Nhớ những mùa đông xưa,


       Ấy là những mùa đông xưa, cách đây hơn bốn mươi năm trước...

          Ngày đó, tôi học phổ thông và sống ở quê. Cái thằng tôi, sinh ra ở phố, vì chiến tranh mà về quê sinh sống. Không quen đầm ải, chuyện nhà nông biết đôi ba việc đơn giản. Vậy nên, khi làm lụng có vất vả hơn, nhưng bù lại, tôi nhìn cảnh quê cũng ra chiều thi vị hơn, chứ không thấy toàn những vất vả, khổ ải như người ở quê. Những năm tháng ấy, chiến tranh liên miên, nên đời sống nói chung và ở nông thôn miền Bắc còn thiếu thốn lắm, và đầy gian khó.

          Quê tôi, người dân quanh năm suốt tháng trông vào hai vụ chính, song mùa thối chiêm khê, thu nhập từ cây lúa bấp bênh lắm. Thêm vụ đông, thì cũng  quanh  quẩn những khoai lang, khoai tây, su hào, rau cải, ... toàn loại nông sản giá trị kinh tế thấp, gọi là thêm thoắt cứu đói. Thôi thì, tận dụng được thứ gì quý thứ đó. Từ vụ năm đến vụ mười nhanh lắm, nhưng từ vụ mười chờ đến vụ năm của năm sau thì lại dài, những sáu, bảy tháng trời, lấy gì mà ăn cho ấm bụng, màng no đủ, chứ nào ai dám mơ đến chuyện ăn ngon.


          Lẽ là vậy, song đời sống ở quê, nếu biết tận dụng, liệu cơm gắp mắm, khéo bếp núc thì không những no mà còn có miếng ngon với những món ăn quê mùa tìm kiếm quanh quất. Sau vụ mười, tiết cuối thu vào đông, là năm hết tết đến. Đây cũng là dịp việc nông tạm nhàn, để người nhà quê trổ tài kiếm ăn thêm. Gặt xong, rơm rạ nhanh chóng được phơi khô, đánh đống để dùng lợp mái, đun bếp và làm thức ăn dần cho trâu bò những ngày đông giá rét không thể chăn thả ngoài đồng được. Những năm mưa bão, mưa ngâu nhiều, thì khu vực đồng trũng ngập nước, phải gặt bằng lưỡi hái hớt phần ngọn bông, gốc rạ còn dài. Khi vào thu đông, nước cạn đi, mặt ruộng sền sệt, để lại những vũng nước lớn nhỏ, ấy là nơi trú ngụ của tôm cá, cua ếch, lươn trạch,... ngay những loài chim chóc như rẽ giun, le le, mòng kết, cuốc cuốc, làm nơi kiếm ăn, rồi chúng quấn gốc rạ, cỏ năn nác thành tổ. Còn những chân ruộng khô, gốc rạ và cỏ dại lên nhanh, mọc ra những thảm rau khúc tần lấm tấm xanh non... Lúc này, người dân quê thỏa sức tìm kiến nguồn thực phẩm thiên tạo ấy bằng những dụng cụ và cách thức truyền thống. Những chân ruộng cao hơn, nơi ruộng dộc thì làm cây vụ đông, như khoai lang, khoai tây, su hào, cải canh, cải bẹ ... vừa để bán cho dân phố, vừa làm thực phẩm hàng ngày. Đây cũng là thời điểm những tay thợ săn chuột đồng chứ danh ở quê hành nghề, họ dẫn theo mấy chú chó nhà được huấn luyện cách đánh hơi săn chuột, và chỉ một ngày lang thang trên đồng đã được đầy ắp lồng những chú chuột đồng chuyên ăn thóc, béo nung núc. Còn dưới sông ngòi, sau mùa mưa lũ, nước sông Cái đổ về ngầu đục phù sa màu mỡ và tom cá, dịp thu đông cũng cạn bớt dòng, ấy là khi dân chài lưới, ống chúm, giọ rô, vó tôm thi nhau săn bắt...

          Giờ là lúc nói về các món ăn quê. Món ăn dân dã ở quê thì nhiều lắm, song có mấy món thật ấn tượng với riêng tôi. Kể ra đây để nhớ về một thuở đã xa lắm rồi.

          Món thứ nhất, ấy là món cá kho tai cà. Món này chế biến đơn giản, nhưng cũng phải chú ý khâu nguyên liệu. Cà bát được nén vại từ mùa hè. Khi muối nén, người ta chú ý, chọn những cuống cà chưa già, chẻ đôi bỏ đi phần lõi cứng, cắt gọn phần tai nhọn, rồi cho vào vại nén chung với cà bát. Đến thu đông, lấy tai cà muối ra, cho vào niêu đất kho chung với mớ cá đồng, nêm đủ mặn, đun nhỏ lửa, khi nước kho sền sệt, vùi niêu, ủ trấu để qua đêm. Hôm sau mang ăn, cá kho hơi sém niêu, chín nục, ăn bùi nhai kỹ cả xương, nhất là miếng tai cà, thấm chất ngọt từ cá, nói không quá, ngon tuyệt vời, đặc biệt, những ngày giá rét ăn món này với cơm gạo mới, thêm chút dưa chua. No căng bụng mà miệng vẫn thòm thèm. Với tôi, khó có món ăn nào ngon hơn...


           Món thứ hai, ấy là món đọt cải già, cải ngồng xào thì là. Khi cải đã quá lứa, người ta thu hoạch lá để làm dưa, còn phần thân già cứng; cải đã lên ngồng, trừ phần để già lấy hạt làm giống mùa sau, còn lại cắt ngồng cải ăn dần. Người ta tước bỏ phần vỏ bì cứng bên ngoài thân, lõi cải bên trong vẫn mềm, đem cắt vát thành những thanh mỏng, ngồng cải cũng vậy, đem xào mỡ suông, nếu có chút tóp mỡ mới rán thì càng ngon, xào khi chín tới, thì bỏ thêm rau thì là, đảo qua cho dậy mùi. Món này, chấm chút nước mắm, đưa cay với rượu cuốc lủi cũng rất tuyệt. Cùng với ngồng cải non luộc chấm nước mắm trứng, ngồng cải được người ta mang ra ví von, rằng “ gái một con, ngồng cải non “. Tuyệt.

          Món thứ ba, ấy là món chế từ chuột đồng, chứ không phải là chuột cống ở thành phố ( bây giờ, bọn bất lương bắt chuột cống chế biến giả thành chuột đồng chuyên ăn lúa gạo, hoặc con dúi, tức là chuột núi, chuyên ăn củ quả và các loại hạt rừng ). Nếu ai đó, sợ hoặc ngại trước món ăn cực kỳ dân dã này, thì xin bỏ qua cho. Thực tình, đây là món ăn truyền thống ở nhiều vùng quê xứ Việt mình, trong đó có quê tôi. Chuột đồng làm sạch, chặt bỏ đầu đuôi, bàn chân và nội tạng, để ráo, đem hấp cách thủy đến chín, lấy ra, để nguội rồi nẹp que tre tươi bó lạt chặt như bó giò, mùa đông lạnh thành ra như thịt đông. Chặt miếng, ăn chấm với muối tiêu lá chanh thái tăm, nhậu khoái khoái khẩu, ăn quen còn ngon hơn thịt gà.

          Thực ra, còn biết bao món ăn dân dã của người quê, ngon và dẻ. Với riêng tôi, bao năm trời rời quê về định cư lại nơi đô thị. Nhớ lắm những mùa đông quê, nhớ cảnh sắc, nếp sống chịu thương chịu khó, nhớ những món ăn, những bánh khúc, bánh tẻ, cá kho tai cà, rau dưa... mà món gì cũng ngon,... Ở đấy cón hồn cốt quê hương bản quán, có tình làng nghĩa xóm, có bóng dáng thời cuộc đi qua...

          Thêm nữa, bởi nó gắn với những ký ức về cha mẹ, và cả nhưng mối tình thơ dại thời hoa niên đã mất !...

Đầu đông, 2016 

Nhận xét