Văn Cao, bài ca cả thành phố cùng hát

Văn  Cao, bài ca cả thành phố cùng hát



Năm 1994, gần dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thủ đô, đưpờng phố Hà Nội luôn rộn ràng bài hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Khi ấy, tôi và phóng viên Trần Nhật Minh được giao thực hiện một Tạp chí truyền thanh hưởng ứng lễ kỷ niệm. Nghe bài hát, chúng tôi nảy ra ý định phỏng vấn Văn Cao về cảm xúc và quá trình sáng tác bài hát này. Thế là, chúng tôi đến nhà ông tại phố Yết Kiêu vào một buổi chiều. Bà Băng – vợ ông cho hay là ông đang ngủ và thường chỉ tiếp khách từ 9 giờ sáng hàng ngày.

Hôm sau, chúng tôi đúng hẹn. Văn Cao ngồi trên chiếc ghế mây thấp chân ngay phòng khách, mặt hướng vào cây đàn piano, trên bàn là một chén rượu nhỏ. Khi chúng tôi tự giới thiệu và đặt yêu cầu, Văn Cao chậm rãi vẻ am tường “ Mình đồng ý, nhưng mà hẵng từ từ...” Ông khẽ nheo mắt hóm hỉnh: “ Mình biết, các bạn thường thu rất nhiều, nhưng khi phát chỉ trích một chút thôi... Mình cứ kể, dùng thế nào là tùy hai bạn trẻ nhé...” Văn Cao cười nhẹ ra chiều thông cảm, chiêu một hớp rượu, trầm ngâm, cái nhìn xa xăm: “ Đây là bài ca tôi hái lượm được trong chuyến đi thực tế ở khu 3. Tiến về Hà Nội được sáng tác từ năm 1949, mà mãi năm 1954 ta mới giải phóng Thủ đô... Ngày ấy, chúng tôi sinh hoạt văn nghệ, vẽ tranh là chính. Làm xong tranh thì có lệnh vào Tết năm 1949, và điều ấy gây nên sự hào hứng khác thường trong lúc mình đang nhớ Hà Nội da diết. Lúc đó, chúng tôi đang ở chợ Đại (Nam Hà), đêm đêm nhìn về, thấy quầng sáng hắt lên từ Hà Nội, nhớ lắm. Những người kháng chiến ra đi tháng rộng năm dài... Mỗi khi tụ nhau thường nghĩ tới Hà Nội, bàn về Hà Nội, thế nên mới có câu thơ của Quang Dũng: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm... Tuy mới nghe nói chuẩn bị tổng phản công, mà lòng ai cũng nghĩ tổng phản công đến nơi rồi. Anh Chu Hà, Tổng biên tập báo Thủ đô cho gọi tôi họp cùng với anh em trong nội thành để nhận nhiệm vụ mới. Riêng điều đó cũng đủ làm sôi lửa. Anh em ở Tòa báo bảo tôi nên làm ngay một bài hát về tổng phản công. Tôi viết bài hát đó, thể hiện cái không khí hào hùng của Thủ đô, của chung dân tộc, mà có chút mộng mơ của riêng mình. Hồi đó mộng mơ lắm... Chưa có Không quân đã nghĩ tới Không quân, chưa có Hải quân cũng đã nghĩ đến Hải quân... Có ai dám nghĩ rằng bài hát cho Tổng Liên đoàn thành bài ca của công nhân, bài Chiến sĩ Việt Nam lại có tác dụng như tiếng kèn xung trận... và dường như, những điều ấy luôn ẩn chứa ở người nghệ sĩ cách mạng trong sự sáng tạo của mình, nên thế, bài hát viết từ năm 1949 nhưng 5 năm sau khi tiếp quản Thủ đô, tình hình giống như mình đã viết...


 Văn Cao lặng đi, thân hình khô gày, cớm nắng của ông lút đi trong chiếc ghế mây thấp chân, rồi ông chậm rãi như nói với chính mình, như thể không có ai đang ở bên cạnh ông: “ Nếu viết những lời thơ mộng mà nói cảnh quân ta tiến về Hà Nội thì nhẹ nhàng quá... Hà Nội mình như một đài hoa mở ra năm cánh mà sương nhỏ vào từng cánh. Đoàn quân ấy trở về nhìn Hà Nội với con mắt như vậy... Và đoàn quân ấy sẽ ươm lại những vườn hoa đẹp cho Hà Nội sau này...”.

Cả hai chúng tôi đều sinh sau năm 1954, nên không được chứng kiến cảnh đoàn quân trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô, để thỏa nỗi khát khao 9 năm trường đi kháng chiến, từ cái buổi Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Thế mà, nghe ông hồi tưởng, tự dưng tôi lắng trong lòng mình, mường tượng ra cảnh Đoàn quân ta tiến về như thế nào, và họ đã hát vang lời ca: Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về... Chúng ta đi hiên ngang lúc quân thù đầu hàng...


Rồi Văn Cao còn kể về ấn tượng mạnh trong ông khi Hà Nội kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10, đó là năm 1984. Khi đó, ông đang ở Thái Bình. Hôm ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam có phát bài hát Tiến về Hà Nội, ông nghe mà hình dung ra cảnh đoàn người đi quanh Hồ Gươm và hát vang bài hát đó. Ông bảo, ông biết có một nhạc sĩ ở châu Âu xưa được người ta kể lại rằng khi chơi bản nhạc của ông thì cả thành phố đều nhảy, gọi là Tout la ville dance, nên khi mường tượng như vậy, Văn Cao đã gọi bài hát của mình là Tout la ville chante, nghĩa là bài hát cả thành phố đều hát.

Sau lần gặp ấy không lâu, tôi có đưa Trần Đăng Khoa đến gặp Văn Cao theo yêu cầu của ông. Hai người nói chuyện với nhau cả buổi sáng. Ông hỏi Trần Đăng Khoa về việc học hành ở nước ngoài, về thi ca... Còn Khoa, anh đưa ra những nhận xét rất tinh của anh về ca khúc của Văn Cao. Thoáng chốc mà đã hết cả buổi. Tôi không thể nhớ hết, hai nhân tài ấy đã nói qua lại với nhau những gì. Thâm tâm, tôi nghĩ, hai con người tài năng ấy tuy thuộc về hai thời kỳ khác nhau, song hình như họ có điểm chung, ấy là tài năng âm nhạc và thi ca bẩm sinh trong người, và nó chỉ được phát lộ, thăng hoa nhờ thời đại, nhờ lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của dân tộc kích hoạt mà thành !...

Qua cuộc chuyện trò, tôi thêm hiểu tấm lòng ông, cũng là tấm lòng của người trí thức một lòng đi theo cách mạng đầy nhiệt huyết vì lý tưởng và sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc. Cũng chính vì lẽ đó, mà bài hát Tiến quân ca của ông đã được chọn làm Quốc ca, và bài hát Tiến về Hà Nội, cùng nhiều bài hát khác do ông sáng tác trở thành bài ca cách mạng, mà đến nay, tuy ông không còn nữa, những bài ca ấy vẫn tồn tại và được nhiều người yêu thích!...

Lần tôi đến thăm và phỏng vấn Văn Cao tại nhà riêng, về việc ông sáng tác ca khúc Tiến về Hà Nội, Văn Cao có đưa tôi xem và ký tặng tôi một bài thơ ông mới làm, bài “Tôi ở",  và poster ca khúc Suối Mơ của ông với bút tích đề tặng. Tôi vẫn giữ chúng và coi như một kỷ vật về người nghệ sĩ tài hoa...

Xin ghi lại bài thơ này của ông :

Tôi ở
Một căn nhà bên đầu ngọn suối
Chỗ nước rỏ ra chính nơi tích tụ
Và hình thành con suối.
Những mùa thay lá
Những mùa cảm xúc
Rừng vẫn bao dung với bóng lá trên đầu,

Tôi sống
Nhìn những chiếc lá trôi theo dòng nước
Đến mùa gió Nam thổi
Tôi lại đi theo những chiếc lá
Phiêu du
Tới bao giờ tôi gặp được biển.
          (  Hà Nội, tháng Tám 1994 ).

Nhận xét