Nhàn tản Trương Hữu Lợi
1. Độ khoảng mươi năm trước khi về nghỉ hưu, Trương Hữu Lợi hay được anh em đồng nghiệp ở Đài TNVN nhắc đến nhiều. Song không phải vì công việc chuyên môn, cũng không phải vì chuyện văn chương, lại càng không phải do anh gây ra một xi-cang-đan nào, mà bởi về sự nhàn tản. Hễ cánh viết nhà đài chúng tôi ngồi với nhau, khi tách cà phê nóng buổi sáng, chén hoặc ly bia buổi chiều, loanh quanh thế nào rồi cũng nhắc đến Trương Hữu Lợi, cùng cái sự nhàn tản ở anh.
Khi về công tác ở Đài TNVN, tôi mới biết đến Trương Hữu Lợi. Ở thời điểm đó, tôi hay viết truyện cho thiếu nhi nên thi thoảng đáo qua gửi bài nơi phòng Văn học thiếu nhi (thuộc Ban Văn học nghệ thuật) tại tầng 2 ngôi biệt thự cổ trong trụ sở 58 Quán Sứ cũ. Khi ấy, Trương Hữu Lợi là Phó phòng biên tập và nhà thơ Lê Đình Cánh là Trưởng phòng.
Với nhà thơ Lê Đình Cánh, thì tôi đã biết đến tên tuổi anh thông qua bài thơ Mẹ ra Hà Nội được trao giải cao cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ, cùng với đó là những bài thơ lục bát nhuần nhuyễn, hóm hỉnh. Ấn tượng của tôi lần đầu gặp, Lê Đình Cánh vồn vã và khéo, còn Trương Hữu Lợi thủ thỉ, thân thiện. Và không lâu sau lần gặp đầu tiên, tôi và Trương Hữu Lợi thành thân nhau. Anh sinh năm 1946, tuổi Bính Tuất (lý lịch ghi sinh năm 1948), hơn tôi những 11 tuổi, nên tình bạn giữa anh và tôi kiểu tình bạn vong niên. Trong sinh hoạt hàng ngày, giữa đông người hay chỉ riêng hai anh em với nhau, anh đều goi tên và xưng mình với tôi.
Cùng làm việc trong ngôi nhà chung 58 Quán Sứ, nhưng lĩnh vực công việc của chúng tôi khác nhau xa. Trương Hữu Lợi làm biên tập mảng văn học nghệ thuật, sáng tác là nghề chính của anh, trong khi đó, tôi làm ở Ban Thính giả, hằng ngày phải tiếp dân, nhận và xử lý đơn thư của thính giả, rồi soạn thảo văn bản gửi các bộ ngành, cơ quan hữu quan, trả lời lại cho thính giả, một công việc tỷ mẩn, dễ nảy sinh bực dọc, và chẳng dính gì đến văn chương cả. Song bù lại, tôi có điều kiện tiếp nhận, thấu hiểu thêm đời sống thực tế xã hội của mọi tầng lớp người dân lúc bấy giờ, thời kỳ manh nha chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế quản lý mới, mà khởi đầu là Chỉ thị 100 về khoán sản lượng trong nông nghiệp. Và chính vì thế, tôi đã viết được nhiều truyện ngắn lấy chất liệu từ đời sống xã hội đăng các báo Văn nghệ, Người Hà Nội, Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh v.v...
Tôi và Trương Hữu Lợi hay ăn trưa cùng nhau nơi quán cơm bình dân trên phố Quán Sứ, hoặc Tràng Thi. Thi thoảng có thêm nhà thơ Lâm Huy Nhuận (biên tập viên Phòng Văn học, cùng Ban biên tập Văn học nghệ thuật với Trương Hữu Lợi), thì gọi thêm đôi ba chén rượu. Hễ hôm nào hơi quá chén là Lâm Huy Nhuận cũng cao hứng đọc thơ, đi vài động tác võ cổ truyền Bình Định quê anh, và quá thêm chút nữa thì quậy tưng bừng...
(Chu Nhạc - Trúc Thông - Lê Tuyết Mai - Trưởng phòng Văn học VOV2- Trương Hữu Lợi ) |
Những lúc đi riêng với nhau như thế, Trương Hữu Lợi hay thủ thỉ chuyện nghề báo ở Đài, rồi cả chuyện tình cảm lâm ly bi đát của anh... đặc biệt là câu chuyện của anh với một nữ họa sĩ hơn anh mấy tuổi. Sau này, chuyện tình cảm của họ đã qua đi, song họ vẫn coi trọng nhau, và đã có lần, tôi theo Trương Hữu Lợi đến thăm nhà người nữ họa sĩ ấy. Sau đó, tôi còn gặp nữ họa sĩ đó vài ba lần, không thấy chị nói gì đến chuyện ấy, song chị luôn giữ vẻ trìu mến mỗi khi nhắc đến tên anh. Câu chuyện giữa họ, tôi chỉ được nghe kể từ một phía. Đã có lần, tôi chơi nhà anh, Trương Hữu Lợi chỉ tay lên mấy bức họa trên tường mà khoe rằng, đấy quà tặng của chị cho anh. Hiện tôi vẫn nhớ mang máng hình ảnh mấy bức họa có bút tích của chị trong bộ tranh “Những tâm trạng...” ấy. Chẳng hiểu, giờ còn được treo ở nhà anh nữa không ?...
Trương Hữu Lợi có lối sống giản dị, cách ăn mặc sạch sẽ song xuềnh xoàng. Nhìn dáng vể bên ngoài, thật khó ai biết được, anh là người có mấy thứ hết sức đặc biệt, mà không mấy ai có được.
Ấy là, khi còn học phổ thông tại quê nhà, Trường Cấp 2 Bắc Lý (nay là Trường THCS Bắc Lý), Lý Nhân, Hà Nam, anh là học sinh xuất sắc, từng được đại diện cho lứa học sinh đội viên thiếu niên tiền phong lên Hà Nội báo cáo thành tích với Bác Hồ.
Ấy là, anh đã từng học Đại học Lốt-di (Lodzi) Ba Lan, chuyên ngành văn học, và là một người nhẩy đầm (khiêu vũ) khá giỏi, năm 1972 tốt nghiệp về nước, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và ở liền một mạch cho đến khi nghỉ hưu.
Ấy là, anh từng làm phóng viên chuyên mảng Nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam, nổi tiếng một thời với tư cách là tác giả của loạt phóng sự điều tra về “khoán chui" trong nông nghiệp miền Bắc thời bao cấp, góp phần vào việc Đảng và nhà nước ta điều chỉnh chính sách, ra đời Chỉ thị 100 và Nghị quyết trung ương 10 về thực hiện khoan hộ, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, khởi đầu thời kỳ đổi mới.
Ấy là, anh từng được đồng chí Trường Chinh, khi ấy đương chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, gọi lên gặp, hỏi chuyện hàng giờ đồng hồ, cho phép nói thật lòng suy nghĩ của mình về nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở ta (mà bây giờ ta quen gọi là “tam nông”) ...
Quả là, mới chỉ liệt kê ngần ấy thôi, đã thấy Trương Hữu Lợi ẩn chứa nhiều điều thú vị trong vẻ ngoài hết sức bình dị ở anh... Nhưng thôi, tôi chỉ kể những điều về Trương Hữu Lợi trong lĩnh vực nghề nghiệp làm báo, sáng tác văn thơ và mối quan hệ với đồng nghiệp, anh em, mà tôi biết hoặc chính anh nói cho nghe...
( Trương Hữu Lợi - Lê Đình Cánh - Ng. Thị Đạo Tĩnh - Chu Nhac )
2. Trước hết, là con người làm báo Trương Hữu Lợi. Mà nói đến anh với tư cách nhà báo, là gắn chặt với Đài Tiếng nói Việt Nam. Không rõ này đầu trở thành người nhà Đài (VOV), anh đã làm việc ở mảng nào, song mọi người ở Đài và giới làm báo ở ta biết đến tên tuổi anh, là khi anh trở thành phóng viên chuyên mảng nông nghiệp, nhất là từ anh viết loạt phóng sự điều tra về “ khoán chui “ trong nông nghiệp. Nói đến “ khoán chui “ (thực chất là khoán hộ), thường người ta chỉ biết đến việc ông Kim Ngọc, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú thí điểm thực hiện từ năm 1968, chứ ít người biết, việc này sau đó còn được nhiều địa phương khác bí mật làm theo như Vĩnh Bảo, Hải Phòng và một số xã, huyện thuộc Hà Nam Ninh cũ. Ở vào thời điểm ấy, trước luồng ý kiến chủ đạo là việc khoán hộ là phá vỡ HTX nông nghiệp, phá vỡ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta về quản lý tập trung ruộng đất dưới hình thức tập thể là HTX và nông trường quốc doanh, nhiều báo chí đã vào cuộc.
Năm 1981, khi ấy, Trương Hữu Lợi là phóng viên chuyên mảng nông nghiệp, được Đài phân công về huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh ( cũ ) tìm hiểu, viết phóng sự điều tra. Sau loạt bài đó, anh được đồng nghiệp nể trọng. Thêm nữa, sau khi anh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh gọi lên hỏi chuyện, Trương Hữu Lợi được xem là phóng viên nông nghiệp giỏi. Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, (thường gọi tắt là khoán 100); rồi tiếp theo là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành năm 1988 ( khoán 10 ), thực chất là sự thừa nhận và nâng cấp của khoán hộ trước đây, Trương Hữu Lợi thực sự khẳng định vị trí vững chắc của mình với tư cách phóng viên chuyên nông nghiệp. Về đường hướng phát triển, khi ấy, anh là Bí thư Đoàn thanh niên của Ban Đối nội, một đơn vị chủ lực của Đài Tiếng nói Viêt Nam. Những tưởng vào bệ phóng như thế, anh sẽ phát triển nhanh chóng. Không ngờ, Trương Hữu Lợi lại rẽ ngang, chuyển sang làm biên tập viên mảng Văn học nghệ thuật. Sao vậy?
Vâng, tại sao Trương Hữu Lợi lại đột ngột rẽ ngang từ một phóng viên nông nghiệp nổi tiếng sang làm biên tập viên Văn nghệ, vốn không phải là sở trường của anh? Việc này diễn ra trước khi tôi bước chân về Đài Tiếng nói Việt Nam nên tôi không biết. Sau này, khi thân nhau, lúc trà dư tửu hậu, Trương Hữu Lợi rỉ rả kể, tuy đứt khúc, nhưng xâu chuỗi lại, tôi cũng hiểu được nguyên nhân sự việc, và qua đó hiểu thêm về anh, biết được đôi chút chuyện hậu trường nhà đài...
Số là, từng xảy ra mâu thuẫn trong công việc giữa Trương Hữu Lợi và một người đồng nghiệp cấp trên trực tiếp. Lời qua tiếng lại có, hiểu lầm có, mâu thuẫn ngày càng lớn hơn. Và một lần, giữa phòng làm việc, bất bình, nóng giận vì cảm thấy bị xúc phạm, anh đã vác cả chiếc ghế ngồi lao thẳng vào người đồng nghiệp cấp trên kia. May mà mấy đồng nghiệp khác xúm vào can ngăn, chứ không biết hậu quả sẽ khôn lường... Rồi sau đó, qua nhiều lần họp hành kiểm điểm nội bộ, Trương Hữu Lợi không phải là người có lỗi. Song le, bát nước hắt đi thì chẳng thể bù lại cho đầy, người đồng nghiệp cấp trên kia chuyển công tác qua vài cơ quan khác, tiếp tục giữ chức vụ cao hơn nữa. Còn Trương Hữu Lợi như quả bóng xi hơi, anh mất dần tính cách của một phóng viên nông nghiệp xông xáo, đầy chất phản biện. Từ chỗ, chỉ cộng tác với mảng văn học thiếu nhi làm vui vì lòng yêu trẻ, anh chuyển hẳn sang vị trí biên tập viên của Ban Văn nghệ Đài. Đây là bước chuyển quan trọng để biến một Trương Hữu Lợi nhà báo thành một Trương Hữu Lợi nhà thơ.
Trương Hữu Lợi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi tuổi cũng đã nhiều. Kể từ tập sách văn học thiếu nhi đầu tay “ Mèo mắt xanh “ xuất bản 1986, đến tập sách cuối là “Ngôi sao nhỏ đi tìm ánh sáng “ xuất bản năm 2013, Trương Hữu Lợi có 8 đầu sách. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ở mảng văn học thiếu nhi, với 4 tập sách. Không chỉ có vậy, hễ nói đến mảng văn học thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam thì không thể không nhắc tên Trương Hữu Lợi. Anh khá giỏi trong việc dàn dựng chương trình văn học thiếu nhi, và đặc biệt có duyên khi tự dẫn chương trình hay trực tiếp kể chuyện cho các em. Khi nhà đài đổi mới khung chương trình, chuyên mục “Kể chuyện cổ tích & Hát ru cho bé “ là con đẻ của Trương Hữu Lợi.
Chuyên tâm với mảng văn học thiếu nhi, song Trương Hữu Lợi luôn tự biết xoa dịu, thỏa mãn nỗi khát khao, nỗi niềm tâm sự của mình. Anh xuất bản 3 tập thơ, “ Hoa lạnh “ ( 1990 ), “ Cõi hoang “ ( 1994 ) và “ Nhịp ngựa hoang “ ( 2009 ). Hơn thế, khi nghỉ hưu, Trương Hữu Lợi còn kịp cho ra đời tiểu thuyết “ Suối quên “ ( 2009 ).
Tiểu thuyết “ Suối quên “ là tiểu thuyết duy nhất của Trương Hữu Lợi, và ngay lần thử sức đầu tiên này, anh đã đẩy gần như toàn bộ hiện thực cuộc sống xã hội vào cõi ảo. Trong cõi ảo, anh mặc sức quấy đảo câu chuyện, tha hồ khắc họa tính cách nhân vật và đẩy các tình tiết lên đỉnh điểm, bất chấp phi lý, mà không sợ ai đó boăn khoăn, căn vặn thực hư ra sao. Ấy là cái mới, những cũng là điểm yếu của anh ở tiểu thuyết này.
Cùng sự thành công ở mảng văn học thiếu nhi, theo tôi, thơ Trương Hữu Lợi khá ấn tượng. Bản thân anh là người duy tình, sau này sống lặng lẽ, khiêm nhường, nên thơ anh nhìn chúng là âm tính, và khá nhất quán trong cách thể hiện. Khó tìm thấy trong thơ anh những câu thơ ồn ào, sống động, hay nhịp điệu gấp gáp, hào sảng. Trái lại, câu thơ lặng lẽ, ẩn ý, ẩn dụ, ngôn ngữ chắt lọc, kỹ càng, nhất là khi anh viết về bản năng, bản thể. Sự trăn trở trong anh cũng luôn có vỏ bọc. Hình như anh ngại nói trắng ra sự thật. Nhưng đọc chậm, đọc kỹ, lại thấy được sự khát khao nơi anh âm thầm trỗi dậy, sự hóm hỉnh, tinh nghịch cứ ẩn hiện, thấp thoảng đâu đó, khiến ta phải cười tủm...
Thơ Trương Hữu Lợi không phải là loại thơ đọc trên diễn đàn, nơi đông người hội họp, mà là thơ đọc thủ thỉ khi đàm đạo dăm ba người, hay riêng hai người với nhau...
3. Về nhà thơ Trương Hữu Lợi, cách chơi với đồng nghiệp, bạn bè văn chương với nhau, rất đáng nể. Thời anh còn trẻ, là phóng viên đầy nhiệt huyết và năng nổ thì tôi không được rõ, nên không lạm bàn. Khi tôi về đầu quân nhà Đài vào năm 1987, và gần như ngay sau đó, tôi làm quen và thân với Trương Hữu Lợi, anh đã thể hiện là một con người bình dị, khiêm nhường rồi. Kể từ đó cho đến lúc ra đi mãi mãi, trong cái nhìn của tôi, Trương Hữu Lợi là một người tử tế.
Vâng, chỉ hai từ “ tử tế “ thôi, thiển nghĩ, không dễ chút nào. Trong công việc, với tư cách là biên tập viên, trong quản lý, tư cách một trưởng phòng, anh luôn mẫn cán, chu đáo, cẩn trọng và nhường nhịn. Trong quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè, anh em với nhau, anh hiền lành, cảm thông, chia sẻ và hễ giúp ai được cái gì, kể cả tiền bạc, anh đều sẵn lòng, không hề tính toán thiệt hơn. Đều này, ngần ấy năm, lại gần nhau hàng ngày, tôi thấy, và hẳn nhiều người biết. Nhiều năm làm việc ở Ban Văn nghệ ( sau là Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam ), nơi nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, và phần đông giàu cá tính, như : Hoàng Ngọc Anh, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Nhật Lam, Trần Phương Trà, Trúc Thông, Trần Mạnh Thường, Lê Đình Cánh, Tuấn Vinh, Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Trần Chung, Vũ Thanh, Hồ Bắc, Thuận Yến, Thế Song, Văn Dung, Lê Việt Hòa, Vũ Kim Dung, v.v... Trương Hữu Lợi vẫn luôn giữ được sự nể trọng của mọi người. Việc này, quả không dễ. Dưới quyền quản lý của anh, các phóng viên, biên tập viên trẻ mảng văn học nghệ thuật của VOV trưởng thành nhanh chóng, bởi anh rất tận tâm, tận tình trong việc hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, khơi gợi cho họ phát huy sự sáng tạo cá nhân, hơn là áp đặt, ấy là, anh quản lý nhân viên theo kiều “ đức trị “.
Trước đây, tôi và Trương Hữu Lợi phiên chế ở hai ban khác nhau, Đầu năm 2008, hai đơn vị này nhập làm một, ấy là VOV2 ( Hệ phát thanh Văn hóa-Đời sống- Khoa giáo ), khi ấy, tôi đang là Phó Trưởng ban Ban biên tập Văn hóa xã hội, được điều đi làm Giám đốc Cơ quan thường trú VOV khu vực miền Trung. Nhiều lần, hai anh em ngồi với nhau, Trương Hữu Lợi cười hiền, chép miệng bảo: “ Tiếc nhỉ, mình không được làm quân của Nhạc ngày nào cả ...”. Thực ra, vì quý mến tôi mà nên vậy thôi. Khi tôi kết thúc nhiệm kỳ luân chuyển, quay về Hà Nội thì anh đã nghỉ hưu rồi. Vậy là hai chúng tôi không được làm việc chung với nhau dù chỉ một ngày...
Sao mọi người lại nhìn nhận anh sống nhàn tản. Công việc nhà đài thì lúc nào cũng bận, cứ chương trình nối tiếp chương trình, hết ngày này tháng khác, năm lại năm. Nhàn là sao đây? Trương Hữu Lợi nhàn là ở cái tâm. Người xưa dạy “ Tri túc tâm thường lạc “ ( nghĩa là, biết đủ thì lòng an vui ), thì anh là người như vậy. Công việc luôn tận tâm, quyền lợi lại chẳng so đo, ganh tị với ai, nên không yên vui sao được. Thời gian rảnh rỗi, anh sáng tác và ngao du đây đó, mạn đàm văn chương với bạn bè. Trương Hữu Lợi có mấy sở thích, ấy là thuốc lá và trà thơm; không uống được rượu, vài ly nhỏ thì mặt đỏ nhừ, say cả chấy, nhưng bạn mời thì không chối từ, nâng lên đặt xuống làm vui, lấy cao hứng mà mạn đàm thôi. Ấy là viếng cảnh chùa chiền, đền miếu gần xa. Và, ấy là yêu...
Để ý nhiều năm, như thành chu kỳ vài ba năm một, Trương Hữu Lợi, đổi chu kỳ hết yêu lại muốn đi tu, rồi đó lại yêu. Lạ thế đấy. Tình yêu ở nơi anh, đồng nghĩa với cảm hứng sáng tác. Tôi hiểu vậy, song hay đùa anh, vờ chất vấn về cái sự này, anh chỉ cười hiền hiền, tội tội, như người có lỗi vậy. Anh không biết đi xe máy, cứ ngày ngày chiếc xe đạp ngoại cũ kỹ cà tàng. Thi thoảng, kết thúc giờ làm, anh khoe đi café hay đi ăn với bạn gái, rồi túi khoác lên vai, xuống gốc cây hè đường cổng cơ quan đợi bạn gái đi xe máy đến đón, và ngồi sau xe máy phụ nữ ngon ơ.
Trương Hữu Lợi có một giai đoạn ngắn sống khá vui vẻ thoải mái, ấy là sau khi nghỉ hưu, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh sống với con trai là kiến trúc sư công tác tại một đơn vị quân đội. Ở đấy, anh làm quen với Việt An, người bạn thân thuở học trò của tôi, rồi hai người lại làm quen với Trần Hồng Giang, một bloger của Blog Tiếng Việt khi đó cũng đang sống với người chị ở đấy. Bộ ba thường xuyên giao du, chuyện trò, văn chương, thơ phú, chữ nghĩa với nhau. Họ quý mến nhau, tôn trọng nhau lắm. Ở ngoài Hà Nội, tôi vui và thèm lây bầu không khí ấm áp đầy ắp tình người ấy của họ.
Một thời gian, Trần Hồng Giang ra lại quê ngoài Bắc, Nghĩa Hưng, Nam Định. Còn Trương Hữu Lợi thì phát hiện K phổi, ra Hà Nội khám chữa bệnh. Thế là bộ ba mỗi người một nơi. Tuy vẫn liên lạc với nhau qua mạng xã hội, qua điện thoại nhưng chẳng thể như trước nữa.
Trương Hữu Lợi nghiện thuốc là nặng. Khi biết mình K phổi, anh giảm hút nhưng không bỏ. Nhiều người khuyên anh nên bỏ, anh bảo: “ Mình K phổi có lẽ hậu quả của mấy chục năm nghiện thuốc lá. Giờ bỏ thuốc, cũng đâu có khỏi được bệnh. Thôi thì cứ thi thoảng làm vui, gọi là giải tỏa tâm trạng nặng nề, thêm can đảm mà chống chọi bệnh tật. Âu có ích hơn là bỏ. Chừng nào không hút được nữa thì thôi. Mới lại, chữa bệnh chứ đâu chữa được mệnh ...”.
Có một thời gian, anh khỏe hẳn lên. Đợt ấy, tôi rủ anh đi Hà Giang, cùng đi có nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền. Chúng tôi tổ chức tọa đàm nghề nghiệp cùng với Hội Nhà báo và Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hà Giang. Tại buổi tọa đàm ấy, Trương Hữu Lợi đăng đàn hơn giờ đồng hồ về chuyện anh viết loạt phóng sự điều tra về “ khoán chui “ thế nào. Chuyến đi ấy, chúng tôi băng qua vùng núi đất phía tây Hà Giang, qua các huyện Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần...Sáng chơi chợ Cốc-pài thị trấn Xín Mần, Trương Hữu Lợi vui lắm, anh nhăm nhăm tìm mua một chiếc áo cánh chẽn dân tộc Mông làm kỷ niệm.
Sau này, khi bệnh nặng thêm, đầu rụng hết tóc, phải đội tóc giả, thi thoảng anh vẫn ghé qua trụ sở 58 Quán Sứ, ngồi hàng giờ với tôi chuyện nghề, chuyện đời, chuyện văn chương, vui vẻ ăn hết suất cơm ở căng-tin cơ quan, chuyện trò với nhiều đồng nghiệp cũ...
Vâng, quả là trời đền bù cho Trương Hữu Lợi ít nhiều, mùa thu năm 2013, Nhà xuất bản Kim Đồng lựa chọn xuất bản tập truyện cổ tích và đồng thoại “ Ngôi sao nhỏ đi tìm ánh sáng “; Thi đàn Việt Nam tổ chức giới thiệu và giao lưu thơ Trương Hữu Lợi; và chuyên mục “ Thơ & cuộc sống “ của VOV2 tọa đàm chủ đề “ Trương Hữu Lợi và Khúc ru mình “.
Khoảng một năm trước khi mất, anh hầu như chỉ chống chọi với bệnh tật, ít viết. Không thấy anh công bố tác phẩm nào mới, lâu lâu vẫn đăng đây đó những bài thơ cũ mà anh tâm đắc.
Tập thơ “ Nhịp ngựa hoang “ ( NXB Hội nhà vănm 2008 ), xem như thơ tuyển chọn Trương Hữu Lợi, thay cho đề từ, anh viết “ Hoa lạnh,Cõi hoang, Vuông cỏ rối/ Đáy Suối quên chới với trăng buồn/ Canh dài vần vụ mưa tuôn/ Cây gày bóng nghe bên cồn chơ vơ...”. Tôi nghĩ, anh muốn tổng kết sự nghiệp văn chương của mình trong mấy câu thơ ấy...
Trương Hữu Lợi cả đời gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếc là anh ra đi không lâu trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đài. Hẳn ở nơi xa xôi ấy, Trương Hữu Lợi đâu biết, trong không gian trưng bày truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đài TNVN tại trụ sở 58 Quán Sứ, trong số muôn vàn kỷ vật, có trưng bày bản thảo vài trang loạt phóng sự anh viết về khoán chui, và bài báo kể chuyện cuộc gặp gỡ, chuyện trò với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh về tam nông...
Giờ đây, anh chẳng còn phải bận lòng nhàn hay không nữa, khi đã là người của muôn năm cũ. Nhưng, với tất cả những gì Trương Hữu Lợi để lại, hẳn đồng nghiệp và bạn bè sẽ luôn nhớ về anh !...
Nhận xét
Đăng nhận xét