Người giăng lưới bắt chim,

Người giăng lưới bắt chim
                                        
                                                       

Tôi muốn lấy tên một tập sách của ông để gắn vào tên bài viết này, không phải vì chơi chữ, đơn thuần bởi nó đúng với tính cách con người và ý đồ sáng tác của chính tác giả.

Ấy là Nguyễn Huy Thiệp !

Ông là ai ? Nhà đoản thiên tiểu thuyết, nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ ? Là tất cả các nhà ấy, theo tôi đều xứng đáng cả. (mặc dù có thể chính ông chẳng cần thế ).

Tôi muốn viết về ông, song khó quá. Khó bởi ông là một người quá nổi tiếng, không riêng ở Việt Nam, mà cả ra thế giới. Khó nữa, bởi đã có quá nhiều người viết về ông, nhất là Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ đất Việt một thời và hiện người viết phê bình và chân dung văn học xuất sắc, đã lên tiếng. Và lại càng hãi hơn khi Trần Đăng Khoa cùng ông nhà văn có biệt danh Thọ muối ( nhà văn Nguyễn Văn Thọ ) đã có cả cuộc đàm đạo dài hơi. Ở đấy, Trần Đăng Khoa loan tin rằng đã bắt mạch được Nguyễn Huy Thiệp, phát hiện ra ông nhà văn này mắc căn bệnh nói ngược, và còn xem đấy là ngón nghề của ông ta, như vậy bệnh này  thành thể mạn tính, có chữa cũng không khỏi được, nên cách tốt nhất là không phải kê đơn gì sất, để mãi cơ thể tự miễn dịch rồi khắc khỏi. Ha, thày lang băm này cũng tài ra phết.

Tôi nghĩ, mình có cách nhìn, cách hiểu của riêng mình. Cũng như ký họa người vậy. Bắt được thần thái người được ký họa hay không, vả lại khuôn mặt người ta, góc nhìn mỗi lúc mỗi khác chứ ? Rồi cũng con người ấy, trong mắt thiên hạ, mỗi người mỗi khác Vậy thì cứ viết. Gọi là chân dung văn học hay là gì gì cũng thế thôi.


Song trước tiên là cảm nhận về con người ông. Trong mắt ông, tôi chẳng là ai cả, chắc chắn là thế. Còn với tôi, ông là một người cầm bút đáng kính trọng ( tôi thích từ đáng nể hơn ). Nói tôi biết ông, đơn giản là tôi đã từng mò đến nhà ông ở Khương Trung cùng với nhà văn Văn Chinh và mấy anh ở toà soạn báo Nông nghiêp Việt Nam, khi ông mới nổi tiếng với dăm truyện ngắn gây chấn động văn đàn Việt Nam. Tuy nhiên, lần ấy ông vắng nhà nên chúng tôi chỉ chuyện trò xã giao với vợ ông và ngắm cơ ngơi vườn tược đơn sơ của ông. Và nó cho tôi cảm giác ông là một hàn sĩ ẩn dật, song tài năng xuất chúng, nhất là khi ấy, người ta tò mò nói về xuất thân hàn vi của ông, một anh giáo dạy môn phụ lịch sử ở đồng rừng Tây Bắc, rồi bỏ về thủ đô làm "thợ vẽ" ở Công ty Thiết bị và đồ dùng học sinh. Với làng văn Hà Thành dạo ấy, Nguyễn Huy Thiệp như một loài hoa rừng, ví như hoa anh túc hay một loài hoa hoang dại sặc sỡ và thơm hắc thế nào chưa rõ, nhưng lạ. Khác hẳn với lần ấy, sau này tôi cũng đã gặp ông đôi ba lần, toàn vào dịp giáp Tết Nguyên đán khi Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức gặp mặt các cộng tác viên trong năm, nhất là những tác giả có bài in trong số tết. Để ý, trong mấy lần đó, giữa không khí ồn ào của bia ruợu, ông đều yên vị lẳng lặng, thỉnh thoảng trả lời một vài câu hỏi của ai đó, điềm nhiên vô sự. Tôi không phải là người nổi tiếng nên không biết cảm giác và sẽ ứng xử như thế nào trước đám đông, song quan sát ông, tôi thấy hình như ông cũng không  là người của đám đông thì phải. Ông như không tồn tại ở những chỗ đó, còn tự cao tự đại, xa cách hay không phù hợp thì tôi không rõ.

Tôi luôn có một cái nhìn về con người này, mà cảm nhận đầu tiên đã chi phối suy nghĩ của tôi về ông và cả sự nghiệp văn chương của ông, khi ông còn khuất lấp, chỉ qua một truyện ngắn tôi tình cờ đọc được trên Báo Văn Nghệ từ lâu lắm rồi. Đó là truyện ngắn Huyền thoại phố phường. Ngày ấy, tôi rất chăm đọc báo Văn Nghệ, nhất là văn xuôi, đơn giản chỉ bởi bản thân tôi cũng tập tọng viết được đôi ba truyện ngắn, được đăng trên Báo Người Hà Nội và phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Phàm là tôi đọc rất kỹ, để xem xem cái mặt bằng văn xuôi, nhất là truyện ngắn Việt Nam mình cao thấp thế nào, và thực ra, còn xem người ta viết gì, viết ra sao, có thể học lỏm, học mót được chút nào không. Thế đấy. Khi đọc Huyền thoại phố phường, chỉ ít dòng đầu tôi đã như bị một thứ ma lực mê dụ. Tôi đọc một mạch, bàng hoàng vì thích thú. Đọc chậm lại lần thứ hai. Vẫn thấy hay, và lần này, tôi đã đủ bình tĩnh để nhìn nhận xem nó hay ở chỗ nào và vì lẽ gì. Tôi nhìn tên tác giả. Nguyễn Huy Thiệp. Một cái tên lạ hoắc, rõ là mình chưa thấy bao giờ. Tự hỏi, thằng cha này là ai nhỉ, tôi lại phỏng đoán, hay là một ông đầu sỏi nào đó trong làng văn xuôi đốc chứng lấy bút danh viết theo lối mới ? Nhưng rồi tôi lại tự gạt bỏ, bởi dù mới chỉ tập tọng viết, song tôi cũng là con mọt sách từ nhỏ, tạp nham đông tây kim cổ đọc đủ, nên hiểu rằng với mỗi nhà văn, việc thay đổi bút pháp là không dễ chút nào. Thú thực, ngay lúc ấy tôi đã chợt nghĩ, không biết tay này đã viết nhiều chưa, song viết thế này thì chẳng bao giờ mình theo kịp được. Tôi buồn vui lẫn lộn. Vui vì làng văn mình xuất hiện một cây bút văn xuôi xuất sắc. Còn buồn vì mình mới thập thò định chen chân vào làng văn mà trên đầu đã có núi Thái Sơn như thế, có viết cả đời, lao lực với chữ nghĩa thì cũng chỉ lom khom dưới chân núi mà thôi.


Sau này, khi tiếng tăm nổi như cồn với hàng loạt truyện ngắn xuất sắc liên tục đăng đàn như :Tướng về hưu, Con gái thủy thần, Trương Chi, Chảy đi sông ơi, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Những người thợ xẻ, Bài học nông thôn, Không có vua, Thương nhớ đồng quê, Muối của rừng  v.v... người ta hay nhắc đến truyện ngắn được xem như là con dấu son chứng nhận cho tài năng Nguyễn Huy Thiệp là Tướng về hưu, song với riêng tôi, ấn tượng nguyên sơ chính lại là Huyền thoại phố phường. Quả là, Tướng về hưu xứng đáng là truyện ngắn xuất sắc, cũng như Con gái thủy thần sau đó vậy, nhưng nếu ai hỏi tôi thích nhất truyện nào của Nguyễn Huy Thiệp, tôi không ngần ngại mà trả lời, Không có vua. Còn là những gì nữa, ấy là Những người thợ xẻ, Bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê.

Nguyễn Huy Thiệp có biệt tài đóng dấu ấn của mình vào các nhân vật lịch sử, qua hàng loạt truyện như Trương Chi, Chút thoáng Xuân Hương, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam, cũng như một số truyện ngắn sau này lấy cảm hứng từ người này, người kia ( Đưa sáo sang sông, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt ... ) . Ông có biệt tài khắc họa các nhân vật lịch sử từ góc nhìn khác, làm họ sống động hẳn lên, chứ không phải là các bức tượng chết cứng, khiến họ vừa là thần thánh vừa kẻ đời thường trần tục. Theo tôi cái khác người của Nguyễn Huy Thiệp là vậy.

Tôi xin không bàn về lối kể chuyện, câu chữ, hội thoại của Nguyễn Huy Thiệp, bởi đã có quá nhiều nhà phê bình viết về những điều đó rồi. Tôi thì tôi phục sát đất, vì có chuyện hay không có chuyện, ông cũng phẩy vài nhát là ra ngay diện mạo, hơi hướng. Đấy là cái tài trời cho, tôi nghĩ thế, bởi chẳng có học hành, kiến thức, ai dạy dỗ mà thành thế được. Cái tài " phảy " của ông lan sang cả tiểu luận, phê bình. Vì thế mới có chuyện, Nguyễn Huy Thiệp phảy ra Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh, Lê Kim Giao... Lẽ dĩ nhiên, họ cũng phải có gì thực chất của họ thì Nguyễn Huy Thiệp mới phảy ra được. Có bột mới gột nên hồ mà.

Tôi chưa được đọc kịch của ông, ngoài vở kịch chui là Mổ nhà văn, được người người ta lấy từ mạng xuống, phô tô lem nhem . Cũng tài lắm thay. Nghe phong thanh, thiên hạ cũng khen kịch của ông. lắm lắm.


Còn tiểu thuyết thì người ta lại chê nhiều. Tôi có đọc cả hai tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu và Tiểu long nữ., cũng đều từ mạng internet. Không thật thích, song vẫn sắc sảo lắm thay. Ngôn từ, lối thoại vẫn đặc sệt chất Nguyễn Huy Thiệp. Lại nữa, ông vừa cho ra cuốn thứ ba, tôi đã thấy bày bán nhan nhan ở các quầy sách hạ giá hè phố, với cái tên và tranh bìa sặc mùi ba xu, Gạ tình lấy điểm. Tôi không tò mò đến mức tìm đọc, bởi cái tiểu thuyết ba xu ấy lấy cốt từ câu chuyện có thật xảy ra ở một đơn vị thuộc cơ quan tôi nên tôi không lạ. Còn xem văn chương Nguyễn Huy Thiệp ư, tôi cũng chẳng cần vì cứ từ hai cuốn trước mà suy ra thôi. Nghe đâu, sách bán khá chạy. Báo chí gặp gỡ, viết bài nói về sự thất bại của Nguyễn Huy Thiệp trong thể loại tiểu thuyết và bù lu bù loa lên rằng, Nguyễn Huy Thiệp viết sách kiếm tiền. Nguyễn Huy Thiệp không tranh luận, cũng không vì thế mà ái ngại. Đơn giản bởi ông chủ trương vậy chăng? Tác phẩm nào cũng có đời sống của riêng nó, có thể sống dai và cũng có thể yểu mệnh ngay đấy, hoặc giả gây ồn ã chút ít rồi chết dần chết mòn. Không cần tất cả phải cùng được lưu danh muôn thuở. Đã từng có ức vạn bài thơ thời Đường, nhưng sống được đến thời đại của chúng ta ngày nay để mọi người ngợi ca cũng chỉ có ngần ấy thôi. Cũng như một cuộc chiến, để đi đến thắng lợi cuối cùng, phải có ngàn vạn kẻ bỏ xác lại chiến trường rồi khuất dần vào quên lãng mới có một chiến công rực rỡ ghi danh sử sách cho người này kẻ nọ. Ngay như hiện giờ, cái ông nhà văn Mạc Ngôn ( Trung Quốc ) liên tục cho ra một seri tiểu thuyết như Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Sống đọa thác đầy, Tổ tiên có màng chân, Thập tam bộ, và sẽ là những gì nữa, song người ta chỉ còn nhắc tới vài tuyệt tác ban đầu của ông là Báu vật của đời ( Phong nhũ phì đồn ), Đàn hương hình mà thôi.


Tôi nghĩ không hề hấn gì, bởi Nguyễn Huy Thiệp có những truyện ngắn như Không có vua, Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Con gái thủy thân, Bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê... mang sức vóc của tiểu thuyết. Tiểu thuyết đâu cứ phải nhiều chữ.

Thú thật, dăm năm nay tôi ít đọc truyện ngắn trên báo. Các tập truyện ngắn cũng vậy. Riêng với Nguyễn Huy Thiệp, tôi luôn để ý, và dường như mỗi Tết nguyên đán, tôi thường mong chờ sáng tác mới của ông. Tôi không ưu ái gì ông, và ông cũng không cần điều đó. Đơn giản, tôi chỉ muốn xem xem giờ Nguyễn Huy Thiệp viết lách ra sao.

Cùng với văn chương Nguyễn Huy Thiệp còn say với nghề mới, thợ vẽ. Chán kinh doanh nhậu nhẹt thì sang vẽ. Không biết rồi đây ông sẽ còn giở trò gì nữa? Tôi tin con người này chưa chịu yên vị . Chắc chắn là sẽ có thơ. Nguyễn Huy Thiệp đã từng đe thiên hạ rằng, đến khúc cuối của chặng đường đời, ông sẽ trình làng thơ, và khi ấy thì thây mặc thiên hạ bình phẩm, khen chê, bởi chó chết hết chuyện .

Song từ nay đến đấy vẫn còn dài lắm !...

Nghe nói,  giờ thì ông đã tuyên bố từ bỏ văn chương.

Có nên tin không đây ?...

(Hình minh họa: Internet)

Nhận xét