Phùng Cung - Không đổi giọng Tân Cương (II)

Phần 2: Phùng Cung - Không đổi giọng Tân Cương 


Sau khi tình cờ mua được tập thơ Xem đêm của Phùng Cung, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và càng đọc càng thấy thích. Theo thiển ý riêng tôi, đây là một tập thơ hay nhất được xuất bản trong những năm gần đây.

Tôi đã viết một bài về tập thơ ấy đăng báo, đó chính là phần 1 trên đây. Thực lòng khi ấy, tôi không biết gì nhiều về ông ngoài chút thông tin rằng ông chính là tác giả của truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh. Và chính vì truyện ngắn đó mà cuộc đời ông long đong, khổ ải. 

Rồi những thông tin về ông cứ ngày một nhiều và rõ dần ra, nhất là khi đọc Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài. Thế nhưng, phải đến khi cuốn sách Ba phút sự thật của nhà văn Phùng Quán ra đời, thì tôi mới có hình dung tương đối rõ hơn về con người và văn chương Phùng Cung, kể cả mối quan hệ của ông với cụ Nguyễn Hữu Đang và Phùng Quán, cùng các văn nghệ sĩ khác . 


Trước đây, qua tập thơ Xem đêm, tôi cứ hình dung rồi đồ rằng, Phùng Cung chắc sinh ra và lớn lên ở một làng quê đồng bằng Bắc bộ như Thái Bình hoặc Hà Nam chi đó. Nào ngờ ông quê Sơn Tây, xứ Đoài với sông Đáy, sông Đà, núi Tản thơ mộng, nơi đã từng nuôi dưỡng hồn thơ Quang Dũng. Lại nữa, ông đã từng vì chuyện văn chương mà phải sống cuộc sống cách biệt với đời thường và môi trường văn chương những đủ vòng năm con giáp. Rồi những tháng ngày khó khăn thiếu thốn, để sinh nhai và nuôi con khôn lớn ông từng phải lăn lộn với nghề đập đinh nặng nhọc, kể cả việc phụ vợ làm bánh rán thêm thắt. Khi đã có thơ rồi thì không có tiền in. May mà được Phùng Quán chăm chút bản thảo và còn định mở một đợt lạc quyên lấy tiền in sách cho ông. Lại may, được cụ Nguyễn Hữu Đang dồn tiền dành dụm dè sẻn của mình, mang cho in sách. Thế mới có tập thơ Xem đêm ra đời (NXB Văn hóa thông tin, năm 1995 ), in trên giấy xấu, trình làng với bạn yêu thơ. Tôi biết cảm ơn ai đây vì được đọc tập thơ này, Phùng Cùng- Phùng Quán-Nguyễn Hữu Đang, và còn những ai nữa ?

Càng đọc, lại càng thấm. Những bài thơ ngắn- nhưng nỗi đau đời thì dằng dặc- song đầy xẻ chia, an ủi- rồi trải mênh mang như sự thiền định- và nữa, ngộ ra để tự răn như những bài kệ nhà Phật... 

Ta thử đồng hành cùng Phùng Cung. Thoạt đầu là những nỗi đau đời nếm trải : "Tội nghiệp nhà thơ/ Hợm mình/ Lầm lạc/ Bởi không biết sống/ Nên không biết chết/ Nửa thế kỷ/ Bị lưu đày/ Trong cõi tung hô" ( Tội nghiệp ) ; "Binh lửa bay rồng đá/ Còn đây vũng trâu đầm/ Màu càn khôn lăn lóc/ Gào thét sóng-hoa-văn" ( Vết cũ ) ; " bạn thuở hồn xanh cỏ/ Mặt đất thơ gắn bó/ Bất hạnh nào hơn/ Già rụi quê người ..." (Ăn năn ); "Phận-lấm/ Tối ngày đào ngoáy/ Lưng nắng-vẽ/ Hoa văn tiền sử/ Chài chãi đồng chiêm/ Mấy kiếp rồi " ( Cua đồng ) ; "Tôi đập nghiên gấm/ Ném vút lên vòm trời Gô-tich/ Gõ cửa phái mê hồn/ Xem lên tiếng ra sao/ Tôi ghép chữ-thơm/ Bắc cầu lên hỏi/ Cõi bất tử siêu phàm/ Liệu có dung nổi một nhà thơ " ( Kỳ vọng ) ; " Đêm đen/ Kìm kẹp ngọn đèn/ Gãy lửa/ Vẫn vinh danh nguồn sáng" ( Nguồn sáng ) .v.v... 

Còn đây là những xẻ chia, an ủi - với người, với vạn vật đất trời, với cõi hư vô, cũng là để tự mình : "Mưa nhỏ ngang sông/ Cò vạc thay nhau/ Săn dòng nước đục/ Cái phù du giả chết/ Vật vờ trôi... " ( Giả chết );" Đầu trần/ Chân đất/ Đường cơm áo vụng về/ Kéo lê cái bóng/ Thân nhơ bóng sạch..." (Vụng về ) ; " Nửa đời/ Nước thải/ Hưu non/ Vã mồ-hôi-son/ Tảo tần chiều sớm/ Quốc lủi lưng vơi/ Ngấm câu thành ngữ/ Mắt trước mắt sau/ Kinh hoàng di lụy/ Tóc bạc-vào-mùa/ Răng hơi bị đuối/ Trệu trạo trái sung/ Ruột tím cơ hàn " ( Tím cơ hàn ) ; " Đèn bên sông/ Hay bụi-sao rơi/ Mà hiu hắt/ Cơ hồ muốn tắt/ Có phải hình bóng người đã khuất/ Mộng công hầu chưa đạt/ Nay lại lần về mượn cửa tái sinh " ( Bụi sao rơi ) ; " Ai làm cho bạc- tuổi nhau/ Nhìn trời xanh/ Nhớ mái đầu xanh xưa/ Tuổi xanh bạc giữa bất ngờ/ Trời xanh quên nửa bài thơ đoạn trường " ( Bạc tuổi ); " Mái rạ trở mình/ Mưa-hơi-thô/ Hoa dứa gai/ Thơm-lại mùi biên ải/ Đêm trằn trọc/ Xé đôi giấc ngủ/ Nửa giấc tù ngồi/ Nửa giấc trăng " ( Trằn trọc ) ; " Trở giấc xem đêm/ Cuối trời trăng-mỏi/ Trái gấc chín-ngập ngừng/ Tóc rụng trạt lối đi... " ( Xem đêm ) v.v ... 

Cái tính A.Q. đã giúp Phùng Cung xoa dịu mọi nỗi đau đời, để trở về trạng thái cân bằng - một cân bằng động. Dẫu vậy, đấy là con đường tất yếu để người ta qua những trải nghiệm mà đến với Thiền. Phùng Cung lắng đọng và chắt lòng mình ra những bài kệ : " Trăng tà/ Trĩu ánh/ Sương rơi/ Đong-trăng lá lạnh/ Đầy vơi bao lần " (Đong trăng ) ; " Cổng hè đổ vụn-nắng son/ Con trâu gốc phượng/ Nhai-mòn-gần xa " ( Trưa hè ); " Lênh đênh muôn dặm nước non/ Dạt vào ao cạn/ Vẫn còn lênh đênh " ( Bèo ); " Ai chuốc rượu/ Cánh buồm say lảo đảo/ Quanh quẩn quãng sông chiều/ Quên nẻo ra khơi " ( Say ); " Lạnh nhịp sương rơi/ Chiều-gạo-đổ/ Dế đào chân mộ/ Trăng lên... " ( Nghĩa trang ) ; " Em mải hái dâu/ Chiều-sông- nước/ Tằm đau lạc bến/ Trong kén tơ/ Thấp thoáng bóng thuyền " ( Bóng thuyền ); "Sống quá khó khăn/ Chết chẳng dễ dàng/ Tôi phải sống/ Hẳn tôi còn được chết/ Chết là chơi nốt/ Một trò chơi/ Mãn khóa hỗn sinh " ( Trò chơi ) ; " Mặt chịn nắng/ Ngả màu chum vại/ Hỳ hụi lối mòn-tử đạo/ Mồ hôi tháo/ Lưng cơm chan đẫm phong trần " ( Phong trần ) ; " Ngón son/ Đu nhành biếc/ Trái bồ hòn/ Con vành khuyên hót-ngọt/ Đắng-dư âm " ( Chim vành khuyên ) ; " Dưới bóng đại hùng/ Băng hà, núi lở/ Cái kiến con ong tất tả/ Cõi hỗn sinh/ Tội chết đói/ Hồn không nhập mộ/ Nhà ơi! cây nhót bán rồi/ Hết chua, hết ngọt hết lời nhỏ to " ( Nhỏ to ) v.v... 

Đại loại, còn nhiều, nhiều lắm những bài thơ ngắn như thế, hao hao thể thơ Haiku của Nhật Bản, lại mang phong vị thơ Thiền, và dáng dấp kệ kinh nhà Phật. 

Đây là tập thơ để đời của Phùng Cung. Cứ theo như Phùng Quán, thì cụ Nguyễn Hữu Đang từng đánh giá thơ Phùng Cung còn hay hơn văn của ông. Tôi không được đọc văn Phùng Cung nên không dám so sánh. Song hai trăm bài thơ trong tập, hẳn được Phùng Cung chắt chiu, nghiền ngẫm đằng đẵng nhiều năm trời, cả khi ông bị bứt khỏi đời sống thường và môi trường văn chương, lẫn lúc ông lăn lộn cực nhọc để kiếm sống sau này. Ấy là những bài thơ nằm lòng, mỗi bài như một khúc ruột đau. Đau tái tê đến độ cảm thấy như không. Đạo của người quân tử là vậy chăng? Đạo của Trà, đạo của Thi văn, đạo của Người : 

"Quất mãi nước sôi 
Trà đau nát bã 
Không đổi giọng Tân Cương ." ./.

Nhận xét