Đi ra ngoại ô

(hình minh họa: Internet)

Lâu  rồi tôi mới đi ra ngoại ô. Hàng ngày, hoặc bận bịu việc công sở, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối nhốt mình trong cái tòa tháp mưới mấy tầng, điều hòa ro ro cả ngày song vẫn toát mồ hôi vì các cuộc họp gối nhau; hoặc lại kéo va li trong phòng chờ máy bay bởi những chuyến công tác triền miên; hoặc ngủ gà ngủ vịt trong cái xóc lắc của các chuyến xe đi địa phương... Vậy mà, cuối tuần rồi, tôi đã bứt ra được, để lang thang ngoại ô. Một vùng bên kia sông Đuống...

Nhà văn Nguyễn Trọng Huân, đồng nghiệp VOV với tôi rủ rê: "Ông có rảnh, đi với tôi về quê vợ tôi, ngay ngoại ô, bên kia sông Đuống thôi. Tôi muốn quay ít cảnh, đặng làm cái clip gia đình.". Vậy là, chúng tôi ra ngoại ô, một ngày nắng oi nồng...

Xe chạy trên bờ đê sông Đuống, những câu thơ của Hoàng Cầm cứ âm âm trong đầu. Nói không ngoa, đây là một vùng đất cổ, một miền thơ. Dù ít nhiều bị đô thị hóa, song cây cối vẫn xanh mướt một màu và phảng phất đâu đó là nét thân thương của làng quê cũ ... Đê Mai Lâm đây rồi. Ngày nhỏ, tôi thường nghe cha tôi kể chuyện vỡ đê, và trận lụt do vỡ đê Mai Lâm là một trận lụt thế kỷ. Đây cũng là vùng quê của nhà văn Ngô Tất Tố, nơi ông đã lấy bối cảnh để viết tiểu thuyết " Tắt đèn " và các thiên phóng sự về văn hóa làng nổi tiếng của mình từ đầu thế kỷ 20. Cách đây hơn chục năm, khi dựng một Tạp chí truyền thanh nhân dịp Quốc khánh, tôi đã về đây, gặp gỡ, hỏi chuyện, phỏng vấn người nhà của nhà văn Ngô Tất Tố, cùng một số vị cao niên về đời sống nông thôn xưa và nay. Giờ làng mạc khác trước nhiều. Qua Mai Lâm, đến Đông Hội, rẽ theo triền đê vào làng cổ Lại Đà. Đây là quê vợ của nhà văn Nguyễn Trọng Huân. Đến lần đầu, mà cảm giác quen quen. À phải rồi, tôi đã thấy những lều quán chợ làng, những đình, những chùa, những cổng cổ, nhà thờ họ, ngõ gạch, vườn ao như từng có ở quê tôi và nhiều làng quê khác vùng đồng bằng Bắc Bộ, còn phảng phất đâu đó trong thơ Tường Anh, bà xã của nhà văn Nguyễn Trọng Huân, mà tôi đã đọc trên blog của anh ..." Tráo trở phố phường không rơi lệ/ Mà rưng rưng trước lối rẽ về làng/ Dốc đê nhỏ, bờ cỏ may rung nhẹ/Lách chách tuổi thơ châu chấu đạp càng"( Dốc đê ); " Có phải con trâu lá đa của tôi?/ Nghé ọ cả một miền ký ức/ Gốc duối cuối vườn cất mật/ Vàng ba mươi năm đứng đợi tôi về " ( Về vườn xưa ).


Theo kiến giải của các bậc cao niên, tên làng cổ là Lai Xà (có nghĩa là Rắn lại đến, một truyền thuyết về tên làng này). Qua năm tháng, bị gọi chệch âm thành Lại Đà. Nghe nói, mảnh đất này, xưa sản sinh và nuôi dưỡng nhiều người học hành, đỗ đạt làm quan to trong các triều đại phong kiến, nay cũng có những cán bộ giữ trọng trách cao...

Tôi và Nguyễn Trọng Huân, nhạc sĩ Doãn Nguyên thơ thẩn ra chợ làng, thăm viếng chùa Cảnh Phúc, đình làng, đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ( được sắc phòng làm thần hoàng làng ). Đó đây, bắt gặp những loài hoa hàng rào, biết tên và chẳng rõ tên, tất cả đều gợi cảm xúc về hồn làng, về miền thơ ấu tuổi học trò ở quê...

Ấn tượng mạnh trong tôi, ấy là dàn hoa ti-gôn đỏ thắm trên vòm mái cổng nhà ông bà nhạc của Trọng Huân. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy một dàn ti-gôn đẹp vậy. Những cánh hoa ti-gôn như những mảnh vỡ trái tim, ứa máu, khiến ta nhớ đến câu chuyện tình đậm chất văn chương bí ẩn trong thơ " Hai sắc hoa ti-gôn " của T.T.KH ngày xưa..." Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ/ Anh sợ tình ta cũng thế thôi!".../ Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi! Người ấy có buồn không/ Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ/ Tựa trái tim phai, tựa máu hồng "... Tôi say mê lựa góc để thu vào ống kính của mình. Mấy anh chàng camera cũng vậy... Quên cả mâm cơm rượu thịt đã bày ra.


Chiều về, quanh quanh trên đê sông Đuống. Mưa đã nhiều, nước sông ngầu đục. Hết sông Đuống lại vòng ra đê sông Hồng. Tự nhiên lại nao nao nhớ tiếng gọi đò...

2014

Nhận xét