Có gì mà ầm ĩ lên thế ?

(Hay là bàn về chân dung Lê Vân)


Quả là khi báo chí và dư luận bạn đọc ầm ĩ xung quanh cuốn tự truyện của ngôi sao điện ảnh nổi tiếng một thời Lê Vân, mới khiến tôi thầm kiểm lại những suy nghĩ và tình cảm của mình về người diễn viên này. Tôi có thói quen, hễ một khi công việc bế tắc và đầu óc trì trệ, là lại dạo quanh ngó nghiêng mấy hiệu sách nhằm khai thông cảm hứng làm việc, giống hệt các mẹ nội trợ và những ả nhân viên hành chính thích shopping siêu thị vậy. Thế mà nay, đi hiệu sách lại nghe toàn những chuyện bực mình. Ở đấy, đặc quánh bầu không khí Lê Vân. Người ta tìm mua, bàn tán, phàn nàn chỉ quanh cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống mà thôi. Mấy tay lái sách cháy chợ cuốn này  khi nhu cầu độc giả ngày một tăng lên và các loại sách khác ế ê chề khiến họ cáu bẳn văng tục. Cuốn sách đã thực sự trờ thành best seller, còn hơn mấy cuốn nổi tiếng khác là Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh và Rừng Na-uy, Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Nhật Bản- Mu-ra-ka-mi , một ứng cử viên nặng ký của Nobel văn học, và cũng chẳng kém gì hơn năm trước với hai cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm.


          Sau giải phóng miền Nam, lần đầu tôi được biết đến Lê Vân với một vai diễn trong phim Tự thú trước bình minh. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là người ta cần một diễn viên biết múa ba-lê cho vai diễn nên chọn cô diễn viên này, song xem cô diễn, thấy ở người con gái này có một cái gì đó đặc biệt, đằm thắm mà đa đoan. Rồi sau đó biết thêm cô vốn là diễn viên múa, đóng cặp với cha mình là nghệ sĩ Trần Tiến. Sau nữa, những thông tin về Lê Vân cứ dày lên theo sự nổi tiếng của cô trong từng vai diễn. Cha mẹ Vân- cặp nghệ sĩ kịch nói-điện ảnh Trần Tiến-Lê Mai vốn khá nổi tiếng rất sớm trong giới kịch nghệ. Thêm vào đó, ông ngoại Vân- nhà thơ Lê Đại Thanh, người cậu ruột Lê Chức và còn nối dài bởi hai cô em gái tài sắc Lê Khanh, Lê Vi càng làm cho sự nổi tiếng của riêng Lê Vân và cả đại gia đình nghệ thuật ấy dày thêm.

          Khi tôi có ý định và bắt tay viết bài này thì các bài viết khen chê xung quanh cuốn sách và cá nhân con người Lê Vân nhan nhản trên báo, trên mạng. Bản thân tôi cũng chưa đọc cuốn sách, còn các bài báo về nó thì cái đọc cái không. Tôi muốn viết điều gì đó về cô mà bớt chịu cái ám của các dư luận khen chê làm ảnh hưởng, cũng không để đăng báo nhằm tranh luận vô bổ với ai, và như vậy, tôi cũng chẳng phải như ai đó uốn éo làm dáng, đánh bóng câu chữ, hoặc cố gắng lên gân lên cốt, giao giảng nghĩa lý, đạo đức, thậm chí lớn lối thóa mạ, chửi bới theo kiểu hàng tôm hàng cá. Tôi muốn thử hình dung, dùng trực giác của mình để viết thôi. Và tôi đã viết như thế. Nhưng rồi tôi đã đọc, bởi đơn giản có người đưa sách đến cho tôi mượn. Tôi có một cá tính, một lối ứng xử, có thể là cố chấp, là hễ cứ cái gì mà thiên hạ ầm ĩ, xôn xao lên vì hiếu kỳ là tôi lập tức làm ngơ, nhất là đối với sách truyện. Những cuốn được coi là best seller thì tôi nhắm mắt bỏ qua, tất nhiên sau khi thiên hạ dịu đi thì tôi mới đọc hoặc cũng có thể ngó ngàng tý chút, thậm chí bỏ luôn. Tôi đã ứng xử như vậy với một số cuốn truyện của đám nhà văn khoả thân Trung Quốc là Cửu Đan, Vệ Tuệ ; rồi cả những hiện tượng của  văn chương Việt Nam như Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thuý, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thế Hoàng Linh… Ngay cả với Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, và gần đây là Mẫu Thượng ngàn , Rừng Nauy cũng thế.



          Tôi đọc liền mạch và khá kỹ. Cuốn hút lắm. Tự thân tình tiết, câu chuyện, cá tính con người Lê Vân đã hấp dẫn rồi. Thêm vào đó, người chấp bút ( Bùi Mai Hạnh ) đã bắt được cái thần thái của nhân vật, thể hiện ra với lối kể chuyện và giọng văn dung dị nhẹ nhàng. Thế nhưng tại sao người ta lại nổi xung lên, rồi rùng rùng chê bai, chửi rủa ghê thế ( dĩ nhiên có nhiều người thích và khen)?

Khen, có nghĩa là đồng cảm, chia xẻ thực tâm.

Khen, cũng có thể là một cách ứng xử ngược, nghĩa là cố tình khen bằng được cái thiên hạ đang chê , kích động mọi người nổi xung, nhằm gây sự chú ý.

Còn như chê, theo tôi có mấy lý do như sau : Trước hết, những người được nói đến, được xem như là nhân vật của câu chuyện ( gia đình, bạn bè, người quen, đạo diễn và bạn diễn …) đều thấy mình không mấy đẹp đẽ hay ho gì trước hết là trong mắt người kể chuyện, thứ nữa, không muốn hình ảnh không mấy hay ho ấy được người kể chuyện tưng tửng nói cho khắp bàn dân thiên hạ cùng biết.

Chê, phần đông người chê vì thấy những điều tác giả nghĩ và quan niệm không giống cách nghĩ, cách quan niệm của mình. Và như thế, cho là tác giả sai trái, còn mình thì đại diện cho cái đúng, nên thấy cần phải lên tiếng phê phán, lên án.

Chê như thế, chí ít là thật thà. Mà ở đời, sự thật thà hư có thể làm người ta bực mình, khó chịu, chứ không đáng ghét.

Nói như thế, để thấy một thói đời, tồn tại từ xa xưa, luôn được che đậy, nguỵ biện, ấy là thói đạo đức giả !...

Tôi tin là trong việc phê phán, chê bai cuốn sách này, có không ít người đã giở cái thói đạo đức giả ra mà lên mặt răn dạy thiên hạ.

Thói đạo đức giả một khi trở thành quen, thì nguy hại lắm thay !... Và đáng lo ngại hơn, đó là khi thói đạo đức giả được người đời sử dụng như một thứ thuốc an thần, xoa dịu người ta, khiến người ta dễ sống hơn. Đơn giản, bởi như vậy con người ta luôn được ngụy trang bằng mẽ tốt đẹp bên ngoài. Ơ kìa, tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại kia mà. Thế nên dễ thở, dễ hòa mình vào số đông...

Cuốn sách này, tôi thấy có một sức mạnh ẩn chứa, ấy là nó tấn công thẳng vào thói đạo đức giả, mà bấy lâu nay đã trở thành thói quen ở đời !...

Vậy thì có gì mà cứ phải ầm ĩ lên thế ?


Đọc. Sống. Và chiêm nghiệm ... 

2008

Nhận xét