Có một người văn Việt ở Paris



Mùa đông năm 1996, tôi cùng vài ba đồng nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam sang Pháp học nghiệp vụ báo chí, trước khi đi, nhà văn Ngô Tự Lập có nhờ tôi chuyển thư cho một người quen ở Paris là Đặng Văn Long và bảo: “Anh nên đến chơi thăm anh Long. Anh ấy tốt lắm, cũng có viết văn...” Sang rồi, theo số điện thoại Lập cho, tôi gọi điện. Một giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện trả lời. Anh Long mời chúng tôi đến chơi nhà, và sợ chúng tôi bỡ ngỡ, lạc đường nên vẫn cố đến đón chúng tôi.

Đúng hẹn, chúng tôi ra điểm hẹn bến xe buýt ngay cửa ga metro Croix de Chavaux thuộc quận ngoại ô Montreill. Một người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó, da trắng xanh, thọc tay vào túi áo khoác đi đi lại lại loanh quanh cho đỡ rét, chăm chăm nhìn chúng tôi. Người Việt mình. Đúng là anh Long. Thế là chúng tôi nhận ra nhau. Anh ở cách đấy chừng vài ba chặng xe buýt cũng thuộc Montreill, một căn hộ 7 buồng trên tầng 9 của chung cư. Khi đó, anh cho một thực tập sinh Việt của Viện quân y 103 ở nhờ. Phòng khách rộng, treo mấy bức tranh thư pháp, anh bảo là của đạo diễn – nhà thơ Đỗ Minh Tuấn và vài người quen khác từ Việt Nam sang công tác ghé chơi, tặng lại. Hôm ấy, anh giữ chúng tôi ở lại dùng cơm, chỉ chúng tôi lấy thực phẩm sẵn trong tủ lạnh và dặn hãy nấu những món ăn đặc Việt. Bữa cơm giản dị, ấm cúng tình người. Quen nghe anh xưng anh là cũng gọi theo vậy, song không ngờ anh đã 74 tuổi, sang Pháp từ hơn 50 năm trước. Khi thấy chúng tôi đổi cách xưng hô, anh bảo, không cần thiết, cứ gọi thế cho thân mật, với lại anh đang mong ước được trẻ lại để còn hy vọng một lần về thăm quê hương bản quán.

Trong câu chuyện, anh cho biết, vốn quê Hải Dương, sinh năm 1919, năm 1940, bị Pháp bắt lính, đưa xuống tàu há mồm cùng bao thanh niên Việt sang Pháp làm lính thợ. Những lính thợ người Việt khi ấy bị đưa sang châu Phi, đi đến một vài xứ thuộc địa Pháp để phục vụ công cho quân đội viễn chinh Pháp, rồi sau đó lại trở về Pháp tiếp tục kiếp lính thợ. Sau năm 1947, giải ngũ định cư tại Pháp, anh có làm một số công việc, chủ yếu là lao động giản đơn. Rồi lấy vợ Pháp, một người đàn bà thuộc tầng lớp lao động bình dân, có hai con. Lúc bấy giờ, vợ anh đã mất chừng dăm năm, con gái lấy chồng sống bên Bỉ, con trai lấy vợ sống trong nội thành Paris, anh sống một mình bằng lương hưu. Từ nhiều năm trước, anh bị bệnh tim, giờ nặng đến mức phải đeo máy trợ tim dưới làn da ngực trái. Căn hộ tầng 9 chung cư này luôn rộng cửa với rất nhiều người Việt Nam, nhất là các anh em văn nghệ sĩ, các nhà báo mỗi khi sang Pháp.

Anh cho chúng tôi xem một tập thơ của anh, rồi khoe là có một cuốn tiểu thuyết nhan đề Lính thợ ONS vừa được NXB Lao động ấn hành tại Việt Nam, và hiện anh đã viết được chừng 500 trang một cuốn sách khác về người Việt Nam ở Pháp. (2 năm sau, cuốn sách có nhan đề “Người Việt Nam ở Pháp1940 – 1954 " được in 1997 tại Pháp). Tôi đã từng nhìn thấy bìa cuốn sách Lính thợ ONS bày bán ở Việt Nam, song không ngờ lại được gặp tác giả. Khi thấy chúng tôi trầm trồ, anh nhỏ nhẻ cười hiền, bảo, bốn dĩ là anh nông dân, khi bị bắt đi lính thợ tuy không đến nỗi mù chữ quốc ngữ, song viết lách còn chưa thạo, tất cả là do đi ra ngoài, gian khổ trường đời dạy cho cả. Rồi anh cứ mủm mỉm cười, lúc lắc đầu làm như vẻ không thể tin nổi chuyện một người chẳng mấy hiểu chữ nghĩa sách vở, rồi qua bao năm tháng thân phận cu-li như mình mà lại có ngày trở thành nhà văn, nhà chép sử... Có thể anh thật lòng, mà hoặc có khiêm tốn mà nhận vậy đi chăng nữa thì cũng đâu có khác gì nhau, đều là đáng quý cả. Sau đó, chúng tôi còn đôi ba lần, đến thăm anh vào kỳ nghỉ cuối tuần. Riêng tôi và anh, có thêm vài kỷ niệm nho nhỏ. Lúc chuyện trò về văn chương, anh cho biết là người quen trong nước thỉnh thoảng gửi cho anh dăm cuốn sách nên anh không đến nỗi quá lạc hậu với tình hình văn học nước nhà. Rồi anh khen văn Ngô Tự Lập mới mẻ. Tôi có tặng anh một tập truyện ngắn của tôi do NXB Hà Nội ấn hành. Mấy ngày sau, anh gọi điện đến nơi tôi ở, nói hào hứng là đã đọc xong tập truyện của tôi và không khách sáo bảo là viết bình thường, chắc tay, có đôi ba truyện được, đặc biệt khen truyện Biển của một thời... Vào dịp trước lễ Giáng sinh năm ấy, chúng tôi chuẩn bị về nước, có tranh thủ làm một magazine về người Việt ở Pháp với Tết dân tộc. Khi chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn thu thanh anh Long, anh nhắc đến ký ức về những cái Tết tuổi thơ nghèo khó mà vui xa xưa từ ngày chưa sang Pháp và kề chuyện cùng vợ con và những người Việt Nam ở Pháp tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc, xúc động quá nên cơn đau tim bột phát. Chúng tôi bị một phen hoảng hồn, may nhờ có máy chỉnh nhịp tim và dùng thuốc kịp thời nên qua khỏi, nếu không chúng tôi sẽ ân hận nhường nào!...


Thực ra, sau khi giải ngũ khỏi kiếp kính thợ, vì mặc cảm với thân phận mình nên suốt bao năm trời cắm đầu nơi xứ người mà sống, đến lúc tuổi cao sức yếu bệnh tim đeo đẳng dù nhờ quê hương bản quán lắm lắm song cũng không thể về được nữa. Anh tâm sự, thôi thì chỉ còn cách giãi bày, trút hết nỗi niềm thành kính, thương yêu da diết Tổ quốc, quê cha đất tổ bằng ngòi bút, viết nên những điều tâm huyết nhất. Cũng chẳng biết rồi những gì mình viết ra giá trị đến đâu, chỉ biết, khi viết, mình đăm đăm với ý tưởng vạch rõ bộ mặt thật của thực dân, đế quốc và mong muốn thể hiện đức tính trung trinh, can đảm, chịu thương chịu khó để vượt lên số phận của người Việt mình dù trong bất cứ cảnh ngộ nào. Âu cũng là cách trả nghĩa công sinh thành của cha mẹ, quê hương của người con tha hương...

Có  lẽ, cũng chính vì lẽ ấy, tôi không gọi Đặng Văn Long là nhà văn, mà gọi anh là người văn, là để nhấn tới tính cách con người, một người Việt yêu nước, hơn là sự đóng góp về văn chương trong anh, cùng còn bởi, tác phẩm của anh có giá trị tư liệu hơn là gí trị về văn học .

Tôi nhớ, hôm chúng tôi đến thăm anh lần cuối trước khi về nước vì biết rằng khó có ngày gặp lại, anh bồi hồi chìa bàn tay già nua nhăn nheo để chúng tôi nắm. Tay kia anh luôn để lên ngực trái xoa nhẹ, nơi chiếc máy trợ tim thường trực canh gác trái tim anh, chép miệng: “Khổ thế, mấy em ơi... Anh ước ao một ngày nào đó được ngồi trên máy bay như mấy em đây mà về...!”. Anh lại nghẹn lời trong cơn xúc động... Chỉ một ngày sau khi về đến Việt Nam, cả mấy đứa chúng tôi đều nhận được cú điện thoại anh gọi về từ Pháp, ân cần hỏi thăm tình hình đi đường và chúc sức khỏe gia đình trước dịp Tết dương lịch.

Kể từ ấy, đến nay đã dăm năm trôi qua, tôi vẫn luôn có tin tức về anh qua những người quen, phần đông là dân báo chí, văn nghê, chúng tôi vì mỗi dịp đến Paris đều ghé thăm căn hộ của anh Long. Trước lễ Giáng sinh năm nay (2002) chừng nửa tháng, có tin anh Long qua đời ở độ tuổi ngoại tám mươi. Thế là ngưng đập một trái tim đau, một trái tim tha hương luôn hướng về nguồn cội. Thì cứ cho rằng, những trang văn, trang sử anh viết chỉ là vì yêu tha thiết con người và quê hương đất Việt, và như anh tự nhận, là nghiệp dư đi chăng nữa, thì cái chúng ta biết đến và quý trọng ở Đặng Văn Long là tấm lòng kia mà!...


Vậy là, từ tết Nhâm Ngọ, anh không còn được vọng xuân dân tộc như bao xuân trước, và ước mong một đời của người con xa xứ được một lần trở về thăm quê của anh không thành. Nhưng đấy là chuyện của một con người bằng xương bằng thịt. Chứ thực ra, nói theo tâm linh người Việt chúng ta, thì giờ đây, anh đã thuộc về hư vô,và ở cõi ấy, chẳng cần phải tàu há mồm, cũng không cần máy bay, anh hoàn toàn tự do trở về quê hương, không ràng buộc bởi bất cứ thứ gì. Vả lại, với Đặng Văn Long, tất thảy những gì anh viết trước đấy thực sự là sự trở về với cội nguồn rồi!...

2003 

Nhận xét