Vạn lý trường thành du ký

Vạn lý trường thành 
Du ký 


Tôi đã đọc sách báo, đã xem qua phim ảnh nhiều lần về Vạn Lý trường thành. Tôi cũng đã từng nghe nói rằng, cố lãnh tụ Mao Trạch Đông trong một lần đến trường thành đã từng nói và để lại một bức thư pháp “Bất đáo Trường thành phi hảo hán".

Song khi chính mình đặt chân, bước đi những bước đầu tiên lên bậc đá của Trường thành, tôi vẫn không kìm nén nổi một xúc cảm mãnh liệt trào dâng, và tự hỏi: “Vậy là mình đã đến được Vạn Lý Trường thành rồi sao ?!”.

Khi những dãy núi xa mờ có thể thấy từ lúc ra ngoại ô Bắc Kinh cứ xích lại gần, mọi người háo hức hỏi nhau “Sắp đến Vạn lý trường thành chưa ? Từ đây có thể nhìn thấy không?”. Cái tâm lý muốn mau chóng trở thành hảo hán khiến ai nấy đều nhấp nhổm không yên. Và rồi, bóng dáng của tường thành cũng đã hiện ra xa mờ trong sương sáng. Bắt đầu từ bãi đỗ xe, đâu đâu cũng đầy ắp hết thảy những gì liên quan đến Trường thành. Thoạt đầu là Vạn Lý trường thành bác vật quán, rồi kế đến Trường thành toàn chu ảnh viện. Tiếp nữa là tường đá, dải hoa, nhà hàng đều được gắn tên Bát đạt lĩnh, tên của khúc Trường thành chạy ngang qua Bắc Kinh. Lối dẫn lên Trường thành, người tham quan đông nghẹt. Khách nước ngoài nhiều, song người Trung Quốc còn đông hơn. Ở đất nước đông dân nhất thế giới này, những 1,3 tỷ người, trừ những địa phương có Trường thành chạy qua, còn lại, cũng chẳng dễ gì để đặt chân lên nó ít nhất một lần trong đời. Thế nên, bất kể là khách nước ngoài hay trong nước, hễ có dịp đến Bắc Kinh, chỉ cần vài ba ngày, đa phần chọn Trường thành là điểm tham quan đầu tiên. Ai cũng muốn trở thành hảo hán mà. Điều đó, tôi đọc được trên nét mặt tươi tỉnh của mọi người, dù là mới chỉ lên đến mặt thành.


Bao quát, phần đông khách chọn hướng đi lên phía Bắc, còn đoạn phía Nam thì thưa thớt hoang vắng. Dòng người chen chúc chầm chậm xuôi ngược chuyển dịch. Đoạn Trường thành phía Bắc này có 12 điếm canh, và ai cũng cố để lên đến điếm số 8 cao nhất. Phía Đông, Trường thành uốn lượn như một con trăn khổng lồ đang trườn đi, cũng có 12 điếm canh, nhưng chỉ người dân địa phương lên thôi. Khách du lịch vừa không đủ sức và thời gian để đi. Mà có muốn thì cũng khó, bởi chưa đưa vào khai thác kinh doanh du lịch như ở phía Bắc.



Nói đến Vạn Lý trường thành, mọi người ít nhiều đều biết được là Tần Thủy Hoàng đế cho xây dựng từ hơn hai trăm năm trước Công nguyên. Nhưng đâu hẳn thế. Thực ra, Tần Thủy Hoàng chỉ có công trong việc xây nối các đoạn Trường thành từ trước vào với nhau.Trước khi vua Tần là Doanh Chính lần lượt đánh bại sáu nước khác ( Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Tề, Yên ) thống nhất toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, thì các quốc gia nhỏ để chống sự xâm lấn của các bộ tộc thảo nguyên phương Bắc đã cho xây trường thành suốt thời Đông Chu liệt quốc.Vậy diện mạo của Vạn Lý trường thành cho đến ngày nay là công sức của triều đại nào ? Theo những tài liệu khác nhau thì việc đánh giá cũng khác nhau. Ngay về chiều dài của nó cũng vậy. Căn cứ theo tên gọi, trường thành dài cỡ vạn lý ( một lý tương đương với 888 mét ). Song, có tài liệu cho rằng nó dài tới 7.200 km. 

Chuyến thăm Trường thành này, ông Lý Anh, người nhiều năm công tác tại Ban Đối ngoại trung ương đảng cộng sản Trung Quốc nói rằng, theo những tài liệu gần đây Trường thành có độ dài 6.700 km, bắt đầu từ Sơn Hải Quan thuộc tỉnh Liêu Ninh rồi uốn lượn trải dài bất kể núi cao hay đất bằng đến tận Gia Dụ Quan trên sa mạc Gô-bi thuộc tỉnh Cam Túc. Về chiều dài của Trường thành, tôi đã kiểm chứng thêm một số tài liệu khác, thì con số 6.700 km là khá xác thực.Việc các quốc gia chư hầu cát cứ thời nhà Chu xây dựng từng khúc của Trường thành thế nào thì không rõ. Đến đời nhà Tần, lịch sử ghi nhận, từ năm 221-210 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng sai đại tướng Mông Điềm chiêu mộ 30 vạn dân công để xây đắp, tu bổ và nối các khúc Trường thành vào với nhau. Người ta còn truyền đến ngày nay câu chuyền về nàng Mạnh Khương may áo rét cho người chồng đi xây Trường thành. Chuyện rằng, vợ chồng nàng Mạnh Khương mới cưới nhau thì chồng nàng bị mộ phu đi xây dựng Trường thành.

Nàng Mạnh Khương ở quê tần tảo việc nhà vừa đan áo rét cho chồng. Đan áo rét, nàng Mạnh Khương gửi gắm vào đấy hết thảy tình thương yêu, thủy chung son sắt với người chồng đang lao dịch chốn ải xa. Áo đan xong cũng vừa gặp mùa đông đến. Nàng không quản gian nan lặn lội tìm đưa áo rét cho chồng khắp nẻo Trường thành. Khi biết được tin chồng thì chồng nàng đã chết vùi thây dưới chân Trường thành. Đau thương tột bậc, Mạnh Khương đã khóc lóc sầu thảm suốt mấy ngày đêm. Nỗi ai oán của nàng chấn động thiên địa, khiến sụp đổ cả đoạn tường thành, phát lộ xương cốt chồng nàng. Sau chôn cất cho chồng, nàng tuẫn tiết, thác theo cho trọn tấm chung tình. Đời sau xây miếu thờ Mạng Khương và hiện còn ở vùng Sơn Hải quan. Thực tế sự gian khổ của những người xây dựng Trường thành đến mức độ thế nào thì không rõ, song câu chuyện về nàng Mạnh Khương thì được điển hình hóa, sống mãi đến ngày nay, như một gương sáng về đạo nghĩa vợ chồng thủy chung.

Người ta cho rằng, Vạn Lý Trường thành tuy manh nha được xây dựng từ thời nhà Chu, tiên Tần ( trước CN ), song trải qua nhiều triều đại, nhất là vào thế kỷ 13, sau khi quân Mông Cổ tràn vào Trung Hoa với sự lên ngôi của Hốt Tất Liệt lập ra nhà Nguyên, thì Trường thành bị bỏ hoang phế. Đơn giản bởi khi đó, gót ngựa Nguyên Mông đã trải dài qua Trung Á, lướt khắp châu Âu đến biển Caspien và cửa ngõ Rome, tất thảy đều nằm dưới quyền cai trị của Đế chế Nguyên Mông, thì Trường thành còn chi tác dụng nữa. Cả lãnh thổ Trung Hoa đều thuộc quyền cai quản của Nhà Nguyên Mông, thì Trường thành cũng không cần phải tu bổ, bảo vệ. Với gần một trăm năm tồn tại, Trường thành nằm sâu trong lãnh thổ mênh mông vô tận của Nhà Nguyên Mông, nên bị bỏ hoang như một phế tích. Sự tồn tại của nó chỉ giễu cợt cái ý tưởng ngớ ngẩn của các triều đại Trung Hoa, rằng chẳng có tường thành nào đủ vững chắc vĩnh cửu để ngăn chặn được sức mạnh của con người. Cho đến giữa thế kỷ 14, vào năm 1368, khi Nhà Nguyên sụp đổ ở Trung Hoa, được thay thế bằng Nhà Minh (đánh dấu bằng việc Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương lên ngôi lập ra Nhà Minh, đặc biệt khi Minh Thành Tổ Chu Đệ rời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh ), thì Trường thành mới được triều đình nhà Minh quan tâm trở lại. Và nó đã thực sự được tái thiết, được kiên cố hóa bằng đá, được hoàn chỉnh và cả trang điểm để lưu diện mạo đến tận ngày nay. Như vậy, suốt mấy thế kỷ nhà Minh cai trị Trung Hoa, cũng đã có không biết bao nhiêu cuộc, bao nhiêu của cải, sức người được đổ ra nhằm gia cố cho Vạn Lý Trường thành thêm vững chắc. Và cũng có biết bao nhiêu gia đình, số phận người dân rơi vào hoàn cảnh như nàng Mạnh Khương xưa kia?...


Đương nhiên, cũng đã có bao nhiêu nàng Mạnh Khương mới không tên tuổi, không được hậu thế lưu danh. Song thiết tưởng, chỉ một nàng Mạnh Khương đời Tần cũng đã quá đủ cho một Trường thành dằng dặc, cho lịch sử một Trung Hoa cổ đại chiến tranh liên miên đẫm mồ hôi nước mắt và xương máu. Leo lên tháp canh trên Trường thành, phóng tầm mắt ngược về phía vắng khách tham quan, bức tường như con trăn khổng lồ trườn đi trong hoang sơ trời đất cây cỏ mà chạnh lòng bởi sự hưng suy của các triều đại, sự nhỏ nhoi của thân phận con người. Hoàng đế quyền uy, triều đại hùng mạnh mà cũng thoáng chốc thành không, nữa là thảo dân sinh quần. Lên đỉnh tháp cao trên Trường thành mà cảm khái. Lại có thể xuống chân tường thành để suy ngẫm những điều sâu lắng. Tấm bia đá của thời hiện đại khắc bút tích của Chủ tịch Mao Trạch Đông, câu lập ngôn " Bất đáo Trường thành phi hảo hán " đã nhanh chóng nổi tiếng khắp Trung Hoa và cả thế giới. Ám ảnh về sự thống nhất toàn Trung Hoa hẳn theo chân vị lãnh tụ này từ khi con trẻ bước chân vào sự nghiệp cách mạng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông gọi tên cuộc hành quân rút lui chiến lược nhằm bảo tồn lực lượng đội quân cách mạng do ông lãnh đạo trong cuộc chiến chống Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, thống nhất đất nước là Vạn lý trường chinh. Lịch sử ghi nhận rằng, nhằm tránh sự tấn công của quân đội Quốc dân đảng, ngày 16 tháng 10 năm 1934, từ chiến khu Giang Tây, Phúc Kiến, đội quân gồm 90 vạn người do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã làm cuộc trường chinh rút lui chiến lược với quãng đường dài 6 vạn dặm và kéo dài hàng năm trời lên vùng giáp ranh Tây Tạng rồi lại ngược lên phía Bắc, đến tận Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Gian khổ bởi thiếu ăn khát uống và bệnh tật cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hy sinh bởi bị quân Tưởng truy sát luôn theo chân đội quân dọc đường , để khi đến đích chiến khu Diên An chỉ còn lại chừng 7 ngàn người. Câu chuyện về nàng Mạnh Khương đã tạc một tượng đài không tưởng vào nhân thế, để với Trường Thành trơ gan cùng tuế nguyệt.



_________ 

Hình minh họa: Internet

Nhận xét