Người thơ tôi chưa từng gặp,...




 (Chân dung nhà thơ Trần Trọng Trí )

          1.  Nhận diện người thơ,...

Ấy là nhà thơ Trần Trọng Trí.
           
Xin được gọi ông như vậy. Trần Trọng Trí không phải là nhà thơ với nghĩa đầy đủ của nó, nên trong bài viết này, tôi gọi ông là Người thơ.
          
Trần Trọng Trí nguyên là thuyền trưởng tàu hải quân HQ 05, từng một thời gian dài tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
         
 Câu chuyện về ông được bắt đầu từ một sự việc. Ấy là, trên trang Blog của tôi, mang tên “Ngẫm & Viết" được thiết lập trên Blogtiengviet.net, vào ngày 27 tháng 2 năm 2011, có đăng bài “Trời sắp mưa, thơ ứng tác của Trần Đăng Khoa “, trong bài viết, tôi có quen miệng gọi bài thơ ứng tác của Trần Đăng Khoa là thơ Đường luật. Sau đó, có nhiều bạn đọc vốn là cao thủ về loại thơ này, cảm nhận, nêu ý kiến rằng đó không phải là thơ Đường luật vì không chỉnh về niêm luật thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Những ý kiến đó là đúng cả. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác, cho là, thơ đùa bỡn nhau, ứng tác tức thì không sửa chữa theo kiểu thất ngôn bát cú, có thể chấp nhận được, không nên khắt khe, bắt bẻ mà làm gi. Trong số nhiều ý kiến hay, tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của một bạn đọc có tên Trần Trọng Trí. 

Xin trích nguyên văn, bởi qua cảm nhận này, mọi người có thể biết ít nhiều về con người ông, và cả quan niệm của ông về thơ ca nói chung: “Tôi đã về hưu mấy năm nay, giờ làm thợ cắt tóc. Nghe con cháu út nhà tôi bảo trong quán lá Lễ Nhạc nhà Chu có cuộc hội thảo về TĐK rất hay, tôi bèn ra quán Nét ghé chơi. Thấy đúng là hay thật. Tôi đồng ý với ông Nhạc. Đây là thơ tếu, cốt ghép mấy câu bỡn bạn. Nội dung chính là những chữ đầu ghép lại, nội dung, vần điệu, niêm luật có thể búa xua. Vì thế chẳng nên mang luật định ra bàn. Tôi là dân Nga học (Tôi học thuyền trưởng ở O-Đe-sa, Nga, cùng với Ngô Tự Lập. tôi từng có thơ in trên báo Hải quân và báo Văn Nghệ. Tôi cũng rất yêu thơ Đường, nhưng cũng ngấy thơ Đường vì sự gò bó của niêm luật, đối thanh, đối ý. Nhưng thơ Đường sang ta nó mới hủ nho như thế, chứ bản thân những nhà thơ lớn đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ họ cũng thoát ra khỏi cái lề luật hà khắc của nó nên mới thành đỉnh cao nhân loại. Tôi cũng có mấy kỷ niệm với Thần Đồng - Tất nhiên Thần đồng bây giờ người ta mới gọi, chứ chúng tôi vẫn gọi gã là Cua Đồng. Gã có tặng tôi hai bài thơ cũng viết kiểu ứng tác. Bài thứ nhất rất dài, nhưng tôi chỉ nhớ được bốn câu: "Thuyền trưởng ơi, hãy cho tôi bát rượu/ Tôi uống vào cho biển cả nó thêm say/ Cho sóng lớn chồm lên muôn sức ngựa/ Nâng tầu ta đi canh giữ nước non này". Chúng tôi sướng những câu thơ này lắm. Rất sảng khoái và rất lính. Tôi còn đố Khoa làm một bài thơ đái ở trên biển. Cứ sõng thẳng từ trên boong xuống biển. Không ngờ cha Cua Đồng đã biến một việc rất thô tục thành một bài thơ trữ tình mà cánh lính biển tàu HQ05 từ lính đến quan đều thuộc: "Anh biết giấu vào đâu giữa muôn trùng trời nước/ Nỗi nhớ em không một phút nào ngơi/ Nỗi nhớ trào dâng anh xả vào biển cả/ Nguồn yêu thương cuồn cuộn chảy dưới trời". Sướng. Bác Nhạc cho tui thăm gã cua đồng, và nhắn dùm: Thuyền trưởng Trí vẫn nhớ K,Mong K sớm trở về với biển, hoặc đến Liễu Đề, Nam Hà thì ghé nhà Trí chơi”.

Quả thật, khi vị cựu thuyền trưởng tàu HQ05 đưa ra nhận định: "Tôi cũng rất yêu thơ Đường, nhưng cũng ngấy thơ Đường vì sự gò bó của niêm luật, đối thanh, đối ý. Nhưng thơ Đường sang ta nó mới hủ nho như thế, chứ bản thân những nhà thơ lớn đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ họ cũng thoát ra khỏi cái lề luật hà khắc của nó nên mới thành đỉnh cao nhân loại"..., tôi thực lòng kính trọng sự am tường của ông về thơ Đường, thơ Đường luât và thi ca nói chung, sâu sắc, không nệ cổ. Về cơ bản, tôi đồng tình với nhận định của ồng, bởi khi tìm hiểu thơ Đường cũng thấy được, các thi nhân lớn đời Đường đã sớm cách tân thơ Đường rồi.

           Sau đó, Trần Đăng Khoa vào đọc, ghi cảm nhận, đáp từ ông Trần Trọng Trí, nguyên văn như là: “Vài hôm vừa rồi quây quả với mấy đám tang, bữa nay mới ghé vào quán lá của nhà họ Chu, mới hay chốn đô hội này vui thật. Nhờ vậy, tôi mới gặp được nhiều bạn cũ, nhiều người quen cũ, có người đến ba chục năm nay không thấy mặt, như anh bạn Việt An. Ông này tài lắm. Dạo thi văn, lão ấy còn trên tôi đến ba nấc. Lâu không gặp. Có người bảo lão dạo này bị gái bắt mất hồn, gặp người thân chẳng còn nhận ra nữa. Có người lại bảo, lão say rượu rồi phải gió, méo mồm rồi. Hoá sai bét. Lão vẫn to béo uỳnh uỵch, lại còn đang được mệnh danh là trùm khủng bố mạng. Ai tranh luận với lão cũng thua. Vì sau cơn động rượu, người lão mọc toàn mồm. Hóa ra cũng lại là giai thoại. Hoặc cũng có thể người ta sợ lão, nhìn lão hoa mắt, tưởng quái vật. Với tôi, lão vẫn là chàng Việt An, ( tức là Vit- theo cách gọi của Gà Phố) hiền khô thuở nào. Bây giờ, tất cả đều gặp nhau ở đây, gặp trong chốn âm i, là cái chợ âm phủ, có tên Blog tv.net này. Tôi cũng kinh ngạc và hoảng hồn khi thấy các quý vị tung ra hàng loạt những bài vè càn quấy của tôi. Cắn rơm cắn cỏ xin các ngài xóa ngay khỏi bộ nhớ, vì đấy không phải tác phẩm văn chương, mà là những trò đùa, đùa tếu để vui trong thoáng chốc, cười toét cái rồi thôi. Các bác cứ lưu lại như một tác phẩm thật sự thì hãi lắm.

Tôi cũng bất ngờ khi gặp bác Trí thuyền trưởng. Bác này có cô con gái rất xinh tên là Hà. Bác gả hết cho chú lính này đến chú lính khác, đi đến đâu bác cũng được xưng tụng bố vợ. Khi nhận thư, cánh lính mới té ngửa: "
Bố ơi, dạo này con ngọng lắm, không gác chân lên cổ mẹ, mí nữa đêm ngủ con không đái dầm nữa đâu bố ợ". Hóa ra tiểu thư công nương mới học lớp 1. Tôi đã kể chuyện này qua nhân vật Thuận ở cuốn tiểu thuyết Đảo chìm. Cháu bây giờ chắc đã mấy con rồi. Bữa nào tôi với Chu Nhạc về Liễu Đề nhờ bác tân trang cho mái tóc nhé. Chúc các bác, các bạn luôn gặp điều lành”.
          
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và thuyền trưởng Trần Trọng Trí gặp lại nhau trên trang blog, những tưởng thế đã là thú vị. Thật bất ngờ, tiếp nữa, còn có mấy thùy thủ, lính tráng thuộc quyền của thuyền trưởng Trí cũng nhận ra ông trên trang blog này. Xin trích cảm nhận của họ, âu cũng hiểu biết thêm về người thơ Trần Trọng Trí. Cựu thủy thủy Nguyễn Văn Tròn viết:” Ối thủ trưởng Trí ơi! Em không ngờ lại gặp thủ trưởng ở đây. Em nghe bà chị em khen quán lá ông Nhạc, em vào xem người ta mổ thịt ông K, hóa ra lại gặp thủ trưởng cũng tham gia tùng xẻo. Em dạo này mở quán thịt chó, cũng sống được Sếp ạ. Sếp thuộc thơ bác K còn em lại khoái thơ Sếp. Mà thơ rất thiết thực. Sếp còn nhớ Sếp cáu um lên vì bọn thằng Lĩnh ỉa bậy không? Sếp viết thơ lên mảnh tôn cắm bên cạnh hố xí: "Ỉa thật đúng lỗ mới tài/ Ỉa trệch ra ngoài kỹ thuật không cao". Nhưng em thích nhất bài thơ Sếp tặng em. Hồi em kiếm được tấm vải dù cho con vợ mới cưới. Sếp viết hộ em: " Gửi tặng em yêu tấm vải dù/ Anh đi tìm kiếm xuýt mất c.../ Mìn vướng, bom gài, anh đ... sợ/ Một tay cuộn dù, tay bịt c...". Nghĩa là giữ cho em cả tinh thần và vật chất. Mất cái "cần tăng số" thì có đến hàng trăm mét dù, nó cũng bỏ. Em ôm trọn vẹn về mà con vợ em nó đi theo thằng khác. Có giữ được quái đâu. Bây giờ giờ em thay ba vợ rồi. Vợ em hiện là giáo viên dạy mẫu giáo, lương ít nhưng tử tế, có điều kiện nuôi con. Hôm nào em sẽ về quê thủ trưởng đấy”.
          
Tình cờ được gặp lính cũ trên blog, cựu thuyền trưởng Trí, qua cảm nhận đáp lại: “ Con cháu tôi lại khoe, có một bác đọc thơ ông, lại khen thơ ông hay hơn thơ ông Khoa. Tôi lại phải vào quán lá của bác Nhạc. Hóa ra là chú Tròn. Rất mừng chú có quán thịt chó. Mà dạo xưa chú có biết ăn thịt chó đâu nhỉ. Hôm TS giết con Ái Vân ( tên con chó khoang - lính thường lấy tên ca sĩ họ thích đặt cho chó ) để chiêu đãi tướng Cương, chú với ông  Khoa không ăn. Chú còn nôn ọe. Bây giờ lại nghiện thịt chó à. Rất mừng chú có ba vợ. Anh một vợ đã mệt phờ. Bà cai ngục nhà anh cũng béo như ông khoa, mà nước vẫn dâng như lũ sông Hồng. Chú Tròn ba vợ thì kém đếch gì cụ khốt đồ nho, nhân vật của bác Nhạc. Cái truyện ấy hay đấy. Vào đọc ngay. Tôi rất thích... Tôi bây giờ đọc bác Nhạc luôn luôn. Mặc dù mỗi lần vào quán bác Nhạc, tôi lại mất ngót chục ngàn. Mụ chủ còn đe tăng giá. Mụ vợ tôi cũng điên "Già còn đĩ...."... Tiếc là lâu rồi, tôi không gặp ông Khoa, chỉ thỉnh thoảng thấy ông ấy trên truyền hình. Béo quá. Ông ấy về làng không khéo chết oan vì dân nó đánh, nghi là tham nhũng. Hôm tôi qua Đài, đi với mấy ông cựu chiến binh bên Bộ tham mưu, có ông Đảng, Phó Chủ tịch Hội CCB đài tiếp rồi dẫn đi xem mấy nơi, qua phòng ông Khoa thì ông ấy đi vắng. Tôi vẫn làm thơ, tham gia câu lạc bộ thơ. Hôm vừa rồi có gửi bốn bài cho ông Bành Thông in trong tập Hương ngoại ô cùng với một triệu tiền mua sách. Thơ mà tôi tâm đắc, cánh cựu chiến binh quê tôi thích đều là thơ mách qué. Bác Nhạc có giám in thơ tôi không? Đại loại như thế này: IẾC XIẾC: Tối qua đi xem xiếc/ Thấy rõ ràng từng chiếc/ Càng nhìn lại càng tiếc/ Không được đi đoàn xiếc/ Để được sờ từng chiếc/ Tiếc/ Iếc xiếc. Bữa nào vào Quảng Bình tôi sẽ đến thăm chú Tròn. Còn bác Khoa với bác Nhạc tôi gặp chắc không khó lắm. Bây giờ các bác ấy mở quán tôi sẽ vào luôn”.

Nguyễn Văn Tròn hồi đáp cựu thuyền trưởng Trí: “ Thủ trưởng Trí - May có bác Nhạc làm liên lạc để em được gặp thủ trưởng. Em mở quán thịt chó, nhưng vẫn không biết ăn thịt chó. Điều đó chẳng quan trọng. Vợ và chú em vợ em tác nghiệp, còn em thu tiền với điều hành chúng. Quán của em ở thị trấn Ba Đồn, với bảng hiệu: Cày tơ Tròn lùn. Đông khách lắm. Thế cái bệnh lòi dom của thủ trưởng bây giờ thế nào? Thủ trưởng vẫn làm thơ quậy à? Em vừa thấy thủ trưởng quậy trên mạng bác Nhạc, nói cái vụ cối chày gì đó. Thủ trưởng cũng nên giữ mồm giữ miệng một chút, chả gì Sếp cũng Đại tá, lương tướng, xuýt nữa anh hùng. Mạng ấy toàn trí thức đọc cả đấy. Em xem thấy ù đầu. Thủ trưởng cũng phải cẩn thận trước bà xã. Bà ấy có thể không thích văn chương nhưng vì tò mò, tuỏng ở đấy có gái trinh, mò vào, gặp thủ trưởng nói xấu vợ thì chết. Loạng quạng mụ có bồ lại tắm cho thủ trưởng một can xăng như vợ nhà báo HH  thì khốn. Đàn bà không tin được đâu... Em qua ba chày rồi, em biết. Tanh lắm. Thủ trưởng vẫn phải cẩn thận đấy. Lúc nào thăm thủ trưởng, em nói nhiều, bây giừ qua nhà ông Nhạc, anh em mình nói với nhau mà toàn thiên hạ nghe, cụt cả hứng. Thủ trưởng bảo trọng”.
          
Không những thế, một thuộc cấp của ông là Lê Văn Khánh cũng qua con đường cảm nhận vào bài viết của tôi để nhận lại thủ trưởng cũ của mình: “ Ôi chồ chồ, thủ trưởng ơi, em là Khánh đây, Khánh cắt tóc và dạy thủ trưởng cắt tóc đó. Thằng Tròn điện cho em bảo vô xem thủ trưởng, lại bày cho em cách viết thư cho thủ trưởng. Em vào mấy hôm rồi, nhưng bữa ni mới biết cách viết thư. Em đọc thơ thiên hạ tháy thua thơ thủ trưởng hết. Em đọc ai cũng thích. Vịnh cây khoai môn: Trên rừng sướng nhất cây khoai môn/ Củ nó luộc lên ăn rất ngon/ Cái bẹ nấu canh ăn cũng sướng/ Lá nó hao hao giống cái l... ; Vịnh Nồi hầm: Trắng trắng đen đen lại lùm lùm./ Cũng đai cũng ốc, cũng tùm lum/ Thịt gân nhét phứa vào trong ấy/ Một lúc rút ra nhũn nhùn nhùn; Vịnh cái tủ lạnh Sa-ra-top: Cắm vào run rảy toàn thân. Rút ra nước chảy từ chân xuống sàn. Hỡi người quân tử giàu sang. Cắm vào xin chớ vội vàng rút ra. Nhưng em thích nhất bài thơ Sống ở đảo chìm, viết tặng ông Trần Đăng Khoa: Sống ở đảo khoái ơi là khoái/ Nó giúp ta đi đái rất gần./ Đái ở đầu, đái ở chân (tức đầu đảo, chân đảo)/ Đứng đâu đái đấy, đéo cần đi xa/ Chẳng như hồi sống ở nhà/ Muốn đái một bãi phải ra tận vườn. Hay. Thủ trưởng có thơ mới, bảo bác Nhạc đăng cho chúng em thưởng thức nhá”.
          
Đấy, chỉ qua những dòng cảm nhận, đối đáp giữa cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí với nhà thơ Trần Đăng Khoa và mấy người lính cũ của ông, ta có thể nhận diện được Trần Trọng Trí, quan niệm của ông về thi ca, cùng thơ ca hò vè của ông, và ít nhiều thực tế cuộc sống của những chiến sĩ hải quân bảo vệ đảo.
          Sẽ còn nhiều điều thú vị và bất ngờ về cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí và những người lính đảo của ông...

          
         2. Những cuộc đối thoại thơ:
          Sau những cuộc nhận ra nhau và hồi đáp thú vị giữa vị cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí, cùng những người lính biển một thời của ông, và nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trần Trọng Trí có đọc kỹ một số truyện ngắn và thơ của tôi trên trang blog Ngẫm & Viết, ông có đưa ra một số nhận xét. Thêm nữa, khi tôi công bố bài viết “ Đảo Chìm, nghệ thuật tạo dựng không gian truyện “ trên blog của mình, rất nhiều nhà văn, nhà phê bình và nghiên cứu văn học, đọc và đưa ra những nhận xét tích cực, điều ấy khích lệ thêm những cựu lính biển. Trần Trọng Trí đọc thường xuyên mỗi ngày và ông rất chịu khó ghi cảm nhận, khi đưa ra nhận xét này nọ, lúc lại thơ ca hò vè tếu táo làm vui. Sôi động hơn, khi một nhà thơ nữ, cũng là blogger của Blogtiengviet.net ( xin phép được giấu tên ) cảm nhận bằng thơ vào trang blog của tôi, Trần Trọng Trí đọc được và dường như ông được kích hoạt, thơ vè tuôn ào ào, có ý trêu đùa nữ nhà thơ nọ. Sự thông minh, hóm hỉnh vốn có, và cái khiếu hài hước của ông được đẩy lên cao. Từ đó sinh ra các cuộc họa thơ mang tính chất bông đùa nhau. Tôi ghi lại và trích một số thơ họa của Trần Trọng Trí.

          Tôi có bài thơ Xuân mưa: “ Xuân đem hạt nắng gieo đâu/ Mưa bay giăng nhẹ nỗi sầu cho ai / Bất ngờ nở đóa sớm mai/ Dùng dằng xuân giọt nhỏ ngoài mái hiên “, thì Trần Trọng Trí họa Xuân nắng: “ Xuân sang, ta Sáu Tư rồi/ Vắt đâu ra mấy giọt giời được đây/ Mặt trời đã tốc vấy mây/ Ta cùng vợ vác cối chày ra phơi”. Tôi đọc và đưa ra đề nghị là sửa câu “ giọt trời “ thành “ giọt giời “, ông khoái lắm, đồng ý luôn.

Tôi đăng bài Đi biển mùa đông: “ Mùa đông/ đi biển/ một mình/ hoang vu biển / vẫn tự tình,/ đâu em/ bờ dương thầm thĩ/ môi êm,/ gối đầu tay/ mộng/ chong đêm/ một mình...”; Nữ nhà thơ nọ họa bài Trước biển: “Lặng nghe.../ sóng động / lòng mình / triệu năm/ vẫn hát khúc tình tự em/ cồn cào/ gửi nhớ vào đêm/ bờ dương lả/ gió vuốt mềm tóc ai...”; Trần Trọng Trí vào cuộc họa: “Có chày mà không cối/ Chẳng thể nào văn minh/ Dù trăm chàng râu rậm/ Vẫn bùng biêng một mình/ Thương quá Chu thi sĩ/ Gối đầu lên cánh tay/ Lấy thi ca làm cối/ Chày lại vang nhịp chày/ Giờ có thơ ta đọc/ Thơ hóa thành biển trăng/ Quờ tay ra đã gặp/ Vành vạnh một ả hằng/ Vầng trăng không biết lặn/ Cứ nõn nường tươi xinh/ Ai bảo chàng Chu Nhạc/ Ra biển khơi một mình?”.

Không thấy nữ nhà thơ nọ ọ ẹ gì, ông tiếp tục khiêu khích, thơ rằng: “ Ả nguyệt đâu rồi nhỉ/ Để biển mịt mù đêm/ Ta gối chày lằng sóng/ Chờ đợi vầng trăng lên”... Việt An thấy vậy vào cuộc, ghi cảm nhận khích ông là “ Bộ trưởng Bộ Giã gạo”, trước khi vào lính Hải quân, Trần Trọng Trí liền quay mũi nhọn sang Việt An như sau: “ Chú em thông minh thật/ Anh là thợ giã đây/ Trước một chày một cối/ Giờ ba cối một chày/ Về hưu rỗi rãi lắm/ Thì vác chày đi chơi/ Có gạo đâu mà giã/ Ả nguyệt phắn mất rồi/ Chú để rơi bên cối/ Vầng trăng thu lẻ loi “.

Quả thật, Trần Trọng Trí thông minh, hóm hỉnh, giàu tính hài hước, thơ ứng tác của ông cũng rất chi là tài tình. Gạt đi sự bông đùa tếu táo, bỏ qua những câu thơ, những từ ngữ bạo dạn theo kiểu khấu ngữ dân gian, nhìn chung, thơ ông khá hay. Khi tôi bày tỏ với ông điều này, ông hiểu, song ông vẫn đẩy sự bông đùa lên cao nữa. Từ câu chuyện về mối tình ngang trái trong truyện ngắn Ngày xưa ấy của tôi, ông vịnh thành thơ mà trêu tôi: “ Tiếc là chàng hiền quá/ Không hiền còn dại điên/ Ngả phứa nó lên cỏ/ Hai đứa cùng lên tiên/ Tiết hạnh nó chẳng giữ/ Vậy mà còn vân vi/ Lão đồ nho hâm quá/ Rõ thật như cù...đì “.

Vậy đấy, Trần Trọng Trí sắc lẻm như dao cau, mạnh bạo như mãnh thú khi bàn chuyện lính tráng, chuyện về đàn bà, tình yêu, tình dục. Có thể nói, ông là một trí thức, pha thêm chất lính, và trong người tồn dư tính láu cá nông dân.., Ông là vậy, và những người lính biển thuộc cấp của ông, dường như nhiều năm sống gần ông, nên ít nhiều chịu ảnh hưởng từ ông, cũng lanh lợi và sắc lẻm không kém. Ấy là Nguyễn Văn Tròn ( tức Tròn Lùn ). Anh chàng này bàn góp với thủ trưởng Trí của mình như sau: “ Thủ trưởng Trí ơi! Bây giờ chắc thủ trưởng đang ngủ, mà mấy con mẹ quán Nét cũng đang ngủ, thế mà em đã lẻn được vô nhà bác Nhạc rồi đấy. Em vô bằng cái máy tính con của em. Rất tiện lợi. Giờ em quyết định thế này: Giữa tháng Ba này là ngày giỗ ông anh của em. Bác Nguyễn Văn Vuông, hy sinh thời chống Mỹ. Em mời thủ trưởng vô Quảng Bình. Tiện thể, ta quá giang mấy trăm cây đi Nghĩa trang Trường Sơn. Em sẽ tặng thủ trưởng cái vi tính xách tay và cái USB nối mạng, em bao thủ trưởng cước hàng tháng, để thủ trưởng đọc bác Khoa, bác Nhạc và trăm thứ rất hay trên mạng. Còn báo nhạt toẹt. Cước chẳng đáng bao nhiêu đâu. Em thử rồi. Chỉ cần thủ trưởng không xem phim đồi trụy thì phí rẻ lắm. Em chỉ tiết kiệm mấy đĩa thịt chó là thủ trưởng chơi tẹt ga. Thủ trưởng nhắn cho em thằng H., con Nh. ( Cái con bé ngày xưa thủ trưởng cứ xui em hôn nó rồi bóp v. ấy). Bây giờ chắc già khắm ra rồi. Rồi thằng B., thằng V., thằng C., thằng Kh., thằng Tr. ( Thằng Tr. khỏe như trâu mà bị vợ cắm sừng, khổ thế. Em bảo thôi vứt đi, kiếm đứa khác. Đàn bà thiếu giống. Bác Khoa cứ ra rả tôn vinh chị em, cũng hâm lắm. Bác này rất thông minh, thông thái, nhưng thi thoảng cũng hâm đột xuất ). Em thấy đàn bà chẳng mấy sâu sắc thủy chung gì đâu,...  Đấy, như vợ tay nhà báo nọ, có thể thiêu chồng chạy theo một thằng hạng tép, mà chưa chắc cái chày của nó đã hơn...  Đàn bà là vậy. Chắc nó rót vào tai mấy câu khen đểu là... Đàn bà thường chỉ tiếc và đuổi theo những thằng đểu và thường coi khinh những thằng tử tế. Thủ trưởng nhớ báo cho em mấy thằng ấy nhé, còn thằng Khánh thì em liên lạc được rồi. Có vi tính em với thủ trưởng có thể thông thương mà không làm phiền bác Nhạc, bác Khoa nữa. Mà nếu thủ trưởng có bồ hẹn càng tiện lợi... cánh công chúc này nọ cũng búa sua vậy cả....”.

Xin được thứ lỗi, nếu chị em nào đọc đoạn trích cảm nhận của Tròn Lùn, mà phật ý. Cảm thông và cám cảnh cho anh chàng cựu lính thủy này, bởi anh ta đã qua ba đời vợ mà hai người đầu đều bỏ anh ta chạy theo người đàn ông khác. Có lẽ, vì thế mà chàng ta sinh ác cảm với phụ nữ chăng? Những mà, chỉ ác khẩu thôi. May mắn là người vợ thứ ba, theo anh chàng tự nhận, là người tử tế đấy thôi. Anh chàng này, ngoài đời chắc hẳn là một người đàn ông xốc vác, quyết liệt. Qua những gì tôi biết, tôi hình dung, thiển nghĩ, đằng sau vẻ bất cần và mạnh bạo đến quyết liệt ấy, anh chàng là một người cả nghĩ và đa cảm. Chẳng thế, Nguyễn Văn Tròn bàn về thơ Trần Đăng Khoa thế này: “ Em lại thích thơ bác Khoa sau này hơn thơ ngày trước. Bài thơ Lính đảo hát tình ca rất tuyệt. Bài về nghĩa trang Văn điển nữa. Nhưng viết về phụ nữ của bác Khoa, em thích nhất mấy câu này, sau khi gặp gái, bác ấy đã ngây ra như ngỗng ỉa: "Tôi vội nhìn theo nào có thấy/ Bời bời lối cỏ, bóng em đâu?/ Tìm em lại gặp con chó đá/ Ngoác miệng làm duyên giữa bụi lau". Đời nhiều chó đá lắm bác ạ ". ...

Nói về người thơ Trần Trọng Trí, nhưng sao tôi lại nói nhiều về Nguyễn Văn Tròn làm vậy? Là có duyên cớ đấy. Bởi, cùng sự xuất hiện và giao lưu với mọi người trên mạng, cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí có thêm sự khích lệ từ Nguyễn Văn Tròn, khiến ông như nhập đồng vào thế giới ảo internet một cách mê say, và hơn thế, ông còn đưa ra những quyết định ngoài đời rất nhanh chóng, làm thay đổi hẳn cuộc đời ông ngay sau đó...

3. Như vệt sao băng vút qua bầu trời,

Áp lực và mong muốn có máy vi tinh, kết nối internet thì thầy trò Trần Trọng Trí - Nguyễn Văn Tròn đã nhanh chóng đạt được. Khi tôi đề nghị Trần Trọng Trí đổi một từ trong bài thơ ứng tác của ông, không những đồng ý, ông còn nhắn lại: Ông Nhạc chữa cho tôi một chữ mà hay hơn đấy. Cao thủ. Mặc dù ý không thay đổi, nhưng chữ “giời” thì hợp hơn chữ” trời”. Tôi sẽ qua chú Tròn trong dịp tới. Chú giúp tôi mua vi tính, nhưng không cần tặng tôi, thằng con rể tôi nó cho. Thằng cu đang muốn kéo tôi về Yên Bái sống với nó. Tôi đang tính. Nghe có mấy đứa vừa báo tôi bên nhà ông Khoa có trò mới cũng vú vê búa sua. Tôi sang xem đã nhé”.

Rồi sau đó, trong cảm nhận khác, cựu thuyền trưởng Trí hào hứng thông báo: “Tôi đã sắm máy tính cũ xách tay và cả USB, có thể vào các ông thường xuyên. Mụ vợ tui còn mê các ông hơn cả tui. Cảm ơn các ông đã giúp tui nhập thế giới hiện đại. Ngày mai tui đi Sài Lang Thành nhưng vẫn đọc các ông đấy”.

Trần Trọng Trí đi chơi xa, nhưng ông không quên vào mạng để đọc mọi người. Theo tôi hiểu, quan trọng là, ở đấy, ông gặp lại các đồng đội, lính cũ của mình, những người từng nhiều năm sát cánh bên ông bao năm tháng gian khổ, hy sinh; và hơn thế nữa, ông còn biết thêm thông tin mọi mặt, phải trái, giúp ông thoát khỏi thân phận một vị cựu đại tá nghỉ hưu trở thành người cắt tóc nơi phố huyện, ù cạc vì thiếu thông tin...

Cách ít hôm, Trần Trọng Trí vẻ bùi ngùi, thông báo qua cảm nhận : “ Bữa rày, ông Khoa đưa cái Đảo chìm lên, tôi đọc lại và ngơ ngẩn suốt cả một chiều. Tôi vào mạng, tìm xem người ta bàn thế nào về cuốn sách này, thấy rôm rả lắm. Nhưng sách báo giấy thì chẳng có ai nhắc đến một dòng, cũng như văn chương Chu Nhạc vậy, ông có đến hơn chục cuốn sách rồi, bạn bè mạng bàn về ông rất hay, thế mà ngoài đời, nhiều người còn nhầm ông với một hội viên Hội nhà văn Việt Nam khác trùng tên... Sáng nay, tôi và con gái qua Hà Nội, có đến thăm ông Nhạc, ông Khoa. Con bé ( nhưng cũng là gái xề rồi , là nguyên mẫu, trong Đảo Chìm, ông Khoa gọi là Mộng Tương ), nó cứ trách sao chú ấy ghét gì con mà đổi tên quê thế. Nhưng nó vẫn quý chú Khoa. Bữa nay, chỉ mong được chụp ảnh với hai nhà thơ nổi tiếng, nhưng ông thì đi vắng, tôi lại cứ tưởng ông làm việc với Đoàn của Đức ở tầng 3. Nhưng không có. Ông Khoa cũng không đến cơ quan. Sáng mai, tôi đi Lào thăm chú Tròn rồi chuyển gia đình về Yên Bái. Thôi già rồi thì theo con. Con gái tôi nó thích văn chương ông lắm. Nó bảo nó còn thích văn chú Nhạc hơn văn chú Khoa. Tôi nghĩ, có thể nó còn thù chú Khoa đã giễu nó trong Đảo Chìm. Chúc khỏe”.

Khi đọc được thông tin này, tôi lấy làm tiếc lắm. Vậy là, đã hai lần, Trần Trọng Trí đến tận trụ sở 58 Quán Sứ, để tìm gặp Trần Đăng Khoa và tội mà không gặp được. Tôi nhắn lại ông, và thâm tâm nghĩ, dù là ông ở quê Liều Đề ( Nam Định ), hoặc theo con gái về sống tại Yên Bái, thì cũng đâu xa, cứ liên lạc thường xuyên thì việc gặp nhau đâu khó: “ Bác Trí. Thật tiếc, khi bác đến VOV, cả hai chúng tôi lại vắng cả. Tôi đang đi công tác Điện Biên. Còn Khoa thì không trực thứ 7, nên cũng không đến cơ quan. Bác cho biết số điện thoại của bác ( hoặc người nhà ), tôi và Khoa sẽ liên lạc với bác ngay. Cho tôi gửi cảm ơn tới Hà ( Mộng Tương công nương của Đảo Chìm ). Cảm ơn Hà đã đọc văn chúng tôi “.

Tôi điện thoại thông báo với Trần Đăng Khoa thì anh cũng lấy làm tiếc. Ngay sau đó, Khoa nhắn cho ông: “ Bác Trí. Nghe Chu Nhạc điện, tôi mới biết sáng nay bác và tiểu thư công nương qua cơ quan tìm tôi và Chu Nhạc. Nhưng tiếc quá, Nhạc đang đi công tác. Lão dẫn đầu đoàn nhà báo Đài về Điện Biên, hi vọng chuyến này xóm lá được đọc cả thơ và văn của hắn. Còn tôi bữa nay không trực cơ quan, tiếc quá. Bác cho tôi số điện thoại hoặc điện cho tôi theo số 0913533260. Tôi rất mong được nghênh đón bác. Còn cháu Hà, thích văn chú Nhạc hơn văn chú Khoa thì đúng quá rồi. Cháu thế là tinh đấy. Vì chú Nhạc viết hay hơn chú Khoa. Vợ chú cũng thích văn chú Nhạc hơn văn lão Hâm ở nhà mình. Mong được đón hai bố con “.

Cảm giác, Trần Trọng Trí bần thần, bùi ngùi xúc động, và có vẻ bất an về nhiều lẽ ? Tiểu thuyết Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, ông đọc trên mạng, đã vô tình sống dậy trong ông hết thảy cả quãng đời sung sức, đầy nhiệt huyết và khát vọng sống, nhưng vô cùng gian truân, và không kém cô đơn, dù bên cạnh mình có bao nhiêu đồng đội; hẳn bao ký ức vui buồn ùa dậy, chen lấn trong lòng ông; rồi nữa, ông đã quyết định thay đổi cuộc sống của gia đình mình sau chuyến đi Quảng Bình và Lào cùng người lính cũ Nguyễn Văn Tròn? Hay còn linh cảm gì nữa chăng ? ...

Cái điều tôi nghĩ, điều Trần Đăng Khoa nghĩ và mong muốn được đón hai bố con vị cựu thuyền trưởng tàu HQ 05, và chắc hẳn, tự thân Trần Trọng Trí cũng nghĩ vậy. Đâu khó gì. Đã hai lần chưa gặp, thì lần thứ ba, thứ tư sẽ gặp. Giữa Trần Đăng Khoa và Trần Trọng Trí, họ sống với nhau nhiều ở Trường Sa và trên tàu HQ 05 thời điểm năm 1982, nay có gặp là gặp lại thôi, kiểu gặp của những cựu binh một thời sống chết bên nhau. Riêng ông và tôi, thì chưa từng gặp nhau...

Bẵng đi cả tuần, rồi nửa tháng, không thấy ông xuất hiện trên mạng, cả Tròn Lùn nữa. Tôi nghĩ, thầy trò nhà này gặp gỡ sum họp, rủ rê thăm nom các cựu lính biển khác, rồi kéo nhau sang tận Lào du ngoạn thì không chừng cả tháng. Có lẽ mảng vui, rồi đường sá xa xôi nên các vị xao nhãng internet. Quả thực, không có các cảm nhận bông đùa tếu táo nhưng rất đỗi chân tình của Trần Trọng Trí cùng đám lính cũ của ông, tôi thấy thiêu thiếu, và hẳn Xóm blog Tiếng Việt cũng kém xôm trò. Thôi đành đợi họ về, giờ thầy trò họ đều có laptop, nối mạng USB cả rồi , tha hồ mà giao lưu, thơ phú, gặp gỡ, bù khú...

Một ngày làm việc bình thường, theo thói quen, tôi đến sớm trước giờ làm việc nửa tiếng, bật máy vào mạng tranh thủ xem một số thông tin đầu ngày và blog cá nhân mình. Không tin vào mắt mình, khi đọc những dòng cảm nhận sau đây: “Chú Chu Nhạc kính mến! Cháu là Hà con gái bố Trần Trọng Trí. Bố cháu và chú Tròn đã mất vì tai nạn giao thông tại Thái Lan. Xe do chú Tròn lái. Chú Tròn mất tại chỗ. Còn bố cháu vào viện đến ngày thứ ba thì mất vì vết thưong quá nặng. Bố cháu mất đã nửa tháng rồi. Bố cháu rất quý chú và chú Khoa nên cháu báo để các chú biết. Nếu có gì đường đột mong chú tha lỗi. Cháu Hà”... Sau chút bàng hoàng, xem kỹ, cảm nhận của Hà được viết lúc 23h24 ngày 23 tháng 4 năm 2011. Như vậy, cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí và cựu lính thủy Nguyễn Văn Tròn đã vĩnh viễn ra đi trước đó nửa tháng rồi. Đâu ngờ, những dòng cảm nhận ông viết vào ngày 19 tháng 3 năm 2011, báo tin việc ông đi tthăm Nguyễn Văn Tròn rồi cùng nhau sang chơi bên nước Lào, lại là những dòng cuối cùng ông để lại nơi Blogtiengviet.

Đã có bao nhiêu lời bày tỏ lòng tiếc thương, cảm mến thầy trò Trí-Tròn, lời chia buồn sâu sắc với cháu Hà và gia đình hai người, song chẳng có gì bù đắp nổi sự mất mát đó. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Trần Thu Hà! Chú thực sự sửng sốt trước tin của bố cháu và chú Tròn. Sáng nay, chú đang ở Thái Bình thì chú Nhạc báo tin. Trước đó, chú cũng có một linh cảm không lành về bố cháu và chú Tròn. Trước đây, bố cháu và chú Tròn hay qua Xóm Lá và có nhưng cảm nhận rất thú vị, vừa hóm, vừa thông minh, lại rất vui, đúng như tính bố cháu. Sự góp mặt của bố cháu và chú Tròn, làm Xóm Lá sinh động hẳn. Thế rồi bẵng đi, không thấy bố cháu lại. Chú hỏi chú Nhạc. Chú Nhạc cũng chỉ nghĩ là bố cháu đi chơi rồi về. Chú Nhạc còn bàn với chú làm một chương trình truyền hình về bố cháu và chú Tròn. Chú cũng đã chuẩn bị. Vậy mà ai ngờ...Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Chú đau đớn chia sẻ nỗi đau đớn này với mẹ cháu, chị em cháu. Lúc nào qua Hà Nội thì báo chú. Chú rất muốn được đón cháu như đón một người nhà thân thiết, xin chia sẻ nối đau này với cháu và gia đình”.

Sau vài ngày tĩnh tâm, tôi viết trên blog của mình bài “ Tưởng nhớ cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí “, lại có bao lời chia sẻ từ cộng đồng Xóm Lá ( Blogtiengviet.net ), Trần Hồng Giang, một blogger khuyết tật được nhiều người yêu mến, chia sẻ “Bất ngờ quá anh Nhạc ơi!

Em đọc
Đảo chìm của anh Trần Đăng Khoa ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Với lòng yêu mến và cảm phục những người lính đảo đến khôn cùng. Vậy nhưng đến vừa rồi qua blog của các anh thì em mới biết là bác Trí nguyên mẫu trong Đảo chìm là đồng hương Nghĩa Hưng với em. Biết được thông tin này, em đã rất vui mừng, em đã nhờ một người bạn ở thị trấn Liễu Đề, liên lạc với bác Trí để một lúc nào đó có thể gặp gỡ. Em hy vọng khi gặp được bác ấy thì sẽ viết một cái gì đó về một con người mà mình ngưỡng mộ.Thế mà... Cuộc đời này sao lại có những thực tế phũ phàng như thế chứ!”.


Tôi lần giở các trang blog của mình, tìm tất thảy dấu vết của cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí và cánh lính cũ của ông để lại, kể từ ngày đầu ông xuất hiện ( ngày 28 tháng 2 năm 2011 ) cho đến bài viết cuối cùng ( ngày 19 tháng 3 năm 2011 ), nghĩa là chưa đầy một tháng, thầy trò ông đã làm sôi động cả Xóm Lá với những dòng tâm sự, với thơ ca đối đáp giàu chất lính, phồn thực và rất uy-mua...
Đột ngột xuất hiện và vụt biến mất, họ như những vệt sao băng vút qua bầu trời vậy !...

4. Vĩ thanh,

Một câu hỏi đặt ra, tại sao thầy trò Trí – Tròn lại sang tận Thái Lan, để rồi xảy ra sự cố đáng tiếc ở đó ? Theo suy luận của tôi, Tròn Lùn đã từng thông báo rằng, anh ta mở quán Cày tơ ở Ba Đồn, làm ăn khá phát đạt, lại mở thêm mấy quán nữa tận bên Lào. Tròn Lùn có ô tô riêng. Vậy là, sau khi đón thủ trưởng Trí vào Quảng Bình, thăm thú đồng đội cũ, viếng nghĩa trang Trường Sơn, rồi họ sang bên Lào chơi, tiện thể giải quyết công việc quán xá bên đó. Giờ quốc tế thông thương, mấy nước Đông Nam Á qua lại nhau dễ dàng như đi chợ. Từ thủ đô Viên-chăn, chỉ cần qua cầu bắc ngang sông Mê-kông, sang cửa khẩu Noọng-khai, là vào tỉnh Udon của Thái Lan rồi. Sở dĩ biết vậy, trong một chuyến công tác sang Lào năm 2010, tôi cũng đến được tỉnh lỵ Udon theo đường này. Có điều, Thái Lan giao thông theo hệ thống của Anh ( cũng như một số nước khác như Nhật bản, Hồng kông ), ngược ta, họ đi trái về phải. Ô tô của họ phần lớn là tay lái nghịch. Nếu người mình sang đó, xe tay lái thuận, lại thêm thói quen theo luật giao thông ta ( đi phải về trái ), thì chỉ vài giây sơ ý xao nhãng là lao xe sang phần được ngược chiều ngay...

Đáng tiếc làm sao. Âu cũng là số phận. Kể từ khi nhận ra nhau, họ cần nhau, cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí và người em lính cựu Nguyễn Văn Tròn... Những nhận xét rất thẳng thắn, chân thành và tinh tế của họ, nhất là những bài thơ cũ được nhắc lại, những cảm tác tức thời hóm hỉnh, pha chất lính tráng và phồn thực của họ, thật hay, đã khiến cả Blogtiengviet.net sôi động, sinh khí hẳn lên... Không những thế, cặp thủ trưởng-lính cũ, anh em, thày trò Trí –Tròn còn tranh thủ kể chuyện đời thường sau khi họ chia tay nhau rời quân ngũ, chuyện sinh sống làm ăn thành bại, chuyện vui buồn thế sự, chuyện được mất gia đình...Họ trút hết nỗi niềm cho nhau...Tâm đầu hợp ý, có cảm giác như từ đây, họ không thể sống thiếu nhau được !...

Cho đến nay, ngoài những gì người thơ Trần Trọng Trí để lại trên blog của tôi, chủ yếu là văn thơ đối đáp, hài hước, bông lơn, tôi không biết những bài thơ khác của ông đã từng được đăng báo Văn nghệ, báo Hải quân và trong tuyển thơ Hương ngoại ô ra sao. Không biết nên dám chẳng bàn. Theo suy đoán của tôi, Trần Trọng Trí đã có gần như cả cuộc đời phục vụ trong Hải quân, đặc biệt quãng thời gian dài ông sống và chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa, làm thuyền trưởng tàu HQ 05, hẳn số thơ ca hò vè ông sáng tác rất nhiều ( mấy bài các cựu lính biển Nguyễn Văn Tròn, Lê Văn Khánh nhớ được là điển hình thôi ). Sẵn trí thông minh, tính hài hước, và không kém phần lãng mạn trong mình, Trần Trọng Trí sáng tác hay ứng tác, chẳng mấy dụng công, và còn thiếu trau chuốt, bởi mục đích chính, là pha trò cười, là nhắc nhở, là động viên, khích lệ cánh lính của mình có thêm tình thần và lòng can đảm, cố kết lại, cùng trụ vững, chống chọi với hiểm nguy từ sóng gió biển khơi và sự rình rập của kẻ xâm lấn, đặng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia.

Song những gì Trần Trọng Trí để lại, như tôi đã từng đưa ra nhận định, gạt đi những gì quá bông lơn, tếu táo, bỏ qua những câu chữ còn ít nhiều dung tục cửa miệng, thì nhìn chung, thơ ca của ông giàu yếu tố phôn-clo, giàu chất uy-mua, khá phồn thực và không kém phần lãng mạn... Rồi đây, những bài thơ hài hước của ông sẽ vẫn được cánh lính biển, và hẳn nhiều người hơn nữa, nhớ đến... Hơn thế, ở ông, đáng nể là sự am tường về thi ca nói chung, mực thước nhưng không nệ cổ, chấp nhận sự cách tân và phát triển của thi ca hiện đại...

Trong tập sách Trường Sa, mới xuất bản của nhà thơ Trần Đăng Khoa, cùng với nội dung chính là những bài thơ anh viết về biển đảo, tiểu thuyết Đảo Chìm, có trích đăng một số câu chuyện ngoài lề liên quan đến chủ đề này và nhiều ý kiến khác nữa về tiểu thuyết Đảo Chìm, Trần Đăng Khoa nhắc đôi chút câu chuyện về cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí, cùng các cựu lính thủy Nguyễn Văn Tròn, Lê Văn Khánh và những đồng đội khác.

Vậy, với người thơ Trần Trọng Trí, thiết tưởng, như thế là hạnh phúc ít nhiều ... Mỗi khi nhớ về ông và Nguyễn Văn Tròn, là nhớ về quá khứ chưa xa, pha chút tiếc nuối của sự thiếu vẹn tròn...


Trong một bài thơ, Trần Trọng Trí đã viết: “ Ta gối đầu lắng sóng/ Chờ đợi vầng trăng lên “... Giờ, thì hẳn, ông và Tròn Lùn, ở miền xa thắm ấy, họ thanh thản gối đầu lắng sóng, chờ đợi vầng trăng lên !...

2015

Nhận xét