Nhớ lắm, bạn học một thuở,


Thứ bảy, cuối tuần, đầu tháng mười một. Tiết cuối thu đầu đông thật đẹp, với nắng vàng, gió nhẹ, se se lạnh... Tiết trời tuyệt vời như vậy, thật lý tưởng cho các cuộc tụ bạ, hội họp bạn bè hoặc du hý đâu đó. Anh bạn cùng ngõ lại là bạn học cũ với tôi, vui vẻ thông báo cuộc họp khóa học sinh cấp ba xưa. Vậy mà tôi không tham gia được, đơn giản bởi cơ quan tôi có một hội thảo quan trọng, trùng lịch, mà tôi lại giữ một vai trò không thể vắng mặt. Tiếc hùi hụi song đành chịu...

          Ngày ấy, tôi nhớ như in, vào đầu thu năm 1972, bắt đầu một năm học mới. Vùng quê tôi, Văn Lâm, Hưng Yên, chỉ cách Hà Nội chừng vài chục cây số, vừa qua trận lụt lịch sử do vỡ đê sông Hồng mùa mưa bão năm 1971 nên nghèo khó xác xơ. Cùng thời điểm, cuộc chiến tranh chống phá hoại bằng không quân của Mỹ Ngụy ra miền Bắc đang vào độ quyết liệt. Năm học mới đầu cấp 3 của chúng tôi, trong bối cảnh ấy, thật khó có gì so sánh bằng. Do có thành tích học tập tốt, đặc biệt năm học cuối cấp và kết quả kỳ thi tốt nghiệp cấp 2 ( như THCS bây giờ ), tôi được tuyển thẳng vào cấp 3 ( THPT hệ 10/10 ) mà không phải qua kỳ thi tuyển như phần lớn bạn bè khác. Trường cấp 3 Văn Lâm, là trường cấp 3 duy nhất của huyện đóng tại thị trấn Như Quỳnh, bên trục quốc lộ số 5, đường giao thông huyết mạch nối Hà Nội với cảng Hải Phòng, nên phải sơ tán về làng Đoan Khê, cùng huyện và cách trường cũ chừng dăm cây số. Nhà trường đành phải dựng vội chục phòng học tạm tranh tre nứa lá nơi khoảnh đất đầu thôn được địa phương cho mượn. cho dù thế thì vật liệu cũng đâu có sẵn, nên đành huy động cả thầy và trò đóng góp. Thế là tất cả học sinh của trường, lứa học sinh đầu cấp chúng tôi, khi làm thủ tục nhập học cũng phải đóng góp mỗi người một cây tre và một bó rơm rạ để làm trường. Với nguyên liệu như vậy, ở quê không thiếu, song cái khó là đám học trò còi cọc chúng tôi làm sao để mang những thứ đó từ nhà đến trường qua quãng đường đi dăm bảy cây số khi không có một phương tiện nào khả dĩ. 


Riêng tôi, sinh ra ở phố, do chiến tranh đến cấp 1 về sống ở quê, không biết việc đồng áng, chưa làm nặng bao giờ, như cách nói của người xưa là bạch diện thư sinh, làm sao mang nổi những thứ cồng kềnh ấy đến trường được đây? May mà, lũ oắt chúng tôi cũng nghĩ ra một cách, ấy là vận chuyển thủy, lợi dụng con mương cái chảy ngang  điểm trường và cắt qua làng xã quê tôi. Dăm đứa chúng tôi hè nhau buộc những cây tre ấy lại với nhau làm thành chiếc bè nhỏ, để các bó rơm rạ lên chiếc bè tự tạo ấy, dùng dây thừng buộc chia hai bên, rồi phân đôi người đi hai bên bờ mương kéo bè đi. Cách thức thật tuyệt vời, khoa học, đơn giản và dễ dàng. Khốn nỗi, hôm ấy trời mưa cả ngày, tiết mưa ngâu muộn, không to nhưng tầm tã. Đám oắt chúng tôi quang áo mưa, sột soạt, hì hục kéo bè, chân đất đạp cỏ ướt bờ mương mà kéo. Vất vả nhất là khi vận chuyển bộ từng ấy thứ nửa cây số từ bờ mương đến điểm trường. Nhưng rồi cũng qua, nộp vật liệu xong, đi bộ về nhà, trời đã sang chiều, cả bọn đói và ngấm lạnh đến lả cả người. Trong mấy dứa chúng tôi hôm ấy, không may có Q. bị cảm lạnh. Bình thường Q. là đứa nhanh nhẹn và mạnh bạo, tuy không lớn xác nhưng rắn rỏi, hiếu động, hay nghĩ ra nhiều chiêu trò nghịch ngợm. Những tưởng cảm lạnh xoàng xoàng vậy thôi, không ngờ hàn nhiễm vào trong, bệnh ngày một nặng, dây dưa mãi không khỏi, ngày một ngày hai sinh biến chứng, gia đình phải đưa ra bệnh viên Bạch Mai chữa chạy. Chưa một ngày nào đi học, Q. nằm viện ngoài Hà Nội và dính đúng vào những ngày Điện Biên Phủ trên không, Mỹ điên cuồng ném bom vào Hà Nội, bênh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên và nhiều trọng điểm khác của thủ đô bị dội bom thành đổ nát. Q. không dính gì bom đạn, nhưng khi xuất viện thì thành phê nhân, người quẳt lại, gần như mất thị lực, phải bỏ học hẳn. Sau đó, Q. sống lay lắt, đầu óc vẫn minh mẫn, nhưng cơ thể còi cọc, không hề phát triển, mãi như một cậu học sinh cấp 2, cứ vậy  đến vài chục năm sau. Đấy là một câu chuyện buồn...

          Trở lại chuyện năm học ấy, khai giảng muộn, trường lớp mái rạ, khung tre, vách đất, nhưng tinh thần học hành của thầy trò thì hăng hái lắm. Nhưng chỉ học được già tháng thì phải nghỉ học để tránh bom, chiến dịch oanh tạc khốc liệt nhất của không quân Mỹ vào Hà Nội và miền Bắc trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Sau này, cụm từ “ Hà Nội 12 ngày đêm “ đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân dân Hà Nội chống trả cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 của quân đội Mỹ, đồng thời cũng là tên một bộ phim tài liệu của Đạo diễn điện ảnh-Nghệ sĩ nhân dân Bùi Đình Hạc phản ánh hiện thực trận chiến oanh liệt này. Chính 12 ngày đêm ác liệt ấy ( từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 12 năm 1972 ), với những tổn thất nặng nề về mọi phương diện, chính phủ Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam, chấm dứt chiến tranh ở miền Bắc.  Vậy là, những cô cậu học sinh đầu cấp 3 chúng tôi năm ấy, đã cùng mọi người đi qua cuộc chiến tranh...

          Sau những ngày tháng Chạp năm 1972 lịch sử ấy, học sinh đi học lại. Tuy không còn phải lo máy bay ném bom, nhưng một nửa đất nước vẫn còn chiến tranh, nên tinh thần học tập để thành tài, sau này cống hiến cho sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước và xây dựng tổ quốc luôn ngự trong tâm trí chúng tôi. Trường và lớp tôi, được đón những bạn học sinh từ Hà Nội sơn tán về học cùng như Tâm, Tiến, Ngọc... đáy lên tinh thần thi đua học tập tốt. Cùng đó, một số thầy cô giáo theo chân học sinh sơ tán từ các trường của Hà Nội cũng về đây giảng dạy. Tôi nhớ lắm những thầy cô dạy giỏi ngày ấy, như cô Hòa dạy Vật lý, thầy Đức dạy Toán, thầy Lê Thường dạy văn ... Trong số đó, thầy Lê Thường đạy văn đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi để sau này tôi theo nghiệp báo chí, văn chương...

          Năm học gian khó nhất trong đời học sinh phổ thông của tôi ( niên khóa 1972-1973 ) đã đi qua và để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Năm học sau, ngôi trường tạm ấy không về lại cơ sở cũ mà di dời đến một địa mới và được xây dựng kiên cố đến tận nay. Tôi chuyển sang học trường cấp 3 Bần Yên Nhân, xa thầy cô và bạn bè cũ. Một số bạn học cùng lớp và nhiều thày cô giáo về lại Hà Nội...

          Sau này phương trưởng, với đám bạn học cùng quê thì mỗi dịp lễ tết về quê thi thoảng gặp nhau. Các bạn ở Hà Nội sơ tán về ngày ấy thì hầu như mất dấu. Mươi năm trở lại đây, thường cứ vào dịp ngày Hiến chương nhà giáo ( 20.11 ), các bạn cùng lớp, cùng khóa ngày ấy lại tổ chức gặp mặt nhau, tuy không đều nhưng đây là cơ hội để chúng tôi gặp gỡ nhau, cùng nhớ về một thuở... Chúng tôi hỏi thăm, lần mò tìm được một số thấy giáo cũ ngày ấy như thầy Đức, thầy Lê Thường, mời các thầy cùng về lại trường cũ chung vui. Mùa thu này, đã qua 40 năm ngày tốt nghiệp phổ thông, mọi người lại hẹn hò nhau. Vậy mà mình lỡ mất. Hẳn còn có nhiều bạn bè học sinh ngày ấy, vì lý do nào đó, cũng vắng mặt trong dịp vui trùng phùng sau gần nửa thế kỷ ?...


          Tự lòng mình an ủi, có hề hấn chi đâu, khi chúng mình luôn nhớ và nghĩ tốt về nhau, phải vậy không, các bạn học của tôi một thuở ?!...

Cuối thu, 2016 

Nhận xét