Phùng cung - Có một nông thôn trong thơ Phùng Cung (I)

Phần 1: Có một nông thôn trong thơ Phùng Cung


Tôi có nguồn gốc nông thôn. Tuy sinh ra ở thành phố, song đến tuổi đi học lại về quê sinh sống. Bản thân bạch diện thư sinh nên công việc đồng áng không mấy thạo, tuy cũng lóng ngóng làm được đôi ba việc nhà nông. Thôi thì cứ mạo nhận là nông dân nửa mùa.

Lúc theo nghiệp cầm bút, viết về thành phố thì như kẻ ngô ngọng. Đành tập tọng kể chuyện làng quê vậy. Biết cũng chẳng hay ho gì, nhưng còn có cái để mà viết. Lâu lâu rồi cũng thành quen, lại tự nhận thấy rằng, cái sự nửa tỉnh nửa quê của mình phần nhiều là dở, dở hơi dở hám, nhưng cũng có cái được. Mình nhìn làng quê, nông thôn lại thấy ngồ ngộ hay hay, cũng ra chiều nên thơ, chứ không đến mức tẻ nhạt, chán ngắt như chính bà con nông dân tự nhìn nhận về đời sống và cảnh ngộ của họ. Nghĩ thế rồi, nên cứ yên tâm mà viết. Đều đều, đường được. Có tặng sách cho người này người nọ, rồi cũng có người mua sách của mình. Cũng lại chưa thấy ai chê bai. Mà có lẽ, người ta không chê, không muốn chê và chẳng thèm chê. Có lẽ, phần vì không để ý, vì không nỡ, hoặc giả có đi chăng nữa thì cũng chẳng có gì đáng để chấp nê ...?



Thế rồi một ngày cuối thu. Đầu óc u u minh minh với việc công sở. Tản bộ ra một hiệu sách gần, nhà sách của Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây nằm trên phố Bà Triệu. Nhìn những giá sách mới ngồn ngộn những quyển, những bộ dày mình, bóng lộn và sặc sỡ đến hoa mắt choáng đầu. Thầm nghĩ, tri thức nhân loại đầy cả đây mà sao phân vân chẳng biết mua quyển gì. Bèn ngó nghiêng sang quầy sách đại hạ giá cũ kỹ đầy bụi phủ. Rút bừa một cuốn bìa xám sỉn lép xẹp trên cái kệ có treo bảng ghi giá chung cho mọi quyển là 5 nghìn đồng. Lại là thơ ư ? Lâu nay mình đã ớn thơ phú lắm rồi. Song khi nhẩm đọc tên sách, tên người và cảm thấy, hình như mình đã đọc hoặc nghe ai đó từng nói về cái nhà ông Phùng Cung, tác giả của tập thơ này, có cuộc đời truân chuyên, chìm nổi lắm lắm... Thôi thì thử đọc xem sao... 

Nào ngờ, cái tập thơ Xem đêm ( NXB Văn hóa thông tin-1995 ) đã được in từ mấy năm trước, nay thuộc diện hàng chậm luân chuyển, bỏ bán lấy vốn ấy, đã đem đến cho tôi sự thích thú. Cảm nhận thì nhiều, song trước hết, xin bàn về hình bóng một nông thôn lạ lẫm, vừa sâu rộng, lại có gì đó chập chờn nửa thực nửa hư ... 

Ấy là một nông thôn đầy sắc màu, thanh âm ngồ ngộ, lạ mắt lạ tai, song vẫn rất thân thuộc và gần gũi : " Sông chảy bồn chồn hoa nắng/ Chim chả nguệch bàn cờ bến vắng " ; " Ngô lúa quanh làng/ Một màu xanh-cánh-chấu ; "Hoa bầu rụng/ Lèo tèo tóp mỡ/ Pháo đất bốp bờ ao " ; " Tu hú trên ngọn sung chùa/ Giật mình, xông giọng " ; " Ốc luộc lá bòng thơm tấy ngõ/ Lúa non chấp chới dậy thì/ Nhũng nhẵng dây cò-phơi tã " ; " Hạt mồng tơi kênh đất nghe trời/ Chuối con gái vội hong búp lụa " ; " Con sộp phùm vỗ hão bóng hoa lay/ Lá tre rụng/ Nhuộm hoàng hôn tím đỏ " ; " Diều lá vông cỡn gió/ Con rắn bay/ Đuổi gấp vầng trăng " v.v và v.v... 

Một vùng nông thôn trũng úng, lầm lụi sống, vật vã với cái đói cái rét, nhẫn nại trong lam lũ cực nhọc để mà vượt lên : " Trắng lưng trời/ Làng thôn nơm nớp/ Củ ráy đẫy gang " ; " Tép riu sang khế/ Khăn bùn thuyền thúng-đăm chiêu/ Đồng chiêm ơi/ Khóe mắt ngời nắng cũ " ; " Lẻ tấm/ Búng rền/ Đũm mắm/ Đểnh đoảng mùi cháo canh "; " Ngô phong cờ/ Chó chạy hở đuôi/ Cái đói-tròn/ Lăn-kín bốn mùa"; " Gió bấc về/ Gà con lên cơn sốt/ Nhong nhóc đi, đứng/ Chen nhau tìm chỗ ấm/ Cẳng gày lội gió " ; " Bến đò quán chợ-ngã ba/ Vật vã mùi cháo thí đêm hè "; " Tiếng cuốc bèo da diết gọi ngày mai " ...v.v... 

Và trong những cảnh huống ấy, trăn trở, nặng trĩu, nghèn nghẹn, da diết một nỗi niềm người, nỗi niềm ta : " Bạc tóc trở về quê/ Bỡ ngỡ tìm dò bến mới/ Nhìn dáng lạt bó rau/ Nhận được người làng " ; " Mảnh tình riêng/ Dạt nẻo hoa trôi " ; " Em vừa ốm dậy/ Cơm bắp, dưa sung/ Thèm canh chuối/ Sảy tay vỡ bát/ Em run rảy nhìn ngơ ngác " ; " Xì xẹt sái nhì-tắc điếu/ Cút tương kiến gió đánh đai/ Rổ không hờ hững quang treo/ Nắng thả chào mào nghiêng nghé " ; " Sáo diều ai hóc-gió ven sông " ; " Nhớ người đi xa/ Đãy sắn khô/ Lão đẽo-thơm-giáp hạt " ; " Sương chiều nghe-lạnh bước chân/ Khách áo cũ/ Tìm về bến cũ/ Ai đốt rác lá tre bên ngõ/ Lối đi đầy mùi khói cuối năm " ; " Đêm chợt nghe/ Trong gối vọng tiếng ru/ Lắng tai nghe mới rõ/ Tiếng tóc mình chuyển bạc " ; " Lúc ra đi/ Đãy quê thao thức gối đầu/ Trót-dông dài-trăng nước/ Mặt va-giông chớp/ Rạc mái phong lưu/ Gót nhọc/ Men về thung cũ/ Quỳ dưới chân quê/ Trăm sự cúi đầu/ Xin quê rộng lượng " ...v.v... 

Quả là tôi không thể nhắc hết được những câu thơ như thế. Nhiều lắm những chữ, những câu, những tứ lạ, súc tích và ám ảnh. Nguyên là một cây bút về văn xuôi, bẵng đi mấy chục năm, khi tái xuất lại bằng thơ, không ngọt như mía lùi kiểu Hoàng Cầm, không ấn tượng như Hoàng Hưng, Phùng Cung lặng lẽ , thâm trầm mà như khắc như tạc... 

Tôi biết, thơ phú bây giờ nhiều vô kể. Cứ mỗi ngày trôi qua, có cơ man những bài thơ được đăng báo, có bao nhiêu tập thơ từ các câu lạc bộ thơ xã phường đến các sa-lông văn học sang trọng nơi đô thị, rồi các nhà xuất bản tiếng tăm ở trung ương cho ra lò, trình với làng thơ ca ? Rồi nữa, quan niệm về thơ, về thơ hay luôn trong cảnh chín người mười làng, mỗi kẻ một phách, mấy ai chịu nhau. Riêng với tôi, thơ hay là đọc rồi, nó cứ ám ảnh mình mãi. Tôi cũng lại biết, có nhiều nhà thơ, nhà phê bình đang sốt ruột lắm, vì họ cho là nền thi ca Việt Nam cứ ì ạch mãi thế này thì có đến mùng thất cũng không giật được cái Nobel văn chương. Thế rồi họ cách tân, họ cổ súy, thi nhau đăng đàn mà tiếp thị thơ, tung hô cái sự cách tân. Song le, hết thơ văn xuôi, thơ không vần, thơ diễn nôm na ná dịch nghĩa thơ Tàu thơ Tây, và gỉ gì gi nữa, rốt cuộc thiên hạ vẫn không mấy ai thuộc, cũng chẳng mấy ai bị ám ảnh, ngoại trừ sự tự kỷ ám thị của họ. Thực ra, đổi mới luôn là một ý đồ tốt, là một biểu hiện bình thường của sự vận động xã hội nói chung, huống chi là văn chương, thơ phú . 

Xem đêm của Phùng Cung đã thực sự ám ảnh tôi, lấy lại tình yêu với thơ ca ở nơi tôi, kích hoạt tôi làm việc... Cứ xem cho kỹ, thơ Phùng Cung cũng mới đấy chứ. Câu chữ, ý tứ, nhịp điệu, hình ảnh, vần vèo đều mới cả. Mới song không sượng, nhuyễn mà không cũ. Đấy là cách tân chứ phải tìm đâu xa. Và thế, tôi cho là thơ hay !...

Đọc rồi, cứ rẩm riu tự hỏi, sao các nhà ông này lại thấu hiểu thôn quê đến thế, viết hay đến thế ? Ngẫm ra, thấy những bài mình viết về thôn quê chẳng đáng giá gì. Tôi không rõ quê ông cụ thể ở đâu, song cứ qua thơ mà đoán, thì hẳn là một quê chiêm trũng thuộc đồng bằng Bắc bộ. Cũng na ná như vùng quê tôi. Mùa thối chiêm khê, cấy chay bừa chùi, đồng xa bước chầy bước thụt nặng những gánh lúa ướt sũng, hạt ngâm nước lâu ngày lên mộng mạ, đập ra đánh đống nơi sân kho hợp tác xã hâm hấp nóng bốc hơi nước mờ mịt mùi men rượu ... Thóc vậy mà đâu có được ăn cho no bụng, vì vẫn phải đủ nghĩa vụ lương thực, còn dành dụm cho tiền phương. Cứ thế, thắt lưng buộc bụng, khoai sắn, rau dưa độn vào cho ấm lòng. Vậy mà không một ai kêu ca, eo xèo, bởi mọi người đều hiểu rằng, có thấm tháp gì với những gian khổ hy sinh nơi chiến trận. Giá của mỗi chiến thắng ngoài mặt trận, của mỗi ngày bình yên chốn làng quê ấy phải đổi bằng máu, bằng mồ hôi nước mắt, bằng chính những bó lúa mộng mạ nóng hổi hơi nước kia !... 

Những ngày tháng đầy gian khổ lo âu ấy trôi qua nặng nề làm sao mà cũng bình thản làm sao. Không một người dân quê nào hiểu nổi nó đã trôi qua bằng cách nào, chỉ biết mình vẫn sống, làng quê mình vẫn sống, dân tộc mình vẫn tồn tại một cách vững chãi. Tôi đã cảm nhận được một nông thôn như thế qua những bài thơ của Phùng Cung, tất nhiên, trong đó có cả những nỗi niềm riêng tây, nỗi đau bản thể. Phùng Cung đã khắc họa bằng ánh sáng sắc màu, thanh âm và cảm quan để ra một nông thôn của một thời đã qua, chân thực đến xót xa, đẹp một cách âu sầu, song lại vô cùng lung linh huyền ảo. Hiểu một nông thôn như thế trong quá khứ chưa xa, mới càng thấm thía một nông thôn đang khởi sắc của ngày nay!... 

Nông thôn ta ngàn đời vẫn vậy, dẫu đời sông nông dân có khấm khá lên nhiều, song thói quen tằn tiện, chịu khó chịu khổ vốn đã ăn sâu vào máu thịt thì đâu dễ phai lạt. Còn là ở cái tâm lý: " Được mùa chớ phụ ngô khoai. Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng ". 

Thì cứ cho là những câu thơ của Phùng Cung viết về nông thôn như ngô như khoai đi. Bình thường chỉ là ăn chơi, mấy ai để ý. Đến khi xót lòng, mang ra ăn, càng nhai càng ngọt càng bùi. Đấy là chưa kể, mấy ai đâu đã nghĩ, một ngày nào đó, ngô khoai lại trở thành đặc sản như bây giờ !.

Nhận xét