Phạm Hổ, người thắp lửa.

Phạm Hổ, người thắp lửa ...



          Tôi định viết về ông nhưng rồi lần lữa mãi. Viết về ông không khó, song cũng chẳng dễ chút nào. Về con người, tôi chỉ vào hàng con ông, bản thân không phải là người quảng giao, ít đi lại với giới văn chương, phần vì bản tính vậy, phần vì ngại, nên không có điều kiện tiếp cận ông. Về sự nghiệp, ông đã thành danh với những tác phẩm thơ văn dành cho thiếu nhi. Tôi biết ông có rất nhiều bài thơ hay và độc đáo cho trẻ em, song thú thực, cho đến giờ tôi thuộc duy nhất một bài, ấy là bài thơ Xe cứu hỏa. Đơn giản bởi bài thơ đó được đưa vào sách giáo khoa cấp 1 từ thời tôi đi học.

          Hè năm 2007, nhà thơ Phạm Hổ mất, báo chí đăng nhiều bài viết về ông. Tôi có đọc bài này bài kia, tuy không hết song cũng biết thêm khá nhiều về ông. Nhưng đấy là bài viết của thiên hạ, họ nhìn nhận ông với cách nhìn và tình cảm của họ. Tình cờ, tôi có gặp và trò chuyện đôi chút với con gái của ông, nhà văn Phạm Sông Hồng khi chị thay mặt gia đình đến Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam cảm ơn sau lễ tang ông. Đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp Phạm Sông Hồng.

          Từ thuở học trò, tôi biết đến Phạm Hổ với tư cách là một nhà thơ viết cho thiếu nhi. Càng về sau, tôi thấy thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ khá tài hoa, độc đáo và không kém phần ngộ nghĩnh. Có người đã ví ông với ông Marshak ( Samuil Jakovlevitsh Marshak, 1887-1964, Nhà thơ và nhà văn Nga, nổi tiếng thế giới , viết cho thiếu nhi rất hay, và là một trong những người sáng lập nền văn học thiếu nhi ở Liên Xô trước đây ), và còn gán cho Phạm Hổ biệt danh là Marshak Việt Nam  Rồi tôi còn biết, ông có tới những ba ái nữ, tên gọi cũng rất chi là đặc sắc, hai ả tố nga đầu là Sông Hồng và Sông Đông, và nghe đâu cả hai đều tài hoa giỏi giang. Sông Hồng thì thành danh với dịch thuật và một số truyện ngăn ngắn. Ở vào cái thời truyện ngắn đang nổi đình đám trên văn đàn , nhiều cây bút truyện ngắn tài năng lộ diện, nhiều truyện ngắn có tầm vóc như truyện vừa, mà Phạm Sông Hồng lại chuyên trình làng những truyện ngắn mi-ni thì xem ra cũng là độc đáo. Người con thứ hai của ông, Sông Đông học cùng khóa Tổng hợp Văn với mấy người bạn của tôi ( đó là Ts. Nguyễn Hữu Sơn và Ts.Trịnh Bá Đĩnh nay ở Viện văn học Việt Nam ), và sở dĩ tôi biết vậy là vì trong các câu chuyện ngày ấy của mấy chàng sinh viên này thấy có bóng dáng của cô nàng.



          Khi bước chân vào nghề làm báo, rồi bản thân cũng viết lách này nọ, tôi có để ý hơn đến giới văn chương nghệ sĩ. Tôi có nghe một giai thoại liên quan tới Phạm Hổ. Rằng ông là một người rất hiền lành, nhưng khá giỏi võ thuật, mà là võ Bình Định kia. Chuyện là, có một chàng làm thơ nào đấy, muốn tiếp cận ông, nhờ ông giới thiệu hay bỏ phiếu chi đó nhằm vào Hội nhà văn. Thấy chàng ta chưa thật xứng đáng, ông kiên quyết chối từ. Chằng hiểu lời qua tiếng lại thế nào, chàng kia nổi khùng xông vào ông định động thủ. Ông không buồn đánh lại, chỉ né tránh và một động tác võ thuật nhẹ nhàng đã quật chàng ta ngã nhào, khiến anh chàng xanh mắt mà thôi luôn. Chuyện thật hư thế nào thì tôi không rõ, nhưng nghe  rồi thấy nó khá bi hài với anh chàng kia mà lại tôn vinh được Phạm Hổ. Và chuyện đó được mọi người kể mãi cho nhau nghe. 

          Và rồi, có một chuyện khiến tôi ấn tượng mạnh về Phạm Hổ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào mùa hạ năm 1995, tôi tham dự Trại sáng tác văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam mở tại Hà Nội. Lúc bấy giờ, tôi chủ yếu viết truyện ngắn cho người lớn, tuy nhiên cũng có dăm ba cái truyện thiếu nhi gửi phát trên chương trình Văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam mà nhà thơ Lê Đình Cánh làm trưởng phòng. Khi ấy, hình như anh Lê Đình Cánh còn là ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn thì phải. Anh động viên tôi và Phạm Thành, người làm cùng cơ quan, vốn đã được biết với truyện dài Hậu Chí Phèo, đăng ký tham dự. Tôi ngại lắm, song trước sự thuyết phục khó thể chối từ của anh Lê Đình Cánh, tôi đồng ý tham dự và có gửi đến Trại sáng tác hai truyện ngắn là  "Con chó Mực của bà tôi " và " Có một bà già ai nhớ ". Cả hai truyện này đã được đăng trước đó ở Báo Người Hà Nội. Nhưng rồi chỉ có tôi, còn Phạm Thành không dự với lý do là chưa hề viết gì cho thiếu nhi. Hôm đến Hội nhà văn làm thủ tục, tôi gặp nhà thơ Phạm Hổ và nhà văn Vân Thanh, là những người phụ trách Trại sáng tác. Có thêm sự động viên của hai đại lão gia trong làng văn học thiếu nhi, tôi thêm vững tâm.



          Trước hôm khai mạc, nhà thơ Lê Đình Cánh gặp tôi, anh vui vẻ vỗ vai tôi bảo : " Hai cái truyện của em được nhà văn Nguyên Ngọc đọc thẩm định. Cụ ấy khen đấy. Hôm này khai Trại, Ban Tổ chức dự định là sau phần diễn văn khai mạc, đến phần của trại viên, nhà văn Nguyên Ngọc sẽ đọc nhận xét thẩm định tác phẩm của em, kế đó em sẽ tự đọc truyện ngắn của mình ". Tôi nghe mà ớn cả ngươi, rồi trối đây đẩy. Nhà thơ Lê Đình Cánh cười bảo: " Có gì mà ngại. Nhà văn là người của công chúng rồi . Tác phẩm của mình đem công bố hệt như mũi tên đã bắn ra khỏi cung, trúng trật, khen chê thế nào là việc của thiên hạ ". Nghe thấy chí lý, tôi có vẻ xuôi xuôi, song thực lòng vẫn ngần ngại lắm. Mấy ngày không yên đợi hôm khai trại.

          Rồi cũng đến ngày đó. Trại được tổ chức tại khoa sinh viên nước ngoài trong khu Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi đồ chừng khoảng ba chục người từ các địa phương về dự. Tôi không thuộc hết mặt, chỉ loáng thoáng biết và nhớ là có Thai Sắc ( Đồng Tháp ), Hoài Khánh ( Hải Phòng ), Thái Chí Thanh, Lê Minh Hoài ( Hà Nội ) và hình như còn mấy bạn trẻ lứa tuổi học trò ở Hà Nam Ninh thì phải...  ( Nếu hiện có bạn nào trong số ấy nay thành danh trên văn đàn, thì cho tôi xin lỗi vì đã không nhớ được quý danh, không phải vì khinh thị, mà chẳng qua khi đó tôi chỉ dự buổi khai mạc, không học tập và sinh hoạt cùng anh chị em trong trại viết, vả lại lâu rồi nên không nhớ nổi ).

          Sự lo ngại khiến tôi chẳng nghe thấy gì khi ngưới ta khai mạc. Đúng như dự kiến, nhà văn Nguyên Ngọc đọc bài thẩm định hai tác phẩm gửi tham dự Trại của tôi. Chi tiết thế nào tôi không còn nhớ, song khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Sau đó, tôi được mời lên, ngồi vị trí trang trọng nơi bộ bàn ghế kê chính diện trước hội trường. Tôi đã đọc cái truyện ngắn  của mình " Con chó Mực của bà tôi ". Lúc đầu còn e ngại, rồi bạo dần lên, rồi nữa như nhập đồng. Tôi vừa đọc vừa ứa nước mắt, nấc thành tiếng. Tôi quên hết mọi người, tôi nhớ đến bà ngoại tôi, đến mẹ tôi, đến con chó Mực nhà tôi... Bà ngoại tôi bị mù lòa từ ngày còn trẻ, vậy mà vẫn những mười lăm lần sinh nở, nuôi con đến trưởng thành còn chín người. Hết nuôi con rồi lại chăm cháu, đầy đàn đầy đống. Suốt những năm chiến tranh chống máy bay Mỹ, đám cháu nội ngoại từ thành phố ùn ùn kéo nhau về sơ tán, bà ngoại tôi nhận chăm sóc tất thảy. Bao nhiêu là chuyện phải lo, cơm cháo, rau khoai, tắm giặt, học hành, lúc khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau...Chẳng thế mà sau này, lũ cháu chúng tôi nên người, đi đây đó khắp xứ ta xứ tây, luôn nhớ về bà với tâm niệm bà như một bà tiên trong cổ tích. Giờ thì bà ngoại tôi  đã mất và cỏ đã xanh lần hai trên mộ. Con chó Mực cũng đã chết lâu rồi. Chỉ còn mỗi mẹ tôi. Mẹ tôi đang sống hiu quạnh ở chốn quê nhà, ngày ngày chăn nuôi lợn gà, quét tước lá tre, trông giữ đất vườn và nếp nhà gianh, cho mấy chị em tôi thoả sức bay nhảy nơi phố xá đô thị ... Tất thảy sống dậy trong tôi. Tôi mường tượng lại tuổi thơ tôi sống với bà ngoại thế nào, bà yêu quý và chăm chút tôi ra sao...Và tôi đã khóc. Khóc vì sao ư ? Không rõ nữa. Có lẽ vì tất cả. Chỉ biết là cố kìm nén mà không nổi. Tôi đã phải ngừng đọc những mấy lần, để nuốt tiếng nấc nghẹn, để lau nước mắt vì chữ nghĩa trước mắt cứ nhòe đi. Lúc ấy, trong tôi chỉ còn một ý nghĩ là cố gắng làm sao đọc cho xong cái truyện, chẳng tâm trí đâu để ý xem mọi người ra sao. Song quả là tôi có thấy, nhà thơ Phạm Hổ cũng rân rấn nước mắt. Điều ấy khiến tôi tự tin hơn, và bỗng dưng tôi thấy cái sự khóc của mình không vô lý nữa, giúp cho tôi đủ sức đọc tiếp mà không bỏ dở. Gần cuối, khi đã bình tĩnh tôi bắt đầu nhận thấy đâu đó những tiếng rì rầm ở bên dưới của những trại viên, hình như cũng lại chuyện khen chê này nọ... 

          Sau phần của tôi, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét những sáng tác của mấy bạn trẻ ở Hà Nam Ninh. Tôi không được đọc truyện của họ, song chỉ qua thẩm định của nhà văn Ma Văn Kháng thì có thể thấy những sáng tác ấy khá hay. Có lẽ còn do ông Ma Văn Kháng viết nhận xét rất giỏi. Tôi nghe ông đọc lời nhận xét thấy hay và thật đáng nể phục. Tôi rẩm riu nghĩ, trước đây mình đã phục ông nhà văn này qua mấy tiểu thuyết " Mưa mùa hạ ",  "Đồng bạc trắng hoa xòe " và " Mùa lá rụng trong vườn ", nay lại phục tài viết phê bình nữa. Lúc nghỉ giải lao, tôi nhận thấy hình như mọi người vẫn tiếp tục trò chuyện với nhau, đưa ra những ý kiến nhận xét này nọ. Và loáng thoáng đâu đó, có lời chê bai chi tiết này, câu chữ nọ từ cái truyện của tôi. Lại nữa, còn có cả lời bai, rằng tại sao cái tay ấy lại có thể khóc khi đọc truyện nhỉ v.v... Thú thật là lúc ấy tôi chạm tự ái, nóng mặt. Đó cũng là lý do khiến tôi đứng một mình nơi hành lang, không nhập vào nhóm nào, cũng chẳng muốn trò chuyện cùng ai cả.


          Đúng lúc ấy, nhà thơ Phạm Hổ đến bên tôi. Ông vỗ nhẹ lên vai tôi, miệng cười xúc động :" Em khá lắm... Viết cảm động lắm... Viết cho thiếu nhi không khó ... Điều khó là ...cần một tấm lòng...Vì ở đấy không có chỗ cho cái ác... ". Tôi thấy rõ là ông thể hiện sự xúc động một cách chân thành, thế nên tôi cảm động lắm. Sự cảm động còn bởi một lý do riêng tư, trong khi đám đông coi thường sự cảm động của mình, thì lại có một vị đại lão gia biết trân trọng nó. Tôi không muốn, nhưng không thể không so sánh. Ông còn căn dặn thêm gì đấy, song sự cảm động khiến tôi không còn tỉnh táo để mà ghi nhớ. Đợi ông dừng lời, tôi dụt dè xin phép ông và Ban Quản lý Trại sáng tác được vắng mặt một số buổi vì công việc cơ quan không cho phép tôi dự đủ. Điều này tôi cũng đã bày tỏ với nhà thơ Lê Đình Cánh từ trước. Ông động viên tôi rồi bảo: " Tiếc nhỉ ?! Nhưng hễ rảnh buổi nào là đến với anh em bạn bè của Trại cho vui ". Lúc quay lại hội trường, Phạm Hổ ân cần: " Này em, chớ có bỏ viết cho thiếu nhi... Đồng hành với trẻ em là khó lắm đấy... Đã có nhiều người bỏ cuộc rồi ... ". Ông lại cười, một nụ cười buồn...

          Sau buổi khai mạc, phần vì bận việc cơ quan, phần vì tự trong lòng thấy ngài ngại, nên tôi không tham dự thêm một buổi nào nữa. Hôm bế mạc và liên hoan kết thúc, tôi có đến dự. Không khí bia rượu và sự chia tay thường chỉ đem đến cho người ta một cảm xúc có phần thái quá. Khách khứa từ các cơ quan báo chí và Hội nhà văn đến đông lắm. Các nhà văn Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, nhà thơ Phạm Hổ là tâm điểm vây quanh của mọi người. Tôi đứng ở một góc, cụng ly bia với nhà thơ Trần Nhật Lam. Lê Đình Cánh, những người mà tôi quen biết. Mới chỉ khẽ chạm đến văn chương thôi cũng là đủ để biết " mùi ca ngâm " của nó... Tôi nghĩ, điều quan trọng là mình có viết được hay không ?...

          Những năm sau này, lâu lâu lại thoáng thấy Phạm Hổ ở đâu đó, phần lớn là qua tivi. Thấy ông mỗi năm mỗi già song sự điềm đạm và hiền hậu thì dường như mỗi dày thêm. Tôi nhớ, có một lần bật ti vi lên, thấy đưa cảnh nhà thơ Phạm Hổ đến thăm một trương mẫu giáo nào đó ở Hà Nội ( hình như trương Việt Triều thì phải ?). Ông cười hiền, trả lời rất hóm hỉnh các câu hỏi của đám trẻ. Ông đọc thơ ông cho chúng nghe. Và trong số đó có bài thơ Xe cứu hỏa, bài thơ mà tôi thuộc lòng từ tấm bé : " Mình đỏ như lửa/ Bụng chứa nước đầy/ Tôi chạy như bay/ Hét vang thành phố/ Nhà nào có lửa/ Tôi dập được ngay/ Ai gọi cứu hỏa/ Có ngay, có ngay  !".

          Phạm Hổ đọc chậm rãi. Nhịp điệu theo từng câu từng chữ. Vừa đọc ông vừa làm điệu bộ. Đám trẻ con khoái lắm, chúng thích chí cười. Ông cười theo, và tôi thoáng thấy nơi khóe mắt có ngấn nước. Nước mắt của sự nhân hậu, bao dung và xẻ chia. Nước mắt của người suốt đời đi theo bọn trẻ. Chúng như đám con cháu ông ngày ngày quây quần bên ông. Nước mắt của người tự lượng sức mình, biết chẳng bao lâu sẽ xa chúng mà đi vĩnh viễn ...

          Tôi lại nhớ lời nhắc nhở của ông ngày ấy, rằng hãy viết gì đó cho thiếu nhi, chớ nên bỏ cuộc. Tuy đã xuất bản được mấy tập sách cho người lớn song tôi không quên viết cho thiếu nhi. Đăng rải rác, rồi đến năm 2001, tôi cũng tập hợp lại thành một tập truyện cho thiếu nhi  (Tập  "Công cống mùa thu " - NXB Kim Đồng ). Giờ thì vẫn túc tắc.

          Khác với chiếc xe cứu hỏa của mình, hễ cứ thấy ở đâu có lửa cháy là lao đến dập tắt ngay, còn riêng ông, ông lại luôn tìm cách thắp lửa. Ấy là những ngọn lửa nơi tâm hồn mỗi đứa trẻ, những ngọn lửa sáng tạo trong mỗi cây bút trẻ mà ông biết !... 

2005

Nhận xét