Lương Châu từ - Khúc bi tráng về chiến tranh,



Trong số các nhà thơ đời Đường họ Vương ( Vương Duy, Vương Xương Linh, Vương Bột, Vương Chị Hoán, Vương Loan, Vương Kiến, Vương Tích, Vương Hàn ), thì Vương Hàn gần như kém nổi tiếng hơn .
          Thơ của Vương Hàn, cho đến nay, các sách về Đường Thi, chỉ thấy có duy nhất một bài, ấy là Lương Châu từ ( có sách chép lLương Châu khúc ). Bài thơ này, xét về độ nổi tiếng, không kém gì những bài thơ Đường bất hủ khác như : Tương Tiến tửu, Tĩnh dạ tư - ( Lý Bạch ), Trường Hận ca- ( Bạch Cư Dị ), Hoàng Hạc lâu- ( Thôi Hiệu ), Đằng Vương các- (Vương Bột ), Xuân hiểu- ( Mạnh Hạo Nhiên ), Phong Kiều dạ bạc- (Trương Kế ), Hồi hương ngẫu thư - ( Hạ Tri Chương), Điểu minh giản- ( Vương Duy), Kim lũ y- (Đỗ Thu Nương )… v.v…
          Vương Hàn ( theo sách Đường Thi tam bách thủ của Hành Đường Thoái Sĩ ), không rõ năm sinh và năm mất, có tên chữ là Tử Vũ, người Tinh Châu Tấn Dương, làm quan giữ chức Thứ sử Nhữ Dương, sau triều đình điều đi làm Hóa Châu Biệt Giá.
          Lương Châu từ của Vương Hàn, diễn tả tâm tình của tướng sĩ nơi chiến trận. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu về Đường Thi, xưa nay, ngoài nội dung hàm chứa, về âm điệu Hán Việt thì tuyệt hay ( khi ngâm vịnh, hoặc đọc lên ).

@ Bản chữ Hán:

涼州詞其一         

葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催。
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回。    

@ Bản âm Hán Việt:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.        
   
@ Chú giải:
Lương Châu ( được nhà Hán đổi tên từ Ung Châu )- là vùng đất nằm giữa Lan Châu và Uy Vũ ( nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Hoa ). Xưa kia, vùng đất này luôn là chiến trường, bởi những cuộc xung đột tranh chấp lẫn nhau liên miên giữa nhà Hán và người Hồ ( rợ Hồ - chỉ một số bộ lạc ở phía tây bắc Trung nguyên ).
         
          @ Dịch nghĩa :
                  
          Rượu ngon được uống bằng chén quý dạ quang
          Còn chưa kịp thưởng thức thì tiếng tỳ bà đã giục giã lên ngựa.
          Kệ, uống cái đã, say kềnh ra bãi cát chiến trường, mặc ai cười chê
          Bởi xưa nay, đi chiến trận, còn được mấy người sống sót trở về đâu.
    
          Bản dịch thơ của học giả Trần Trọng Kim :

          Rượu nho kèo chén lưu ly
          Uống thì trên ngựa tiếng tỳ giục sôi
          Say nằm bãi cát chớ cười
          Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về.

          Bản dịch của nhà thơ Ngô Văn Phú :

          Bồ đào rượu chát, chén lưu ly
          Lên ngựa, tỳ bà giục giã đi
          Say ngủ sa trường, cười chớ vội
          Xưa nay chinh chiến mấy ai về .

          Ngẫm bài thơ. Vương Hàn đã mượn chuyện say rượu nơi chiến trường, để mà diễn tả nỗi niềm tâm sự của quân sĩ phải tham gia chiến trận. Lịch sử Trung Hoa từ cổ đại, là lịch sử của chiến tranh liên miên, hết triều đại này qua triều đại khác (  lập quốc; thay đổi triều đại cai trị; chống ngoại xâm từ phía các bộ tộc nhỏ từ phương bắc, tây bắc ; xung đột từ các tập đoàn phong kiến cát cứ, rồi xung đột sắc tộc, tôn giáo đủ kiểu …). Trước nhà Đường, Trung Hoa trải qua mấy cuộc chiến tranh lớn ( điển hình là thời Tam Quốc, hơn trăm năm ; thời Hậu Tấn ; loạn Nam-Bắc Triều gần hai trăm năm). Đất nước kiệt quệ, người lính bỏ mạng nơi chiến trận, có thể nói là  "xương chất thành núi, máu chảy thành sông” )…Vậy thì, đã mang tiếng là nam tử hán đại trượng phu, chinh chiến, chết chóc đâu có sá gì… cho nên, có rượu ngon cứ uống thôi, chết còn chẳng sợ, sợ chi tiếng cười chê …?
          Đấy là ý thực của bài thơ. Song bao trùm lên, là ý thức phản kháng chiến tranh, là tiếng kêu gọi hòa bình…để người dân có cuộc sống yên lành. Bài thơ, từ khoảng một nghìn năm trăm năm trước, đặt trong một không gian bi tráng, và đích thị, đó là khúc ca bi tráng ( không chút bi lụy ). Nó đằm lại ở câu kết, tuyệt bút - " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi "- có sức lay động và thức tỉnh con người !
          Và như thế, ấy là triết lý nhân văn !...
         
          @ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

Rượu quý uống bằng chén dạ quang
Dở dang đàn đã giục lên đàng
Sa trường say ngủ, cười chê- Mặc!
Chiến trận thấy ai mấy vẹn toàn?
( Đặng Đình Nguyễn dịch )

Mới rót rượu đào chén dạ quang
Tì bà đã giục bước lên đàng
Cứ uống, say kềnh, ai cười mặc
Chắc gì trở lại vắng màu tang
( Nguyễn Xuân Sinh dịch ).

Bồ đào rượu quý chén dạ quang,
Nhấp môi, tì bà giục lên đàng
Thây kệ, cứ say, ai cười trách
Xưa nay, chiến trận mấy bình an.

( Nguyễn Chu Nhạc dịch ).

2013

Nhận xét