Cuộc đời là giấc mộng lớn.


Cuộc đời là giấc mộng lớn ( Lý Bạch )



1. Xuân nhật túy khởi ngôn chí

Đây là bài thơ thuộc diện hay nhất của Lý Bạch, đời Đường (Trung Quốc). Với hết thảy những ai yêu thơ Đường đều biết đến bài thơ này. Bài thơ nổi tiếng không chỉ bởi nó là một trong các bài thơ Lý Bạch viết về rượu, hoặc viết trong các trận say triền miên của cuộc đời ông, mà còn bởi, nó bộc lộ nhân sinh quan của Lý Bạch.

@ Nguyên tác  chữ Hán :

春日醉起言志

處世若大夢,
胡爲勞其生。
所以終日醉,
頹然臥前楹。
覺來 庭前,
一鳥花間鳴。
借問此何日,
春風語流鶯。
感之欲歎息,
對酒還自傾。
浩歌待明月,
曲盡已忘情。   

@ Bản âm Hán Việt:

Xuân nhật túy khởi ngôn chí

Xử thế nhược đại mộng.
Hồ vi lao kỳ sinh?
Sở dĩ chung nhật túy.
Đồi nhiên ngọa tiền doanh.
Giác lai “phán“ đình tiền.
Nhất điểu hoa gian minh.
Tá vấn thử hà nhật?
Xuân phong ngữ lưu oanh.
Cảm chi dục thán tức,
Đối tửu hoàn tự khuynh.
Hạo ca đãi minh nguyệt.
Khúc tận dĩ vong tình.   


@ Dịch nghĩa :

Ngày xuân say rượu tỉnh dậy tỏ chí mình

Ở trên đời giống như trong giấc mộng lớn.
Làm chi cho vất vả thân mình.
Cho nên suốt ngày ta say sưa,
Nằm lăn quay ra ngủ trước hiên.
Lúc tỉnh dậy ngó ra phía trước sân,
Thấy một con chim hót trong khóm hoa.
Những muốn hỏi người ta, hôm nay là ngày gì,
Mà con chim oanh bay chuyền học nói trong gió xuân?
Xúc cảm trước cảnh ấy, ta muốn thở than.
Đối cảnh ấy ta tự nghiêng bầu rượu.
Cất tiếng ca vang, đợi chờ trăng sáng.
Ca hát xong, ta quên cả mối buồn tình cũ.

@ Bản dịch thơ của Tản Đà:

Ở đời như giấc chiêm bao
Cái thân còn đó, lao đao làm gì?
Cho nên suốt buổi say lì,
Nằm lăn trước cột, biết gì có ta.
Tỉnh thôi đưa mắt sân nhà.
Một con chim hót bên hoa ngọt ngào.
Hỏi xem: nay đó ngày nào?
Ngày xuân gió mát, vui chào tiếng oanh.
Ngậm ngùi cám cảnh sinh tình,
Nghiêng bầu, mình lại với mình làm vui.
Hát ran, chờ tấm trăng soi,
Thoạt xong câu hát thời rồi đã quên.


@ Bản dịch thơ của Ngô Tất Tố :

Ở đời như giấc chiêm bao
Làm chi mà phải lao đao cho đời?
Vậy nên say suốt hôm mai,
Bên cây cột trước, nằm dài khểnh chân
Tỉnh rồi, chợt ngó trước sân
Tiếng chim đâu đã nghe gần trong hoa
Ngày chi ? Thử hỏi cho ra,
Gió xuân đương giục oanh già véo von
Cảm thương, lòng những bồn chồn
Đoái thương cảnh vật, giốc luôn chén quỳnh
Hát ngao chờ bóng trăng thanh
Lời ca chưa hết, mối tình đã quên.

Ở đây, chỉ dẫn ra bản dịch của Tản Đà, Ngô Tất Tố, là những người giỏi Hán Nôm và am tường về thơ Đường. Điều tôi muốn bàn là về dị bản, về các bản dịch khác, và những giai thoại, vấn đề liên quan đến bài thơ nổi tiếng này của Lý Bạch.

2. Bàn thêm về "Xuân nhật túy khởi ngôn chí" của Lý Bạch.

TUY NHIÊN, HÌNH NHƯ LÝ BẠCH ''NÓI '' VẬY MÀ LẠI KHÔNG HOÀN TOÀN LÀM VẬY(?) BẰNG CHỨNG: ĐƯỜNG THƯSỬ KÝ CÓ GHI LẠI NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRIỀU CHÍNH CỦA ÔNG. NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÓ ĐÔI LÚC CÓ TÁC ĐỘNG KHÁ RÕ RỆT TỚI HOÀNG ĐẾ ĐƯƠNG TRIỀU VÀ GIÚP CÂN BẰNG THẾ LỰC TRONG ĐỘI NGŨ ĐẠI THẦN! HÌNH NHƯ LÀ VẬY! CÓ LẼ ĐÓ LÀ MỘT ''NHÀ VĂN HÓA'' LÀM CHÍNH TRỊ THEO CÁCH RẤT RIÊNG CỦA MÌNH CHĂNG ?
Đây là lời bàn của một bạn văn của tôi khi anh bàn về bài thơ  Xuân nhật túy khởi ngôn chí .
Cơ bản, tôi đồng ý với ý kiến này. Song trước khi bàn thêm về điều này, tôi muốn lưu ý đôi chút về dị bản của bài thơ.
Trong số 4 tập thơ Đường mà hiện tôi có trong tay, thì 3 tập thấy có văn bản bài thơ Xuân nhật túy khởi ngôn chí  ( XNTKNC ). Tiếc là, riêng tập "Đường thi tam bách thủ" của Hành Đường Thoái Sĩ (Trung Quốc) lại không thấy có bài thơ này.
Trong 3 tập có bài thơ XNTKNC, thì bản chữ Hán, câu thơ thứ 5 là: 覺來 庭前 ( âm Hán Việt là : Giác lai " phán" đình tiền, có nghĩa là, chợt tỉnh dậy nhìn ra sân trước ). Điều đáng nói ở đây, cùng mẫu tự Hán như nhau , song bản âm Hán Việt lại khác nhau ( đó là : phán, miên, miện ).
         Vậy, âm Hán Việt thế nào là chính xác ?
Căn cứ vào "Từ điển Hán Việt" của Đào Duy Anh, và "Từ điển Hán Việt" của Thiều Chửu, thì các từ trên có nghĩa như sau :
+ miên : ngủ, giấc ngủ, tình trạng mơ màng.
+ miện : liếc mắt, nhìn.
+ phán : nhìn một cách đẹp đẽ, nhìn mơ mộng.
Nếu chỉ căn cứ vào ngữ nghĩa của từ và văn cảnh của câu thơ, bài thơ, thì cả 3 cách dùng từ nêu trên đều có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào mẫu tự Hán, thì , là từ phán ( chứ không thể đọc là miên, hoặc miện ).
          Vậy nên, câu thơ này đọc là : " Giác lai phán đình tiền", trong khi chưa có bản gốc chữ Hán (hoặc những văn bản khác) để đối chiếu, so sánh...
Riêng tôi, tôi thích cách dùng từ phán hơn.

          3. Với Thi Tiên Lý Bạch, cuộc đời là giấc mộng lớn.  

Nói đến Đường thi-đỉnh cao của nền thi ca Trung Hoa và nhân loại nói chung, người ta không thể không nhắc đến Tứ trụ, đó là Lý Bạch-Bạch Cư Dị-Đỗ Phủ-Vương Duy. Trong cuộc đời mình, cả bốn vị này đều từng làm quan, lớn nhỏ khác nhau. Và người đời sau tôn xưng : Thi Tiên-Lý Bạch, Thi Thánh-Đỗ Phủ, Thi Phật-Vương Duy. Cả ba vị này sống cùng thời Thịnh Đường, riêng Bạch Cư Dị sống sau-thời Vãn Đường.
Trong số đó, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy chịu ảnh hưởng của Nho-Phật, riêng Lý Bạch lại là Nho-Đạo giáo, nghĩa là ông thi thư theo Nho giáo, song lại nghiêng về Lão Trang, thích ngao du thưởng ngoạn, tu tiên...
Hiểu chung về Lý Bạch là vậy, song cuộc đời ông lắm truân chuyên, quan trường đã trải, tù tội cũng từng...
Lý Bạch, tự Thái Bạch ( 701-762), gốc gác mãi vùng Lũng Tây (nay thuộc tỉnh Cam Túc), đến đời nhà Tùy, thì tổ tiên dời đến sinh sống tại đất Ba Thục (nay là tỉnh Tứ Xuyên). Làng quê ông có tên là Thanh Liên, vì thế, ông lấy hiệu là Thanh Liên cư sĩ.
Từ năm 25 tuổi, ông bất đầu ngao du khắp chốn, mong được thi thố tài năng, song mãi đến năm 42 tuổi mới được người quen tiến cử vào kinh đô Tràng An. Vua Đường Huyền Tông phục tài năng của Lý Bạch, song lại không mấy ưa tính tình phóng khoang, ngạo mạn, không câu nệ trên dưới của ông, nên chỉ coi là khách, dùng để xướng họa thơ phú làm vui. Vì thế, ông sinh chán ngán, bỏ triều mà dấn vào cuộc đời phiêu lãng, thù tạc, say sưa tửu nguyệt, thi họa làm vui...
Loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh xảy ra, ông theo phò hoàng tử Lý Lân. Khi ấy, vua Đường Huyền Tôn bỏ kinh đô Tràng An, chạy loạn vào Ba Thục. Thái tử Lý Hanh lên ngôi vua, phong cha là Huyền Tôn làm Thái thượng hoàng, liền xảy ra mâu thuẫn giữa Lý Hanh và Lý Lân. Lý Bạch xung quân đội của Lý Lân. Lý Lân thua, quân đội của Lý Lân bị bắt và giết chết hết, tan rã. Lý Bạch cũng bị bắt. Do công lao và tài cán, nên vua Đường-Lý Hanh không giết, chỉ cho hạ ngục Lý Bạch. Sau nhân xảy ra hạn hán, vua Đường ( Lý Hanh ) đại ân xá cho tù nhân, Lý Bạch mới được thả. Ông về sống ở tỉnh Giang Tô, sau bị ốm rồi chết. Ông có nhờ cạy người chú làm quan, soạn tập thơ Thảo Đường, đấy cũng là tập thơ đầu tiên của Lý Bạch được in ấn.
Hiện lăng mộ Lý Bạch ở chân núi Thanh ( thuộc tỉnh Giang Tô ). Về cái chết của ông, cũng lắm giai thoại, ý kiến khác nhau. Xét theo tiểu sử, nhiều người cho rằng ông chết do bệnh tật ( phiêu bạt, say sưa quanh năm suốt tháng, bản thân lại bị tù tội ). Còn thiên hạ yêu thơ, thì lại thiên về giai thoại, ông chết đuối, do một lần đi thuyền đêm trên sông, quá say sưa, nhảy xuống sông vớt bóng trăng dưới nước mà chết. Quả là, cái chết thi-tửu-nguyệt ấy của Lý Bạch thật đẹp ( nếu đúng là sự thật )?
Xuất phát từ cá tính, cuộc đời chìm nổi, theo quan niệm Lão Trang, đam mê tửu nguyệt, ngâm vịnh, thích ngao du thưởng ngoạn, nên việc Lý Bạch coi, cuộc đời là giấc mộng lớn- là hợp lý hợp tình. Không riêng gì ở bài thơ Xuân nhật túy khởi ngôn chí, mà trong các bài thơ nổi tiếng khác về tửu nguyệt ( như : Tương Tiến tửu, Đối tửu, Xuân nhật độc chước, Nguyệt hạ độc chước v.v... ), ông đều bộc lộ quan niệm này. Quan niệm đó, chi phối ý nghĩ, cách đối nhân xử thế, tư tưởng, cuộc đời và thi ca của ông.
Và như vậy, nó trở thành nhân sinh quan của Lý Bạch.

4. Một số bản dịch khác của bài thơ Xuân nhật túy khởi ngôn chí :
Hiện bài thơ này có nhiều người đã thử sức dịch. Không kể các bản dịch của bác bậc túc nho, một số bạn văn thơ của tôi đã dịch :

Đời người một giấc mộng đào
Tội gì khuya sớm thấp cao ống quần
Nghê nga bí tỉ xoay vần
Cơn mê mẩn với bao lần ngủ hiên
Vật mình tỉnh giấc mơ tiên
Sân nhà chim hót nhãn tiền hoa tươi
Hôm nay ngày mấy hả người ?
Xuân nồng nàn tiếng chim trời ca vang
Xúc cảm này muốn thở than
Cảnh tình bầu bạn nghiêng tràn cổ be
Trăng ngàn khúc hát đồng quê
Tình buồn tan tác bay về trời xanh…
          ( Nguyễn Vĩnh Tuyền dịch )

          Đời giống giấc mộng lớn
Sao lại phải lao đao?
Suốt ngày ôm be rượu
Ngủ say trước hiên nào
Chợt tỉnh nhìn ra ngõ
Chim hót khóm hoa chao
Hôm nay ngày gì nhỉ?
Giọng oanh gió đón chào
Cám cảnh muốn than thở
Đối tửu nghiêng bầu cao
Ca vang dưới trăng sáng
Quên phắt tình ngày nào.
( Vũ Đức Tân dịch )

Đời như giấc mộng lớn.
Vất vả chi cho phiền
Suốt ngày ta say khướt
Lăn quay ngủ trước hiên.
Tỉnh dậy ngó phía trước
Chim hót trong khóm hoa.
Hôm nay ngày nào nhỉ?
Tiếng xuân chim oanh ca.
Ta thở than xúc cảm.
Đối cảnh nghiêng trời cao.
Ca vang vầng trăng sáng
Quên tình buồn năm nao.
( Đặng Đình Nguyễn dịch )

Đời người tựa giấc chiêm bao
Cớ sao cứ phải lao đao nhọc lòng
Ngày dăm ba chén rượu nồng
Hiên nhà say ngủ cho lòng thảnh thơi
Tỉnh say sân trước ngó chơi
Líu lo oanh đã thả lời trong hoa
Giật mình ướm hỏi người ta
Ngày gì oanh hót mượt mà sáng xuân
Buồn đâu gợi cảnh xa gần
Bầu ngiêng thêm chén cho lòng nhẹ vơi
Nghêu ngao chờ ánh trăng soi
Hát xong quên hết sự đời buồn vui.

( Trần Quê dịch ).

2009

Nhận xét