Lưu Trường Khanh, người theo đuổi sự tinh tế,


Lại sắp vào mùa thi. Các trường bắt đầu các cuộc kiểm tra, thi thử; các lò luyện thi chộn rộn vào mùa... Các học sinh, cả bậc phụ huynh tìm kiếm tài liệu ôn thi... Riêng môn Văn, mấy năm gần đây, Bộ Giáo dục chủ trương đưa các bài mở vào cơ cấu đề thi... Việc này, được nhà trường, học sinh, phụ huynh và cả xã hội chấp nhận, xem như là một sự đổi mới trong thi cử ở ta. Cá nhân, tôi cũng ủng hộ cách làm này.

Lại nhớ, gần chục năm trước, ở Trung Quốc, trong một đề thi môn Văn tốt nghiệp Trung học phổ thông, có một câu đề, yêu cầu học sinh viết một bài viết tùy ý, lấy cảm hứng từ 2 câu thơ trong bài thơ Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên của nhà thơ Lưu Trường Khanh, đời Đường, ấy là: "Tế vũ thấp y khan bất kiến/ Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh" ( được  hiểu nghĩa  là: " Mưa phùn làm ướt áo, có nhìn mà chẳng thấy/ Hoa rơi từ từ xuống đất, nghe không tiếng động ".  Đây là 2 câu thơ hay của bài thơ nói riêng, và cũng là những câu thơ hay xếp vào hàng đầu của thi ca Đường nói chung...

Theo tôi, không nhưng hay, mà nó thật tinh tế, cũng chính vì tinh tế mà nó hay. Điểm xuyết các bài thơ của Lưu Trường Khanh còn lại đến nay, còn có nhiều câu thơ khác khá hay và tinh tế. Cho thấy, trong sự nghiệp thi ca của mình, Lưu Trường Khanh chủ trương theo đuổi sự tinh tế!...

Giờ thì ta làm quen với bài thơ Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên của ông:

@ Bản chữ Hán:



@ Bản âm Hán Việt:

Tặng biệt Nghiêm Sĩ Nguyên,

Xuân phong ỷ trạo Hạp Lư thành
Thủy quốc xuân hàn âm phục tình
Tế vũ thấp y khan ( khán ) bất kiến
Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh
Nhật tà giang thượng cô phàm ảnh
Thảo lục hồ nam vạn lý tình
Đông đạo nhược phùng tương thức vấn
Thanh bào kim dĩ ngộ nho sinh

@ Dịch nghĩa:

Tặng Nghiêm Sĩ Nguyên lúc từ biệt,

Trong gió xuân, nương mái chèo về thành Hạp Lư
Vẻ xuân trên mặt sông lạnh lúc mờ lúc tỏ
Mưa phùn làm ướt áo, nhìn mà chẳng thấy
Hoa từ từ rơi xuống đất, nghe không tiếng động
Nắng chiều xế trên sông với cánh buồm cô độc
Đồng cỏ xanh phía nam hồ gợi mối tình xa muôn dặm
Nếu (ông) có gặp người quen hỏi về (tôi)
(Thì bảo) áo xanh nay người học trò xưa lầm lỡ rồi,

@ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

Hạp thành chèo đến, gió xuân đưa
Sông lạnh cảnh xuân lúc tỏ mờ
Vạt áo li ti mưa rớt thoảng
Cánh hoa nhè nhẹ tiếng rơi hờ
Buồm đơn trên sóng mang chiều xế
Cỏ biếc nam hồ gợi nghĩa xưa
Nếu gặp người quen ai đó hỏi
Đồ xanh nay lỡ phận người trò
( Nguyễn Hữu Thăng dịch )

*
Mái đẩy Hạp Lư lựa gió rời
Sông xuân nước lạnh cảnh chơi vơi
Không hình mưa bụi dầm nhoèn ngấm
Chẳng tiếng cánh hoa bảng lảng rơi
Chiều ngả manh buồm trơ bóng lẻ
Hồ nam sắc cỏ gợi tình côi
Người quen nếu gặp ai dò hỏi
Trò ấy áo xanh lạc lỡ rồi !
( Trần Khấu dịch )

*
Chèo nương theo gió tới Hạp Lư
Vẻ mặt xuân sông tỏ lại mờ
Chẳng thấy mưa phùn làm ướt áo
Không nghe hoa rụng rớt từ từ
Cánh buồm cô độc in nắng xế
Đồng cỏ nam hồ gợi tình xa
Ai hỏi về tôi xin hãy nói
Áo xanh lầm lỡ kẻ học trò...
          ( Trần Mỹ Giống dịch )

          *
          Chèo nương gió Tết Hạp Lư về
Nước rọi Xuân mờ lạnh lẽo che
Áo thấm giọt phùn trông chẳng thấy
Hoa nhàn cánh rụng lắng không nghe
Buồm cô sông vắng buông chiều xuống
Cỏ biếc hồ nam nhớ cố tri
Xin nhắn giùm ai còn nhớ đến
Rằng tôi áo mực đã phai nhòe.
( Sáu Miệt Vườn dịch )

*
Mái chèo nương gió tới Hạp Lư
Vẻ xuân trên sóng lúc tỏ mờ
Mưa phùn ướt áo nhìn chẳng thấy
Hoa rơi xuống đất nhẹ như mơ
Nắng xế trên sông buồm một cánh
Cỏ xanh cuối bãi gợi tình xưa
Nếu gặp người quen ai có hỏi
Thư sinh thuở ấy đã lầm to
( Hoa Mai dịch )

*
Gió Xuân nhẹ chèo Hạp Lư thành
Sông Xuân mờ tỏ lành lạnh xanh
Mưa phùn đẫm vai nhìn chẳng thấy
Thinh lặng hoa rơi mặt đất đầy
Sông chiều xế nắng thuyền lẻ loi
Nam hồ cỏ biếc tình xa xôi
Người xưa có hỏi xin bày tỏ
Trò cũ áo xanh lỡ lầm rồi

( Trương Thị Mầu dịch )

2016

Nhận xét