Cổ du du hành, cảm quan vũ trụ của Thi Quỷ,


Người được mệnh danh là Thi Quỷ (đời Đường), ấy là Lý Hạ. Cùng với Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, người đời gọi Lý Hạ là Thi Quỷ. Cổ  nhân từng nhận định rằng, cơ trời đã khéo sắp đặt cho bốn thi nhân thiên tài ấy: Phật, Tiên, Thánh, Quỷ để cùng hội tụ trong một thời đại vương quyền (Nhà Đường )...

Theo một số tài liệu: "Thi Quỷ Lý Hạ 李賀 (790-816), quê ở Xương Cốc, Hà Nam, trung Quốc, thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường, cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, khi mới lên bảy đã biết làm thơ. Danh sĩ đương thời là Hàn Dũ nghe tiếng Hạ bèn cùng Hoàng Phủ Thực đến nhà. Hai người muốn thử tài nên bắt Hạ làm thơ. Hạ thản nhiên cầm bút viết ngay bài Cao hiên quá trình lên, hai ông xem xong đều kinh hoảng. Bài thơ Cao hiên quá có những câu vô cùng kỳ dị, nếu đúng là do một cậu bé làm ra như giai thoại được kể trong Thái bình ngự lãm thì hai nhà thơ đương thời có kinh tâm động phách cũng là điều dễ hiểu: Điện tiền tác phú thanh ma không/ Bút bổ tạo hoá thiên vô công... (hiểu nghĩa là: Trước nhà, làm thơ trình, thanh âm của bài thơ chạm vào bầu trời/ Ngọn bút bổ sung những chỗ khiếm khuyết bất toàn của tạo hoá một cách dễ dàng, không tốn chút công) ... "

Nếu đọc bài thơ Tràng Giang của Huy Cận, người ta đã hết lời khen về cảm quan vũ trụ bao la, thì không biết, khi đọc Cổ du du hành của Lý Hạ, sẽ thấy cảm quan về vũ trụ của ông đến nhường nào ?...

@ Bản chữ Hán:

古悠悠行

白景歸西山,
碧華上迢迢。
古今何處盡,
歲隨風飄。
海沙變成石,
魚沫吹秦橋。
空光遠流浪,
銅柱從年消。

@ Bản âm Hán Việt:

Cổ du du hành

Bạch cảnh quy Tây sơn,
Bích hoa thượng thiều thiều.
Cổ kim hà xứ tận,
Thiên tuế tùy phong phiêu.
Hải sa biến thành thạch,
Ngư mạt hấp Tần kiều.
Không quang viễn lưu lãng,
Đồng trụ tòng niên tiêu.
@ Dịch nghĩa:

Bài hành Thiên cổ mang mang,

Mặt trời đã lặn về núi Tây
Bầu trời đêm thì quá mênh mông
Đâu là cùng tận của xưa và nay đây?
Ngàn năm bay theo cánh gió
Cát biển thì đã hóa đá
Cá đang đớp bọt ở dưới cầu Tần,
Thời gian trôi đi thật chóng vánh
Trụ đồng rồi tiêu tan dần theo tháng năm.

@ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

Mặt trời đã xế đổ về tây
Đêm đến mênh mông bóng phủ dày
Chẳng biết xưa-nay đâu điểm tận
Mà tường muôn thuở gió còn bay
Cát vàng bãi biển thời hóa  đá
Cá bạc cầu Tần đớp bóng mây
Thấm thoát thời gian trôi chóng vánh
Trụ đồng năm tháng cũng mòn phai.
( Miền Mây Trắng dịch )

Núi Tây mặt trời lặn
Trời đêm quá mênh mông
Xưa nay đâu cùng tận?
Ngàn năm theo gió tung
Hóa đá rồi cát biển
Cá đớp dưới cầu Tần
Thời gian trôi chóng vánh
Tháng năm tan trụ đồng.
( Trần Mỹ Giống dịch )

Ác lặn chìm dần phía núi Tây
Bóng đêm tràn ngập chín tầng mây
Hai chiều kim cổ vô cùng tận
Vạn thuở xưa giờ tựa gió bay
Cát biển triệu năm thì hóa đá
Cá sông đớp bọt vẫn còn đây
Thời gian - vó ngựa qua song cửa
Trụ sắt tiêu tan cũng có ngày.
( Hoa Mai dịch )

Vầng dương về núi ngủ
Vũ trụ quá mênh mông
Vạn thuở đâu cùng tận
Ngàn năm theo gió bồng.
Cát trên bờ hóa đá
Cá dưới cầu đùa sông
Ngày lướt qua như gió
Thời gian tiêu trụ đồng.
( Thái Xuân Nguyên dịch )

Chiều buông ráng đỏ phía non tây
Lãng mạn đêm say bóng nguyệt đầy
Tạo hóa xoay vần thay cũ mới
Thiên nhiên biến đổi thế xưa nay
Nhìn trên bãi biển sa thành đá
Ngắm dưới cầu Tần cá đớp mây
Cảnh vật mơ hồ trôi dĩ vãng
Cột đồng thuở ấy chẳng còn đây.
( Hương Đất Bãi dịch )

Bóng ác ngả về tây
Trời đêm đã phủ dày
Xưa nay đâu cuối tận
Gió cuốn nghìn năm bay
Cát biển đà thành đá
Cầu Tần cá xoãi vây
Thời gian trôi chóng vánh
Đồng trụ rữa theo ngày.
( Sáu Miệt Vườn dịch )

2015

Nhận xét