Năm rồi, mùa đông không mấy rét. Những ngày tết nguyên
đán Đinh Dậu tuy không thật rét như mong muốn của nhiều người, song cũng đủ
lạnh khô mỗi khi về đêm và buổi sáng, dù ban trưa ít nhiều có nắng ấm. Đến cuối
tháng giêng, trời đã dày sương lúc chiều chạng vạng và buổi sớm mai, kiểu trời
báo hiệu sắp có mưa phùn. Quả nhiên, sang tháng hai âm lịch, tiết trời âm u, mù
sương, mưa phùn mưa bụi lây phây cả ngày, đến mấy ngày, thậm chí suốt cả tuần.
Ai nấy, cũng kêu trời nồm ẩm khó chịu, nhất là những người mắc chứng hô hấp,
hoặc xương khớp. Người khỏe thì cũng thấy ỉu xìu, ươn ươn, khó ngủ. Ấy vậy, kêu
ca mà làm gì !...
Lâu rồi, tôi mới thấy tiết trời vùng Bắc bộ điển hình
nồm ẩm giêng hai đến vậy. Kiểu tiết trời này, ngày xưa là thường, hầu như năm
nào cũng na ná vậy. Có lẽ, tiết trời bất thường, không còn tuân theo hai mươi
bốn tiểu tiết, trên cơ sở phân đoạn lịch âm điển hình, đã trở thành phố biến,
và là sản phẩm của biến đổi khí hậu chăng? Ngày xưa, cũng có năm thất thường,
có hiện tượng thời tiết cực đoan, quá nóng, quá rét, song cơ bản là hài hòa,
tiết thuận, nghĩa là điển hình mùa nào ra mùa nấy. Chính vì thế, thiên nhiên
theo mùa, vạn vật, cỏ cây hoa lá thuận theo mùa, con người lâu thành quen, nó
ăn sâu bám rễ vào tiềm thức, trạng thái, tình cảm, tâm lý, cảm xúc...; rồi qua
đó mà ảnh hưởng đến phong tục, văn hóa, nghệ thuật, xã hội nữa... Giờ thì thất
thường và bất thường, thật đáng lo ngại đây chứ !...
Vâng, lại ngày xưa, tiết giêng hai nồm ẩm, với biểu
hiện đặc trưng là dầy mây, sương mù, mưa bụi mưa phùn lây nhây... Nhưng đấy là
mùa của hoa xoan tím ngát, mùa của hoa chanh, hoa cam thơm dìu dịu tinh khiết,
mùa của hoa bưởi sực nức vườn quê; rồi nữa hoa mơ hoa mận, hoa lê trắng xóa
sườn đồi... Nữa là, cỏ non tơ mơn mởn khắp chốn cùng quê. Lại nhớ câu thơ
Nguyễn Du: "Cỏ non xanh rợn chân
trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/ Thanh minh trong tiêt tháng ba/ Lễ
là tảo mộ hội là đạp thanh...", rồi câu thơ cổ Việt " Xuân
du phương thảo địa...".
Tiết trời này, rau khúc đồng cũng lên xanh mỡ, tha hồ
mà thu hái để làm món bánh khúc thơm ngon. Mùa thu cũng có rau khúc, nhưng khúc
thu già và cỗi hơn khúc xuân.
Cho đến khi, chợt trời nổi cơn giông, bầu trời thấp
thoáng lóe lằng ngoằng những tia chớp mảnh, rồi thoảng đâu đó từ xa xôi ì ầm
tiếng sấm, ấy là đã qua tiết tháng hai nồm ẩm, báo hiệu mùa hạ sắm đến. Cho đến
khi, chớp chới vài ba bông gạo đỏ đầu làng, cuối xóm, đầu non sườn núi, và vườn nhà ai, hoa lựu lập
lòe đâm bông...
Cuối xuân
bàng đã lá xanh,
Sót đôi chiếc
đỏ trên cành ngẩn ngơ,
Thôi đừng,
mùa đợi tháng chờ
Kìa bông hoa
lựu thập thò lửa nhen,...
Xuân 2017
Nhận xét
Đăng nhận xét