Khát vọng văn chương,


         
Ngày Nguyên tiêu năm Đinh Hợi, tôi cũng có mặt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nơi tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5. Thú thực đây là lần đầu tôi đến đây để xem mặt Ngày thơ Việt Nam. Những lần trước tôi không đến, đơn thuần bởi không hứng thú lắm, và cũng có phần kinh các thi nhân ta. Lần này, phần nể cái giấy mời do anh bạn Trần Đăng Khoa đưa, phần nghĩ là nhà thư pháp Lê Xuân Hòa cũng có mặt để cho chữ, nên tôi muốn được xem ông biểu diễn thư pháp. Gần trưa mà người vẫn đông nghẹt. Thơ tập được bày bán dọc hai bên. Nhẩm bụng, các nhà thơ ta tài thật, ai ai cũng xuất khẩu thành thi, thảo nào tờ báo nào cũng tràn ngập những thơ, kiếm thơ  còn dễ hơn kiếm rau muống lúc giêng hai. Sân Thái Miếu có hai trò là sân khấu thi câu đối Hán Nôm và nơi cho chữ của các nhà thư pháp trẻ. Đáng buồn là không có cụ Lê Xuân Hòa, người được mệnh danh là thư pháp gia đệ nhất xứ ta. Sân Thái Học thì sôi động với sàn trình diễn thơ với cặp nữ diễn giả trẻ dầu cạo trọc lốc như sư đang nhảy nhót theo nhạc đệm hát hay hét thơ gì đấy. Biết  diện mạo Nàng Thơ rồi, tôi lùi dần ra cổng, vừa nhẩn nha nghĩ, sao cái xứ mình người ta yêu thơ đến thế nhỉ ? Khách du lịch Tây Tàu rất đông, qua dáng vẻ biết họ khá thích thú. Không biết họ có đặt câu hỏi như mình không nhỉ ? Lại nghĩ, giá thơ xứ ta mà xuất khẩu thu ngoại tệ như xuất khẩu gạo, hạt điều, cà-phê , cao su, hoặc như xuất khẩu lao động thì cũng được ối tiền.

          Vừa định chuồn thì chợt tôi nghe tiếng gọi " Ô kìa, ông trẻ ". Tôi nhìn ra thì là người quen. Đúng là Tê rồi. Giữa đám đông người yêu thơ là anh bạn thời ở quê của tôi - Lê Xuân Tê.



          Thế là chúng tôi hàn huyên. Dù không định song tôi vẫn bật ra câu hỏi " Hôm nay ông cũng có mặt ở đây cơ à ?". Buột miệng rồi mới hối vì ngộ nhỡ anh bạn tự ái, cho rằng tôi coi thường ? Nhưng không, Tê có vể bẽn lẽn, loanh quanh giải thích mãi vì sao hôm nay mình có mặt ở đây. Rằng hai bố con mình ra Hà Nội cắt thuốc chữa căn bệnh thấp khớp mắc từ hồi con trẻ nay cao tuổi lại tái phát, nhân biết đang là ngày thơ nên bớt chút thời gian ghé đến cho biết. Chuyện nọ dọ chuyện kia, thế nào rồi Tê tòi ra chuyện mình gần đây cũng có làm thơ, lại còn tính gửi tôi mấy chùm xem có được không và gửi hộ đến các báo. Vậy là vẫn cái khát vọng văn chương từ thuở nào hành hạ anh chàng đến tận giờ chưa chịu buông tha !...

          Nhớ lại những chuyện vặt từ ba mươi năm trước. Làng quê tôi và Tê chỉ cách nhau chừng già nửa cây số đường chim bay, nhưng lại xa cách bởi đôi bờ một con sông nhỏ thuộc hệ thống thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải, và phiên chế hành chính ở hai xã thuộc hai huyện khác nhau. Tê hơn tôi mấy tuổi và tốt nghiệp cấp ba trước tôi mấy năm cùng Trường cấp 3 Bần Yên Nhân ( Mỹ Hào, Hưng Yên ). Một buổi chiều nọ, tôi ở nhà một mình thì có người gọi cổng. Nhìn ra thấy một thanh niên đứng bám vào cánh cổng tre nhà mình, mặt lạ hoắc, chắc chắn không phải bạn mà cũng không họ hàng. Nhẩm bụng vậy song tôi vẫn ra mở cổng. Anh ta bẽn lẽn hỏi tôi có phải tên là thế ấy, đợi tôi xác nhận thì mừng ra mặt rồi tự giới thiệu mình là Tê, người làng Khuốc. Điều tôi ngạc nhiên hơn là lý do anh chàng tìm đến làm quen, đơn giản là nghe đồn rằng tôi là người mê đọc sách, thích văn chương, mà bản thân anh ta cũng là người như vậy. Lý do và cách làm quen thế quả là chuyện lạ ở một vùng quê lúa khi mà người dân chỉ biết chuyện cấy cày làm lụng vất vả cò chưa đủ ăn, nhất là chiến tranh vừa kết thúc. Tôi mời Tê vào nhà, pha ấm chè bồm, trò chuyện. Khi tôi thắc mắc việc sao Tê lại không đi bộ đội thì anh giải thích là mình bị chứng thấp khớp nặng, vả lại diện nhà con một nên tạm miễn. Tê xin phép được xem kho sách của tôi. Tôi lấy làm ngại vì mình mới có dăm ba chục cuốn, lại không có sách quý. 

Ấy vậy mà sau khi xem rồi, Tê cứ trầm trồ. Anh bảo mình cũng có sách nhưng số lượng ít hơn của tôi, bù lại có bộ sách quý Đông chu liệt quốc, rồi hứa sẽ đem cho tôi mượn. Trời chiều, Tê rủ tôi đi ngắm cảnh đồng quê. Tôi không thích song vì tò mò  vừa chiều lòng bạn mới nên đi cùng. Chúng tôi tà tà thả bộ ra cánh đồng sau làng. Chỉ có dãy ao làng ken dày bèo Nhật bản hoa tím lịm, và sừng sững chiếc cống xi-phông nơi giao nhau của hai con mương nổi bật trong trời chiều. Ấy vậy mà nghe Tê huyên thuyên thả cảm xúc, tôi bỗng thấy có gì đó khác thường ngày. Chúng tôi đứng trên bờ cống xi-phông hết nhìn xuống dòng nước đục lại nhìn ra xa phía chân trời, hai đứa thay nhau bày tỏ những xúc cảm và khát vọng văn chương của mình.... Hình như, ngay lúc ấy, vì xúc động, Tê còn xuất khẩu thành thi đọc ngay bốn câu thơ ca ngợi cảnh đẹp quê hương mà đến giờ chẳng còn nhớ gì vì thực ra nó na ná dạng ca dao hò vè của cánh nông dân cấy cày mù chữ ở quê . Thêm nữa, tôi rẩm riu, nông dân khổ ải làm vậy mà sao trong thơ của Tê họ lại sung sướng thế. Rồi đâm ra nghi ngờ tính trung thực của thơ, chắc cũng phịa cả thôi...

          Dẫu sao, việc gặp gỡ Tê và sự giao du sau đó cũng khơi dậy trong tôi cảm xúc sáng tác thơ văn. Tôi bắt đầu viết nhiều hơn. Trước đó, tôi mới chỉ tập tọng làm dăm ba bài thơ, thì từ đó, tôi tập viết truyện ngắn. Thực ra, tôi thử xem mình có năng khiếu văn học hay không ? ...

          Ấy là vào niên học 1972-1973. Thày giáo dạy văn của tôi là thày Lê Thường. Thày người Hà Nội gốc, từng có thời kỳ công tác ở Hải Dương, và được Ty giáo dục Hải Hưng giao đặc trách việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn học trẻ của tỉnh. Thày Lê Thường đã từng có những năm theo dõi tài năng thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa, vì thế khi dạy chúng tôi, thày hay đọc thơ Khoa, rồi phân tích tỉ mỉ ý tứ và tài sử dụng ngôn ngữ của Khoa cho chúng tôi nghe. Hơn thế, thày Lê Thường còn khuyến khích học sinh sáng tác thơ văn nếu có khả năng. Để phát hiện năng khiếu của học sinh, thày giao đề bài kiểm tra mang tính mở ( kiểu như loại đề bài thi học sinh giỏi, hoặc các đề mở mà bây giờ ngành giáo dục hay bàn luận, thể nghiệm và xem là cách kích thích sự sáng tạo của học sinh ). Rồi thày chọn những bài làm cho là khá, tập hợp lại làm tư liệu cho giảng dạy và đề tài nghiên cứu giáo dục của mình. Thấy chữ tôi sạch sẽ và khá đẹp, thày chọn tôi chép lại hộ thày những bài văn đó vào tập tài liệu riêng. Thế là nhiều sáng chủ nhật,  tôi đến nhà thày để làm việc này. Lúc bấy giờ, vì tránh máy bay Mỹ bắn phá, trường cấp 3 Văn Lâm chúng tôi chỉ cách Hà Nội chừng hai chục cây số đường chim bay nên phải sơ tán vào làng, còn mấy thày cô giáo người Hà Nội thì phải ở trọ nhà dân trong làng. Làng Đoan Khê nơi dựng trường sơ tán vốn có nghề nấu rượu từ xưa, tuy lúc ấy bị cấm đoán, song nhiều gia đình trong làng vẫn lén ủ men nấu trộm. Gia đình thày Lê Thường trọ cũng vậy. Thế là thày trò chúng tôi ngồi làm việc trong sực nức mùi men rượu nồng, bởi xung quanh đầy những chum vại ủ men. Thày đùa cười bảo, thế là những bài văn học trò được hấp thụ thêm mùi men rượu, sẽ càng say càng nồng đây...

          Đại khái thế. Năm sau tôi chuyển về học trường cấp 3 Mỹ Hào. Khi phải chuyển sang trường khác, điều khiến tôi luyến tiếc là không được học và tiếp xúc thường xuyên với thầy Lê Thường. Song cũng kể từ đấy, ngoài chuyện học tập bình thường, tôi còn canh cánh trong lòng một nỗi niềm sáng tác văn học. Rất may, thày giáo chủ nhiệm dạy môn văn tôi ở trường mới là thày Lê Văn Huynh, cũng rất say văn học. Thày Huynh thuộc lòng Truyện Kiều, và có làm thơ. Bài giảng của thày hấp dẫn, gia cố thêm lòng yêu văn học trong tôi. Sau giải phóng, thày được tăng cường vào Nha Trang dạy Cao đẳng, sau cùng thày bỏ nghề và làm việc ở Viện thi đua khen thưởng Trung ương, lên tới chức Phó viện trưởng thì nghỉ hưu. Hiện thày trò chúng tôi lâu lâu gặp mặt, thày vẫn rất yêu văn học và còn đọc thơ cho tôi nghe. Chính vì được học hai người thày say mê văn học như thế, mà tôi trót dại dột, ngày càng dấn sâu vào con đường toàn những ngõ cụt này. Và dường như đền đáp lại công sức của các thày, lên lớp 10 cuối cấp, tôi đã vượt qua kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh Hải Hưng, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của tỉnh để tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc.

          Cái chuyện tôi tham dự đội tuyển thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc của tỉnh Hải Hưng niên học 1974-1975 kể cũng đáng nói. Bài thi ở cấp tỉnh năm ấy tôi không nhớ chính xác, song láng máng là về Chuyện vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài với chủ đề là ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh, thì phải. Khi nghe kết quả báo được chọn vào đội tuyển, tôi vui một phần, vui và háo hức hơn là được biết ở đấy mình sẽ được gặp gỡ và học chung với nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa. Hôm tập trung lớp bồi dưỡng tại Trường cấp 3 Hồng Quang, thị xã Hải Dương, trong số 21 thành viên, tôi vẫn chưa rõ ai là Khoa. Lớp học danh cho lớp chúng tôi vốn là phòng thể dục, mọi người ngôi xung quanh một chiếc bàn bóng bàn. Để ý mãi, thấy một người dáng dấp thư sinh, khuôn mặt tươi tỉnh ánh lên sự thông minh,đeo cặp kính cận dày cộp, tôi liền đoán đấy là Khoa. Nhưng rồi tôi thoáng bực thì thấy chàng này tay cứ nhăm nhăm một vật nhọn vạch vạch xuống mặt bàn bóng. Là người biết chơi bóng bàn từ nhỏ, tôi hiểu làm như vậy coi như là vứt đi cái bàn bóng của người ta. Hóa ra nhầm, người ấy là Trịnh Bá Ninh, học cùng Trường cấp 3 Nam Sách với Khoa ( nay anh là Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam ). Khi đã cùng học và trở nên thân nhau, tôi đã mạnh dạn đưa Trần Đăng Khoa xem hơn chục bài thơ của mình. Khoa xem kỹ, khen cũng được, chê khéo câu này bài nọ. Tôi nhớ, trong số đó có một bài Khoa bảo là khá nhất, bài có tên là Hoa dứa dại. Nhưng sau đó tôi được biết chính Khoa cũng có một bài thơ nhan đề Hoa dại và ý tứ bài thơ của tôi trùng với bài của Khoa, mà bài ấy lại hay hơn nhiều. Thế là tôi cho phăng teo cái bài Hoa dứa dại. Không riêng gì bài ấy, hơn chục bài thơ của tôi cũng bị chính tôi cho qua, và đến bây giờ, chúng chẳng còn dấu tích gì và tôi cũng quên tịt. Vậy là cái mộng thi ca theo đòi thần đồng thơ Trần Đăng Khoa cũng tan theo mây khói.

          Kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 10 toàn miền Bắc năm ấy, đề thi của Bộ Giáo Dục ra thật hay. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ in đề bài không sai một chữ, ấy là " Văn học với việc xây đắp tâm hồn anh ( chị ) ". Vốn chưa từng làm văn tự luận với kiểu đề như vậy, hết thảy chúng tôi chẳng ai biết phải làm thế nào, chọn thể loại gì ( bình luận, chứng minh, giải thich chi đây? ). Thôi đành nghĩ sao viết vậy, lan man cũng gần chục trang giấy thi. Đấy là cách ra đề mở, thật xứng với đề thi học sinh giỏi chứ. Kết quả, đoàn Hải Hưng trắng tay, tôi được điểm 7/20, Khoa điểm cũng vậy. Kỳ thi ấy, tôi nhớ có một nữ sinh của Trường chuyên Thái Phiên ( Hải Phòng ) giành giải nhất với điểm số 16/20. Sau này, bài văn ấy được đưa vào sách tuyển, tôi đã đọc và vỡ ra, để đạt được yêu cầu của những người ra đề, học sinh phải biết đề cập các chứng năng của văn học trước đã, rồi dùng các tác phẩm văn học đã học để chứng minh. Kể từ đấy đến giờ đã hơn ba chục năm trời, ngành giáo dục nay mới lại bàn chuyện ra đề thi văn theo kiểu mở. Dẫn chứng Tây Tàu trong cách ra đề thi môn văn học mang tính mở như thế nào. Niên học 2006-2007, Trung Quốc đã ra một đề thi độc đáo, đó là trích dẫn hai câu thơ của Lưu Trường Khanh đời Đường, rồi đưa ra mấy quan niệm về hai câu thơ đó, học sinh được phép chọn một quan niệm và viết bài với số từ hạn định. Lẽ dĩ nhiên. đề càng hay bao nhiêu, người chấm cũng phải giỏi bấy nhiêu. Âu cũng bổ ích, bởi đây là một cách để nhìn nhận, đánh giá lại việc giảng dạy và ra đề thi môn văn học trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam ta.

          Trở lại chuyện anh bạn văn thơ thuở đi học của tôi. Lê Xuân Tê hơn tôi mấy tuổi, vóc dáng cũng không đến nỗi, ấy vậy mà suốt những năm chiến tranh không hề khám nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ. Tê diện con một, còn nghe đâu bị bệnh thấp khớp ảnh hưởng đến tim gì đấy. Chiến tranh kết thúc vài năm, chuyện nhập ngũ không nóng nữa, Tê lấy vợ, đẻ con liền tù tì những mấy đứa, nếp tẻ đủ cả mà đứa nào cũng khỏe. Tê nhận chân kế toán trưởng hợp tác xã nông nghiệp, suốt ngày bận tính toán, cóp nhặt làm ăn nuôi con, quên luôn chuyện văn chương. Sau ít năm, con cái lơn lớn, gia tài cũng nhinh nhỉnh, Tê không còn được tín nhiệm làm chân kế toán trưởng nữa, người ta chợt nhớ ra cái vốn chữ nghĩa văn chương của Tê, và thế là giao luôn cho chàng ta cái chân cán bộ văn hóa.

          Kể từ ngày làm cán bộ văn hóa xã, Tê rảnh rang hơn, cái vốn chữ nghĩa hồi lại, không những thế còn được bồi đắp dày dặn hơn. Bây giờ thì việc la cà đây đó, nghe hóng kiếm chuyện trở thành công việc chính. Tê túc tắc viết lách trở lại, đôi ba câu chuyện, ý kiến khen che cho đài huyện, báo tỉnh. Lâu lâu, hết chuyện vặt thì lần mò đến phong tục, tập quán, đình chùa làng mình, xã mình, rồi làng bên xã bạn... Biết tôi phụ trách một cụm báo phát thanh về văn hóa, thi thoảng Tê gửi bài viết cho tôi, nhờ đưa phát sóng. Lúc đầu, vừa để động viên khuyến khích vừa muốn giúp Tê đôi chút vật chất, tôi chọn sử dụng một số bài viết, trả nhuận bút đầy đủ. Về sau, bài vở cũ kỹ  và nhàn nhạt, thật khó dùng, cũng đành lựa lấy cái được mà dùng, cho Tê bớt nản. Từ khát vọng văn chương và chuyện thật con người Tê, tôi lấy cảm hứng mà viết một truyện ngắn khá đạt, ấy là truyện Văn sĩ làng. Tưởng  chuyện viết lách nhùng nhằng thế thôi, bỗng tôi nhận được thư Tê, báo tin, Tê định cho xuất bản một tập sách bằng tiền túi bỏ ra. Ngạc nhiên chưa ?!

          Điều kiến tôi không những ngạc nhiên, thậm chí đến kinh ngạc, là Tê hỏi mượn tiền tôi để thêm tiền xuất bản sách. Thực ra, chuyện cá nhân bỏ tiền túi in sách, xuất bản thơ đã là chuyện cũ mèm, song đấy là chuyện của số ít tín đồ sẵn sàng tử vì thơ , là chuyện của các đại gia, trọc phú ở thành phố mua danh, hoặc phô trương thanh thế cơ. Đây lại là chuyện của anh văn sĩ làng. Tôi bắn tin, khuyên can Tê hãy từ bỏ ý định xuất bản sách, động viên thêm việc viết báo vặt cho vui. Và để tăng sức nặng cho lời khuyên nhắn nhủ, tôi chọn những mấy bài của Tê gửi  tôi, cho phát và đăng báo bạn. Bẵng đi không để ý nữa. Bỗng một hôm, tôi nhận được món quà Tê gửi tặng, nhờ một đồng nghiệp báo chí chuyển nhân chuyến công tác về vùng quê tôi, tình cờ gặp Tê. Mở gói quà xem, thì ra 5 cuốn sách mỏng, nhan đề là " Ghi chép từ làng nghề " do Hội Văn học-Nghệ thuật Hưng Yên xuất bản. Bìa sau còn in ảnh tác giả Lê Xuân Tê, với dòng chữ ghi chú " Hội viên Hội VHNT Hưng Yên ". Một cuốn tặng tôi, số còn lại Tê nhờ tôi chuyển tặng một số người Tê quen biết ở Hà Nội. Từ ngạc nhiên đến mừng cho bạn. Lật giở, xem lướt, thấy có 12 bài ghi chép về ngần ấy làng nghề loanh quanh trong vùng Hưng Yên. Tuy ngôn ngữ còn nôm na, kết cấu còn thô vụng, song thấy được sự miệt mài, kỳ công, và cao hơn là khát vọng làm bằng được một điều gì đấy trong cuộc vật lộn với chữ nghĩa của tác giả, không những thế, ẩn chứa khát vọng văn chương. Ngẫm ra, kể cũng đáng nể !

          Sau khi xuất bản sách, anh bạn tôi như kiệt sức, lâu lâu gửi ra một vài cái tin phong trào văn hóa, đôi bài viết nhạt thếch, cố mấy cũng không dùng được. Có thể, anh bạn tôi đã thực sự thỏa mãn với cuốn sách và cái danh hiệu hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh nên chẳng thiết tha gì nữa. Lại cũng có thể, vốn liếng chữ nghĩa văn chương đã dốc nhẵn túi rồi ?

          Kể từ ngày biết Lê Xuân Tê đến nay, đã hơn ba mươi năm trôi qua. Hai đứa chúng tôi, một ở quê một nơi phố xá, một tấp tểnh nghiệp dư một văn báo chuyên nghiệp. Cứ song hành như thế. Mệt mỏi thì có dư nhưng dường như văn chương vẫn ở ngoài tầm tay ? ...
          Song cũng dường như, khát vọng văn chương còn chưa cạn ?!... 

2007

Nhận xét