Ơi cái màu hoa gạo,...



1.
Đã có lần, tháng ba, tôi lên Cao Bằng. Đi theo đường Lạng Sơn, qua Thất Khê rồi Đông Khê, khi về lại Bắc Kạn, Thái Nguyên. Đã cuối xuân, chớm hè. Những trận mưa rào sớm gột rửa bụi cho lá rừng. Lòng rạo rực rạng lên một màu hoa đỏ. Hoa trạng nguyên rừng, hay gọi theo cách gọi dân dã của bà con miền núi là hoa hàng rào, lấm chấm đỏ suốt dọc đường đi. Nhưng ấn tượng và mạnh mẽ hơn cả là màu đỏ của hoa gạo. Chợt nhớ rằng, người Tây Nguyên gọi loài hoa này là hoa pơ-lang, còn người miền núi đồng rừng phía Bắc gọi là hoa mộc miên. Lại nhớ, có một bài hát về hoa mộc miên từ nửa thế kỷ trước vào cái thời quan hệ hữu nghị Việt Trung anh em cực kỳ nồng ấm: ” Mỗi khi qua rừng biên giới lại thấy hoa mộc miên nở … Mộc miên hoa ơi… “. Ngày nhỏ, tôi đã nghe mấy người chị gái mới lớn tuổi bắt đầu biết yêu, nghêu ngao hát bài hát ấy, nghe chỉ thấy giai điệu thiết tha chứ nào có biết hoa mộc miên là hoa gì đâu…
          Cũng loài hoa đỏ ấy, cây gạo cổ thụ đầu làng tôi lại như một người lính gác ngày đêm đứng đó, đưa tiễn bao lớp trai làng lên đường ra mặt trận, hay ra đi lập nghiệp xứ người cho thỏa chí trai, rồi lại lặng thầm đón họ về dù họ thành công hay thất bại với sự bao dung chở che của xóm mạc. Năm lại năm, cứ mỗi độ tháng ba cây trổ những bông đỏ ối báo hiệu xuân qua hạ tới, khi công việc nhà nông cấy hái đã xong, đợi tháng năm thu hoạch mùa màng. Cây gạo biết bỏ qua những lời đồn đại của dân làng, của đám trẻ con theo kiểu thần cây đa ma cây gạo. Thân cây xù xì theo thời gian, và còn bởi đám trẻ đẽo gọt mắt gạo để làm những con dấu trò chơi. Rồi những hố hốc trên thân mỗi ngày một nhiều một sâu hoắm. Và cho đến một ngày nào đó cây gạo chết khô và người ta cưa thân trốc gốc. Mà chẳng riêng chuyện quê tôi, giờ đây nhiều làng quê không còn bóng gạo, không còn màu hoa đỏ chói mỗi tháng ba nữa. Nhớ lắm màu hoa đỏ ấy. Tôi cũng có dịp được ngắm hoa gạo ở chùa Keo-Thái Bình, hay ngắm cả một dòng kênh hai bên rực rỡ hoa gạo đỏ ở miệt biển Hải Hậu-Nam Định. Và bao giờ cũng vậy, màu hoa gạo đỏ cũng đem lại trong tôi một cảm giác ấm áp,bình yên, no đủ !...
Mấy năm trước là hoa gạo đỏ dốc đèo Pha Đin đường lên Điện Biên. Giờ là hoa gạo đỏ đường đèo Thất Khê, Đông Khê ( Lạng Sơn ), rồi Quảng Uyên, Trùng Khánh ( Cao Bằng ), nơi đồn biên phòng Đàm Thuỷ, chốt thác Bản Giốc…Tôi đã để ý, thấy mấy chiến sĩ biên phòng trẻ người miền xuôi lên biên giới làm nhiệm vụ, nhặt những bông gạo đỏ ném qua hàng rào trêu đùa  mấy cô giáo cắm bản.
Có một cái gì đó nhen nhóm, rồi cháy lên !...
Cháy lên...



2.
Cứ mỗi độ mưa xuân đã bớt bay, tiết nồm ẩm bí bách cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch cũng đã bớt, ấy là hạ đã ngấp nghé...
Trong bầu không khí ấy, ai mà chẳng nhớ câu thơ của Nguyễn Du “ Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông “. Câu thơ này hay về mọi nhẽ. Nhưng đấy là câu thơ của người vốn quen với “ cửa Khổng sân Trình “, dẫu là người có thấu hiểu nỗi đau nhân quần như Nguyễn Du đi chăng nữa... Và kẻ hậu sinh tầm thường là tôi, cũng từng bám theo cái bóng của cụ Nguyễn xưa, mà viết mấy câu thơ chơi: “Cuối xuân bàng đã lá xanh,/ Sót đôi chiếc đỏ trên cành ngẩn ngơ,/ Thôi đừng, mùa đợi tháng chờ/ Kìa bông hoa lựu thập thò lửa nhen,...
Chứ thực ra, màu lửa lựu vườn nhà, đầu tường cũng không thể ấn tượng bằng màu đỏ rực của hoa gạo.
Vẫn biết là mọi so sánh đều khập khiễng, song chốn đồng quê, nơi thôn trang, rừng dã, màu đỏ giục giã, rạo rực của hoa gạo, mới là sự báo hiệu nóng bỏng của mùa hạ, ngay từ khi nó mới chớm sang ...
Tôi là dân làm báo chuyên nghiệp, bản tính lại thích lang thang nay đây mai đó, không biết bao mùa rồi, mỗi khi bắt gặp màu hoa gạo, lòng lại bừng lên những khát khao chinh phục... Chẳng to tát gì khi nói đến khát khao chinh phục, đơn giản, chỉ là phải viết một chút gì đấy, tìm kiếm một cái gì đó, du nhỏ nhoi thôi, nhưng phải mới, phải khác lạ cho mỗi chuyến đi... Và tôi đã tự nhắc nhở, thúc giục lòng mình gắng vậy !...
Những câu thơ về màu hoa lửa ấy, cô đơn và khắc khoải, bừng cháy mà sẻ chia, tuoi mới v à hoài niềm, cứ thế, cặp đôi, song hành như một hành trong ẩn chứa trong sâu thẳm tâm can trong mỗi chuyến đi, nhất là mỗi mùa gạo trổ bông. Cùng là hoa gạo, trong những bài thơ cuazr mình rải rác theo năm tháng, tôi đã viết những câu: “Ơi cái màu hoa gạo/  Dắt ta về hoa niên/ Cô gái ngày xưa ấy/ Nhặt từng bông muộn phiền”; rồi đó là “Núi rừng nén tiếng thở dài/ Thung xa hoa gạo đợi hoài tháng ba,/ Hè còn ngấp nghé trời xa,...” ; và nữa, “ Riêng vài cây gạo núi,/ Cô đơn đứng lặng thinh/ Nở dăm bông lác đác,/ Chờ bừng đỏ rực mình,” v.v...
Mới đây, dịp cuối xuân Đinh Dậu, tôi và mấy người bạn thân, là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ vào xứ Thanh ( Thanh Hóa ) thăm các bạn viết sông ở Cẩm Thủy, Bá Thước... Chạy xe theo đường Hồ Chí Minh, đoạn giáp ranh giữa Hòa Bình và Thanh Hóa, bắt gặp mấy gốc gạo cội, hoa đỏ rực toàn cây, nổi bật trên nền xanh của lá rừng cùng màu hoa trắng xóa của loài cây rừng nào đó không rõ tên. Ấn tượng vô cùng.


Hơn nữa, chiều ấy, khi chúng tôi từ Cẩm Thủy, tìm đường xuyên xứ Thanh sang khu di tích Lam Sơn thuộc huyện Thọ Xuân, trên bờ dê sông Chu thuộc đất Yên Định, bắt gặp một cây gạo to, đứng đơn độc bên sườn đê, và ngạc nhiên sao, hoa gạo không màu đỏ thường thấy, lại có màu vàng cam. Đây là lần đầu tiên tôi thấy. Mà không riêng tôi, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền, họa sĩ Lã Minh Kính và nhà văn Nguyễn Trọng Huân cũng đầu bảo rằng, họ cũng chưa từng thấy hoa gạo màu này.
Chúng tôi dừng chân, tha hổ, mải miết chụp ảnh cây gạo hoa màu vàng cam với mọi góc độ, và xem như của hiếm của chuyến đi. Khi tôi đăng mấy bức ảnh trên Phây cá nhân thì có đôi ba người nói rằng đã từng thấy, từng biết nơi này, chỗ nọ xưa từng có cây gạo màu hoa đó, nhưng giờ đây chẳng biết có còn không?...
Với riêng tôi, ấn tượng càng thêm ấn tượng !

Và trong ý nghĩ, một tứ thơ đã nảy ...

2011-2017 

Nhận xét