Nghe lũ về

Nghe lũ về



Lũ đã về, đài báo loan tin như vậy.

Vậy là, lũ đã về, dù lũ muộn, lũ nhỏ...

Rồi những hình ảnh đầu tiên về lũ miền Tây Nam bộ hiển hiện trên màn ảnh ti vi. Đâu đó, còn là hình bóng của bà con ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc An Giang, Đồng Tháp,... với gương mặt hân hoan đón lũ về... Vậy là, miền Tây đã có mùa nước nổi...!

Lại nhớ, mới tuần trước, các phương tiện thông tin đại chúng thi nhau làm các phóng sự về nỗi mong ngóng, khát thèm lũ của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đơn giản, bởi lũ không về là mất mùa đủ mọi thứ. Lịch sử của vùng đất này đã cho thấy điều đó, và mùa lũ hằng năm cũng đã làm nên thổ ngơi, làm nên tập tục canh tác, lối sống, ăn sâu vào máu thịt, làm nên tính cách con người, mà cao hơn, là yếu tố cấu thành văn hóa vùng miền...

Vậy mà, lũ không về, thì còn gì là miền Tây Nam bộ nữa đây?... Lẽ dĩ nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ, của kinh tế xã hội cho phép con người ta can thiệp sâu vào tự nhiên, cải biến tự nhiên theo chiều hướng có lợi. Tuy vậy, cao siêu hơn cả vẫn là sự thuận theo, nương theo và vận dụng tự nhiên để mà sinh sống. Cái đó là phát triển bền vững đấy, chứ đâu xa... Cũng lại chạnh lòng về mùa lũ năm ngoái. Miền Tây mất lũ, nạn xâm mặn hoành hành, thất bát đủ điều. Nguyên nhân thì có nhiều, song chung quy thì vẫn ở trời và tại người mà ra cả thôi...



Lại nhớ chuyện xưa cũ, gần bảy năm trời mình ở đấy (1981-1987), năm nào cũng theo đúng quy luận, lũ về đúng vụ, làm nên mùa nước nổi mênh mang cho miền Tây Nam bộ. Con người hài hòa cùng thiên nhiên, cuộc sống giản dị và thân thiện xiết bao. Vậy mà, mới qua hơn 1/4 thế kỷ, mọi sự đã khác xa rồi. Đành rằng, cuốc sống tiện nghi có khấm khá chút đỉnh, nhưng sao mà lối sống và suy nghĩ của con người lại khó khăn làm vậy? Quả là một sự đánh đổi đến xót lòng !...

Rồi nữa, nao lòng, thương nhớ chuyến đò xưa, chuyến đò của cuộc đời minh thời trai trẻ. Ngày ấy, mình đã có chuyến công du theo đường kênh rạch, từ thị trấn Tri Tôn (An Giang) đến thị trấn Hà Tiên (Kiên Giang) bằng tàu đò, thậm chí ghe thương hồ, luồn lách kênh rạch, sông ngòi, ròng rã mấy ngày trời, vạch một đường chéo tự nhiên xuyên suốt tứ giác châu thổ Long Xuyên-Hà Tiên... Những bữa cơm dân dã đạm bạc với khô nướng, dưa chua bông điên điển, cay xè ớt chỉ thiên; những ly rượu đế khê nồng nâng lên đặt xuống, tiếng đàn đàn kìm đệm cho những câu vọng cổ buồn thương não nề; rồi nữa, những buổi hoàng hôn đêm buông trong tiếng muỗi vo ve ngoài mùng giăng trong khoang thuyền, và mùi mồ hôi khét nồng của đàn ông sông nước, mùi gây gây ngầy ngậy của đàn bà nạ dòng ... tất thảy, hòa quện, cư ngụ trong khoang thuyền chật chội làm nên một bầu sống nửa thật, nửa hư ...

Như thế, có thể nào mình lại quên ?...

Chẳng thể nào quên,

vậy nên, càng nhớ lũ,


thèm lũ biết chừng nào !...

Nhận xét