Vài ba năm nay có mấy sự kiện trong
thế giới sách ở Việt Nam .
Sách dịch thì có mấy cuốn thuộc diện best seller là Rừng Na-uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển (
Murakami ), Cô đơn trên mạng
(Wisnewski) , Tô-tem Sói (Khương
Nhung ), Kitchen ( Banana Yoshimoto
), Mật mã Da Vinci, Thiên thần và ác quỷ ( Dan Brow )...
Sách trong nước thì phải nói, ồn ã nhất là cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống, rồi đó là cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh. Gần đây thì đồng thời là
tiểu thuyết Ba người khác của Tô
Hoài, hồi ký văn học Ba phút sự thật
của Phùng Quán v.v...
Đọc Ba phút sự thật của Phùng Quán, tôi thực sự ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng
bởi những thông tin, câu chuyện, những chân dung con người, trong đó có mấy
người rất nổi tiếng, mà tôi vốn chỉ biết lờ mờ, như Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu
Đang, Phùng Cung, Tuân Nguyễn... Ngỡ ngàng bởi văn viết giản dị, chân tình, sâu
sắc, cuốn hút và cũng rất chi là trách nhiệm. Điều quan trọng, là qua tác phẩm
này, tôi có hình dung đầy đủ hơn về một Phùng Quán, đến mức dù chỉ thấy ông có
một lần, nhưng giờ thì tôi có thể phác thảo một chân dung ông, chí ít là theo
sự mường tượng và cách nghĩ của riêng tôi.
Vâng. Tôi đã diện kiến Phùng Quán một
lần. Đúng một lần thôi, song khá ấn tượng, bởi trong một hoàn cảnh rất chi là
ấn tượng.
Tôi sẽ trở lại sự diện kiến Phùng Quán
sau, để nói về những gì mình biết về ông qua dư luận. Rằng ông vốn là cháu bên
ngoại với nhà thơ Tố Hữu, trước khi bước vào làng văn chương, từng tham gia vệ
quốc đoàn từ lúc còn nhỏ tuổi, tưng chiến đấu nhiều năm ở mặt trận Thừa Thiên
Huế quê hương mình. Tác phẩm khiến độc giả biết đến Phùng Quán là tiểu thuyết Vượt Côn Đảo, được xuất bản khá sớm và
còn được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam, nghe đâu còn được xuất bản bằng
tiếng Nga, rồi ai đó lại dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt để in ở Việt Nam. Rồi
sau đó ông bị dính vào án văn chương mà mất tên trên diễn đàn văn học nước nhà.
Lại nghe tiếp rằng ông chuyên sống bằng nghề câu cá Hồ Tây và vẫn viết văn,
đăng báo, in sách dưới bút danh và cả tên người khác, những người thương ông
muốn giúp ông không dứt đoạn mạch văn chương và quan trọng hơn cả là ông có một
khoản thu nhập để sinh sống cùng giúp giập thêm gia đình. Vì thế mới có cái
đuôi gắn vào thành Phùng Quán- cá trộm
văn chui . Mới nghe thế thôi cũng đã ly kỳ rồi.
Tôi diện kiến Phùng Quán trong không
khí đổi mới về văn nghệ, không nhớ chính xác là vào năm 1989 hay 1990. Trước
đó, hàng loạt văn nghệ sỹ thuộc diện có
vấn đề trước đây, người trước kẻ sau xuất hiện trở lại với các sáng tác
đăng rải rác trên báo, hoặc xuất bản cái mới, tái bản cái cũ như Hoàng Cầm,
Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hà Minh Tuân, Văn Linh, Vũ Bão ... Riêng
Phùng Quán tái xuất giang hồ văn
chương với bộ tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội,
và đã thành công vang dội. Sự thành công của bộ tiểu thuyết cùng người cha tinh
thần của nó đã vượt ra khỏi địa hạt văn chương tràn sang cả điện ảnh khi nó
được chuyển thành phim truyện. Bộ phim cùng tên do đạo diễn Vinh Sơn dựng.
Lần ấy, nhà thơ Trần Phương Trà ( Trần Nguyên Vấn ) rủ tôi và một vài
đàn em báo chí đến dự buổi chiếu phim ra mắt bộ phim Tuổi thơ dữ dội do Hội đồng hương Huế tại Hà Nội tổ chức ở Hội
trường Bộ Tài chính vào ngày chủ nhật. Tôi nhớ, người đến dự khá đông, phần lớn
là những ngưòi lớn tuổi nói giọng Thừa Thiên Huế, số ít là thân nhân gia đình
họ và bạn bè kéo theo xem ké vì hiếu kỳ, giống như chúng tôi. Trước buổi chiếu,
ban tổ chức có đôi lời phi lộ, rồi mời Phùng Quán lên bày tỏ tình cảm và cảm
ơn. Phùng Quán lên, chưa kịp nói gì mọi người đã vỗ tay hoan nghênh, không khí
khá náo nhiệt. Hình như, sau nhiều năm sống lặng lẽ trong lãng quên của độc
giả, bầu không khí náo nhiệt ấy và tấm thịnh tình của mọi người, ông lặng đi.
Hắng giọng mấy lần rồi ông cũng lên tiếng, giọng hơi run vì quá xúc động. Ông
nói chậm rãi, đưa mắt quan sát khắp hội trường, như vừa nghe ngóng xem người ta
đón nhận những lời phi lộ của mình thế nào. Rồi giây phút ấy qua nhanh, ông nói
liền mạch và cũng đỡ xúc động hơn. Tôi không nhớ lắm những gì ông nói, song
cũng chỉ loanh quanh việc tiểu thuyết của mình được xuất bản, được dựng thành
phim và cảm ơn những người đồng hương, anh em bạn bè và đông đảo độc giả khán
giả đã đón nhận... Khi ông đang say sưa nói, chợt có một người đứng tuổi, ngồi
phía sau hàng ghê chúng tôi, đứng lên, nói rất to, đại ý rằng, Phùng Quán không được nói thế, định nhân cớ
mượn diễn đàn tự minh oan hay diễn thuyết gì ở đây ? Hãy xuống đi. Phùng
Quán khựng lại, tắc nghẹn họng. Tôi thấy, miệng ông há ra, không thành lời và
cũng không khép lại được, như cá đớp khi khi mắc cạn. Thật khó mà biết được
diễn biến tình cảm, tâm lý ông lúc ấy. Dáng người thô ráp khắc khổ của ông sụn
xuống. Trong sự ngạc nhiên, sự bất bình phản đối của nhiều người với ý kiến của
người vừa nói, ông cố gắng như kẻ ngọng
tập nói cho sõi mấy câu cảm ơn ngắn rồi xin phép xuống. Giọng ông tôi thấy có
nước mắt !... Buổi chiếu phim bắt đầu khi mọi người vẫn con ấm ức bàn tán khen
chê, bày tỏ thái độ và sự phân bua của chính người cắt ngang vừa nãy...
Cả buổi chiếu phim rất dài, mặc dù
nhiều tình tiết phim cuốn hút, song tôi không tài nào gạt bỏ được hình ảnh
Phùng Quán trước buổi chiếu. Ông ngồi ở hàng ghế đầu, cách chúng tôi dăm hàng,
nên tôi chỉ thấy cái đầu bù của ông nhô lên trong bóng tối. Và dường như nó cứ
to lên, to lên dần, choán hết màn ảnh. Có lẽ do chịu ảnh hưởng của sự việc vừa
rồi nên tôi thấy thế chăng ? Tôi không phán xét việc làm của người nọ đúng sai
thế nào, nhưng với Phùng Quán, ứng xử với ông như vậy thì có gì đó bất nhẫn,
thậm chí là tàn nhẫn. Thực lòng mà nói, khi ấy, tôi cũng thấy giận người đã hét
to làm gián đoạn lời phi lộ của Phùng Quán trước buổi chiếu. Đoạn kết, bộ phim
dừng ở chi tiết khá đắt, đó là chú bé Mừng bị đồng đội, bạn bè nghi ngờ phản
bội, chú đã kêu lên rằng Tôi không phản
bội . Tiếng kêu ấy vang vọng khắp núi rừng, núi rừng nghe thấy đấy, song
đồng đội có biết cho chăng ? Chẳng cần phải liên tưởng gì thì cũng nảy sinh
trong tôi cái ý nghĩ rằng, chú bé Mừng ấy là Phùng Quán, nếu không, chí ít cũng
kêu hộ nỗi lòng Phùng Quán ?
Sau này, tôi không đọc thêm tác phẩm
nào củn Phùng Quán nữa, ngoài đôi ba bài báo trên Tiền Phong. Sự nghiệp văn chương của ông, trừ những tác phẩm viết
cho thiếu nhi ký bút danh hoặc mượn tên người khác (văn
chui ), còn lại đều được. Tuy nhiên, tôi không thích lắm, dù rất quý trọng
sự chân thật và thô nhám trong văn của ông. Song đến tập sách Ba phút sự thật ( NXB Văn nghệ- Tp.Hồ
Chí Minh-2006 ) thì tôi vừa kính phục vừa thích. Bài đầu tiên của tập là một
tuyên ngôn nghệ thuật của Phùng Quán, những câu chuyện, những con người trong
cả tập sách đều đáng nể. Tôi đặc biệt thích các thiên hồi ký về Tuân Nguyễn,
Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Phùng Cung... Đọc tác phẩm này, tôi bất ngờ về
tài viết tiểu luận và chân dung văn học của Phùng Quán. Quan trọng hơn, qua đây
người ta còn có thể thấy được nhân cách của ông. Không có gì là quá, khi bài
sau cuốn sách trích bài viết Đứa con
không quên lời mẹ dặn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về cuốn sách
này : " Đây là một lời tự bạch phản ánh chân thực nhân cách nhà văn của Phùng
Quán: Khát vọng suốt đời về sự thật. Bởi sự thật không phải là thứ có sẵn như
chiếc bật lửa trong túi áo, mà chính là số phận và khát vọng của Nhân Dân. Nhân
Dân là Người Mẹ đẻ đau mang nặng để sinh ra đứa con làm Nhà Văn, và vì thế, đứa
con Phùng Quán suốt đời không quên Lời Mẹ dặn :
Người
làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng
không khó làm bằng nhà văn
Đi
trọn đời mình trên con đường chân thật ".
Tôi nghĩ, với bộ tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, nay là tập bút ký và
chân dung văn học Ba phút sự thật,
nhà văn Phùng Quán đã thực hiện được lời mẹ dặn "Đi trọn đời mình trên con đường sự thật !..."
2012.
2012.
Nhận xét
Đăng nhận xét