Thiên chức,


Tình cờ, tôi xem một phóng sự về thiên nhiên hoang dã trên truyền hình, nói về loài chim tu hú.  Câu thơ “ Khi con tu hú gọi bầy / Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần...” của Tố Hữu, gợi lên bao cảm giác thân thương về những mùa hè vái chín, mùa thi học trò trong ký ức một thời ...

Vậy mà,  tiếng chim gọi mùa thân thương ấy, lại là tiếng kêu của một loài chim, nếu đem ra mà phân tích từ góc độ khoa học đặc trưng loài trong sự sinh tồn của thiên nhiên hoang dã, lại rất chi là vô duyên...

Tôi dùng từ “ vô duyên “, thực ra chỉ là một cách nói theo kiểu tu từ mà thôi.  Chim tu hú sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã như thế nào, thực ra, đã được gói gọn trong câu tục ngữ của người xưa, ấy là “ tu hú đẻ nhờ “...

Chim tu hú, có tên khoa học là Endynamis scolopacea, chuyên ăn sâu bọ, kể cả những loài sâu bọ có độc tố cao, và ăn các loại quả chín hoang dại. Nếu chỉ có vậy, hẳn nó sẽ là loài chim vô hại, thậm chí đáng yêu. Song cái đáng bàn là đặc tính “ đẻ nhờ “ của nó. Để thực hiện được việc này, chim trống phải rình mò, rồi đánh lạc hướng và canh cho con mái thực hiện hành vi đẻ nhờ. Thường chúng chọn tổ làm sẵn của các loại chim chích, chim sâu nhỏ bé và hiền lành. Con mái có thể rỉa ăn trứng của chim chích rồi đẻ trứng của nó vào đấy. Về hình thù và kích cỡ bên ngoài, trứng của chúng na ná nhau, nên chim chích bố mẹ không thể phát hiện ra được trứng lạ. Thời gian nở cũng cỡ gần nhau, thậm chí trứng tu hú còn nở trước. Khi chim tu hú non mới nở ra, nó có thể đủ sức gồng mình để hất những quả trứng chim chích chưa kịp nở, hoặc cả chim chích non nếu nở cùng, bắn tung ra khỏi tổ rơi xuống đất. Vậy là tu hú non độc chiếm sự nuôi dưỡng của chim chích bố mẹ để lớn nhanh như thổi. Trong khi đó, đôi chim chích bố mẹ cứ hằng ngày cần mẫn kiếm tìm sâu bọ tha về mớm nuôi những con tu hú non, kẻ đã giết chết những con đẻ của mình...

Câu hỏi đặt ra là, khi còn là trứng, hoặc còn là chim non mới nở, chim chích bố mẹ không phát hiện ra kẻ giả danh, song khi tu hú non lớn hơn, mọc lông cánh, có kích cỡ to lớn chim chích bố mẹ đến mấy lần, chẳng lẽ chúng lại không phát hiện ra chăng, mà lại cứ mù quáng chăm bẵm ?... Câu trả lời nhường về thuộc tính thiên nhiên, ấy là thiên chức là cha làm mẹ của phần sinh vật, giống nòi trên trái đất này...

Con người cùng vậy. Cha mẹ sinh con đẻ cái, là thiên chức, nuôi dạy con cái lớn lên là thiên chức... Và cũng có những đứa trẻ sau này lớn lên sinh hư hỏng, thành kẻ thủ ác, phạm tội bất lương... Có cha mẹ nào lại muốn con như vậy... Đã có những bậc cha mẹ, khi đứa con minh mang nặng đẻ đau, dầy công nuôi dưỡng, vun đắp, sau này trở thành kẻ bất lương, thủ ác.  đã đau đớn mà than rằng “ biết thế này, tao bóp chết mày từ trong trứng, từ lúc còn đỏ hỏn “...

Là than vậy thôi, khi người ta bất lực, không thể làm gì khác, chứ nếu cho làm lại, tin rằng, sẽ chẳng một ai đang tay...

Là bởi thiên chức, hay niềm hy vọng vào sự tốt lành chăng...?

2014

Nhận xét