Hoa Thanh Cung, luyến giấc mộng ngàn xưa,


Mùa thu năm 2008, trong một khóa học tại Trung Quốc, đoàn chúng tôi được phía bạn bố trí đi thực tập tại Thiểm Tây một tuần. Chương trình tham quan học tập chủ yếu ở thủ phủ Tây An và khu lân cận, trong đó có đến thăm Bảo tàng Binh mã dũng (khu mộ Tần Thủy Hoàng) và Hoa Thanh cung (di tích về chuyện tình lịch sử của vua Đường Huyền Tông và Dương Quí Phi, một trong Tứ đại mỹ nhân cổ kim Trung Hoa )...

Di tích còn lại của Hoa Thanh cung là Hoa Thanh trì (hồ Thanh Hoa), Lầu hong tóc của Dương Quý Phi, thư pháp cổ, ba cây lựu cổ và một số công trình khác, đặc biệt, là hệ thống bồn tắm của vua Đường và Dương Quý Phi... Sau này, tôi có viết một truyện ngắn mang tên Mỹ nhân mộng là lấy cảm hứng chuyến thăm ấy. Riêng về Hoa Thanh cung và câu chuyện tình thiên thu Đường Minh Hoàng (tức vua Đường Huyền Tông)-Dương Quý Phi, xưa nay, là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao văn nhân, thi sĩ Trung Hoa. Ngay đời Đường, các nhà thơ lớn thời ấy (Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục, Thôi Lỗ,...) cũng đã không tiếc lời ngợi ca, luyến tiếc, hay ai oán thay cho chuyện tình nổi tiếng này ...

Bài thơ Hoa Thanh cung ( kỳ 1 ) của Thôi Lỗ là một trong số đó...


Về thân thế, sự nghiệp văn chương, có tài liệu cho biết, Thôi Lỗ (崔櫓), không rõ năm sinh năm mất, đỗ tiến sĩ vào niên hiệu Đại Trung đời Đường Tuyên Tông (cũng có tài liệu cho là vào niên hiệu Quảng Minh đời Đường Hy Tông). Ông làm quan đến chức Tư mã Đại Châu. Tác phẩm có "Vô cơ tập" (無機集) gồm 4 quyển. Thơ Thôi Lỗ đến ngày nay chỉ còn 16 bài.

Theo tôi, bài thơ Hoa Thanh cung ( kỳ 1 ), như một tiếc thở dài của Thôi Lỗ đầy luyến tiếc giấc mộng ngàn xưa...

@ Bản chữ Hán

華清宮 (其一)

草遮回磴絕鳴鑾,
雲樹深深碧殿寒。
明月自來還自去,
更無人倚玉欗干。

@ Bản âm Hán Việt:

Thanh Hoa cung

Thảo già hồi đắng tuyệt minh loan,
Vân thụ sâm sâm bích điện hàn.
Minh nguyệt tự lai hoàn tự khứ,
Cánh vô nhân ỷ ngọc lan can.

@ Dịch nghĩa:

Cỏ leo mèo lốc, bặt tiếng chuông,
Mây cùng cây cối khỏa lấp bích điện lạnh lẽo.
Ánh trăng tự mình lặng sáng rồi lặng tắt,
Chẳng còn thấy người tựa lan can ngọc.



@ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

Cỏ che bậc đá, bặt chuông ngân
Cây phủ mây che điện lạnh tàn
Lặng lẽ trăng lên rồi tự lặn
Chẳng còn người đứng tựa lan can.
( Trần Mỹ Giống dịch )

Lầu hoang chuông bặt phủ già nam
Điện biếc lạnh lùng bóng tối tràn
Vò võ trăng nhô trăng tự lánh
Đâu còn dáng ngọc tựa lan can.
( Trần Khẩu dịch )

Vắng chuông, bậc đá cỏ che dày
Cung biếc lạnh lùng rợp bóng cây
Trăng sáng tự lên rồi tự khuất
Lan can người tựa chẳng còn đây!
( Nguyễn Hữu Thăng dịch )

Cỏ khô mốc, đắng, hết hân hoan
Mây phủ hàng cây, lạnh điện tàn
Trăng sáng đêm nay đâu còn nữa
Để người thục nữ tựa lan can.
( Hương Đất Bãi dịch )


Cỏ lan lấp kín vết xe loan
Cây cối tùm lum điện héo tàn
Trăng đến, trăng đi trăng biết vậy
Hỡi đâu người tựa ngọc lan can.
( Đỗ Xuân Đào dịch )

Cỏ lan, dây phủ, chuông lặng ngắt
Mây trùm, cây lấp, bích điện mờ
Vầng trăng chợt sáng rồi chợt tắt
Chẳng còn bóng ngọc dựa thềm xưa.
( Hoa Mai dịch )

Bìm leo cỏ phủ tiếng chuông đâu
Cây xõa mây vươn bích điện sầu
Thỏ lặn trăng treo tàn cỏi mộng
Người xưa biền biệt vắng cô lầu.
( Sáu Miệt Vườn dịch )

Cỏ tràn bậc đá, lặng chuông loan
Lá rợp, mây u, bích điện tàn
Nguyệt lặng gieo ngà rồi lặng tắt
Không còn người tựa ngọc lan can.
( Phan Lan Hoa dịch )

Cây trùm, điện vắng tiếng chuông đưa      
Lạnh lẽo mây giăng, cỏ mọc bừa
Bóng nguyệt âm thầm rồi lặng khuất
Đâu rồi dáng ngọc tựa lầu xưa?
( Thái Xuân Nguyên dịch )

Lối xưa chuông vắng phủ rêu dầy
Bích điện lạnh buồn ủ cỏ cây
Trăng sáng dâng sầu rồi chợt tắt
Dáng ngọc giờ đây khuất vào mây..,

( Lê Hà Ngân dịch )

2015

Nhận xét