Năm 1991, tôi còn nhớ, khi đó, Trần Đăng Khoa còn đang học tại Đại học Gorky bên Nga, một lần về phép, tới chơi, Khoa rủ tôi đến thăm Tào Mạt vì nghe nói ông bị ung thư. Lúc ấy, ông sống ở căn nhà do quân đội tạm cấp tại phố Nhà Binh – Lý Nam Đế với bà vợ từ Nam Định lên chăm bệnh cho chồng và ngày ngày đi bán trứng thêm thắt.
Ông có tên thật là Nguyễn Đăng Thục, quê Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây cũ. Vì khâm phục Tào Mạt, viên võ tướng nước Lỗ (Thời Đông Chu Liệt Quốc của Trung Hoa cổ đại, người đã dám dùng vũ khí uy hiếp Tề Hoàn Công, bá chủ chư hầu, tại hội thề của các nước chư hầu nhà Chu, ép Tề Hoàn Công trả lại phần lãnh thổ mà nước Tề đã chiếm lấy từ nước Lỗ), lấy làm bút danh của mình.
Tôi cứ ngỡ sẽ bắt gặp một ông Tào Mạt ốm o, nằm bẹp trên giường bệnh, kiệt sức và suy sụp tinh thần. Nào ngờ, người ra mở cửa cho chúng tôi lại chính là ông – một Tào Mạt với dáng vẻ hoạt bát, vui vẻ lắm. Ông không giấu bệnh như nhiều người khác khi không may bị căn bệnh hiểm nghèo này. Ông chỉ cho Khoa và tôi xem những chuỗi u, cục to nhỏ, lổn nhổn suốt từ tay đến chân bên trái, rồi phủi tay bảo: “Thây kệ nó, việc nó nó làm, việc mình mình làm”. Chao ơi, người nói về căn bệnh sẽ hành chết mình nay mai một cách thản nhiên, hài hước như vậy thì không biết ý chí, nghị lực đến chừng nào?... Khoa nhìn đống giấy tờ ngổn ngang nơi bàn giấy, hỏi: “Quan bác đang làm gì vậy?”. Tào Mạt phấn chấn: “A...Mình có người quen công tác ở Trung Quốc mua tặng trọn bộ Đỗ Phủ. Mình đang gấp rút dịch toàn bộ thơ Đỗ Phủ... Nếu nó để cho mình rảnh tay... nếu còn kịp thì mình sẽ viết một vở kịch về Đỗ Phủ. Trong số các nhà thơ đời Đường, ông này là gần dân nhất, lầm than nhất...”. Rồi ông hỏi han Khoa về văn học Liên Xô thời biến động, đàm đạo về văn chương, nói say sưa về Tam Quốc Diễn Nghĩa và Hồng Lâu Mộng.
Trời chiều, Khoa mời ông đi ăn quán, ông lo chuyện cơm nước cho vợ vì thương bà đi bán trứng về mệt, song ông vẫn nhận lời. Ngồi trong quán ở phố Cấm Chỉ, ông nhấm nháp chút ít mằn thắn không mì với chén rượu thuốc. Trong câu chuyện, ông nhiều lần nói với Khoa về Nguyễn Thị Đạo Tĩnh và khen những sáng tác của chị, rồi lại tỏ ra băn khoăn vì việc Đạo Tĩnh muộn lập gia đình. Nhiều lúc ông lặng đi, mắt nhìn thẳng vào đâu đó thinh không, như không nghe không thấy gì sự huyên náo của một phố ẩm thực. Ngỡ như ngồi đấy mà tâm trí ông như để ở phương nào...
Sau lần gặp ấy, tôi có viết một bài báo với nhan đề Nhà viết kịch Tào Mạt đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Chừng gần nửa năm, một lần nhà thơ Lâm Huy Nhuận nghe đâu tin Tào Mạt bị ung thư, thế là anh đòi tôi đưa anh đến nhà Tào Mạt. Tôi ngỡ ông đã quên tôi, nhưng không, ông trách nhẹ: “Trần Đăng Khoa đi Nga rồi, còn cậu, sao lâu không đến mình? Mình có biết bài cậu viết về mình. Thật quý hóa! ”. Khi tôi giới thiệu Lâm Huy Nhuận, ông nắm chặt tay Nhuận bảo: “Tên và thơ cậu thì mình có biết, nhưng người thì nay mới gặp, âu cũng là duyên kỳ ngộ đưa cậu đến thăm mình”. So với lần trước, trông thần thái ông có kém, song ông vẫn rất vui.
Lâm Huy Nhuận biết nghề thuốc, lại khá Hán Nôm, anh đòi Tào Mạt lấy nghiên mực, bút lông để anh kê đơn một bài thuốc tiêu ung cổ. Tào Mạt cầm đơn xem cười chỉ cho Nhuận những chữ viết không chỉnh, rồi ông lại đòi Nhuận viết vào đơn lời đề tặng bằng chữ Hán là Lâm Huy Nhuận kê cho Tào Mạt. Vừa khi ấy thì ông có khách, một người bạn già. Tào Mạt mời rượu mọi người, nói chuyện với người bạn về thuở kháng chiến, về thơ Phùng Quán. Lúc này, ông mới biết Lâm Huy Nhuận là con trai nhà thơ Yến Lan. Thế là ông xoay sang nói chuyện về Yến Lan và nhóm thơ Tứ Linh của đất Bình Định (Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên). Bầu không khí chuếnh choáng, chủ khách đều cao hứng đọc thơ. Tào Mạt đọc thơ người, thơ bạn và thơ mình. Thơ ông hầu như là thế sự, và tôi đồ rằng những bài thơ này ông không in ở đâu cả, chỉ viết cho chính lòng ông và thi thoảng đọc cho bạn bè nghe chơi. Nhìn ông say, ông vui mà tôi cứ bùi ngùi, tôi hiểu, với ông giờ đây, những phút giây như vậy thật là quý, bởi sau đó, ông phải lặng lẽ lo cho vợ con, lo kịp viết xong những điều tâm huyết dang dở trong cuộc chạy nước rút cuối cùng với căn bệnh quái ác giết dần ông từng giờ, từng ngày... Và tôi cũng hiểu, ông chiều lòng Lâm Huy Nhuận kê đơn, yêu cầu ghi đề tặng, là để làm kỷ vật, chứ người am tường, giỏi Hán Nôm như ông, tự thân biết thuốc chỉ chữa được bệnh, chứ nào đâu chữa được mệnh.
Tôi nhớ, hôm được Trần Đăng Khoa nói có thấy băng ghi âm bộ Bài ca giữ nước được dân xuất khẩu lao động bán ở bên Nga, cũng như sau đó, biết băng ghi hình ấy được Việt Kiều yêu thích, lùng mua ở nước ngoài, ông bình thản, tuyệt nhiên không hề nhắc đến chuyện tiền bạc, vi phạm bản quyền, chỉ cười hiền: “Thế á!... Thật may... là người mình vẫn yêu thích, trân trọng văn hóa truyền thống dân tộc. Sợ nhất là sự vong bản về văn hóa! ”.
Hôm ông mất (năm 1993), người đến tiễn biệt ông ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng – số 5 Trần Thánh Tông đông lắm. Tôi nhớ, khi ấy là mùa xà cừ rụng lá. Lúc đám tang cất rồi, cả đường Trần Thánh Tông heo hút, chỉ bời bời lá xà cừ rụng... Chắc hẳn, những vở chèo ông viết, dù là ở dạng văn bản, băng ghi âm, hay băng ghi hình, và rồi sau này có thể người ta tiếp tục dàn dựng lại trên sân khấu, thì chúng vẫn sống với thời gian, có sức lay động lòng người!...
Nhận xét
Đăng nhận xét