Chiều Ghềnh Ráng, nhớ Hàn Mặc Tử

Chiều Ghềnh Ráng, nhớ Hàn Mặc Tử
           

(Mộ Hàn Mặc Tử - ảnh Internet)

          Đấy là một buổi chiều giữa mùa hè miền Trung đầy nắng gió. Một buổi chiều đầy ăm ắp những hình ảnh về cảnh sắc thiên nhiên nơi Ghềnh Ráng và hình bóng, thanh điệu từ những câu thơ của Hàn Mặc Tử âm âm từ những trang sách hiện hình. Không hiểu sao, bước chân trên mảnh đất gần thế kỷ nay bao dung những con người bị cuộc sống ghẻ lạnh, chối bỏ, song đầu tôi lại cứ lởn vởn những câu thơ mượt mà êm ái bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của Người thơ “Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc...”. No con mắt nhìn, đầy hình trong máy ảnh, nhẩm bụng sẽ viết một cái gì đấy. Vậy mà...

          Đầu năm 2008, vào công tác dài kỳ ở Miền Trung, tôi định bụng, chuyến công tác đầu tiên trong địa bàn mình phụ trách (9 tỉnh duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa), sẽ “hành phương Nam" và tạm dừng chân Bình Định. Thâm tâm, tôi muốn đến hai địa danh nổi tiếng thuộc tỉnh Bình Định mà mình chưa hề đặt chân, đó là Quy Hòa-Ghềnh Ráng và Tây Sơn.

(Mộ Hàn Mặc Tử - ảnh Internet)

         Thành phố Quy Nhơn như nhoài ra biển, mà  thế lao ấy là con đường dẫn lên Quy Hòa, Ghềnh Ráng. Nắng vẫn nắng, nhưng gió biển lồng lộng, làm không khí dễ chịu hẳn. Đường vào Quy Hòa lượn quanh co giữa đồi núi và biển, đất khô cằn nhưng đó đây vẫn có những loại cây hoang, mà giờ đây đã dần hiếm, bởi người ta đang săn tìm đưa về trồng vườn nhà thành cây cảnh. Núi, biển và cây dại nơi đây, đó là những thứ rất đỗi thân thuộc với những người không may bị mắc chứng bệnh phong hủi từ nhiều chục năm nay, kể cả Hàn Mặc Tử. Bóng dáng khu trại Quy Hòa hiện ra sau khúc quanh. Dù đã được nghe kể, được đọc những bài viết, được xem những hình ảnh về khu trại này từ lâu lắm rồi, song tôi vẫn có cảm giác tò mò.

          Nhiều thân phận người bệnh ở khu trại phong hủi này, nghề làm báo đã cho tôi tiếp cận họ qua nhiều phương thức khác nhau, nên khi đặt chân đến đây, thứ tôi mong muốn không phải là tìm gặp người này, kẻ nọ trong số họ để hỏi han những câu hỏi không nên hỏi, mà để cảm nhận bầu không khi đặc biệt nơi đây. Cũng mặt đất, cây cỏ, núi non, bầu trời và biển cả như vô vàn nơi khác, song con người thì lại mang thân phận khác. Căn bệnh quái ác mà họ mang trên mình, dù đã được khoa học chứng mình, giái đáp, song vẫn không dễ để cộng đồng gần gũi chia sẻ, bởi định kiến bao đời ăn sâu bám rễ bằng sự kỳ thị, e dè... Tha thẩn ngắm vườn tượng bên ngoài, mà đầu tôi cứ ong ong những bài thơ điên, những câu thơ kỳ dị của Hàn thi sĩ một thuở...

          Quay trở ra, lên Ghềnh Ráng. Một không gian Hàn Mặc Tử đậm đặc, từ ngôi mộ thi nhân đến nhà lưu niệm, rồi những bức ảnh Hàn thi sĩ, và ảnh những người đẹp liên quan đến đời thơ của thi nhân... Tất thảy đều gợi nhớ về người thi sĩ tài hoa bạc mệnh nổi tiếng của làng thi ca Việt. Thử hỏi, nếu thi nhân không bị mắc chứng phong hủi, mà lại thành đạt sánh bên các người đẹp đến đầu bạc răng long, thì biết đâu, lại chỉ làm ra những bài thơ ve vuốt nịnh đầm, chứ chắc gì, Hàn thi sĩ có được những bài thơ hay, những tứ thơ và hình bóng kinh dị trong mỗi bài thơ để sống mãi với nhân gian ?... Ôi, thật là một giả thiết không nên có ?!...

(Đường lên đồi Thi Nhân, Bình Định, ảnh Internet)

          Tôi tìm ra bờ biển, tương truyền, nơi xưa cũ, Hàn thi sĩ hay ngồi một mình nhìn ra biển, ngóng trông chờ điều kỳ diệu đến với mình. Nhìn ngắm bốn bề không gian. Chỉ cách khu nhà lưu niệm có một quãng ngắn khúc quanh, mà ở đây yên tĩnh lạ. Chỉ có tiếng sóng và tiếng gió. Kìa đá cuội. Những hòn cuội to nhỏ đủ cỡ rải rác khắp bờ, hẳn là có từ thời Hàn. Chiều muộn nghiêng hẳn về phía Tây, hắt những vạt nắng quái đan phía trên những con thuyền xa mờ tít ngoài vịnh. Giơ ống kính, thu không gian vào tầm nhìn. Bầu trời nghiêng, biển nghiêng, thành phố nghiêng, và nỗi nhớ cũng nghiêng chao về cố thi nhân ...

          Gần đây, tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa có chuyến công tác xuyên Việt. Dừng chân ở Quy Nhơn vào chiều đầu hạ. Bữa tiệc chiêu đãi tối được đặt tại nhà hàng ngay trên Ghềnh Ráng. Trần Đăng Khoa hình như lần đầu đến Ghềnh Ráng, nên anh có vẻ bỡ ngỡ với cảnh sắc nơi đây. Chúng tôi lại cùng nhau ngắm hoàng hôn buông trên biển, ngắm những viên sỏi bên bờ vịnh. Khoa tha thẩn, khẽ đọc mấy câu thơ của Hàn mà anh nhớ.

          Hai thi nhân lớn của làng thi ca Việt. Chẳng có gì để so sánh hay liên tưởng về thi ca, bởi họ thuộc về hai thời đại khác nhau. Có chăng, cùng tâm hồn Việt. Ngoài kia, biển trời Ghềnh Ráng đã sẫm một màu đêm ...

Nhận xét