Văn xuôi Nguyễn Thành Long,


1. Lặng lẽ Sa pa

Thời hoa niên, đọc truyện ngắn Lặng lẽ Sa- pa của nhà văn Nguyễn Thành Long, tôi đã khóc, như sau đó tôi từng rưng rưng trước những trang văn trữ tình và giàu tính nhân văn của Pautôpxky và Aimatốp. Truyện Trời xanh mênh mông, Nguyễn Thành Long viết về chuyến đi thực tế của một nữ thi sĩ đến với một đơn vị hải quân đang canh giữ vùng biển, vùng trời ở vịnh Bắc Bộ, càng làm cho tôi thêm yêu mến công việc của họ. Tôi thầm mong được gặp ông, chí ít là để nói với ông rằng tôi say cái chất thơ trong những truyện ngắn của ông chừng nào...

Một lần, khi nói chuyện với nhà thơ Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn) tại sân 58 Quán Sứ, anh cho biết là anh và một vài người nữa đang định đến thăm nhà văn Nguyễn Thành Long và thế là tôi xin đi cùng. Nhà ông ở thuộc một biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp, chung với mấy gia đình khác, theo kiểu tập thể. Chật hẹp, tối tăm, chung đụng và dễ va chạm trong sinh hoạt là đặc điểm chung của hầu hết các khu tập thể cán bộ viên chức Hà Nội một thời. Bước qua đống gạch vụ ngổn ngang trước cổng số nhà 9 phố Dã Tượng, chúng tôi lần bước theo chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp lên tầng hai. Bà Nguyệt, vợ ông và một cô con gái của ông cũng có nhà. Nhà văn đã quá yếu sau gần 3 năm ốm liệt giường, nhưng để tỏ lòng mến khách, ông nhờ vợ đỡ cố ngồi dậy. Trong số những người đến thăm ông hôm ấy chỉ có tôi là lạ, nên ông hỏi tên tôi trước rồi mới hỏi thăm sức khỏe gia đình từng người. Một lượt như thế, ông mệt quá thở dốc, nhờ vợ đỡ nằm xuống. Tôi nhìn chăm chăm vào thân hình nhỏ thó xanh trong xanh bóng vì ốm lâu ngày và cớm nắng của ông mà thầm hỏi, cái duyên đằm thắm và chất thơ bay bổng mượt mà trong mỗi trang văn của ông ẩn chứa nơi nào ?...


Qua chuyện trò với vợ ông, mọi người được biết là chính cái đống gạch vụn ngổn ngang nơi cổng số 9 Dã Tượng kia là của gia đình ông. Đúng ra là, nhà ông và vài ba nhà khác hiện đang sống chung số nhà 9 Dã Tượng đã cùng nhau xây mỗi nhà một gian bếp con con dưới sân ngôi biệt thự ngay giáp với mặt đường, việc này bị xem là vi phạm nên Đội quy tắc quận dỡ bỏ. Ông nằm nghe mọi người nói chuyện căn bếp, chỉ lặng lẽ đưa mắt hết nhìn người này sang người khác, tuyệt nhiên không tham gia. Mấy hôm sau sẽ diễn ra Đại hội nhà văn, mấy anh đi cùng muốn nhà văn Nguyễn Thành Long đến dự, bởi các anh hiểu, rất có thể đối với ông thì đó là Đại hội nhà văn cuối cùng, bèn đùa bảo: “Anh cố tới dự. Nếu Hội nhà văn thiếu xe đến đón thì bọn em đưa anh đi bằng xe đạp. (vỗ vai tôi) Chú này đây còn trẻ khỏe, lại có xe Phượng Hoàng chắc, bọn em sẽ nhờ chú ấy giúp một tay, thế nào cũng thồ bác đến Đại hội được..”. Ông cười, nhìn mọi người với vẻ biết ơn...

Lẽ dĩ nhiên, tôi không phải giúp mấy anh ấy đưa nhà văn Nguyễn Thành Long bằng xe đạp, bởi Hội nhà văn rất quan tâm, trân trọng dành hẳn một chiếc ô tô chuyên đưa đón nhà văn Nguyễn Thành Long và một số văn nghệ sĩ khác già yếu suốt mấy ngày Đại hội. Sau lần ấy, tôi cùng đồng nghiệp còn trở lại nhà ông vài lần nữa, và tất nhiên không phải chuyện văn chương, mà là chuyện xung quanh căn bếp. Thực tình chuyện đơn giản song xét về lý tình thì khó xử. Nguyên gia đình nhà văn Nguyễn Thành Long cùng nhiều gia đình khác sống chung trong ngôi biệt thự thời Tây, hầu hết các nhà đều không có bếp riêng, mà phải đun nấu ngay phòng ở. Cảnh ấy thật bức bối khi ông ốm liệt giường hàng mấy năm trời, mà quanh năm suốt tháng, ngày vài ba lần phải ngửi mùi bếp dầu. Bà vợ và cô con gái thương ông quá, nên mới có chuyện cùng vài nhà khác cơi nới thêm căn bếp dưới sân chung giáp cổng. Nhà có, nhà không, sinh chuyện kiện tụng, vì thế Đội quy tắc buộc phải dỡ bỏ nhất là khi ấy thành phố còn chưa có phong trào nhà cơi nới, trổ cửa ra đường như sau này, nên sự việc thường thành chuyện vi phạm nghiêm trọng làm vậy. 

Một lần, chỉ có mình tôi với ông, nhà văn Nguyễn Thành Long bảo tôi, bằng giọng chân tình gần như thì thầm và đứt đoạn: “Nghe nói, em có viết văn... Hay lắm... nhưng khó lắm thay... Chân tình là điều cốt lõi... Còn chuyện căn bếp... Mình biết bà ấy thương mình nên mới làm thế... nhưng mà không sao, mình quen rồi... với lại, việc nước, việc xã hội thì phải lấy làm trọng... Nếu sai thì thôi... phải biết chấp hành pháp luật chứ... đúng không em?...”. Tôi rưng rưng xúc động trước sự chân thực, trong sáng của ông, và chỉ dám chạm nhẹ bàn tay mình vào cẳng tay gầy tóp, xương xẩu của ông, để bày tỏ sự đồng tình và lòng biết ơn, cảm phục!...

Rồi mọi chuyện qua đi. Sau một chuyến đi công tác dài ngày trở về Hà Nội, tôi được biết nhà văn Nguyễn Thành Long đã mất. Tôi tiếc không được tiễn biệt ông tới nơi an nghỉ cuối cùng. Chẳng biết ông có về chốn Lặng lẽ Sa Pa của ông không?...

2. Hiện thực Sa pa & Lý Sơn mùa tỏi

Ngày còn đi học, tôi cảm nhận địa danh Sa-pa thật xa xôi, lãng mạn và đầy chất sách vở, ấy là sự ảnh hưởng bởi truyện ngắn " Lặng lẽ Sa-pa " của nhà văn Nguyễn Thành Long. Cái bầu không khí se lặng và sương khói hư ảo của dãy Hoàng Liên Sơn; cái lạ lẫm kỳ bí của đời sống các dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây; và thêm, sự nhiệt tình tận tâm với công việc của những con người miền xuôi lên đây, tất cả làm nên sự lôi cuốn, hấp dẫn của thiên truyện. Cái truyện ngắn ấy của Nguyễn Thành Long càng về sau càng trở nên nổi tiếng, thành tác phẩm kinh điển để các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học ở xứ ta đưa vào giảng dạy trong hệ thống văn học nhà trường, trong các khóa học dài hạn, hoặc lớp bồi dưỡng viết văn ở xưa ta...

Với riêng tôi, Lặng lẽ Sa-pa không ngoại lệ, và tôi cũng ao ước được đặt chân đến Sa-pa. Hơn thế nữa, được gặp gỡ hỏi chuyên nhà văn Nguyễn Thành Long, trong một hoàn cảnh trớ trêu như tôi đã nói ở trên. Bằng chất giọng  Quảng Ngãi đặc sệt, tuy hơi khó nghe song nhỏ nhẹ thân thương, ông chỉ chen vào khi cần thiết trong câu chuyện của chúng tôi với bà Nguyệt, vợ ông. Thực ra, khi ấy, tôi và đồng nghiệp là những người được nhà văn Đặng Quang Tình ( khi đó là Trưởng ban Ban thính giả của VOV ), theo chỉ đạo của nhà văn Phan Quang, Tổng giám đốc VOV, cử đến nhà ông để hỏi chuyện, tìm hiểu thực tế, tìm cách giúp đỡ gia đình ông. Giờ thì là câu chuyện của cái lý, cái tình... Lẽ đương nhiên, được cả lý cả tình là tốt nhất, còn không, thì phải để cái lý thắng cuộc. Cũng trao đi đổi lại, song việc của gia đình ông lại thuộc về cái tình, rốt cuộc, cũng không thể làm gì khác được...

Còn Sa pa, mùa hè năm 2004 tôi mới lần đầu đặt chân đến. Lần đầu, lạ lẫm, thích thú, chộn rộn, nên ham nhìn, ham biết, song chẳng mấy nhớ... Sau này, tôi chỉ còn ấn tượng về ngôi nhà thờ cổ nơi trung tâm thị trấn trầm lặng trong cái lạnh và sương mù; rồi đó là những câu chuyện hóm hỉnh về chuyện sinh con đẻ cái và những bài thơ ngơ ngác, ngộ nghĩnh của nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà, người Mông, Trưởng phòng VHTT huyện Sa pa; rồi nữa là hai cô gái phóng viên trẻ trung xinh đẹp của VOV Tây Bắc, áo đỏ chói, đèo nhau bằng xe máy đổ dốc diệu nghệ theo các con dốc ngoằn ngoèo, cua tay áo từ Sa pa về thị xã Lào Cai trong trời mưa to đường trơn nhẫy...

Sau đó, thêm vài lần nữa tôi trở lại với Lào Cai và Sa-pa, song trong điều kiện công việc vội vàng. Nay mới trở lại Sa-pa thư thả hơn. May mắn được mấy ngày nắng đẹp xen kẽ giữa những đợt mưa triền miên do ảnh hưởng tư cơn bão số 9 đổ vào miền nam Trung quốc và cơn bão số 10 đang lăm le ngoài khơi miền Trung... Giờ thì nhà cửa đẹp đẽ khang trang hơn, nhiều khách sạn to nhỏ mọc lên, khách du lịch đông hơn, dịch vụ ăn uống cũng đầy đủ, sang trọng hơn. Ấn tượng nhất là những quán cafe Wifi theo kiểu Tây, na ná kiểu quán cafe phố nhỏ, thị trấn nhỏ ở phương Tây mà tôi từng thấy trong các chuyến công du nước ngoài. Lẽ dĩ nhiên, thoạt đầu là để phục vụ khách Tây, rồi đó, nó cũng phù hợp với nét sinh hoạt mới của giới chủ, giới trẻ xứ ta... Rồi đó, món ăn cá hồi sống kiểu Tây ( loại cá hồi được nuôi ngay tại Sa pa )... Nét văn hóa Tây pha trộn, song cơ bản vẫn là văn hóa bản địa của người Mông, người Tày Nùng, người Giáy... Cũng không thể không nhắc đến những phiên chợ Tình Sa pa tụ họp thường xuyên vào tối thứ bảy hằng tuần ngay trung tâm trước của nhà thờ cổ. Thay vì, chỉ thuần các cặp trai gái người dân tộc thủ thỉ bên nhau, còn có thêm các cặp gái Mông trai Tây thủ thỉ với nhau bằng tiếng Anh...

Ôi, một Sa pa vừa lạ vừa quen của thời mở cửa... Bầu trời trong đầy sao, phảng phất trong gió lạnh buổi khuya mùi ngô khoai nướng, trứng nướng, mùi thuốc tắm thảo mộc từ hai bên đường lan tỏa... Xa xa kia bên hổ nước, một cặp nam nữ đang đi nép bên nhau...

Lòng lại nhớ đến bầu không gian huyền hoặc của một Sa pa trong truyện ngắn " Lặng lẽ Sa-pa " của nhà văn Nguyễn Thành Long, nhớ đến từng chi tiết của câu chuyện, nhất là trạng thái hân hoan của chàng trai ở Trạm thủy văn, nhân vật chính, dùng thủ thuật lăn đá chặng đường ô tô, chỉ với mục đích dừng xe khách, để được nhìn thấy, được nói chuyện với khách miền xuôi của một thời khao khát, mộng mơ...

Với nhà văn Nguyễn Thành Long, Sa pa khiến ông thành danh, vậy còn Lý Sơn thì sao ?

Ông quê  Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc và trở thành nhà văn. Mặc dù, những truyện ông viết về miền Bắc ( cứ coi là quê hương thứ hai của ông đi ) đều đẹp và đậm chất thơ ( như : Lặng lẽ Sa pa, Trời xanh mênh mông... ), song trong ông vẫn đau đáu một nỗi niềm quê hương bản quán. Và điều đó, chỉ biến thành hiện thực khi giải phóng miền Nam, ông được về thăm lại quê hương Quảng Ngãi, được ra đảo Lý Sơn... Sau chuyến về quê ấy, ông cho ra đời tập sách “ Lý Sơn mùa tỏi “. Thực lòng mà nói, mặc dù nặng lòng với quê, nhưng về bút pháp và giá trị văn chương, theo tôi, “ Lý Sơn mùa tỏi “ không bằng những tác phẩm trước ông viết về miền Bắc. Phải chăng, với Lý Sơn, Quảng Ngãi, mảnh đất cha sinh mẹ đẻ, ông đã quá quen thuộc, nên khi chấp bút, ông sa vào tả thực, thấy sao viết vậy, như để thỏa nỗi nhớ mong những năm tháng ngày Bắc đêm Nam, nên nó mất đi chất thơ mộng, một thế mạnh vốn có của ông.

Song, khi tước bỏ bút pháp giàu chất thơ, Nguyễn Thành Long không còn là chính mình nữa. Người đọc, không bị ông dẫn dụ vào mê cung của mình, không còn bị cuốn theo cảm xúc thơ trong mỗi câu văn, trong từng tình tiết truyện từng làm nên không gian ảo mộng trong mỗi truyện ngắn trước đây của mình... Ngỡ như có một Nguyễn Thành Long khác vậy ...

Mùa hè vừa rồi, lần đầu tôi ra Lý Sơn trong đoàn công tác của VOV, mang quỹ ra đảo hỗ trợ cho tập đoàn nghề cá của đảo thuộc chương trình giúp ngư dân nơi đây vươn khơi, bám biển. Hình ảnh ví von của một phóng viên Đài Phát thanh truyền hình Quảng Ngãi trong các phóng sự của mình, rằng mỗi con tàu ngư dân trên biển Đông như những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng và sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc trên biển, cứ ám ảnh tôi. Điều ấy, khiến tôi mường tượng, cả đảo Lý Sơn này là một con tàu lớn kiêu hãnh thả neo giữa trùng khơi. Và mỗi nhánh tỏi mồ côi lớn lên trong cát dâng hương vị cay nồng như mỗi con người bám trụ nơi đây...

Và như vậy, Lý Sơn mùa tỏi, có giá trị riêng của nó...

2013 

Nhận xét