Cuối thu, sau chuyến lên xứ trà Shan Tuyết Suối Giàng
( Yên Bái ), tôi đã có một phóng sự ảnh về xứ trà này, và nhủ lòng, khi rảnh sẽ
viết một chút gì đấy. Là khi bận rộn quá, nên tự hứa với lòng mình như vậy ...
Có lẽ, sự thèm muốn được ngắm tận mắt những cây chè
Suối Giàng, loại chè cổ thụ đã trở thành huyền thoại, bắt đầu từ bữa cơm trưa
dọc đường lên Mù-cang-chải, tại một quán ăn ở phố thị Văn Chấn. Sau bữa cơm ăn
vội với mấy món ăn đặc trưng miền núi là thịt gà rang gừng, dế và ong đất non
chiên ròn, có chén rượu xứ rừng đưa cay, thêm bát cháy cơm gạo nương thơm phức
do chính tay cô chủ quán duyên mặn mà đưa ra, khiến đám lữ khách chúng tôi dễ
sinh cảm xúc. Ngon miệng, no cơm, ngà ngà mặt mày, dù vội mấy, thì vẫn phải đôi
ba chén nước chè mới dứt ra để lên đường. Chè Suối Giàng thơm ngon, liếc mắt
đọc mấy dòng quảng bá chè Suối Giàng viết nghệch ngoạc trên vách, tôi hỏi thăm
cô chủ quán đường lên Suối Giàng có xa không. Biết là chỉ hơn chục cây, đường
tuy dốc nhưng dễ đi, nhẩm bụng lúc về sẽ lên tận Suối Giàng xem sao.
Một ngày, với xôi nếp thơm và suối
nước nóng Tú Lệ, rồi ngược đường mà lên Mù-cang-chải. Dẫu trời giở quẻ, chợt
nắng chợt mưa, song cũng thỏa lòng mà chạy nhảy, mà ngắm và tha hồ chụp ảnh,
thu hình những thảm ruộng bậc thang lúa đang chín vàng mơ, vàng chanh khắp rẻo
cao La Pán Tẩn. Thỏa mãn ruộng bậc thang rồi, nỗi thèm lữ khách lại trở lại với
huyền thoại về chè cổ thụ Suối Giàng.
Theo lời đồn đại, trà Shan Tuyết được hái từ những cây
chè cổ thụ ở Suối Giàng to cao và đứng chênh vênh nơi mép núi, bên bờ vực, đến
nỗi, muốn hái được chè, chủ nhà phải nuôi khỉ và huấn luyện cho chúng cách hái
chè thay người. Nghĩa là chúng được chủ nhân đeo lên người những chiếc gùi nhỏ,
rồi thoăn thoắt lên cây chè cổ thụ, leo trèo, đánh đu, đánh võng để hái những
búp những lá chè bỏ vào gùi. Thực hư thế nào chẳng biết, song nghe vậy đâm kích
thích trí tò mò. Đường về, lại dừng chân
nơi quán ăn mấy hôm trước, cơm rượu ngà ngà rồi, mấy người chúng tôi không thể
trì hoãn “nỗi sung sướng", ngược dốc mà lên Suối Giàng bằng được.
Từ đường 32 rẽ ngang, đường lên Suối Giàng tuy dốc
ngược và khá quanh co nhưng dễ đi. Nếu nhìn trên bản đồ, Suối Giàng khá gần thị
xã Nghĩa Lộ tính theo đường chim bay. Có lẽ, ngày trước đường lên đây khó đi,
nên những cây chè Suối Giàng bị bỏ quên đến thành cổ thụ như ngày hôm nay.
Không cần hỏi, cứ đi, áng chừng cây số đường mà ngược mãi lên, đến khi thấy con
đường dường như chùn lại, có nguy cơ mất hút đâu đó, thấp thoáng những chân
tường rào đá và mái nhà gỗ đặc trưng của người Mông, đồ đoán đã đến nơi. Bỗng
nhiên con đường như biến mất, chỉ thấy cây thấy nhà. Chúng tôi dừng xe, ngơ
ngác, chờ hồi lâu mới gặp một người đàn
bà Mông đi rãy về. Chị không mấy thạo tiếng Kinh, hai bên ú ớ chỉ chỏ một hồi,
chúng tôi hiểu là mình đã đứng trên đất Suối Giàng rồi. Đường nhựa đã hết, đoạn
dốc tiếp theo bò ngoằn ngoèo như rắn trườn được rải cấp phối đất đá lổn nhổn
khó đi, hai bên loáng thoáng những cây chè cổ thụ . Cố đi thêm, xe chúng tôi sa
vào giữa một bản người Mông và dốc càng hẹp, càng xấu, có lẽ chỉ có ngựa và
ngựa sắt ( chỉ xe máy côn tay bà con dân
tộc thiểu số quen dùng ) là đi nổi. Đành lùi xe tìm chỗ quay đầu.
Chúng tôi thả bộ, tản mỗi người một nơi tuỳ ý. Xứ chè
Suối Giàng huyền thoại là đây ư ? Cuối thu, thời tiết nơi đây đã khá lạnh và
dày đặc sương mù. Lần đầu tiên tôi biết
đến trà Shan Tuyết, thứ trà được chế biến từ búp những cây chè cổ thụ gốc to
người ôm, là qua bút ký của nhà văn Bùi Nguyên Ngọc ( cố
nhà văn Bùi Nguyên Ngọc gốc người miền xuôi, lên miền Tây Bắc dạy học, định cư
và viết văn, ông đã hy sinh trong chiến
dịch biên giới năm 1979 ). Nói trà tuyết, người ta quen nghĩ đến xứ lạnh ,
cây chè sinh trưởng trong tuyết giá mùa đông, song cái lạnh ở đây chỉ là một phần
thôi. Chữ tuyết được gắn cho trà, là bởi, búp chè cổ thụ hái về, khi sao lên,
cuộn xăn lại như con sâu, lớp ngoài lên một màu mốc trắng ngà phủ nhẹ tựa như có một lớp tuyết trắng bám vào mỏng
tang, lên hương thơm quyến rũ...
Trà Suối Giàng từ cây chè cổ thụ, là một trong thứ trà
Shan tuyết hiếm hoi của miền Tây Bắc.
Tuy không còn nhiều, song khắp đó đây, trong vườn nhà, nơi đỉnh đồi,
sườn dốc, ven đường, những cây chè cổ thụ gốc xù xì, thân cành uốn lượn như bôn-sai
đứng chơ vơ chịu gió lạnh và sương mù.
Tôi say mê tìm góc độ, ghi vào khuôn hình mỗi khi gặp một cây chè cổ thụ
ưng ý. Lần hồi, chúng tôi dần ra phía rìa bản, ở đấy có một ngôi nhà với vườn
tược bề thế. Vườn rộng với vài chục cây
chè cổ thụ, xen kẽ là những cây sa-mu ngọn vươn cao vút. Chúng tôi vào tận nơi,
cậu thanh niên chủ nhà vồn vã mời khách vào thưởng trà. Tường tận, đây là thôn
Giàng B, xã Suối Giàng ( Văn Chấn ), cậu thanh niên tên Hoàng A Tuân ( thực ra
là cải từ họ Vàng – Vàng A Tuân ), là con rể của ông chủ nhà đích thực. Bố vợ A
Tuân, người Mông, tổ tiên định cư ở đây chừng hai trăm năm nay, trải qua nhiều
đời rồi. Cũng chẳng hiểu, cây chè đứng trên đất này đã bao lâu, số cây còn lại
có cây nào hai trăm tuổi ? A Tuân pha trà mời khách. Chúng tôi mang bánh trung
thu ra mời. Vợ A Tuân, cô gái người Mông đã biết cách ăn mặc tân thời,
trong lúc chồng tiếp khách thì cô luôn
tay xới đảo búp chè cần mẫn. Nhấm miếng bánh trung thu rồi chiêu hớp trà shan
tuyết, lặng ngắm những viên đá cảnh muôn hình vạn trạng bày như La hán khắp nhà,
thật thú vị chừng nào. Thì ra, ông bà chủ nhà tên là Đằng và Trà, nên gói trà
có dán giấy
nhãn mác Đằng Trà, với địa chỉ, số điện thoại liên lạc, cùng đôi dòng chỉ dẫn
cách pha hẳn hoi. Vậy là bà con người Mông mình đã biết làm sản phẩm hàng hóa
rồi. Nhưng theo lời A Tuân, chỉ số ít biết cách làm như gia đình bố vợ cậu, còn
lại phần đông bà con dân bản vẫn bán búp chè, hoặc tự chế vài ba chục ký bán
chợ lấy tiên tiêu vặt, chứ chưa sống được, lại càng không thể làm giàu từ đặc
sản quý hiếm này. Ngay như gia đình A
Tuân, cùng với trà Shan Tuyết, còn bán cả đá quý, đá cảnh để có thêm thu nhập.
Trong số mấy chục cây chè cổ thụ trong vườn nhà A
Tuân, có một cây to nhất, cỗi thân cỡ người ôm, được ngành nông nghiệp cho gắn
biển đánh số 01 thuộc chương trình bảo vệ giống chè Shan Tuyết đầu giòng của
tỉnh Yên Bái . Vậy là không lo mất giống chè quý Shan tuyết Suối Giàng. Song
việc bảo tồn và phát triển thế nào lại là một câu chuyện khác.
Rời Suối Giàng về xuôi, chúng tôi không quên mua mỗi
người vài cân chè Shan Tuyết Suối Giàng nhãn hiệu Đằng Trà, và đôi ba hòn đá
cảnh làm kỷ niệm chuyến đi. Vị trà thơm ngon quyến rũ thưởng thức ngay nơi gốc
cây chè quý hiếm đầu giòng còn lưu mãi nơi họng.
Hẹn một ngày gần, trở lại với Suối Giàng !...
2010
Hình minh họa: Internet
Hình minh họa: Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét