Hoàng Hạc lâu, lâu đài thi ca tự cổ chí kim.




Cố thi sĩ Huy Cận, thuở trai trẻ, bước vào lâu đài thi ca khi trào lưu "Thi ca tiền chiến" mới khởi nguồn, bằng nhiều bài thơ hay, trong đó, có bài thơ Tràng Giang. Song hay và gợi, là hai câu cuối : " Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà ".
          Sau khi bài thơ ra đời, câu thơ ấy, dần trở thành nỗi niềm của lữ khách đường xa, và đến tận giờ vẫn thế.
          Các tâm hồn lớn thường gặp nhau, cách đó hơn nghìn năm, Thôi Hiệu, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường đã sáng tác bài thơ Hoàng Hạc Lâu bất bủ.
          " Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu "- Thật tuyệt cú. Hai câu kết này, âm Hán Việt đã hay, song qua bản dịch của cụ Tản Đà, lại càng hay, bởi thể thơ lục bát ( dễ thuộc, dễ nhớ ), mà vẫn hút được hồn vía của câu thơ, bài thơ nguyên gốc : " Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ".
           Vậy là, Huy Cận, khi nâng bút viết ra câu thơ nọ, hẳn đã bị ám ảnh, váng vất trong hồn câu thơ của Thôi Hiệu rồi.
          Giờ trở lại Thôi Hiệu với bài thơ Hoàng Hạc Lâu.



          Thôi Hiệu ( tức Thôi Hạo )- theo sách Đường Thi của học giả Trần Trọng Kim, chỉ ghi đơn giản : " Có tiếng hay thơ, nhưng người ta chê là người vô hạnh ". Còn theo sách Đường thi tam bách thủ của Hành Đường Thoái Sĩ  ( người Trung Hoa, tên thật là Tôn Thù, đỗ tiến sĩ năm Càn Long thứ 16 ), biên soạn, thì ghi chú rõ hơn : “ Thôi Hiệu (704 - 754), người Biện Châu ( nay là Khai Phong, Hà Nam ). Đỗ tiến sĩ năm Khai nguyên, làm quan đến chức Tư Huấn viên ngoại lang” .
          Ngoài Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu còn để lại một số bài thơ ( như  Trường Can hành, Hành kinh Hoa Âm… ). Thôi Hiệu vốn bản tính phóng khoáng, có lối sống phóng túng, it giữ gìn lễ nghĩa, nên người đời không ưa.
          Ở xứ Việt ta, nhiều người cũng hay nhầm lân bài thơ Đề tích sở kiến xứ là của Thôi Hiệu. Thực ra, bài thơ ấy, của một nhà thơ đời Đường nổi tiếng khác, là Thôi Hộ kia.
Còn Hoàng Hạc Lâu ( Lầu Hoàng Hạc )- gắn với bài thơ nổi tiếng này, ở phía tây bắc thành Vũ Xương ( tỉnh Hồ Bắc ). Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với truyền thuyết người trần cưỡi hạc thành tiên, bay đi mất. Người xưa đồn rằng, khi Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu, định làm thơ, ngửa mặt lên, đã thấy có đề bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu rồi, bèn gác bút. Là bởi, Lý Bạch tự biết, mình có làm thơ nữa, thì cũng không sao sánh nổi bài thơ của Thôi Hiệu. Thế đủ biết, bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu tuyệt hay và nức tiếng đến mức nào ?!


@ Nguyên tác chữ Hán:

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

@ Bản âm Hán Việt :

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

@ Dịch nghĩa :

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu ?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn!
Cho đến nay, có rất nhiều người dịch bài thơ này, như : Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Tản Đà và một số người khác v.v… Song, theo tôi, bản dịch của Tản Đà vẫn là hay nhất, không thể không dẫn ra đây:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng bay mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông lạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai .



@ Bản dịch thơ của người yêu thơ Đường:

Hạc vàng ai cưỡi đâu rồi,
Còn đây Hoàng Hạc bên trời đứng trơ.
Hạc vàng hút bóng thuở xưa
Nghìn năm mây trắng đến giờ còn bay...
Hán Dương lạnh bóng hàng cây
Cỏ thơm Anh Vũ bãi đầy xanh non.
Bóng quê chiều khuất hoàng hôn
Sóng sông gợi khói cho buồn lòng ai?
( Đặng Đình Nguyễn dịch )

Người xưa cưỡi hạc khuất tầng mây
Hoàng hạc lầu không vẫn chốn này
Hoàng hạc bay đi không trở lại
Ngàn năm lờ lửng áng mây bay
Hán Dương trời tạnh hàng cây đứng
Anh Vũ cỏ thơm bãi mọc dày
Lặng ngắm hoàng hôn đâu chốn cũ
Trên sông khói sóng chạnh buồn thay.
( Nhược Mộng dịch )

Hạc vàng người cưỡi khuất xa rồi
Hoàng Hạc Lầu trơ với nắng thôi
Muôn nhớ hạc xưa không trở lại
Ngàn thương mây cũ vẫn còn trôi
Hán Dương mưa tạnh cây soi bóng
Anh Vũ hương nồng cỏ tốt tươi
Bóng đổ chiều buông quê chợt nhớ
Sông sầu khói sóng dạ đơn côi.

( Nguyễn Xuân Sinh dịch). 

2010

Nhận xét