Lữ hành cô độc


Tôi biết đến cái tên Lâm Huy Nhuận bắt đầu từ bài thơ Thung lũng tiếng chim đoạt giải cao cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ khi cuộc chiến tranh chống Mỹ Ngụy chưa kết thúc, cùng với người bạn thơ mặc áo lính với anh là Hoàng Nhuận Cầm.

Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, mãi cho đến quãng năm 1978 tôi mới biết mặt Lâm Huy Nhuận, khi đó đang là sinh viên Hán Nôm khóa 22 của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Số là, tôi có mấy người bạn học cùng khoa với anh, hay rủ tôi sang chơi vào dịp cuối tuần nhân thể dự đêm thơ của trường ấy. Ở vào thời điểm đó, Khoa Văn Đại học Tổng hợp hay tổ chức đêm thơ ở khu giảng đường Thanh Xuân, Hà Nội. Người đọc thơ thì nhiều, sinh viên có và cả những nhà thơ bên ngoài cũng có, song nổi bật nhất thì chỉ có hai, ấy là Hoàng Nhuận Cầm và Lâm Huy Nhuận. Giảng đường chật ních những người, đa số là dân Tổng hợp, cũng có sinh viên của một số trường đại học khác ở Hà Nội mò đến dự, kiểu như mấy đứa chúng tôi.

Tôi nhớ, khi Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ, anh như người nhập đồng. Đám cử tọa nữ sinh bên dưới nhiều đứa lén chấm nước mắt. Còn Lâm Huy Nhuận thi khác, thơ anh không êm dịu, ru rín lấy nước mắt như thơ Hoàng Nhuận Cầm, mà câu chữ có gì đó rổn rảng, tinh xảo. Thực ra, anh trình diễn thơ, giọng khỏe, điệu bộ chân tay như diễn đạt ý tưởng. Nghe rồi, tôi thầm so sánh. Hoàng Nhuận Cầm, lời thơ bộc trực, ý lộ, như chuyện kể giàu nhạc điệu, nên hiệu quả tức thì, dễ lay động tuổi mới lớn đang yêu. Trái lại, Lâm Huy Nhuận chắt lọc, ẩn ý, câu chữ ấn tượng nên dễ át người nghe, thoáng qua thì khó hiểu, sau xem lại bằng mắt mới thấy từ, thấy tứ. Chính vì sự khác hẳn nhau, nên khi cả hai cũng xuất hiện trên diễn đàn, đều nổi bật tuy hiệu lực trái nhau... 

Bẵng đi, mãi năm 1987, tôi về nhận công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đã thấy bóng dáng Lâm Huy Nhuận vật vờ đâu đó trong sân trụ sở 58 Quán Sứ. Thì ra, anh đã trở thành biên tập viên của Ban Văn nghệ nhà đài mấy năm rồi. 

Với Lâm Huy Nhuận, để chơi được thì trước hết người đó phải ôn hòa và có sức chịu đựng, hoặc không thì tính cách dữ dội cỡ tương đương. Điều này, có lẽ nhiều người trong làng văn thơ, làng họa và cả những người quen biết anh còn hiểu hơn tôi. Tôi chơi được với anh là nhờ chọn cách ôn hòa, và dù nhiều khi có thể nói là chịu đựng, song cũng là phù hợp với tính cách tôi. 
Lâm Huy Nhuận là người đa tài, chí ít trong bốn lĩnh vực: thơ- họa- bốc phệ và xem mạch bốc thuốc đông y. 

Với thơ, đấy là duyên nghiệp của anh. Lâm Huy Nhuận được bạn đọc, công chúng biết đến trước hết là nhờ thơ. Thân sinh ra anh là thi sĩ Yến Lan, con kỳ lân của nhóm Tứ Linh đất Bình Định từ thời tiền chiến ( Hàn Mặc Tử-Chế Lan Viên- Yến Lan- Quách Tấn ). Có lẽ Lâm Huy Nhuận chỉ thừa hưởng ở cha mình cái gen thơ phú lãng tử, còn lại anh tự lập ngôn. Sớm nổi tiếng với giải cao cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ khi còn là lính chiến với bài thơ Thung lũng tiếng chim, song nếu chỉ có vậy, sẽ chẳng là gì cả. Sau khi phục viên, học ngành Hán Nôm -Tổng hợp Văn Hà Nội, rồi về Đài TNVN, Lâm Huy Nhuận nhũng nhẵng làm thơ. Nói vậy bởi anh không bỏ mà cũng chẳng ham. Khi đọc thơ thì trong đêm thơ sinh viên hàng mấy trăm người, đọc cho dăm ba người xung quanh nghe, hoặc lúc say rượu chỉ đọc cho người bạn đối ẩm, anh đều bốc như nhau. Đọc thơ thì vậy nhưng làm thơ không vậy, không bốc đồng và cũng chẳng hề sốt ruột. Mặc ai đó thiên hạ làm thơ đăng báo và in tập như điên, để rồi thành nhà này nhà nọ. Anh thì không. Chỉ làm khi có tứ, có cảm xúc thật. Câu chữ , ý tứ chắt lọc lắm thay. Rồi ra cũng chẳng cần đăng báo.

Thích thì đọc bạn bè nghe chơi. Ai đó thấy thích bảo đăng thì đăng. Cứ nhũng nhẵng thế hàng chục năm trời, đến nỗi bạn bè anh em sốt ruột hộ, và nghe nói cả Hội Nhà văn cũng sốt ruột lây cho anh. Quy chế hội là chí ít phải ra tập, mà Lâm Huy Nhuận chẳng chịu ra cho. Hội thì cứ chờ ra tập rồi mới giới thiệu kết nạp hội viên. Mãi thì chuyện gì đến cũng phải đến, anh xuất bản tập thơ đầu tay " Chiều có thật " ( NXB Văn học, 1999 ), và sau đó trở thành hội viên Hội nhà văn. Với anh, chẳng có gì khác trước, sống vẫn vậy và viết cũng vậy, thất thường, nhũng nhẵng và dai dẳng !... 

Với những người không biết Lâm Huy Nhuận, quả là cầm tập thơ Chiều có thật mỏng mảnh với 62 bài, phần nhiều là thơ ngắn, sẽ chẳng thể cảm sức nặng của nó. Bìa sách màu nâu nhạt do họa sĩ Phan Cẩm Thượng, bạn anh, bỏ công vẽ, thoạt nhìn sơ sài, phải ngắm kỹ mới thấy sự độc đáo. Song sự độc đáo chính lại ở ruột của của tập thơ. Đọc qua thấy bài nào cũng được. Đọc nhẩn nha, rồi ngẫm nghĩ, thấy lạ và hay. Hầu như, bài nào cũng có cái được, khi ở cấu tứ, khi ở câu chữ , lúc là nhịp điệu, mạch thơ ... Có những bài hay như : Tự xông đất, Chiều thu, Mặt hồ, Váng sương, Và đôi lúc ...Song khi bảo phải chọn một bài thôi, thì thật khó. Nhìn chung, thơ Lâm Huy Nhuận ngôn từ sắc lẻm và táo bạo, kiệm chữ, mà không gian vẫn hư ảo. Đọc rồi, ưng hay không là tùy ở người, song bao giờ cũng đọng lại một cái gì đấy. Tôi nghĩ, thơ Lâm Huy Nhuận được, và có chăng hơn ai đó, là nhờ đấy. 
Tuy thơ làm nên tên tuổi Lâm Huy Nhuận, song với anh thơ chỉ là non nửa, nếu không đả động gì đến những cái tài khác. 

Họa chẳng hạn. Cũng như thơ, Lâm Huy Nhuận đều đối xử bạc bẽo như thế. Anh chơi với nhiều họa sĩ, chẳng học họa ngày nào, thấy người vẽ thì anh cũng vẽ. Khoái lên, điên điên lên thì vẽ. Anh chọn chất liệu bột màu giấy dó là chính. Anh vẽ phố, vẽ người, vẽ con vật... Vẽ xong, xếp đồng giấu sau tủ. Lâu lâu tự lôi ra ngắm, hoặc sau trận nhậu, tây tây lên, lôi bạn bè đàn em về nhà và lôi tranh ra khoe. Vẽ thế, song xem tranh anh người ta thấy lạ, thấy quái, rồi thì tìm thấy sự hợp lý trong cái lạ, cái quái, mà thích. Chơi họa nghiệp dư song làng tranh gán gọi anh là ông " tôm ôm đá, cá trên mái nhà, đàn bà một vú, hổ tứ đuôi ".

Vậy cũng đủ thấy tranh của Lâm Huy Nhuận không thường chút nào. Lý giải cho cái sự không học mà vẽ của mình, hơn một lần Lâm Huy Nhuận tuyên bố rằng : " Có triết ở trong đầu, tự sẽ thấy bố cục, cấu tứ , mảng màu ... mà thành tranh ". Phải chăng đấy là tuyên ngôn nghệ thuật của anh ? Dân họa chịu anh đến đâu thì có trời biết ... 

Mặc dù lối sống hơi bụi bặm, song tự trong máu, Lâm Huy Nhuận là một người thấm đậm chất phương Đông, nho sĩ. Nhưng anh là nho sĩ của thời đại mới. Chẳng thế mà một lần đến chơi thăm Tào Mạt, sau vài giờ đồng hồ đàm đạo văn chương, kê đơn thuốc tiêu ung cho Tào Mạt, đường về, anh phán một câu xanh rờn: " Ông này có chất nho sĩ, nhưng mà là hủ nho ". Khoan bàn về việc đúng sai khi nhận định Tào Mạt như vậy, song rõ ràng ở đây, Lâm Huy Nhuận nhận thấy anh và Tào Mạt có nhiều điểm giống nhau, duy chỉ có điều, ông ôn nhu và kém lãng tử hơn anh. Thực ra, Tào Mạt là người yêư nghệ thuật chèo và đã từng khởi xướng việc cách tân chèo thì hẳn ông không phải là người cổ hủ. Có chăng, ông luôn biết giữ sự mực thước mà thôi. 

Nho y lý số, xưa nay các bậc túc nho đều có. Lâm Huy Nhuận không phải và sẽ chẳng bao giờ là bậc túc nho, song anh khá tam tường về những lĩnh vực ấy. Anh có căn duyên với nghề thuốc. Lại cũng như họa, không trường lớp, anh tìm thày theo học, rồi mầy mò tìm sách, vận dụng cái chất triết, chất lý trong đầu và vốn chữ nghĩa Hán Nôm mà tự học thành nghề thày thuôc Đông y, và cũng khá nổi tiếng. Đấy mới là cái nghề thực sự nuôi sống gia đình anh. Chỉ thế thôi, anh đâu có ham tiền, ham làm giàu từ nghề thuốc, bởi không, là trái với tính cách con người anh, trái với đạo nghề. Không những thế, Lâm Huy Nhuận còn được nhiều người biết đến với tài bốc phệ, lấy quẻ tử vi, xem tứ trụ. Nhiều lần anh giữ mục Thày thuốc Đông y cho tờ báo này báo nọ. Rồi mỗi độ tết đến xuân về, bạn đọc lại thấy những bài viết của anh dự đoán vận khí năm mới đó đây trên mặt báo. Còn với bạn quen, người lạ, có lúc phải rợn người bởi lời phán về vận khí cá nhân mình khi tình cờ gặp lúc anh nhập đồng. Đâu phải với người khác, với chính bản thân mình, anh cũng vậy.

Cách đây vài năm, anh em cơ quan và bạn bè thân quen bỗng thấy anh tuyên bố, rằng anh phải hành phương Nam thì mới hợp vận, hợp cách của mình. Tưởng đùa vậy thôi, anh đùng đùng nộp đơn lên lãnh đạo xin vào công tác ở văn phòng phía Nam. Và anh đi thật. Lúc ở gần, nhiều khi thấy bừng bực về sự thái quá của anh, song anh đi rồi lại thấy thiêu thiếu văng vắng... 

Lữ hành cô độc là tên một truyện ngắn của tôi lấy cảm hứng từ Lâm Huy Nhuận, viết cách đây mười mấy năm, được in trong tập truyện đầu tay Đêm nguyệt thực. Bài viết này về anh, tôi thích giữ nguyên cái tít ấy, bởi nó đúng với anh. Đa tài và đa tình, song cô độc. Lâm Huy Nhuận sống ồn ào đấy, nhưng thực ra anh là người lặng lẽ, thu mình, khó chia sẻ. Là gỗ quý nhưng vỏ nhựa độc, khó dùng. Tự thân muốn làm gì thì làm, miễn là phải đạo. Cũng khá tự do, tự tại, ấy là sướmg, song lại tự vây hãm mình. Cô độc là vì thế chăng ? 

Ngẫm cho kỹ, thực ra từ ngót hai mươi năm trước, Lâm Huy Nhuận đã tự họa mình, hình và bóng, tâm tư và tính cách : " Tự mình xông đất cho mình/ Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa/ Tự đốt pháo, tự giao thừa/ Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau/ Giật mình hai mắt trũng sâu/ Người trong gương ấy còn đau hơn mình " ( Tự xông đất ). 

Cho đến giờ, Lâm Huy Nhuận chưa ra tập thứ hai. Thơ thì vẫn làm, nhưng người ta nhắc đến anh như một thày thuốc đông y và có tài bốc phệ nhiều hơn. Dường như, với thơ, anh đang nén đợi một điều gì đấy ?!... 

Nhận xét