Tôi có khoảng chục năm sống và đi học phổ thông ở quê. Quê tôi, một làng quê điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, còn xưa kia, thuộc trấn Kinh Bắc. Nếp sống, tập tục là của vùng Kinh Bắc. Dù không còn đất hương hỏa do cụ kị xưa để lại, ở quê, tôi vẫn còn chút đất cắm dùi, là do thời chiến tranh chống máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, bố mẹ tôi về quê bỏ tiền mua lại một mảnh đất ở giữa làng. Sau này, lập nghiệp thành phố, cha mẹ khuất núi đều chôn cất tại quê, nên năm dăm ba lần về quê thăm vườn cũ, thắp hương cho cha mẹ ông bà. Thêm nữa, vê họ hàng ở quê, nhà tôi là ngạch trưởng, bản thân phải đóng vai ông trưởng chi họ. Thôi thì, có đi đâu thì cũng phải thủ lễ ngày giỗ cụ tổ chi họ...
Đi xa, lâu lâu mới về làng, lại chớp nhoáng đảo nhoàng, nên cái gì cũng lạ. Quang cảnh, nhà cửa, sông ngòi nay ít nhiều đổi khác, song không mấy ngại. Điều đáng ngại nhất, là gặp người làng mình, mà cứ như người xa lạ. Người ta biết mình, chào mình, mà mình lại chẳng thể nhớ, chẳng thể thuộc mặt thuộc tên họ là ai... Gặp người quen thì chào trước, được chào thì chào lại, giữ lễ là chính thôi. Lâu lâu, có người làng hay chuyện, tự giới thiệu họ là ai, con cái nhà nào trong làng... Mình thì khi biết, khi không, đành gật đầu vâng dạ cho qua chuyện ... Thật ái ngại làm sao. Thế nên, với tâm trạng này, tôi đã có lần bình bài thơ " Hồi hương ngẫu thư " của Hạ Tri Chương, là để tự nhủ lòng mình. Bài thơ ấy có câu rằng:" Nhi đồng tương kiến bất tương thức/ Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.( Nghĩa là : Trẻ con ở làng trông thấy mình nào biết mình là ai/ Chúng cười hỏi, rằng khách từ nơi đâu đến đây ).... Song như vậy, khả dĩ vẫn còn được. Chứ đằng này, Lý Tần, trong bài thơ " Độ Hán Giang " của mình, mức độ e ngại còn hơn nhiều; những là "Cận hương tình cánh khiếp,/Bất cảm vấn lai nhân", kia mà !
Hôm nay, tranh thủ kỳ nghỉ lễ, tôi mới về quê ra. Đi trên đường làng, vẫn cái tình cảnh ấy, tâm trạng ấy. Tới đây, tôi bận chút việc sân vườn, nhà cửa ở quê, hẳn sẽ hay phải về quê hơn. Ô, may mà, đã có cái nhà ông Lý Tần, sống từ thời Đường, giãi bày hộ tâm trạng mình rồi.
Nguyên bản chữ Hán
渡漢江
嶺外音書絕,
經冬復立春。
近鄉情更怯,
不敢問來人。
Bản âm Hán Việt
Lĩnh ngoại âm thư tuyệt,
Kinh đông phục lập xuân.
Cận hương tình cánh khiếp,
Bất cảm vấn lai nhân.
Dịch nghĩa
Qua sông Hán
(Ra) ngoài đất Lĩnh, thư tín vắng bặt
Hết mùa đông lại đến tiết lập xuân
Cứ đến gần làng, lòng những luống e ngại
Chẳng dám hỏi ai cả khi gặp người.
Bản dịch thơ của Trần Trọng Kim
Lĩnh ngoại thư từ vắng,
Qua đông lại lập xuân.
Gần làng lòng sợ hãi,
Không dám hỏi lai nhân.
Bản dịch thơ của Ngô Văn Phú
Ngoài Ngũ Lĩnh, bặt tin thư
Mùa đông đã hết, trời vừa lập xuân
Bồi hồi sợ phút gần làng
Gặp người ngại chẳng hỏi han điều gì.
Chủ bút chờ đợi bản dịch thơ của mọi người.
Kính !
1. Cảm nhận từ: hoamai1 [Blogger] Email 01.09.13@18:44
Trả lờiXóaBản dịch thơ của Hoa Mai:
Ra ngoài đất Lĩnh bặt tin
Hết mùa đông lại tiếp liền đến xuân
Về quê lòng những ngại ngần
Gặp người chẳng biết hỏi han điều gì!
2. Cảm nhận từ: Ví giặm ân tình [Blogger] 01.09.13@20:23
Ví dịch nhé:
Xa đất Lĩnh bặt thư
Bao Đông qua xuân lại
Vào thôn lòng e ngại
Gặp người chẳng dám thưa
13. Cảm nhận từ: nguyentronglien [Blogger] Email 04.09.13@14:41
Qua sông Hán
( Ra ) ngoài đất Lĩnh, thư tín vắng bặt
Hết mùa đông lại đến tiết lập xuân
Cứ đến gần làng, lòng những luống e ngại
Chẳng dám hỏi ai cả khi gặp người.
Bản dịch thơ của Trần Trọng Kim
Sang thăm anh và mạo muội "dịch" thơ như sau:
Ngũ Lĩnh xa, thư cũng xa...
Tàn Đông, hoa lại mặn mà cùng Xuân
Về làng, ngần ngại bước chân
Gặp người, lòng cứ bần thần...chào, thưa!!
NTL
15. Cảm nhận từ: giacminh [Blogger] Email 04.09.13@21:42
Biệt vô âm tín quê nhà
Đông tàn xuân lại quê cha lại về
Ngại ngần chân bước lòng e
Gặp người lòng ngợ tình quê xao lòng
16. Cảm nhận từ: maitrinh41 [Blogger] Email 05.09.13@08:18
Xa quê vắng bặt tin nhà
Đông qua Xuân tới những là nhớ mong
Ngày về lòng biết sao đang
Hỏi ai ,ai hỏi ngổn ngang tơ lòng.