Non Tản, sông Đà,...



Vậy là tôi đã lên đỉnh non Tản, vào một ngày mưa, cuối tháng Ba âm lịch Đinh Dậu...
Cái duyên lên đỉnh non Tản cũng thật tình cờ.
Kênh VTC16 ( 3N ) - Kênh truyền hình Nông nghiệp-Nông thôn  của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức Lễ kỷ niệm tròn 7 năm thành lập tại Khu Resort Ba Vì, và tôi là khách mời. Lần đầu tiên tôi lên núi Ba Vì, loanh quanh dưới chân núi thì nhiều rồi. Thay vì ở cốt 400 thì lại nhầm địa chỉ, lên đến cốt 800, tận chân Đền Thượng, đền thờ Tản Viên Sơn Thánh.
Vậy là cơ duyên. Dù biết là giờ khai mạc lễ kỷ niệm kia đã định sẵn, thì đã lên đến đây, không thể không leo trèo mà lên đỉnh non Tản, kính viếng Đền Thượng. Trời se lạnh, lắc rắc mưa, hậu quả của đợt rét Nàng Bân thứ ba trong tiết cuối xuân đầu hạ này. Trong số mấy người, chỉ có tôi và một đồng nghiệp nữ thì chưa từng lên Đền Thượng. Vậy thì đã lên tới đây rồi, không thể không lên thăm viếng Đền Thượng. Thế là hai chúng tôi quyết tâm leo, và khi ấy, cũng chưa hình dung hết sự vất vả khi phải vượt hơn ngàn bậc đá để lên được đỉnh non Tản...
Khi leo những bước đầu tiên, chợt câu chuyện kể về hiệp thợ Chàng Thôn ( Thạch Thất ) được Thần Non Tản vời lên đỉnh núi để sửa chữa Đền Thượng trong truyện ngắn “ Trên đỉnh Non Tản “ của cố nhà văn Nguyễn Tuân, ùa về. Ngày xưa đọc, chỉ hiểu lờ mờ. Sau này, đọc lại, ngẫm nghĩ, mới hiểu được, ẩn giấu bên trong câu chuyện tâm linh kỳ bí và có chút hoang đường ấy, là khát vọng về sự chinh phục, về ý thức vươn lên của con người...
Trời vẫn lắc cắc mưa, áp lực về thời gian khi phải trèo cao, quả là một thử thách sức lực và ý chí của con người không nhỏ. Nữ đồng nghiệp đi cùng tôi, diện trang phúc đi lễ hội, váy liền guốc cao gót, thử hỏi leo trèo ngược núi sao đây. Mới chừng phần tư chặng đường, cô đã chững lại, muốn quay trở xuống. Cung cảnh ấy, tôi chẳng dám động viên cô leo tiếp. May thay, và lạ kỳ, đúng dịp nảy, Đền Thượng cũng sửa sang, nên có mấy người dân địa phương, được thuê vác gỗ, chuyển vật liệu lên đỉnh để tu sửa Đền Thượng,.. Thấy vậy, một người trong số họ bỏ dép đi chân đất, nhường đôi dép nhựa cho nữ đồng nghiệp của tôi mượn. Vậy là chúng tôi có thể song hành, quyết tâm leo tiếp...
Ngày nhỏ đi học, sách Giảng văn có bài về Truyện núi Tản Viên, truyền thuyết về Sơn Tinh-Thủy Tinh. Sau này, đọc thêm sách Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh nhuận chính, rồi nữa là truyện Sự tích một ngày đẹp trời của nhà văn Hòa Vang, có thêm tài liệu để suy ngẫm, phản biện, đối chứng và cái nhìn đa chiều về một sự tích, dù sự tich ấy đã hình thành hàng ngàn năm và ăn sâu bám rễ vào tâm thức người dân...
Đường lên cao, càng trèo càng quanh co dốc ngược. Gặp những người đi xuống, chào hỏi và động viên nhau vài câu, để có quyết tâm mà lên tiếp... Trong sự mỏi gốc và mệt nhọc, ý nghĩ trong tôi vẫn lẩn quẩn những câu chuyện về nguồn gốc Thần Tản Viên-Sơn Tinh... Nhiều người biết đến nguồn gốc thần tổ của Ngài, rằng Ngài là một trong trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong số năm mươi người con theo cha xuống biển, rồi từ biển ngài ngược cửa Thần Phù vào đất liền và lựa chọn núi ngọn Tản Viên Ba Vì mà định vị thành Sơn Tinh để có câu chuyện Hùng Vương thứ 18 ( Hùng Duệ Vương ) kén rể cho Ngọc Hoa công chúa, dẫn đến chuyện tranh đấu giữa Ngài và Thủy Tinh... Rồi nữa. từ cuốn Ngọc phả ở đền Lăng Xương ( Thanh Thủy, Phú Thọ ) khai lập từ năm 1011 đời Lê Thái Tổ ( niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 ) cho thấy nguồn gốc dân nghèo của Ngài với cái tên Nguyễn Tuấn ( con của ông bà Nguyễn Cao Hành-Đinh Thị Đen, cùng mẹ nuôi Ma Thị )... Cảm quan khoa học, hình như, theo thời gian, đã có một sự đồng hóa lẫn nhau trong quá trình hình thành thần tích giữa nguồn gốc dân nghèo với nguồn gốc thần thánh của Ngài ?...



Có lẽ, đây cũng là lần đầu, khi trèo bậc dốc viếng thăm các đền chùa, tôi có cảm giác không điều khiển được đôi chân của mình, khi đầu óc vẫn tỉnh táo với đầy lòng quyết tâm... Những đoạn nghỉ ngắn dần, hơi thở cũng gấp gáp hơn, mồ hôi đẫm lưng mặc dù tiết trời khí núi se lạnh. Ấy vậy mà những người dân vác gỗ lên sửa đền Thượng vẫn trèo thoăn thoắt, thản nhiên trò chuyện với nhau và động viên du khách, cứ như họ được thần thánh nâng bước vậy. Tôi cứ liên tưởng, rồi đồng hóa họ với các thành viên hiệp thợ Chàng Thôn được Thánh Non Tản đưa lên núi sửa đền trong truyện ngắn “ Trên đỉnh Non Tản “ của Nguyễn Tuân xưa.
Đến khi mệt mỏi không muồn bước nữa, thì cũng là lúc tai nghe được tiếng nhạc ngũ hành du đương trầm bổng, như nâng bước chân mình... Và rồi, chũng tôi cũng lên được Đền Thượng...
Hành lễ rồi, vẫn còn đền Mẫu trên cao hơn nữa. Lưỡng lự, định bái vọng, nhưng rồi như có au xui khiến, lại tiếp tục ngược dốc trèo nữa. Lên đến nơi, muốn đứt hơi, song bù vào đó, là cái cảm giác sảng khoái của kẻ đi chinh phục... Lại thấm thêm cái thông điệp mà cụ Nguyễn Tuân gửi gắm trong tác phẩm văn học của mình. Một tứ thơ váng vất trong đầu...
Lên cao  bao nhiêu lại phải xuống bấy nhiêu. Giờ không quá mệt nhọc, song lại có cái cảm giác chênh vênh, bẫng lẫng. Người đời bảo, khi lên mỏi gối, lúc xuống chồn chân,... Ngẫm cấm có sai !...
Trời đã bớt mưa, nhưng sương mù ngập lối cỏ cây. Cho dù vậy, cũng chọn góc, bấm máy được mấy khuôn hình non Tản, sông Đà, mây đùn như khói...
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chiều về, bên tách cà phê thư giãn, xả nỗi mệt nhọc, màn hình tivi lại đúng chuyên mục Chuyện văn học nghệ thuật, có phóng sự về nhà thơ Quang Dũng, chàng thi sĩ đích thực của vùng đất Sơn Tây, núi Tản sông Đà...

Những câu thơ của Quang Dũng, người con của núi Tản sông Đà ấy đã ám ảnh tôi một thời ... Và giờ đây, trên đỉnh non Tản, tôi đã được ngắm sông Đà uốn mềm mại dưới chân núi, và có thể ngắm “ xứ Đoài mây trắng lắm “  khi trời dứt mưa, hé nắng ... 
23.4.201

Nhận xét