Đỗ Phủ & thơ tuyệt cú,



Theo sử sách, thì "Tuyệt cú" là tên một thể loại Thơ cổ Trung Hoa có từ thời Lục Triều (439-581), song phải đến đời Đường, nhất là giai đoạn niên hiệu Khai Nguyên-Thiên Bảo (712-756) triều Đường Huyền Tông thì Tuyệt cú Đường thi mới đạt đỉnh cao... Lý giải, "tuyệt" có nghĩa là "dứt" dùng để đối lập với chữ "liên" (liền). Tuyệt cú gồm các loại thơ ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn 4 câu tạo thành 1 bài,...

Đỗ Phủ có cả thảy 4 bài Tuyệt cú. Bài tuyệt cú của Đỗ Phủ hay được người đời nhắc đến là Tuyệt cú kỳ 3  "Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu/ Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên...",

Còn sau đây là Tuyệt cú kỳ 2. Riêng tôi, thích bài kỳ 2 hơn. Tuy ý tứ không bao la, câu chữ không diễm lệ như bài kỳ 3, song màu sắc ấn tượng không kém, và đặc biệt câu kết "Hà nhật thị quy niên?" ẩn chứa cái tình riêng, cũng là nỗi hoài hương của tác giả....

@ Bản chữ Hán:

絕句 (二首其二)

江碧鳥逾白,
山青花欲燃。
今春看又過,
何日是歸年?

          @ Bản âm Hán Việt:

Tuyệt cú (nhị thủ kỳ 2)

Giang bích điểu du bạch,
Sơn thanh hoa dục nhiên.
Kim xuân khan hựu quá,
Hà nhật thị quy niên?

          @ Dịch nghĩa:

Sông biếc như ngọc, chim bay trắng trời,
Núi xanh, hoa nở đỏ như lửa cháy
Cảnh xuân tươi này rồi sẽ trôi qua,
(Còn ta) thì bao lâu nữa được trở về ?

@ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

Sông xanh tựa ngọc trắng chim trời
Núi thắm hoa càng rực rỡ tươi
Ngắm cảnh xuân trôi ta tự hỏi
Khi nao mới trở lại quê chơi?
( Đỗ Xuân Đào dịch )

Sông xanh soi trắng bóng chim bay
Núi biếc hoa cười đỏ hây hây
Cảnh Xuân rồi sẽ trôi qua mất
Tự hỏi bao giờ về quê đây ?!
( Hoa Mai dịch )

Chim trắng bay, sông biếc
Hoa đỏ lửa, núi xanh
Cảnh xuân rồi qua chóng
Mộng về năm nào thành?
( Trần Mỹ Giống dịch )

Sóng biếc trường giang chim trắng lượn
Núi xanh hoa thắm ngỡ lửa hồng
Cảnh xuân chẳng thể còn muôn thuở
Thân mình day dứt nỗi tha hương !
( Kiều Thiện dịch )

Sông biếc soi chim trắng
Non xanh rực đỏ hoa
Xuân tươi rồi lại héo
Biệt xứ nhớ quê nhà.
( Sáu Miệt Vườn dịch )

Sông biếc như ngọc chim trắng bay
Núi xanh hoa đốt lửa phơi bày
Cảnh xuân rồi cũng trôi qua mất
Xa xứ bao giờ trở lại đây?
( Miền Mây Trắng dịch )

Nước trong chim đậu trắng bờ
Núi xanh hoa chực nở chờ gió lên
Xuân sau chẳng hẹn vẫn nên
Hẹn người biết đến bao phen mới về ?
( Khuyết danh )

1.
Sông biếc chim bay lượn trắng trời,
Núi xanh, hoa cháy lửa vừa cơi
Cảnh xuân tươi thắm rồi sẽ mất,
Bao năm ta trở lại hỡi người ?

2.
Sông biếc chim bay trắng,
Núi xanh, hoa đỏ thay
Xuân thắm rồi cũng mất,
Bao giờ được hồi đây ?


( Nguyễn Chu Nhạc dịch )

2015

Nhận xét