Nhớ mùa cá linh,



Nhớ mùa cá linh


Hôm nay, tôi về quê, về thăm khu vườn cổ tích của tuổi thơ tôi. Đám giỗ ông ngoại tôi. Họ hàng, con cháu bên ngoại về đông, vừa chục mâm cỗ. Ông ngoại tôi, mất từ hồi tôi còn chưa được sinh ra, nên chỉ biết qua tấm ảnh thờ. Bà ngoại tôi thọ đến gần chín chục, nhưng mất cũng mấy chục năm rồi. Suốt thời nhỏ đi học, đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom, rồi sau này học đại học, tôi thường xuyên về quê ngoại. Hè năm 1981, sau khi tốt nghiêp đại học,  tôi đi miền Nam nhận công tác tại An Giang, đến chào bà ngoại, bà còn căn dặn tôi đủ thứ... Rồi vài năm sau, năm nào tôi cũng nghỉ phép ra Bắc, lại kẽo kẹt đèo mẹ tôi trên chiếc xe đạp cọc cách sang quê ngoại thăm bà và các cậu dì. Tôi nhớ, khi ấy bà đã yếu nhiều, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Bà hỏi chuyện miền Nam, tôi say sưa kể bà nghe, về mùa khô nóng cháy, về mùa sa mưa nước nổi nơi tứ giác Long Xuyên-Hà Tiên, kể về xứ sở “ muỗi kêu như sáo thổi, đỉa nổi như bánh canh “, về  miệt viễn biên Thất Sơn với những câu chuyện ly kỳ , về canh chua cá rô bông súng, về mùa cá linh sông Hậu với những món ăn dân dã lạ miệng ... Đi dạo trong vườn cổ tích của bà ngoại, lại thấy nhớ mùa cá linh miệt vườn sông nước Nam bộ...
Chả là, hơn nửa tháng trước, tôi trở lại miệt vườn. Khách sạn nằm kế bên bến Ninh Kiều ( Cần Thơ ), ngày đêm phành phạch tiếng máy tàu đò qua lại, xa xa là cây cầu Cần Thơ mảnh như sợi dây giăng ngang chao trên sông nước mênh mang. Mấy ngày ở  Cần Thơ trời nắng nóng, nhưng  mùa sa mưa đã đến. Buổi đi chơi sang cù lao giữa sông Hậu, đang bữa ăn sang trọng nhà hàng, chợt ai đó nhắc đến mắm cá linh, thế là mọi người nhao nhao nói về món ăn cá linh. Nào canh chua cá linh nấu bông điên điển, nào cá linh hấp rau kim thất, cá linh kho khô sả ớt, cá linh kho mía nục, cá linh nướng, cá linh tẩm bội chiên giòn, lẩu cá linh ...Thôi thì đủ món. Nói ra, đang bữa ăn mà ai nấy còn phát thèm. Lại một ai đó bảo, cá linh bây giờ hiếm lắm, thành đặc sản rồi. Đến mùa cá linh, cỡ tháng bảy âm lịch, chỉ còn miệt An Giang, Đồng Tháp may còn, nhưng cũng thưa thớt lắm. Muốn ăn cá linh, phải đi nhà hàng, mắc thấy mồ, chứ đâu có rẻ rề, ê hề ngoài chợ như ngày xưa nữa...
Ngày xưa. Cái ngày xưa ấy đâu có xa xôi gì, mới chỉ ngót ba chục năm qua thôi. Ngày ấy, tôi ở thị trấn Tri Tôn. Huyện Tri Tôn được tách ra từ huyện Bảy Núi thành hai ( Tri Tôn, Tịnh Biên ). Đây là vùng núi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Những năm chiến tranh chống Mỹ Ngụy và chiến tranh biên giới Tây Nam 1979, vùng đất này là chiến trường ác liệt, bị tàn phá ghê gớm. Khi tôi đeo ba lô vào nhận công tác ở đây, chiến tranh mới đi qua có vài năm. Các cơ quan cấp huyện, cơ sở tạm bợ, ăn nhờ ở đậu. Dấu tích của chiến tranh vẫn hiện diện với những hàng rào thép gai, với súng ống đạn dược còn nhan nhản đây đó, đặc biệt, mấy nghìn bộ cốt của người dân Ba Chúc bị quân Pôn-pốt giết hại vẫn quàn nổi trong một tòa tháp ngay tại xã Ba Chúc...
Ấy là mùa nước nổi, mùa lũ đầu tiên tôi biết. Bao bọc bốn phía thị trấn Tri Tôn bé nhỏ xơ xác là đồng ruộng ngút mắt. Làng mạc xa xa, nhô lên trên cánh đồng nước nổi là những tán dừa, tán lá thốt nốt, thi thoảng là chóp nhọn tháp chùa Khmer. Những con đường liên xã, liên huyện như những sợi dây thừng mảnh giăng mấp mí mặt nước. Khi ấy, cả đồng bằng mênh mông là xứ sở của cỏ dại, năn nác, bàng, của tôm cua ốc ếch, của trăn rắn, lượn trạch. Con kinh Tám Ngàn rạch đôi thị trấn Tri Tôn, một đầu nối với con kinh chạy về phía Kiên Lương, Hà Tiên, còn một đầu thông vào kinh rạch Thoại Sơn. Mùa nước, đi đâu, cũng cứ tàu đò, ghe thuyền, bo bo, tắc ráng mà chạy là tiện nhất. Tôi quen dần với thổ ngơi, và món ăn miền Tây Nam bộ. Những canh chua cá rô bông súng, những khô cá, dưa bông điển điển, đũa mắm, những cá tra, cá ba sa, chán kho lại canh. Và cá linh. Cá linh, với người dân nơi đây, vừa là món bình dân, rẻ  và ngon vì chế được nhiều món, vừa là thứ thực phẩm quý vì có mùa. Hằng năm, cứ tầm tháng tư âm lịch là mùa sa mưa bắt đầu, đến độ tháng 6 âm lịch là có cá linh non, nhưng rộ nhất là tầm tháng 7, tháng 8 âm. Khi ấy, lũ miền Tây sắp đạt đỉnh, cá linh do ngư dân đánh bắt trên sông Hậu, hay những kinh rạch nhận nước từ sông Hậu. Cơ man cá linh. Chợ nào, trên bộ hoặc dưới sông, cũng đều bán cá linh. Nhà nhà ăn cá linh, thường xuyên cả tháng trời. Nghe nói, giống cá này, vốn sinh trưởng ở vùng Biển Hồ của Cam-pu-chia, từ cá bột, đi thành từng đàn lớn, cứ theo nước mà xuôi, vừa xuôi vừa lớn dần, khi đến sông Cửu Long của ta thì thau tháu rồi...



Thị trấn nơi tôi ở, phổ biến nhất là món cá linh hấp rau kim thất, cá linh kho khô sả ớt. Lâu lâu, mới ăn món cá linh tẩm bột chiên giòn, và lẩu cá linh. Đây là hai món ưa thích với cánh nhậu nhẹt, bởi độ khoái khẩu của nó. Để tiếp khách, hay bạn nhậu, chủ nhà chỉ cần mua mớ cá linh, rẻ rề, làm hai món ấy, thêm vài ba món rau dưa gia giảm, dăm xị đế, là thỏa mái tang bồng... Ngà ngà hơi men, ấy là lúc cánh dân địa phương ôm ghi ta lõm, bập bùng ca sáu câu vọng cổ. Tôi là người yêu chèo và dân ca quan họ, không thích cải lương, vọng cổ, song trong bầu không khí như vậy, lòng cũng rưng rưng một nỗi buồn xa xứ, xa quê, xa khu vườn cổ tích của bà ngoại, xa người bạn gái cũng đang được điều đi dạy học ở một vùng chiêm trũng cách Hà Nội hàng trăm cây số...

2014

Nhận xét