để mà tịnh tâm, và qua những phút giây đó, ông cần phải chứng tỏ sự vững vàng về mặt tinh thần, làm trụ chắc cho cả gia đình tôi vượt qua những khó khăn chung và riêng của một thời tao loạn, gian khổ...
Trở lại câu chuyện thưởng trà ngày tết. Sáng mồng một, ngày đầu tiên của năm mới, cha tôi vẫn đậy sớm như thường ngày, dù đêm trước thức khuya đón giao thừa. Ông đun nước sôi rồi cẩn thận lấy gói trà Hồng Đào trên bàn thờ xuống, bóc lấy đủ ấm pha xong, đợi trà ngấm giót ( đúng ra là rót ) một chén đặt lên bàn thờ, thắp hương khấn mời gia tiên thưởng trà trước. Sau đó, ông mới gọi nhẹ đánh thức mẹ tôi và mấy chị em chúng tôi dậy cho năm mời khỏi rông. Ông giót ( rót ) thêm ba chén trà, một cho ông, một cho mẹ tôi, còn chén kia dành cho tôi, thằng cu bé còn chưa biết uống trà, thưởng trà là gì nhưng sẽ phải gánh vác vai trò trưởng gia, trưởng chi họ, sau này đảm trách phần lễ nghi thờ cúng của gia đình và dòng tộc. Xong tuần trà, mới đến phần lễ nghi cho khai bút đầu năm. Quả là, tôi uống chỉ thấy những chát đắng chứ nào biết ngon đâu, song sự thành kính của cha tôi cho tôi hiểu lờ mờ ở đấy chứa đựng những tầng ý nghĩa cao hơn giá trị ẩm thực đơn thuần, nó thuộc về văn hóa, tâm linh... Tôi đã thấy được cái thú vị, cái phiền hà, và nữa, còn thấy ở đó những triết lý về cuộc sống.... Lại ngẫm nghĩ về những ẩn dụ, minh triết về trà và uống trà mà Phạm Đình Hồ và Cao Bá Quát xưa đã bình mà thấy thèm, thấy khát. Sự khát thèm về một đời sống tinh thần phong phú mà cao sang, là để có cái đích mà vươn tới ...
Sau khi cha tôi qua đời, dù không đến mức nghiện trà, song mẹ tôi vẫn giữ cái thói quen dậy sớm uống trà. Có thể, bà không hề nghĩ, không cần nâng lên thành triết lý như cha tôi, mà chỉ duy trì nó như một thói quen sinh hoạt, hoặc giả, bà chỉ muốn thắp lên một ngọn đèn vào lúc sớm hôm như sự báo hiệu ngày mới của một người chủ gia đình với bao lo toan, cần làm chỗ dựa cho con cái thôi chăng ? Chẳng hiểu do di truyền hay cuộc đời đã dạy cho tôi thành một người nghiện trà ?! Đời sống thường nhật là vậy. Bao lo toan bộn bề, bao xô bồ trần tục, bao buồn vui lẫn lộn... Chẳng nhẽ, cứ cắm cúi mà sống, mà chịu, mà hưởng ? Đâu mấy được ngẩng mặt lên, thanh tâm bên ấm trà buổi sớm ?
Giờ thì trà ngon đủ loại. Muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng cha tôi thì đã xa khuất quá lâu rồi. Mẹ tôi cũng thế. Mỗi tết, tôi sẽ lại làm như cha tôi từng làm xưa kia. Thành kính với gia tiên và song thân, có phần cho riêng mình, và dường như có gì đó cho con cái nữa.
Như một người giữ lửa !...
Nhận xét
Đăng nhận xét