Anh Thơ & người con gái nuôi,



Mùa hạ 2007, Cẩm Thơ từ Pháp về Việt Nam vào dịp mẹ nuôi chị-cố nữ sĩ Anh Thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Xuân Bính Tuất, Cẩm Thơ cũng về Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày mất của nữ sĩ Anh Thơ, khi chị cho tái bản tiểu thuyết Răng đen, đồng thời tổ chức bản thảo xuất bản cuốn sách Đẹp mãi bức tranh quê (NXB Phụ nữ-2006 ) tập hợp những bài viết về Anh Thơ và tác phẩm của bà. Tôi có viết bài giới thiệu trên mục Thế giới sách của Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo điện tử - VOV News. Nhờ thế, khi đã trở lại Paris, Cẩm Thơ đọc được những bài viết ấy.
          Với Cẩm Thơ, tôi là bạn quen biết từ hơn chục năm trước. Khi ấy, tôi tham dự một khóa đào tạo báo chí phát thanh ở Pháp, mà chồng của Cẩm Thơ- nhà báo Jérome Kanapa là sếp phụ trách trường, còn bản thân chị được giao việc phiên dịch cho nhóm chúng tôi. Sau này biết tôi là bạn học trò với Trần Đăng Khoa, người bạn thuở Tào đàn văn học thiếu nhi thời chiến tranh chống Mỹ với Cẩm Thơ, tình bạn của chúng tôi thân hơn. Những năm gần đây, hầu như năm nào Cẩm Thơ cũng về Việt Nam, khi một mình, khi cùng chồng con . Dù bận bịu thế nào, ba người chúng tôi cũng thu xếp để đi ăn với nhau một bữa, rồi ngồi nhâm nhi café chuyện phiếm, vừa ngắm phố phường Hà Nội, vừa ôn lại kỷ niệm tuổi thơ xưa.
          Tính đến mùa đông năm 1996, lần đầu tiên tôi gặp Cẩm Thơ ở Paris, thì chị đã theo chồng sang Pháp được 9 năm, có hai con, một trai một gái. Chị không làm báo, gần như thôi làm thơ, mà làm nghề dựng phim với những hợp đồng ngắn hạn. Vợ chồng chị gặp nhau và nên duyên vợ chồng khi Cẩm Thơ đang theo học trường Sân khấu Điện ảnh và Jérome là giảng viên thỉnh giảng ở đấy. Anh là người Pháp gốc Nga, một nhà báo kỳ cựu, có nhiều năm làm báo tại Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ Ngụy. Anh vốn có tình yêu với Việt Nam và sau thành là quê vợ. Đi bên người chồng chững chạc bệ vệ, Cẩm Thơ chỉ như cô bé nhỏ xinh. Ngày ấy, tôi có đến thăm ngôi nhà của họ ở Rue Notre Dame des Champs, gần vườn Lucxembourg, và ăn bữa cơm gia đình. Hôm ấy, Cẩm Thơ trổ tài bếp núc làm món đặc sản Hà Nội là bún thang. Chị hì hụi từ chiều mà mãi đến mười giờ đêm thực khách mới được thưởng thức tài nấu ăn của chị. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi chuyện phiếm với Jérome. Tôi nhớ, anh có nói đùa một câu, vừa để chống chế cho sự chậm trễ của vợ : " Có mỗi một món súp mà cô ấy vất vả từ chiều đến đêm vẫn chưa được ăn, chẳng trách kinh tế nước các bạn chậm phát triển ". Câu nói vui, hàm ý chê khéo, khiến ta phải suy nghĩ, vì nó vượt ra khỏi chuyện ẩm thực đơn thuần sang việc quản lý kinh tế xã hội rồi
          Mùa đông năm 2004, nữ sĩ Anh Thơ mệt nặng, Cẩm Thơ thật vất vả, chị đi lại như con thoi giữa Paris - Hà Nội để chăm sóc má. Rồi còn lên Bắc Giang thăm mẹ đẻ. Tốn kém chỉ là một nhẽ, sức khỏe chị giảm sút, gày tọp đi. Chẳng ai bắt buộc cả. Chỉ là chị muốn được ở bên má Anh Thơ, tự tay chăm chút thìa sữa, hớp nước, nâng giấc má mình thôi. Biết tin Cẩm Thơ bận chăm sóc má Anh Thơ ở Bệnh viện Hữu Nghị, tôi cùng mấy đồng nghiệp quen biết với chị tìm đến thăm. Nữ sĩ Anh Thơ nằm bệt giường, song bà vẫn tỉnh táo, đủ để nhận biết, chào hỏi, cảm ơn khách thăm mình. Để không làm phiền người ốm, chúng tôi kéo nhau ra hành lang trò chuyện. Và tình cờ, chúng thấy nhà thơ Huy Cận ngồi xe đẩy, được người nhà đẩy ra hành lang dạo, thì ra ông cũng đang ốm nặng được điều trị tại đây. Đấy là lần cuối cùng tôi thấy ông, bởi chỉ hơn tuần sau, ông qua đời.
          Trước đấy ít năm, thỉnh thoảng tôi bắt gặp Huy Cận đi bộ chậm rãi trên phố Trần Hưng Đạo, gần trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Rồi đâu đó là bóng dáng của thi sĩ Hoàng Cầm mái tóc bạc phơ cưỡi trên chiếc xe đạp mi-ni, giờ thi ông còn đâu được vậy. Cơ quan tôi nằm trên phố Bà Triệu, giữa khúc cắt với hai phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, nên khi ra phố hay bắt gặp các nhà văn nhà thơ tản bộ. Cũng đâu có lâu la gì, còn thấy bóng dáng những Trần Lê Văn, Kim Lân, thì này đã thành người của thiên cổ . Thế nên, hôm ấy vào thăm nữ sĩ Anh Thơ ốm nặng, lại tình cờ gặp thi sĩ Huy Cận, chẳng khó gì cũng hình dung ra ngày các vị về thiên cổ đâu có xa gì. Lại nhẩm tính, những thi sĩ của thời kỳ Tiền chiến-những tên tuổi danh giá được liệt kê trong bộ Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân đã dần khuất bóng gần hết rồi. Cái thời Huy Cận vang đội với Lửa Thiêng, Anh Thơ nổi tiếng với Bức tranh quê, sự xuất hiện đầu tiên đã được giải của Tự Lực Văn Đoàn , cũng đã già nửa thế kỳ trôi qua với bao biến động của lịch sử ...
          Hôm ấy, Cẩm Thơ nói rất nhiều, chị kể chuyện chăm má nuôi, kể chuyện nữ thĩ Anh Thơ những ngày đau ốm thế nào, kể cả chuyện chị bàn bạc với một số nhà xuất bản dự định sẽ tái bản một số sách của Anh Thơ. Có một điều Cẩm Thơ băn khoăn nhất, là chị không thể ở Việt nam quá lâu trong khi không biết Anh Thơ ốm đau kéo dài bao lâu. Vậy làm sao để vừa chăm sóc má mà vẫn không bỏ ra những việc quan trong khác ? 
          Rồi mọi chuyện cũng qua cả. Huy Cận ra đi thì chỉ ít ngày sau Anh Thơ cũng theo chân đi nốt. Cẩm Thơ lại từ Paris đâm bổ về Việt Nam. Giờ thì sự vất vả mới dồn tụ lại, để rồi sau đó là một khoảng trống không gì san lấp nổi. Má Anh Thơ đã là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc đời của Cẩm Thơ. Nữ sĩ Anh Thơ lập gia đình cùng bác sĩ Bùi Viên Dinh, song ông bà không có con, trong khi ấy mẹ đẻ của Cẩm Thơ là em ruột của Anh Thơ lại đông con. Và như cách làm thường thấy của các gia đình Việt Nam xưa nay, Cẩm Thơ được lựa chọn trở thành con của Anh Thơ. Thế là cuộc đời Cẩm Thơ thay đổi. Không biết, nếu không làm con nuôi Anh Thơ mà sống với gia đình mẹ đẻ ở Bắc Giang thì không biết Cẩm Thơ sẽ đi theo hướng nào ? Có thể chị sẽ trở thành một cô giáo, một người làm công tác nghiên cứu khoa học, hoặc gì khác nữa, chứ không phải làm thơ ? Ở vào thời kỳ chiến tranh ác liệt chống Mỹ Ngụy, những bài thơ của Cẩm Thơ đã làm cô bé  trở thành một hiện tượng văn học, đồng thời đưa cô gia nhập vào cái Tao đàn thơ văn thần đồng của đất Việt lúc ấy cùng với những cái tên Trần Đăng Khoa, Chu Hồng Quý, Nguyễn Hồng Kiên, Hoàng Hiếu Nhân. Làm thơ với Cẩm Thơ không phải là một nghề, cũng không thành nghiệp đeo đẳng. Ngày ấy, Cẩm Thơ đến với thi ca như một lẽ đương nhiên, nên khi môi trường thay đổi, chị từ bỏ nó cũng khá nhẹ nhàng, không mấy day dứt. Sau này, Cẩm Thơ còn làm báo ( Báo Khăn quàng đỏ ) , và học Trường Sân khấu Điện ảnh, trước khi lấy chồng và theo chồng về Pháp. 
          Giờ Cẩm Thơ đã an phận, một người con gái Việt xa quê, hằng ngày hít thở một nền văn hóa khác, tuy cái nền văn hóa ấy không mấy xa lạ với nhiều thế hệ người Việt, hơn nữa, tự li ti huyết mạch, chị thấm đẫm tinh chất của nền văn hóa quê nhà và còn ký tên mình vào đó.  Khoảng chục năm trở lại đây, khi đã dần lớn tuổi, Cẩm Thơ càng có nhu cầu được trở về Việt Nam nhiều hơn. Tôi không dám chắc là chị đang tìm lại tuổi thơ của mình, hay là tìm kiếm sự an lòng bằng cách hít thở bầu không khí phong tục quê hương ? So sánh sẽ là không phải, song cứ chứng kiến Cẩm Thơ về quê Việt hằng năm, tôi lại liên tưởng tới những gì nhà văn Marcel Proust đã viết về xứ sở trong bộ tiểu thuyết lừng danh của mình, Đi tìm thời gian đã mất.
          Đã có đôi lần, tôi- Cẩm Thơ-Trần Đăng Khoa cùng đi ăn cơm bụi  rồi về ngồi trò chuyện với nhau suốt mấy tiếng buổi trưa trên lầu hai một quán café phố Bà Triệu. Loanh quanh thế nào lại quay về chuyện cái tao đàn thi ca thiếu nhi. Kỳ lạ thay cho trí nhớ của Trần Đăng Khoa, anh nhớ nhiều câu và thuộc hàng bài thơ của Cẩm Thơ hồi nhỏ, đọc lên vanh vách, đến mức Cẩm Thơ ngỡ ngàng nhớ mãi mới thấy đúng thơ của mình. Khi bàn về thơ văn của má Anh Thơ, thường chỉ Khoa và tôi nói, Cẩm Thơ yên lặng nghe, thỉnh thoảng chêm vào đôi câu...


          Theo cách nhìn nhận của tôi, sự nghiệp sáng tác của Anh Thơ có ba cái mốc chính. Đó là : Thời kỳ tiền chiến, là tập thơ Bức tranh quê và tiểu thuyết Răng Đen ; Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ Ngụy và xây dựng miền Bắc là tập thơ Theo cánh chim câu ; Thời kỳ sau 1975 đến cuối đời là tập hồi ký văn học Từ bến sông Thương. Những sáng tác khác, nhìn chung không mấy ấn tượng, mặc dù có tác phẩm trong số đó từng được trao giải thưởng này nọ.  Về các tác phẩm được xem là mốc chính cho từng thời kỳ sáng tác của Anh Thơ, các nhà phê bình đã viết nhiều lắm rồi, nên ở đây tôi chỉ nói thêm suy nghĩ của mình về tiểu thuyết Răng Đen nhân nó được tái bản. Thực ra, không phải vì nó hay, mà vì tác phẩm đó còn quá ít người thời nay biết đến, ngay trong giới văn chương cầm bút, chứ chưa nói đến bạn đọc nói chung, thêm nữa, tôi coi đáy là một trong những cái mốc đánh dấu sự nghiệp văn chương của tác giả, thì hẳn phải có lý do. Trong lần xuất bản đầu tiên ( NXB Nguyễn Du,1943 ), thi sĩ Bàng Bá Lân, bạn tâm giao của Anh Thơ và cũng là thi sĩ nổi tiếng của Phong trào Thơ mới  viết lời Tựa, ông vừa giới thiệu vừa chủ trương làm văn, nên nó xuôi chiều bàng bạc. Song ông đã nói được điều cần nói, và cá nhân, tôi đồng ý với Bàng Bá Lân, rằng Răng Đen không có tầm vóc của một tiểu thuyết đích thực. Vậy thì nó là cái gì ? Theo tôi, đó là câu chuyện tình-gia đình được tác giả kể lại một cách giản dị, nhẹ nhàng, có duyên. Cái câu chuyện tình-gia đình của đôi nhân vật Hương-Đan ấy là một mô-típ gia đình công chức nửa phong kiến nơi tỉnh lẻ, khá phổ biến trong quãng thời gian đó. Nếu đem những sinh hoạt gia đình của các nhân vật chính đối chiếu với hoàn cảnh gia đình của tác giả, thì thấy nhiều nét phảng phất nhau. Phải chăng, ở vào thời kỳ ấy, khi nền tiểu thuyết Việt Nam mới bắt đầu, lại là một cây bút nữ làm thơ trẻ, nên khi thử sức mình ở địa hạt văn xuôi, tác giả đã lấy ngay những gì mình gần gũi thân thiết và hiểu biết để xây dựng thành câu chuyện kể trong Răng Đen. Tiểu thuyết có tình yêu đôi lứa cùng lãng mạn thơ phú, có chuyện hôn nhân gia đình, sinh con đẻ cái, vợ lẽ con thêm, rồi ghen tuông, cãi cọ... Cái kết cục buồn, nhưng không hẳn bị lụy, và đã mở một chân trời mới mặc dù là mờ mịt... nó na ná như những câu chuyện tình tiểu thuyết khác khá phổ biến của nhiều tác giả tên tuổi thời ấy. Thế nên, về tiểu thuyết, Anh Thơ không thể sánh được với những Nhất Linh, Khái Hưng, Lê Văn Trương... song với Răng Đen, Anh Thơ xứng đáng ghi tên vào hàng ngũ những cây bút của thời kỳ tiểu thuyết mới Việt Nam
          Mặc dù Anh Thơ là một cây bút cần mẫn, bà viết đều, in đều, tác phẩm rải rác trái dọc đường đời, song ngoài mấy tác phẩm cột mốc ấy, số còn lại ít người nhớ. Có một bài thơ hay được mọi người nhắc đến, ấy là bài Tiếng chim tu hú, với đôi câu thơ, khổ thơ ấn tượng như : " Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn vải xa/ Quả bắt đầu chín lự/ Ngọt như nỗi nhớ nhà... ";   "Có chàng trai dạm ngõ/ Bỗng khói lửa ngút trời/ Con đi đêm súng nổ/ Vải rụng nước sông trôi/ Rồi tiếng chim tu hú/ Vang suốt những mùa hè/ Con đi dài thương nhớ/ Mười năm chưa về quê/ Tu hú ơi tu hú/ Kêu hoài chi vườn xanh/ Ta còn đi đi mãi/ Như dòng sông trôi nhanh ... ". Bài thơ không thật xuất sắc, song tạo được không gian, có tình cảm và tâm trạng của người ở lại-kẻ ra đi không biết bao giờ về, vì thế nó vào được lòng người và đấy chính là đất sống. Về nghệ thuật, cấu tứ, câu từ , bài thơ không mấy khác với thuở Bức tranh quê, có chăng chỉ ở tính thời đại của nó mà thôi.
          Với nữ sĩ Anh Thơ, theo tôi, điều đáng nói nhất ở bà, là ngay từ thời mới xuất hiện đã gây được ấn tượng, rồi năm tháng cứ thế trôi qua, bà cùng các tác phẩm của mình cần mẫn, khiêm nhường mà đi hết chặng đường đời - đường văn chương, không bỏ cuộc,  đến kết cục cũng không đến nỗi nào. Vậy là đáng quý lắm rồi !... 
          Còn người con gái nuôi của bà, Cẩm Thơ Kanapa, người đã bỏ dở cuộc chơi với thơ, như tôi đã nói ở trên, đơn giản bởi làm thơ chẳng phải là nghề và cũng không là nghiệp. Vậy thì có gì phải luyến tiếc đâu !...
          Hè cách đây mấy năm, trong lần về Việt Nam, tôi và Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ có ăn trưa một bữa cùng nhau,  do nhà văn Trần Thiên Hương mời , tại quán cơm dân tộc trên phố Trần Quốc Toản. Cơm canh cua nấu mồng tơi mướp hương, cà pháo muối chấm mắm tôm, đậu rán kèm rau kinh giới, cá kho dưa, thịt lợn ba chỉ rim mặn, toàn món ăn dân dã mà không rẻ chút nào vì giờ đã thành đặc sản cả.
          Vậy là ẩm thực đã thay dổi về giá trị, thế thì văn chương sao đây ? Đặc sản văn chương được tung hô bây giờ là ý tứ, câu chữ , kết cấu cứ phải xáo trộn loạn xì ngậu và quấy động tít mù, càng mập mờ bí hiểm, càng buông tuồng  càng mới ...
          Thế thì đáng sợ thật !...
          Thôi chằng dám nói chuyện văn chương nữa, chúng tôi chỉ nói về món ăn trong suốt cả bữa ăn. Âu cũng là chiều lòng Cẩm Thơ, để chị đắm mình vào bầu không khí quê hương mà chẳng bợn băn khoăn gì !...

Ps: Năm 2013 và 2014, cứ vào dịp tết nguyên đán, Cẩm Thơ lại về Việt Nam. Về một mình, để chồng và hai con ở Paris. Cô muốn được tự do đi đó đây, tìm lại tuổi thơ của mình nơi quê hương bản quán; gặp lại bạn bè một thưở. Có khi, cô lại chọn Huế, hoặc Hội An, thuê khách sạn, chốt cửa tự giam mình tập trung làm bản thảo phim...
Và đến khi, cô chuẩn bị về lại Pháp, mới alo cho tôi hoặc nhà thơ Trần Đăng Khoa, để gặp nhau, hàn huyên dăm ba câu chuyện. Dư thời gian thì đi ăn cơm dân tộc cho đỡ nhớ...
Trước tết nguyên đán năm nay, qua thông báo trên hộp thư cá nhân, tôi được biết, chồng cô, Jerom Kanapa nhà báo, nhà làm phim tài liệu có tiếng của Pháp, đột tử tại nhà riêng. Thế là tết Ất mùi, Cẩm Thơ không về Việt Nam, chắc là bận lo các công việc gia đình, liên quan đến chồng cô ?...

Vừa mới đây, trên mạng cá nhân, thấy Cẩm Thơ thông báo tạm biệt căn nhà cũ... Chẳng hiểu cô chuyển đi đâu. Chắc là vẫn loanh quanh đâu đó Paris...

2011

Nhận xét