Làng tôi là một
làng to, có từ lâu đời lắm rồi. Cả làng to nhất họ Nguyễn. Cũng có vài ba hộ
khác như họ Phạm, họ Hồ song qua bao đời cũng chỉ lẻ tẻ vài mươi lăm suất đinh
là cùng nên rất lép về. Nhiều người trong các họ này phải xin cải sang họ Nguyễn.
Nghe đâu, triều
Hậu Lê niên hiệu Cảnh Hưng khi chúa Trịnh Sâm còn chấp chính, họ Nguyễn trong làng
có một người tên gọi Nguyễn Huy Quân đỗ đến tiến sĩ. Họ Nguyễn lấy đó làm vinh
hạnh lắm. Chẳng thế, lâu rồi có một người họ khác, nhân ngày giỗ tổ, sửa lễ xin
cụ tổ họ Nguyễn chứng giám để gia đình ông cải sang họ Nguyễn. Ông ta khấn bằng
chữ nho, khi khấn đến tên cụ tiến sĩ thì đọc nhầm Nguyễn Huy Quân thành Nguyễn
Huy Điếu ( chẳng là về chữ Nho thì mặt chữ
Quân và chữ Điếu gần giống nhau nên người dốt chữ hay nhầm ), liền bị các cụ
nọc ra trước bàn thờ tổ đánh ba roi vì tội nhạo báng tổ tiên. Thực ra, đâu phải
thế, chẳng qua kẻ dốt thường hay khoe chữ.
Trong bữa rượu, mọi người ôn lại chuyện cũ. Thường là chuyện vinh, chuyện nhục, cái ngang ngạnh, cái hèn đớn của những người trong dòng họ hoặc dâu, rể của họ. Bao giờ cũng vậy, dòng nhà tôi được xem như phát về đường học hành. Cho dù, chẳng phải đỗ đạt gì to tát mà chỉ là có chút học vấn hơn người. Gần nhất là ông nội tôi hay chữ nổi tiếng trong vùng nhưng mấy lần lều chõng đi thi cũng chỉ đậu đến tú tài nên dân quê tôi gọi là Tú Đụp. Ông nội tôi chán chường, về nhà làm nghề gõ đầu trẻ. Học trò trong vùng đến rất đông. Song không phải vì thế mà ông nội tôi nổi tiếng. Ông nổi tiếng, vì một chuyện hoàn toàn khác.
Trong bữa rượu, mọi người ôn lại chuyện cũ. Thường là chuyện vinh, chuyện nhục, cái ngang ngạnh, cái hèn đớn của những người trong dòng họ hoặc dâu, rể của họ. Bao giờ cũng vậy, dòng nhà tôi được xem như phát về đường học hành. Cho dù, chẳng phải đỗ đạt gì to tát mà chỉ là có chút học vấn hơn người. Gần nhất là ông nội tôi hay chữ nổi tiếng trong vùng nhưng mấy lần lều chõng đi thi cũng chỉ đậu đến tú tài nên dân quê tôi gọi là Tú Đụp. Ông nội tôi chán chường, về nhà làm nghề gõ đầu trẻ. Học trò trong vùng đến rất đông. Song không phải vì thế mà ông nội tôi nổi tiếng. Ông nổi tiếng, vì một chuyện hoàn toàn khác.
Cổng nhà ông nội
tôi có một gò đất nhỏ mọc đầy hoa mào gà. Mọi người đồn ở đó có “cô Yêu”. Đó là cách dân gian gọi thần giữ của. Đồn rằng, khi đô hộ nước
ta, các quan lại Tàu vơ vét được bao nhiêu của cải, họ không dám mang về quê, mà
để lại ở xứ cai trị. Họ thường chôn giấu xuống đất, và chôn theo một người con
gái đẹp còn trinh tiết và phù chú thành thần giữ của. Không ai lấy được số của
đó, trừ người chủ biết câu chú. Người ta thì thào, những đêm đẹp trời trăng
suông, cô Yêu thường đi chơi, quần áo trắng tha thướt, nón thúng quai thao. Cô
muốn cho ai thấy sự hiện diện của mình là tùy cô. Trẻ con hễ đứa nào ngắt hoa,
bẻ cành nơi cô ở là đêm về bị bệnh. Không biết thì cô hành cho chết. Nếu biết,
sửa lễ khấn, cô cho khỏi ngay.
Thấy vậy, một
hôm, ông nội tôi bực mình nói đổng rằng: “Chỉ có yêu quái mới đi chòng ghẹo trẻ
con và đòi ăn khi đói khát. Còn thần thánh không ai làm vậy. Có linh thiêng thì
đêm nay hiện lên cho thấy, ta xây miếu thờ, hương khói suốt đời”. Ngay đêm đó,
vào tầm gà gáy thứ nhất, khi đang ngủ, ông tôi cảm thấy có người nhìn vào mặt
mình liền mở mắt, thấy cô Yêu đang chống hai tay vào đầu giường nhòm thẳng vào
mặt mình. Ông tôi vội choàng dậy, gọi đám học trò ngủ ngổn ngang khắp nhà, chỉ
cho họ thấy, song chẳng ai nhìn thấy cô, ngoài ông tôi. Cô cứ đi thủng thẳng
ngoài sân ra đến cổng thì mất hút. Hôm sau, ông tôi cho gọi người đến xây ngay
một ngôi miếu nhỏ và từ đó tuần rằm nào cũng có hương hoa. Mọi người bảo cô Yêu
phù hộ cho gia đình ông tôi giàu lên nhanh chóng, công việc cấy hái, chăn nuôi
đều được cả, bởi thế, cha tôi mới có điều kiện ra Hà Nội học quốc ngữ, chữ Tây và
học nghề kiến trúc. Riêng ông tôi, thì từ đó luôn bị ám ảnh, hễ đặt lưng nằm lại
có cảm giác thấy người nhòm vào mặt mình, nên sinh tật mất ngủ. Ngoài bốn chục
tuổi đã mất. Ngôi miếu đó nay không còn nữa.
Sau cải cách
ruộng đất, một người nghèo trong làng do tổ điêu mà được chia phần đất có ngôi
miếu ấy, tham của, ông ta đã đào bới tung lên. Qua nhiều lần gạch xây vòm cuốn,
lấy lên được mấy cái vò, nhưng khi mở ra chỉ toàn lưỡi cày và liềm hái gỉ. Ít
lây sau, người đó đổ bệnh xì xằng, rồi bỗng một hôm thổ huyết mà chết. Còn đứa
con trai, mãi sau này cũng mắc bệnh giống như cha, rồi qua đời. Người làng lại đồn
rằng, vì nhà nọ phá nơi ở của cô Yêu nên cô hành cho kỳ chết, những mấy đời. Khi nhắc đến
chuyện này, mọi người trong họ tôi lè lưỡi sởn gai ốc.
Cũng trong bữa
tiệc ngày giỗ tổ ấy, các vị cao niên họ Nguyễn còn nhắc đến vài chuyện khác có
liên quan đến lịch sử của làng.
Từ thuở lập
làng, làng quê tôi cũng nằm trườn theo một con sông nhỏ. Con sông này chẳng hiểu
thiên tạo hay nhân tạo. Ngay khúc sông chạy qua làng có một cái vực rất sâu.
Nơi đó là hang ổ của con giải, tương
truyền, con giải là một loài động vật
thủy sinh mà nhiều người quen gọi là thuồng luồng. Chính con giải này đã nuốt mất
người em ruột của cụ thủy tổ khi hai anh em mới đến đây lập làng. Thấy người em
phải chết oan uổng vì con giải mà cụ thủy tổ đặt tên làng là Giải Oan. Con sông
chảy qua làng cũng mang luôn tên đó.
Thế nhưng, cụ
thủy tổ làng lại không được suy tôn làm thành hoàng làng. Chính người ở đợ
chuyên chăn lợn cho cụ thủy tổ khi cụ đã giàu có lại được suy tôn làm kẻ cả
trong làng. Thuở ấy, khi còn chuyên chăn lợn, vị thành hoàng thường nhân lúc rảnh
rỗi khoét trúc làm tiêu thổi giải sầu, lâu thành quen, đàn lợn chỉ nghe hiệu lệnh
tiêu mà thành nếp. Sau khi mất, được suy tôn làm thành hoàng, đàn lợn đó cũng
thành vàng cả. Những đêm gió mát trăng thanh, đàn lợn ấy thường kéo nhau đi liếm
sương đã thấm đẫm hương hoa. Nghe nói, thành hoàng rất thương người nghèo trung
thực, thỉnh thoảng người lại ban cho họ một con lợn vàng. Chính một người trong
đám học trò của ông tôi làm nhà trên phần đất xưa kia là chuồng lợn của vị
thành hoàng, ông ta rất chịu khó cúng lễ. Một buổi nọ, ông được thành hoàng báo
mộng sẽ cho lợn vàng. Nửa đêm, đàn lợn vàng chạy đầy sân nhà ông nhưng vì ông nổi
máu tham lên, cứ đuổi bắt con lợn đầu đàn to khỏe. song mãi không bắt nổi, đến
lúc quay lại tìm con lợn còi què quặt thì nó cũng biến mất rồi. Ngay chiều hôm
trước đó, ông ta đã chửi rủa một người ăn mày và lừa họ bằng một bát cơm mà chỉ
lớp trên là cơm còn bên dưới toàn đất. Vì thế, thành hoàng phạt không cho lợn
vàng nữa.
Chuyện đến
tai, ông tôi bảo “Nhân ngãi phúc đức không học. Ác giải, ác báo, như thế vẫn
còn may”. Mãi sau này, đứa cháu nội đích tôn của ông ta lại được hụt ngọc quí.
Anh này nửa đêm trở dậy đi tiểu tiện, bỗng thấy một vật to bằng quả trứng gà
sáng quắc nằm ngay dười gầm cối xay lúa ngoài hiên. Anh này mừng quá nhặt lên
xem thử, thấy vật đó sáng long lạnh và có vân ngũ sắc. Đoán là ngọc quí, vội cất
vào túi rồi trở vào ngủ tiếp. Gần sáng, anh ta trở dậy, gọi đứa con cho xem,
nhưng khi lấy viên ngọc ra, để trên lòng bàn tay thì chợt thấy nóng rãy, nơi tiếp
giáp viên ngọc bỏng rộp, sau thành sẹo như dấu chiện đóng vào.
Làng vừa có
thành hoàng, lại vừa có cô Yêu nên hay sinh chuyện. Hai vị này cũng đố kỵ nhau.
Các cụ đồn rằng, có lần gặp hạn hán, đồng ruộng cây cối khô cháy, làng lập đàn
cầu thành hoàng làm mưa. Chính ông tôi, người hiểu biết chút ít về dịch số, thay mặt làng, chân đất, xõa tóc lên
đàn khấn tế. Khi mưa rơi xuống thì cô Yêu phá đám – làm cho hạt mưa vừa chạm đất
không kịp thấm đã bốc hơi bay lên luôn. Ông tôi lấy đó làm buồn bực. Sau này,
làng có việc, ai nói thế nào ông tôi cũng không chịu ra nữa.
Nhưng rồi có một
chuyện xảy ra.
Làng bên tên gọi
Lập Tự, có một ngôi chùa thờ bà Tấm. Dân trong làng sợ phạm húy gọi chệch tấm thành đớn và cũng gọi luôn cám
thành bổi. Ngôi đền này, ngoài hai
con sấu đá gác cổng còn có một sư tử đá, dân gian quen gọi là Sấm Đá, nặng chừng
dăm tấn. Quanh mình Sấm Đá được tạo nhiều nét hoa văn rất đẹp. Khi tôi đang học
cấp hai thì có một đoàn cán bộ khảo cổ về đào bới, lấy mẫu gạch ngói đâu chừng
nửa năm rồi rút đi. Sau đó xuất hiện một bài báo nói rằng, căn cứ vào những đường
nét hoa văn trên mình Sấm Đá thì ngôi đền này thuộc một trong số bảy hai ngôi đền
thờ, được Hoàng thái hậu Ỷ Lan cho làm từ thời nhà Lý.
Thần Sấm Đá rất
thiêng. Nay người ta còn truyền nhau chuyện thần Sấm Đá đã gầm đổ tàu hỏa khi
người Pháp mới làm đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Thế rồi, lại có chuyện, một
người cầu xin thần Sấm Đá phù hộ cho vợ khỏi bệnh nhưng không được đã tức giận
bê một hòn đá lớn ném vào phần mông Sấm Đá, làm sứt hẳn mảng lớn. Tưởng rồi sẽ
bị thần Sấm Đá vật chết, nhưng rồi người đó vẫn sống nhăn răng, lấy vợ mới và
sinh sôi con đàn cháu đống. Dân gian mới sinh chuyện lý giải vì sao Sấm Đá mất
thiêng. Chẳng là vì, thành hoàng làng tuy đố kỵ với cô Yêu song thâm tâm thì mê
cô. Song cô Yêu lại đi phải lòng thần Sấm Đá. Từ khi hai vị này phải lòng nhau,
dan díu với nhau thì mất thiêng cả. Chẳng thế, mà Sấm Đà vốn uy linh là vậy,
nay lũ trẻ con thường leo lên đó chơi ô ăn quan rồi vẽ nhằng nhịt những chuyện
bậy bạ, thậm chí, có đứa trẻ mót tiểu, lười xuống, tè cả lên đầu thần mà cũng
chẳng sao.
Thành hoàng và
cô Yêu thì chẳng thấy đâu, nhưng Sấm Đá vẫn còn đó. Lù lù một khối hoang vu bị
người đời ghẻ lạnh. Sau bài báo ca ngợi những đường nét văn hoa khắc trên mình
thuộc loại đẹp nhất nhì vùng Đông Nam châu Á, vài ba người làng có
văn hóa, hiểu biết chút ít bàn tán đôi điều rồi cũng lãng quên luôn. Thực ra,
người ta phải để tâm vào cày cấy, lo miếng cơm manh áo hàng ngày.
Không phải đến
bây giờ tôi mới được nghe những chuyện đầy màu sắc huyền thoại, cổ tích đó.
Ngay từ khi còn nhỏ, lúc gia đình tôi mới chuyển từ Hà Nội về quê, thì làng quê
đối với tôi còn là một thế giới lạ lẫm, hư ảo. Trong những đêm đông giá buốt,
cha tôi đã kể cho nghe những chuyện đó. Có lẽ, lúc đó, người lo sau này tôi lớn
lên sẽ chẳng biết gì về cội rễ của quê hương. Song bấy giờ, ngự trị trong tôi
chỉ có một nỗi sợ hãi. Nhiều đêm, tôi sợ sởn gai ốc, suốt đêm không dám ngủ, cứ
mở mắt nhìn chong chong lên mái nhà đen thẫm và tưởng tượng bên ngoài là cả một
thế giới yêu quái thần linh lẫn lộn nhau. Tôi sợ đến mức mót tiểu cũng không
dám đi, mà cũng chẳng dám gọi cha tôi đưa đi, vì lo người sẽ chê tôi nhát,
không xứng chí làm trai. Đến khi mót quá không chịu nổi tè ướt cả quần. Cũng có
lẽ thế mà những chuyện đó ngấm vào tôi tới mức nhiều khi tôi đã ngỡ mình sống ở
làng từ lâu lắm rồi, mặc dù tôi được sinh ra ở thành phố và cũng chỉ về làng quê
khi đến tuổi đi học.
Tàn đám giỗ,
tôi ra đồng thăm mộ cha tôi. Bao giờ cũng vậy, hễ có dịp về quê tôi đều viếng
thăm mộ người. Trong các câu chuyện vừa qua, mọi người cũng có nhắc đến cha
tôi, nhưng vì tôi có mặt ở đó nên người ta nể mà nói chệch đi. Thực ra, khi cha
tôi mất ở ngưỡng cửa của cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thì trong làng cũng có
kẻ bảo rằng, cha tôi chết bời không cúng lễ cô Yêu như trước đây ông tôi thường
làm. Họ có biết đâu, sinh thời, cha tôi không thạo tiếng Tàu, chữ Tây, thông tường
lịch sử, là một nhà kiến trúc, trở thành một trí thức yêu nước, cũng có lần người
từng nói là người không sợ thành hoàng, không sợ Sấm Đá. Đến quỷ quái như cô
Yêu cũng chẳng làm gì nổi người, bởi người đã từng vật lộn, đánh đu với cô Yêu
khi cô định trêu người bằng cách ngả một cây tre chắn ngang đường làng, để hễ
người bước qua thì nâng bổng lên, còn nếu người chui luồn bên dưới thì đè xuống.
Vậy đấy.
Dòng nhà tôi
là dòng trưởng, đến tôi là năm đời liền độc đinh. Người trong họ vẫn thường xem
dòng nhà tôi chỉ phát về đường quan lộc, có thể giàu sang lẫy lừng song phúc đức
lại không dày nen kém phần đa đinh phú túc. Đến như cha tôi, tung hoành, lẫy lừng
một thời, tưởng sẽ bay đến một miền đất xa xôi đầy danh vọng, nhưng rồi lại trở
về quê hương, sống nốt những năm tháng cuối đời trong cảnh túng thiếu vất vả và
nằm xuống vĩnh viễn ở nơi mình sinh ra.
Cha tôi bảo, cũng có lúc người định mang tài
năng của mình “đi đấm nước người”, khi có một nhà kiến trúc sư danh tiếng người
nước ngoài mời cha tôi sang Pháp, xứ sở của nhiều trường phái kiến trúc độc
đáo, song cha tôi một mực từ chối bởi bà nội tôi đã quả quyết không bao giờ rời
khỏi quê hương. Cha tôi vốn là người chí hiếu nên không nỡ bỏ mặc bà tôi một
mình mà đi. Dân làng thì lại nói, tất cả đều do thiên địa tù mù, làng tôi vốn ở
vùng đất có dáng con đò đứng bờ sông ngoảnh cổ lại nên người ta dù có đi đến
đâu, lúc về già hoặc trước khi chết cũng quay về cố hương. Nghe thì biết vậy.
Ai cũng bảo, cứ chiêm nghiệm xem sao.
Khi rời Hà Nội,
mang gia đình về quê sinh sống, cha tôi có ý thách thức số phận. Người chấp nhận
một cuộc sống chân tay vất vả, miễn sao con cái được học hành tử tế. Thế nhưng,
chị lớn tôi dù học rất giỏi đã phải bỏ dở chừng ở nhà làm ruộng giúp cha mẹ
nuôi các em. Chị kế tôi cố học đến lúc đỗ vào đại học có giấy gọi nhập trường gửi
về địa phương thì lại bị tay nhân viên bưu điện tâng công chuyển lén cho lão
phó chủ tịch phụ trách công an xã, ỉm đi. Một năm sau, do tình cờ gia đình tôi
biết được chuyện này. Người xưa từng dạy “trời đánh còn tránh miếng ăn” tàn nhẫn
thay, tin ấy lại đến đúng lúc cả nhà tôi đang ăn cơm. Cha tôi nghẹn nửa chừng
miếng cơm và ngả ngửa ra đằng sau. Có lẽ vì ức quá mà vẫn phải nín nhịn. Chị em
tôi xô vào vực dậy thì cha tôi choàng tỉnh, ngơ ngác rồi chợt nhớ ra. Người thở
dài bỏ bữa cơm ăn, lên giường nằm. Từ đó, cha tôi sinh kém ăn, kém ngủ, thân thể
tiều tụy dần song trí óc thì vẫn minh mẫn.
Từ khi cha tôi
ốm, tôi tìm cách ngủ riêng ra, mặc dù nhà tôi rất chật chội. Tôi lấy một cánh
phản mọt kê lên hai chồng gạch vỡ làm giường. Như thê được chừng nửa năm, một tối,
cũng vào dịp giỗ tổ, bỗng cha tôi gọi tôi sang ngủ cùng. Tôi ngây thơ ngủ ngon
lành bên người. Nửa đêm cha tôi lay tôi dậy và bảo “con cũng đã lớn rồi, gắng
mà học hành lập thân”. Tôi đáp “vâng” trong cơn ngái ngủ. Cha tôi lại bảo “Rồi
mai sau con sẽ thấy cuộc đời con người ta ngẳn ngủi chẳng là bao và những điều
mà mình xem là cao siêu đều trở nên bé nhỏ so với sự trường tồn của cuộc sống
những người dân bình thường, cứ lớp lớp theo nhau cần mẫn cấy cày trong mỗi
làng quê. Đó là một chân lý mà không phải dễ dàng nhận ra ngay được”. Rồi cha
tôi thở dài, người lần tìm tay tôi ấp ủ trong bàn tay lạnh giá của người. Nằm
im bên người, cũng như những đêm đông trước đây người kể chuyện, tôi cố huy động
trí óc non nớt của mình để mơ màng suy ngẫm những điều cha tôi vừa nói. Lúc đó
tôi không đủ để hiểu rằng, đấy chính là những điều cha tôi trăng trối lại và
chút hơi ấm cuối cùng từ thân thể người theo bàn tay giá lạnh truyền sang tôi
là sự toát dương để đi vào cõi vĩnh hằng. Hồi lâu, tôi ôm choàng và định rúc đầu
vào người tìm hơi ấm, thì thôi nhận thấy thân thể người đã lạnh ngắt, như đang
dần khô cứng. Tôi rùng mình giật tay ra, xong cha tôi đã nắm cứng lấy tay tôi.
Hoảng hốt, tôi hét toáng lên, rồi làng xóm đổ sang.
Lúc vừa thay
xong quần áo cho cha, tôi ngẩng nhìn lên, thấy đầy vườn, đầy sân, đầy ngõ những
ngọn đèn dầu hỏa nhập nhòa trong mưa phùn, thật giống hệt như ngày xưa tôi mường
tượng về một thế giới ma quái và thần thánh. Tôi bỏ ra ngồi im lặng một góc
nhà, cho đến lúc ai đó lay vai tôi, nhắc nhở tôi mọi công việc của người con
trai trưởng trong đám tang cha. Một người làng đứng sau hàng rào như bâng quơ
nói to “Ai rồi chết xuống đất cũng thành mà”. Tôi nghĩ, đi với ma cũng thế này.
Cha tôi nằm
đây, đầu quay về hướng bắc để mắt dõi hướng nam đón gió lành. Tôi nhớ lúc hạ
huyệt cha tôi, ông thầy địa lý đã nói thế. Tôi châm một bó nhang lớn cắm lên mộ
người và nghĩ lại những chuyện người kể, những điều tôi từng biết về người. Giờ
thì tất cả dồn hết về đây, một vuông cỏ biếc với mấy cụm hoa mào gà tím tái phơ
phớt trong gió đồng suốt bốn mùa…
Ôi chao, thấm
thoát tháng ngày, chẳng mấy chốc đầu tôi cũng sẽ lại điểm bạc. Nghĩ đến lúc
mình sẽ tan vào cõi mênh mông không để lại dấu vết gì, tôi đâm hoảng sợ, nhưng
rồi tôi bình tâm trở lại.
Lững thững đi
bộ ra bến xe về Hà Nội, đến trường cái quan, tôi ngoảnh nhìn lại phía mộ cha
tôi. Những đầu nhang cháy dở cứ hồng lên, còn tàn ngang thì bay tơi bời trong
gió mùa đông bắc đang gầm rít.
1991
Nhận xét
Đăng nhận xét