Gương mặt Simacai,



Đã lâu lắm rồi, tôi chưa trở lại Simacai, cái vùng đất mờ sương khói hư ảo nơi địa đầu đất nước, kể từ mùa đông năm 2007. Vậy là đã gần mười năm qua...
          Lần đi Hà Giang cuối thu rồi, tôi xuyên từ Bắc Quang, Quang Bình, vượt Cổng trời núi đất phía Tây, băng ngang Hoàng Su Phì, men dòng sông Chảy đến Cốc-pài, rồi lại từ Cốc pài men núi cao vực sâu mà đi cắt sang đất Lào Cai. Xe đến ngã ba Lùng Phìn, nhìn cái biển chỉ đường, rẽ phải - Simacai... km, vậy mà đành rẽ trái về thị trấn Bắc Hà. Chợ Lùng Phìn chiều muộn hết khách, lều quán chơ vơ trống huếch, lòng hiu hiu buồn. Nhẩm lòng, Simacai ơi, hẹn trở lại vào một dịp nào đấy gần nhất nhé. Xuôi về hướng Bắc Hà, ngủ thiếp đi trong tiếng xe lướt quanh co đầu dốc chân đèo...
          Mùa đông năm ấy, chỉ cách tết nguyên đán chưa đầy tháng, mấy phóng viên chuyên mảng văn hóa đời sống chúng tôi lên đường đi Tây Bắc, Việt Bắc để viết bài tết. Lịch đi hết cả tuần, nên chẳng vội vàng gì, cứ nhẩn nha, dọc đường gặp gì hay gì lạ thì dừng đấy mà viết. Bờ nam sông Hồng, qua Sơn Tây, sang đất Phú Thọ, ngược Cẩm Khê mà lên Yên Bái. Mất vài hôm, có chút thú vị, lấy cảm hứng rồi ngược dòng sông Chảy mà lên. Đây là lần đầu tôi chạy tuyến đường này nên khá nhiều ngạc nhiên thú vị. Đèo dốc không quá cao, song quanh co, khúc khuỷu, với nhiều cung bậc sông suối. Đến cửa ngõ Bắc Hà thì gặp sương mù dày đặc, xe dò dẫm trong sương mà đi, bên vực sâu, bên vách núi dựng đứng, có chút lo lắng, nhưng rồi cũng vào được thị trấn. Lại mất mấy ngày ở Bắc Hà, công việc bận rộn và kết thúc mỗi ngày là cuộc rượu đãi đằng nghiêng trời lệch đất.
          Simaicai, khi ấy, mới tách ra từ huyện Bắc Hà cũ. Thị trấn mới của huyện từ điểm giáp ranh Lùng Phìn ngược lên vài chúc cây số nữa. Dọc đường thấy mấy cải biển số chỉ đường, nào những Tả Củ Tỷ, Sán Chài, Nàn Sán,... đọc tên mà mường tượng cũng đã thấy những xa xôi, gian khó thế nào rồi. Khi anh lái xe bảo đã vào thị trấn, nhưng nào đâu thấy phố, thấy nhà, bao phủ là một bầu sương mù trắng xám. Ðúng trưa, trời rét nên đói bụng, trước hết là phải tìm quán ăn. Lần mò vạch sương mà tìm rồi cũng ra được quán ăn. Tình cờ mà lại ngon và ấn tượng lạ lùng. Bát đĩa được ngâm tráng trong chảo gang nước sôi sùng sục, món ăn thì thịt lợn giống địa phương rang cháy cạnh, gà bản địa thịt săn mềm và thơm, cá suối rán ròn, rau bò khai xào thịt bò tỏi, lòng lợn xào dưa chua, canh măng chua, măng luộc chấm chẩm chéo... Lúc thực khách chờ gọi món, lại được lót dạ bằng ngô và sắn nướng nóng hôi hổi lấy ra từ bếp than củi hồng rực, rượu ngon đổ tráng đĩa châm lửa cháy xanh lè tỏa mùi thơm dễ chịu khắp quán... Nói không ngoa, mới hít hà thôi nước miếng tứa ra vì thèm ăn. Như thế, hỏi sao mà không ngon được cơ chứ.
          Mấy ngày công việc ở Simacai, đi lại vất vả, song nhìn chung được việc, nên mọi người đều vui. Giàng A Giả, chàng nhân viên Phòng Nông nghiệp huyện, người Mông bản địa đã từng được gửi về học Đại gọc Kinh tế quốc dân Hà Nội, nói thạo tiếng Kinh, như con thoi đưa chúng tôi đến mọi hang cùng ngõ hẻm. Có lần vào bản Mông cheo leo, gặp trời mưa, dốc đất mấp mô đá, mấy chúng tôi phải dùng tay mà bấu víu bò lên, còn anh chàng nay cứ nhảy thoăn thoắt trên các mỏm đất đá mà chuyền như vượn. Lần ấy, tôi có đến Trạm biên phòng Sín Chải. Ðây là điểm giáp ranh với Trung Quốc. Trạm nằm kề bên bờ sông biên giới, phía đất ta địa hình khá bằng phẳng, còn bên kia đất bạn là vách núi dựng đứng. Quan hệ láng giềng ở khu vực này bấy lâu khá yên ổn. Bà con hai bên qua lại làm ăn vui vẻ. Các sĩ quan của trạm đều khá thạo tiếng Trung, tuy nhiên các anh vẫn thiếu một số sách tiếng Trung để phục vụ cho công việc. Giữ lời hứa với các anh, khi về Hà Nội, tôi đã tìm mua một số cuốn gửi lên trạm theo đường buu điện.
          Đường về, Giàng A Giả tiễn chân chúng tôi đến hết đất Simacai, và nhờ thế, tôi được hòa mình vào không khí náo nhiệt và đầy sắc màu của chợ phiên Cán Cấu cuối tuần. Có lẽ, đây là một chợ phiên khá đặc biệt ở vùng biên giới phía Bắc này. Về sự nổi tiếng, có thể chợ này không bằng chợ Bắc Hà  ( Lào Cai ), chợ Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc ( Hà Giang ), song theo tôi, chợ phiên Cán Cấu đặc trưng và ấn tượng hơn về sự nguyên bản sắc tộc. Giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác khi lần đầu ăn thắng cố ngựa tại chợ, hương vị quen quen là lạ khi nếm thử miếng bánh của người Mông có tên gọi là pà-cúa-dế được chế biến từ bột gạo nếp trộn với nước vắt giã từ một loại rau thảo dược có ở vùng rừng núi này... Rồi thêm nữa, là hình ảnh trạm y tế xã và ngôi trường tiểu học liền kề với mấy nữ nhân viên, giáo viên người dưới xuôi lên đây công tác, hoặc muộn chồng, hoặc có con nhưng phải nuôi con một mình. Những khuôn mặt chọt mừng vui vì được tiếp xúc với người dưới xuôi, lại là những người làm báo như chúng tôi, với hy vọng có thể thấu hiểu, chia sẻ, hơn nữa là nói hộ nỗi lòng họ, rồi ngay đó là sự thẫn thờ, cam chịu và thậm chí vô vọng vì cảnh ngộ hiện tại của mình... Với tôi, thật sự ám ảnh... Và đến bây giờ, nghĩ lại, vẫn còn dư vị cảm giác ấy!...
Giương mặt Simacai, hư ảo và sương khói của lần đầu gặp gỡ.

Lại chờ đợi cho lần gặp sau... ,/.

2017

Nhận xét